Tạ Quang Cự: Con đường trở thành ngôi sao quân sự của triều Nguyễn

Nếu Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền là hình mẫu các ngôi sao chính trị của triều Ming Mạng, những người thăng tiến từ chuyên viên lên bộ trưởng trong một thập niên thì Tạ Quang Cự tiêu biểu cho cách thức vươn tới quyền lực của một võ quan cao cấp. Hành trình chốn quan trường của viên tướng này phản ánh sự chuyển giao của hai thế hệ quân sự ở Việt Nam đầu thế kỷ 19: thế hệ võ tướng Gia Long sang võ tướng Ming Mạng.

Dấu tích Võ miếu (Huế) – nơi ghi công các tướng triều Nguyễn.

Thế giới các tướng quân của Gia Long là một không gian chật chội, đầy sự ghen tị, nghi kỵ, dèm pha, bức tử và tự sát. Từ Đỗ Thành Nhân, Lê Văn Quân tới Nguyễn Văn Thành là một chuỗi nối dài các lịch sử oai hùng và bi thảm của nhiều tướng lĩnh hàng đầu phụng sự Nguyễn Phúc Ánh. Đỗ Thành Nhân bị giết ở Gia Định vì thao túng quyền lực. Lê Văn Quân, viên chỉ huy quân sự hàng đầu của Nguyễn Phúc Ánh (trước Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Văn Thành…) đã tự sát sau một loạt thất bại và mâu thuẫn với Võ Tánh (1791).

Võ Tánh tự sát vào năm 1801 khi bị Tây Sơn vây ở thành Quy Nhơn nhưng cuộc đấu giữa các tướng lĩnh sẽ không dừng lại. Lê Chất, viên hàng tướng Tây Sơn nhanh chóng được Nguyễn Phúc Ánh tin dùng, sẽ liên minh cùng với Lê Văn Duyệt trong một thế trận cạnh tranh quyết liệt với Nguyễn Văn Thành và nhóm Bắc Hà như Đặng Trần Thường, Vũ Trinh, Nguyễn Gia Cát.

Cuộc chiến kế vị giữa hoàng tử thứ tư (Nguyễn Phúc Đảm) và cháu ông (đích tôn của Gia Long, con trai hoàng tử Cảnh) nhanh chóng biến thành một cuộc thanh trừng giữa hai phe tướng lĩnh. Hệ quả là sự nổi lên của Lê Văn Duyệt và Lê Chất trong triều đình Ming Mạng (1820-1841).

Khi Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân mất năm 1822 (quân đội nhà Nguyễn chia làm Ngũ quân: Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung) và Chưởng Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên mất năm 1824, Ming Mạng càng bị đặt vào thế kẹt khi cán cân quân sự trong triều đình nghiêng hẳn về phe Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Không phải ngẫu nhiên mà sử triều Nguyễn là “Đại Nam Thực Lục” và “Đại Nam Liệt truyện” bắt đầu ghi chép về sự gia tăng các hành động khi quân, ép vua của hai viên tướng này từ 1824.

Thực tế, Ming Mạng lệ thuộc vào hai viên chỉ huy này để ổn định hai miền Bắc – Nam. Lê Chất, quản lí Hậu quân, đã phải liên tục đánh dẹp từ Nghệ An ra Bắc cho tới khi qua đời năm 1826. Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt là nhân vật không thể thay thế cho công cuộc ổn định tình hình hạ lưu Mekong và giữ gìn an ninh ở Campuchia tới năm 1832.

Nhưng, nhà vua cũng có chiến thuật riêng để tạo ra một cấu trúc quyền lực mới nhằm tạo ra đối trọng với các viên võ tướng của vua cha. Thứ nhất, ông gia tăng quyền lực của phe dân sự bằng cách thăng Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Hữu Thận lên hàm chánh nhất phẩm (Hiệp biện đại học sĩ) (Lê Văn Duyệt và Lê Chất giữ hàm chánh nhất phẩm). Thứ hai, tìm kiếm các tướng lĩnh quân sự mới trung thành với nhà vua.

Đó là lúc Tạ Quang Cự xuất hiện.

