⠀
Tại sao chúng ta cần phải quy hoạch ‘cái bên trong’?
Nhận thức là một quá trình tương tác hài hòa giữa cái chủ quan bên trong và cái khách quan bên ngoài. Nếu cái chủ quan bên trong nhân văn, hướng thiện thì chúng ta sẽ tiếp cận/tương tác với cái bên ngoài một cách nhân văn, hướng thiện. Còn nếu cái bên trong, hoặc thuần cảm xúc hoặc lý trí tới mức độc đoán thì chúng ta sẽ tiếp cận/tương tác với cái bên ngoài một cách u mê, lầm lạc.
Trong một ngôi chùa nọ có hai người ngồi kiết già, đối nhau thiền luận. Người thứ nhất hỏi:
– Ông thấy tôi ngồi thiền sao?
Trả lời:
– Đẹp lắm! Như Đức Phật!
Rồi người thứ hai hỏi ngược:
– Vậy ông thấy tôi ngồi sao?
Nghĩ ngợi một chút, người thứ nhất đáp lời:
– Như một đống phân bò.
Trả lời xong tự thấy đắc ý, vì đã tận dụng triệt để cái “quyền nói sau” để chơi bạn mình một vố không đỡ nổi, người thứ nhất về kể lại câu chuyện cho em gái rồi kết luận: “Vậy là anh thắng rồi”. Ai dè em gái bảo:
– Không anh ơi. Anh thua người ta rồi.
– Ủa, sao lại thua?
– Em hỏi anh giữa Đức Phật và một đống phân, hình ảnh nào cao quý hơn?
– Đương nhiên là Đức Phật.
– Đấy! Trong đầu người có Phật nên nhìn anh ngồi thiền người ta nghĩ tới phật. Trái lại, trong đầu anh có lẽ chỉ có phân nên nhìn người ta ngồi thiền hẳn hoi mà anh còn nghĩ tới phân.
Đấy là một giai thoại cũ, rất cũ nhưng sự sâu cay và ý nghĩa nhắc nhở của nó thì vẫn còn mãi cho tới khi nào con người còn cấu kết với nhau trong những tương tác xã hội. Bạn thử nhớ lại xem, bạn đã gặp những người giống như trong giai thoại này chưa? Cầu mong câu trả lời là chưa! Nhưng, nếu chẳng may câu trả lời là “có” thì khi gặp họ, làm việc cùng họ hoặc oái ăm thay là “ăn đời ở kiếp” với họ, chắc chắn bạn đã “ăn đòn đủ”. Họ chính là những người “lấy bụng ta suy ra bụng người”. Mà bụng người không chưa đủ, họ còn suy ra cả bụng xã hội, bụng nhân loại, thậm chí là bụng vũ trụ nữa (!?). Họ không có đủ năng lực nhận thức để hiểu rằng thứ nhất, bụng họ quy hoạch những vận động bên trong họ, bụng người khác quy hoạch những vận động bên trong bụng người khác. Và, về cơ bản, hai sự quy hoạch đó không đồng nhất. Thứ hai, bụng cũng chẳng phải là chỗ để tư duy. Nếu cứ dùng bụng mình để suy ra bụng người, nghĩ bằng bụng, nhận thức bằng bụng, tư duy bằng bụng (chứ không phải não) thì chắc chắn sai số là rất lớn. Mà, nếu chỉ sai số riêng với mình, để lại những hậu quả riêng cho mình thì đi một nhẽ, đằng này họ thường xuyên phán xét người khác trên hệ quy chiếu của… bụng mình. Cho nên, sự phiền phức, lôi thôi, khó chịu mà những người kiểu này tạo ra là dễ thấy.
