Tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam

Tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam đang làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.

Tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng

Số liệu thống kê về tài nguyên rừng cho thấy trong những năm gần  đây diện tích rừng tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm. Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng  đặc sản….cùng với diện tích rừng dễ xảy ra cháy tăng thêm hàng năm, thì tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam đang làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.

Trong vài thập kỷ qua, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi hàng chục ngàn ha rừng, trong đó mất rừng do cháy rừng khoảng 16.000ha/năm. Theo số liệu thống kê chưa  đầy đủ về cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong vòng 40 năm qua (1963 – 2002) của Cục Kiểm lâm cho thấy tổng số vụ cháy rừng là trên 47.000 vụ, diện tích thiệt hại trên 633.000 ha rừng (chủ yếu là rừng non), trong đó có 262.325 ha rừng trồng và 376.160 ha rừng tự nhiên. Thiệt hại  ước tính  mất hàng trăm tỷ  đồng mỗi năm,  đó là chưa kể  đến những ảnh hưởng xấu về môi trường sống, cùng những thiệt hại do làm tăng lũ lụt ở vùng hạ lưu mà chúng ta chưa định lượng được và  làm giảm tính đa dạng  sinh  học,  phá  vỡ  cảnh  quan;  tác  động  xấu   đến  an  ninh  quốc phòng….Ngoài ra, còn gây tổn hại đến tính mạng và tài sản của con người. Cháy rừng xảy ra do tác động của nhiều nguyên nhân, các nhân tố ảnh hưởng này bao gồm các yếu tố tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội và các chính sách liên quan như công tác quản lý, điều hành … dự báo và phòng ngừa cháy rừng.

Thứ nhất là các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng tới cháy rừng. Các nhân tố này được hiểu là điều kiện thời tiết và các nhân tố khí tượng, đây là các tác nhân cho sự phát sinh, phát triển của một đám cháy rừng. Các nhân tố này bao gồm:

– Nhiệt độ: Nhiệt độ là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cháy rừng như làm khô, nỏ vật liệu cháy; làm độ ẩm không khí giảm và bề mặt  đất nóng lên … ;
– Độ ẩm: Bao gồm độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy và độ ẩm bề mặt đất;
– Gió: Là nhân tố ảnh hưởng rất nhiều đến cháy rừng, gió thúc đẩy nhanh quá trình làm khô vật liệu cháy; làm bùng phát ngọn lửa và  đẩy nhanh tốc độ đám cháy; mang theo tàn lửa gây ra các đám cháy khác, làm đám cháy phát triển nhanh và lan rộng.

Ngoài ra, các yếu tố tự nhiên còn bao gồm điều kiện địa hình, kiểu rừng và loại thực bì, và các nguyên nhân khác. Các yếu tố này đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cháy và nguy cơ cháy rừng, cụ thể:

– Kiểu rừng và loại hình thực bì: Có liên quan trực tiếp tới nguồn vật liệu cháy, tính chất và khối lượng vật liệu cháy do đặc điểm của kiểu rừng và loại hình thực bì quyết định, từ đó dẫn đến tính bắt lửa và quy mô đám cháy.

– Địa hình: Có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cháy rừng và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đám cháy; có tác dụng ngăn chặn các hệ thống gió, hình thành các khu vực tiểu khí hậu khác nhau như: tạo ra các khu vực thường xuyên có mưa hoặc các khu vực khô hạn ít mưa.
– Nguyên nhân khác: Trên thế giới đã xảy ra hiện tượng cháy rừng do sấm, sét gây ra. Ở Việt Nam nguyên nhân này đến nay chưa có thông tin nào cập nhật. Đạn, thuốc súng còn sót lại trong chiến tranh nằm ở trong rừng gặp thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao gây nổ dẫn tới cháy rừng. Nguyên nhân này xảy ra chủ yếu ở khu vực miền Trung.

Thứ hai là ảnh hưởng của điều kiện kinh tế – xã hội tới cháy rừng bắt nguồn từ các hoạt động xã hội và các hoạt động sản xuất của con người. Đốt rừng làm nương rẫy ở miền núi và đốt rơm rạ ở đồng ruộng gây cháy rừng, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, đốt dọn ven đường xe lửa,   đốt dọn và làm đường giao thông; hun khói để lấy mật ong gây cháy rừng….Vào rừng khai thác gỗ, củi vô ý gây cháy rừng. Nhiều diện tích rừng trồng xong không  được chăm sóc kịp thời làm giảm nguồn vật liệu cháy nên về mùa khô gặp tàn thuốc lá là bốc cháy.

Cuối cùng là ảnh hưởng của chính sách, được hiểu là công tác điều hành, quản lý của các cấp liên quan tới công tác phòng chống cháy rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã có hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được củng cố và hoàn thiện tới cấp xã và đã triển khai mạnh mẽ các hoạt  động về phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp. Tuy nhiên, việc kiểm soát cháy rừng và hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao do các nhân tố ảnh hưởng sau:

– Thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống cơ sở về lĩnh vực PCCCR. Công tác chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời và chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị chỉ đạo, chỉ huy.
– Không có lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách, trong khi Luật phòng cháy, chữa cháy có quy  định.
– Nhiều địa phương kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như: cuốc, xẻng, dao phát, v.v.
– Sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng chưa nhịp nhàng, chưa thống nhất, kém hiệu quả, lúng túng trong chỉ đạo điều hành, không phân  định rõ cơ chế chỉ  đạo,  điều hành và cơ chế phối hợp.
– Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy rừng một cách chủ động và tích cực

Từ phân tích ở trên có thể thấy BĐKH sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam. Tuy nhiên nghiên cứu về vấn đề này hầu như rất hạn chế. Vũ Tấn Phương và cộng sự (2008) đã tiến hành đánh giá về nguy cơ cháy rừng ở vùng Bắc Trung bộ và Tây Bắc. Kết quả đánh giá cho thấy:

– Ở vùng Bắc trung bộ, nguy cơ cháy rừng sẽ tăng trong các thập kỷ tới. Các tháng có nguy cơ cháy rừng cao là tháng 5, 6 và 7. Nguy cơ cháy rừng vào năm 2020 tăng hơn so với năm 2000 từ 6 – 40%; năm 2050 là từ 16 – 52% và vào năm 2100 là từ 51 – 85%.
– Ở khu vực Tây bắc bộ, nguy cơ cháy rừng tăng cao vào các tháng 12, 1, 2 và 3, đặc biệt là tháng 12 và tháng 1. Nguy cơ cháy rừng tăng vào năm 2020 trong các tháng trên là từ 5-41%; vào năm 2050 là từ 16 – 35% và vào năm 2100 là từ 25 – 113%.

Với các vùng khác nguy cơ cháy rừng cũng đều tăng. Vùng Đông Bắc nguy cơ cháy rừng tăng cao vào các tháng 1, 2 và 3; vùng Nam trung bộ là từ tháng 3 – 6; vùng Tây nguyên là từ tháng 3 – 5; vùng Đông Nam bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long là từ tháng 1 – 4.

Theo OCCA.MARD.GOV.VN

Tags: ,