Sinh năm 1772 (theo “Liệt truyện”) ở Thừa Thiên, Tạ Quang Cự gia nhập quân Nguyễn từ năm 1802 nhưng tới 1823, ông vẫn chỉ là Cai đội (53 tuổi, hàm chánh ngũ phẩm). Không gian chật hẹp của sân khấu quân sự thời Gia Long chắc chắn đã cản bước tiến của những người gia nhập muộn. Tuy nhiên, chỉ một thập niên sau khi nằm trong quy hoạch của Ming Mạng, viên tướng này đã tăng 9 cấp và trở thành một trong các chỉ huy quân sự được nhà vua ưu ái nhất. Sử nhà Nguyễn mô tả Tạ Quang Cự làm việc rất hợp ý hoàng đế và hầu như ông ít bị trách phạt. Đến cuối thời Ming Mạng, nhà vua cho dựng bia Võ công và ông được dự vào một trong 5 vị tướng hàng đầu.

Hành trình ngoạn mục của Tạ Quang Cự bắt đầu với biến động dọc theo biên giới Nghệ An, nơi quân Xiêm bắt đầu đẩy mạnh ảnh hưởng tại các Mường Lào. Năm 1827, Tạ Quang Cự được đưa tới Trấn Ninh để giúp ổn định tình hình thổ dân bị người Thái mua chuộc, cướp bóc và gây sức ép. Ông nhanh chóng thu phục các thủ lĩnh địa phương, bắt tù trưởng Trấn Ninh đưa về Huế và 2 năm sau được giao “quyền lĩnh ấn vụ Phòng ngự sứ Trấn Ninh [Muang Phuan]”.

Liên tục được thăng chức, tới năm 1829, ông là Chưởng vệ sự vệ Cẩm y (tòng nhị phẩm) và vẫn toàn quyền xử lý việc Trấn Ninh. Thực lục chép, “Vua thấy Quang Cự trước đến Trấn Ninh biết tùy cơ lập mẹo, bắt sống được Chiêu Nội đem về cửa khuyết, vẫn thường khen nên trao cho chức ấy”.

Chỉ một tháng sau đó, Ming Mạng ra một đạo dụ khác:

“Từ khi phái bọn Tạ Quang Cự và Tống Văn Uyển đến trú phòng Trấn Ninh, xông pha lam chướng, tự mùa đông đến mùa xuân, lòng ta vẫn nghĩ đến, chẳng biết bọn ngươi gần đây có khỏe mạnh không? Và biền binh tướng sĩ có được mạnh khỏe không? Cho Quang Cự làm sớ tâu lên cho ta yên lòng. Trước đây, ngươi làm việc bắt Chiêu Nội rất tốt, chưa biết từ năm ngoái đến nay đầu mục thổ dân hạt ấy có được yên ổn không? Cũng tâu lên một thể. Từ nay về sau bất cứ có việc hay không, mỗi tháng phải 2 lần báo tin bình yên cho trấn Nghệ An để được thông tin tức. Nay thưởng cho Tạ Quang Cự một thanh gươm Tây dương đầu sư tử mạ vàng, áo quần, chăn, khăn, quạt cộng 10 cái, thưởng cho Tống Văn Uyển, Cao Khả Tuyên mỗi người 5 cái cũng như nhau, cùng thưởng cho bọn quan binh các thứ thuốc, để tỏ ý trẫm thương nhớ quan binh lớn nhỏ khó nhọc ở chỗ biên thùy”.

Và Ming Mạng đã không phải chờ lâu. Đúng 3 tháng sau, Tạ Quang Cự tấu: tù trưởng phản loạn đã bị tiêu diệt, dân chúng lưu tán được khuyến khích quay về. Trật tự vùng biên phía Tây được xác lập. Bản tấu nhận được lời phê của Ming Mạng: “Xem tờ tâu rất vui mừng, trẫm không phải lo về mặt Tây nữa. Đấy là công sức của bọn ngươi. Cố gắng đi, trẫm không phụ người tốt đâu”.

Nhà vua cũng bảo với quan Binh bộ Lê Văn Đức: “Không ngờ Tạ Quang Cự lại làm việc giỏi như thế. Cái việc tha tù, trẫm vừa ý nhất. Nhớ năm trước Phan Văn Thúy kinh lược Nghệ An về đã đề cử Quang Cự ở trước mặt ta, xem ra thực là người giỏi. Thúy cũng đáng gọi là biết chọn người thờ vua. Vậy phát sa đoạn trong kho mỗi thứ 3 tấm cho con là Phan Văn Cửu, Cai đội Cẩm y, đem đến cho để khuyến khích kẻ tiến được người hiền”.