Những người lấy bụng mình đo bụng người cũng thường là những người hẹp hòi, đố kỵ. Họ không chịu được cảnh những người khác giỏi hơn mình, giàu hơn mình, được trọng vọng, có tầm ảnh hưởng lớn hơn mình. Khi gặp những cảnh huống này, phản ứng dễ thấy nhất của họ là những câu cảm thán kiểu: “Ối dào, cũng chỉ đến thế thôi mà”. Rồi họ sẽ huy động, vận dụng tất cả những yếu tố sẵn có bên trong một cái bụng để cố tìm cho ra những lỗi sai, những góc khuất của những người hơn mình, từ đó thực hiện mục tiêu “hạ bệ”.
Khác với những người tư duy bằng bụng là những người tư duy bằng não. Từ bụng đến não rõ ràng là hai con đường, hai hành trình, hai thế giới khác hẳn nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp này lại xuất hiện những người tư duy bằng não một cách cực đoan, một chiều, đến mức cứ luôn luôn, nhất nhất tin là mình đúng. Họ tin là mình nói đúng, làm đúng, nhìn nhận đúng, phán xét đúng. Bằng chứng dễ thấy nhất là họ thường xuyên phán xét người khác và phán xét tất tần tật, từ A đến Z những vụ việc xã hội nổi cộm. Kể từ ngày xuất hiện mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, những mẫu người kiểu này lộ ra càng nhiều. Đối diện với họ, hoặc trong đời thực, hoặc trên không gian mạng mà “chẳng may” có ý kiến khác họ là bạn lập tức trở thành mục tiêu công kích của họ. Vì luôn tin là mình đúng nên họ cho rằng tất cả những gì khác mình (mới chỉ là khác thôi đấy, chứ chưa phải là trái ngược) đều sai và họ thường có xu thế vận dụng tất cả năng lực đàn áp để chỉ trích, thóa mạ những người, những điều mà họ tin là “sai”. Ở đây, họ tuyệt đối không có một năng lực vô cùng quan trọng của một người trưởng thành, đó là năng lực phản tư. Nghĩa là, họ không có ý thức phản biện lại chính những suy nghĩ sơ khởi của mình.
Ai cũng hiểu nhận thức là một quá trình, không ai dám nói trong quá trình ấy con người có thể đúng mọi nơi, mọi lúc, mọi khoảnh khắc và đúng từ đầu đến cuối. Có những chuyện hôm nay mình nghĩ là đúng nhưng ngày mai có thể là không đúng. Có những người hôm nay mình nghĩ là trắng nhưng ngày mai mới nhận ra không phải là trắng. Do vậy, năng lực tự phản biện chính mình, được thực hiện bằng những phép hoài nghi liên tiếp trước những sản phẩm tư duy sơ khai/bước đầu trước khi đưa ra một kết luận tương đối chắc chắn là năng lực vô cùng quan trọng. Do không có năng lực này nên ngay cả khi thấy những vận động thực tế diễn ra khác hẳn so với phán xét trước đó của mình, những kết quả thực tế khác hẳn những lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột của mình thì những người này cũng không chịu rút kinh nghiệm. Họ sẽ tìm mọi cách để ngụy biện, mọi lý do để “chèo chống” và mọi cơ hội để tấn công ngược trở lại những người nhắc nhở, cảnh báo mình.