Cùng với sự tưởng thưởng này, 2 tháng sau, khi đạo quân chiến thắng trở về, nhà vua tiếp tục xuống dụ khen, cho ăn yến, xem tuồng ở Binh bộ đường và thăng lên Thống chế.

Ming Mạng rõ ràng đang khát khao xây dựng các biểu tượng quân sự mới cho triều đại mình. Ông sẽ giao cho Tạ Quang Cự làm Tổng đốc An – Tĩnh và giao cho viên tướng này giải quyết các điểm nóng quân sự từ biên giới Việt Lào tới Việt Trung. 1833, Quang Cự dẹp tan các hoạt động quân sự ở miền thượng du Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Hóa, bắt con cháu nhà Lê cũ đưa về Huế. Nhà vua thưởng cho ông cái nhẫn nạm vàng có 3 hạt ngọc to bằng hạt đậu lớn, 1 chi nhân sâm chính Quan Đông, 2 chi nhân sâm Cao Ly và úy lạo: “Ngươi xông pha khí độc, may được khỏe mạnh, trấm rất vui mừng nhưng còn lo về không quen chịu thủy thổ hoặc thành bệnh, nên khéo tự bổ dưỡng để làm người dùng cho nước nhà, còn như dược phẩm, đã có của công, trẫm có tiếc gì đâu!”.

Khi Nông Văn Vân nổi lên ở Cao Bằng, Tạ Quang Cự được điều lên cứu viện. Ông giúp giải vây thành Lạng Sơn, chiếm lại tỉnh thành Cao Bằng, rồi sau đó cùng với Phạm Văn Điển dập tắt phong trào này. Khi phát hiện Nông Văn Vân chạy qua biên giới, sang đất Thanh, Tạ Quang Cự mật phái thị vệ mang thổ dõng hơn 100 người giả trang làm người Thanh, thuê người Thanh trả công thật hậu để hướng dẫn đuổi bắt. “Liệt truyện” cũng chép, “Ming Mạng cho Quang Cự trải gian hiểm đạt mưu mô, sớm lập công lớn, thưởng một cái nhẫn nạm kim cương, một cái bài đeo bằng ngọc trắng có chữ phúc thọ. Tới khi về kinh ra mắt, vua thương vì khó nhọc, cho làm lễ ôm đầu gối, lạ thân rót rượu hậu đãi úy lạo. Cho một con hươu bằng vàng, tỏ ý cho được chịu lộc nước lâu dài…”.

Đến năm 1836-1837, Tạ Quang Cự lại quay trở lại Thanh Hóa, Ninh Bình, nơi ông đặt dấu chấm hết cho các hoạt động quân sự của con cháu nhà Lê tại miền thượng du, giải giáp vũ khí của nhiều cộng đồng thiểu số bằng cách thu hàng nghìn súng điểu thương…

Dự án nhà nước tập quyền và quản lí lãnh thổ của Ming Mạng chắc chắn sẽ gặp phải thử thách hơn rất nhiều nếu như không có sự góp mặt của Tạ Quang Cự.

Đến khi Thiệu Trị lên ngôi (1841), Tạ Quang Cự đã đứng đầu hàng võ quan. Có 3 quan chức được nhà vua ưu ái gọi tên chức quan (mà không nhắc tên riêng) là Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Tạ Quang Cự.

Cuối cùng, một trong những thách thức lớn nhất của các hệ thống quyền lực mới là làm thế nào kiểm soát được phe quân sự và tạo ra sự cân bằng của các nhân vật cũ, kỳ cựu với các nhân vật mới, có nhiều sự gắn kết hơn với chính quyền vừa được tạo dựng. Quá trình tái xác lập trật tự quân sự này là cơ hội của các viên chức tầm trung có năng lực như Tạ Quang cự, Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ… bắt nhịp và thăng tiến nhanh trong hệ thống mới. Tài năng giúp họ khẳng định vị thế nhưng cũng đừng quên khung cảnh chuyển giao quyền lực có ý nghĩa như thế nào đối với bước đường thăng tiến của những nhân vật này.

Theo VŨ ĐỨC LIÊM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,