Một kiểu người nữa nên “lưu ý” là những người sống hoàn toàn bằng cảm xúc. Đây là mẫu người mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “sáng nắng, chiều mưa, trưa râm râm”. Họ có thể không u tối, hẹp hòi như mẫu người thứ nhất (lấy bụng mình suy bụng người); có thể không độc đoán như mẫu người thứ hai (luôn luôn, nhất nhất tin mình đúng) nhưng họ thay đổi cảm xúc, thái độ và các quyết định cá nhân như “vận tốc ánh sáng”. Đừng bất ngờ nếu buổi sáng họ ca ngợi bạn, kể rất nhiều những điều tốt đẹp về bạn nhưng chỉ đến buổi trưa, sau khi nghe ai đó nói về những “góc ít biết” nào đó của bạn là họ lại quay sang lên án, chỉ trích bạn, rồi đến buổi tối, chỉ từ một ánh mắt, một nụ cười, một hành động nhỏ nhoi nào đó của bạn khiến họ cảm mến là họ lại say sưa tung hô bạn. Những người kiểu này khi đứng mũi chịu sào ở một gia đình, tổ chức thường có xu thế bắt người khác phải đoán biết và chạy theo cảm xúc của mình. Còn trong địa hạt tình cảm, họ có thể thay đổi người yêu, thậm chí thay đổi bạn đời một cách chóng vánh, nằm ngoài mọi suy đoán thông thường. Họ thường tin tưởng (mà thực chất là ngụy biện) rằng còn cảm xúc là còn sống, không còn cảm xúc chỉ là tồn tại. Họ không nhận thức được (hoặc không chịu nhận thức) rằng cảm xúc đúng là một yếu tố quan trọng của đời sống nhưng quy hoạch cảm xúc, quản trị cảm xúc và cân bằng cảm xúc còn quan trọng hơn bội phần. “Sự bùng nổ của lý trí, tốt thôi. Nhưng, tốt hơn và tốt nhất phải là lý trí của sự bùng nổ”. Nếu gặp họ và có cơ hội đưa cho họ một lời khuyên thì đấy chính là lời khuyên mà bạn có thể đưa ra.
Trở lại với câu chuyện hai người ngồi kiết già, đối nhau thiền luận ở đầu bài viết. Hẳn nhiên, chúng ta không u mê và cực đoan tới mức tin rằng những vùng tâm thức bên trong tuyệt đối quyết định những chuyển động bên ngoài. Vì nếu u mê và cực đoan như vậy thì chẳng nhẽ chỉ vì tâm ta sáng mà khi đứng trước những kẻ tàn ác, xấu xa, chúng ta cũng chỉ nhìn thấy toàn những điều tốt đẹp? Không! Chắc chắn là không thể như vậy được. Nhận thức là một quá trình tương tác hài hòa giữa cái chủ quan bên trong và cái khách quan bên ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu cái chủ quan bên trong nhân văn, hướng thiện thì chúng ta sẽ tiếp cận/tương tác với cái bên ngoài một cách nhân văn, hướng thiện, dựa trên tinh thần xây dựng và đối thoại. Còn nếu cái bên trong, hoặc thuần cảm xúc (không có bất cứ chất lượng lý trí nào), hoặc lý trí tới mức độc đoán (không có bất cứ chất lượng phản tư nào) thì chúng ta sẽ tiếp cận/tương tác với cái bên ngoài một cách u mê, lầm lạc. Vai trò dẫn đường của cái bên trong từng được kể lại rất lý thú trong một công án nổi tiếng của Thiền tông. Đó là một lần, có hai vị sư tranh luận nhau chuyện “vì sao lá cờ bay”. Vị sư thứ nhất bảo: Vì gió làm cờ bay. Vị sư thứ hai phản biện: Ông có nhìn thấy cái gọi là “gió” không? Làm gì có chuyện gió làm cờ bay, chẳng qua lá cờ tự bay đấy thôi.
Họ cứ tranh cãi như thế, không ai chịu ai, cho đến khi Lục Tổ Huệ Năng tình cờ đi qua. Họ nhờ Lục Tổ Huệ Năng phân giải và đây là câu trả lời súc tích nhưng lại mở ra sự ngẫm ngợi bao la của ngài:
– Lá cờ bay không phải do gió, cũng chẳng phải tự nó bay.
Hai vị sư ngơ ngác nhìn nhau không hiểu. Lúc này Lục Tổ mới giải đáp:
– Lá cờ không bay, tâm các ông đang bay đấy!
Đọc tới đây, không biết là tâm bạn đọc đang bay, đang đứng im, hay đang tư lự?
Theo PHAN MỸ CHÍ / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Tư duy - nhận thức