Suy ngẫm ngày Quốc khánh: Kẻ thù lớn nhất là sự tha hóa

“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn gấp bội”. Luận đề này như một châm ngôn, đúng với mọi thời đại, mọi chế độ chính trị, mọi cuộc cách mạng.

Suy ngẫm ngày Quốc khánh: Kẻ thù lớn nhất là sự tha hóa

Phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương năm 2013.

– Vào mỗi dịp Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, cảm xúc nào đến với ông đầu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn và xung đột những năm gần đây, thưa ông?

– Về cảm xúc của tôi trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, tôi cảm nhận 2 điều: Thứ nhất, sự tác động của phong trào “Mùa xuân Ả rập” 2 năm gần đây khiến tôi suy nghĩ rất nhiều xung quanh một luận đề của Lenin, đó là: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn gấp bội – Luận đề này như một châm ngôn, đúng với mọi thời đại, mọi chế độ chính trị, mọi cuộc cách mạng.

Cảm nhận thứ hai, đặt trong mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và thế giới, tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng của chúng ta đi được một chặng đường dài nhưng chưa tới đích. Ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh đuổi thực dân để giành độc lập dân tộc, đem lại ruộng đất cho nông dân chỉ là mục tiêu trước mắt, là cái phải đạt tới. Nhưng vượt qua mục tiêu đó, cao hơn, xa hơn là mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một đất nước độc lập, tự do, người dân phải được thụ hưởng một đời sống thực sự ấm no, hạnh phúc. Điều đó thì tôi cho rằng, chúng ta chưa đạt được, mới đi được nửa đường thôi.

– Liên quan tới luận điểm của Lenin, Bác Hồ cũng đã từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo ông, để giữ nước trong thời bình, chúng ta phải chiến thắng kẻ thù nào?

– Lịch sử đã mách bảo chúng ta, nguy hiểm lớn nhất chính là sự tha hóa của cơ quan công quyền. Vì thế, Đảng ta cũng đã nói trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đại ý rằng: Quan liêu, tham nhũng, sự tha hóa về chính trị, đạo đức lối sống đã làm giảm lòng tin của nhân dân, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Như vậy, chúng ta nhận thức rất rõ nguy cơ này. Nhưng từ nhận thức đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách. Tôi đã từng viết rằng: Hóa ra con đường xa nhất không phải con đường từ Trái đất đến sao Kim, sao Hỏa, mà là con đường từ lời nói tới việc làm.

– Vậy theo ông, điều mà chúng ta gặp phải là chúng ta chưa dám nhìn vào những sai lầm nội tại để sửa chữa, khắc phục?

– Thật ra thì Đảng ta đã nhận thức cơ bản đầy đủ và đúng đắn về những mặt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm chứ không phải không nhận thức ra. Nhưng vấn đề như tôi đã nói, từ nhận thức đúng đến hành động đúng lại có một khoảng cách xa. Khó khăn nhất là ở chỗ này. Việc chúng ta chưa quyết tâm hành động lại hoàn toàn phụ thuộc vào lý do chủ quan là chủ yếu.

Nên nhớ, sự nghiệp cách mạng là một cuộc khám phá, đúng ra là vừa thiết kế vừa thi công, vừa chạy vừa xếp hàng chứ làm gì sẵn có mô hình nào để chúng ta làm theo. Khi giai cấp tư sản đập tan chế độ phong kiến mấy trăm năm trước, họ cũng phải trải qua bao nhiêu thăng trầm mới phát triển như bây giờ. Quan trọng là mỗi lần khủng hoảng, họ lại nghiến răng chịu đau, nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân để khắc phục.

“Chúng ta có quyền tự hào và phải tự hào về sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 80 năm qua. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa làm được đầy đủ nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người cả cuộc đời đấu tranh vì độc lập, hạnh phúc, tự do của dân tộc – là đem lại sự ấm no, hạnh phúc trọn vẹn cho nhân dân”.

Ông Lê Văn Cương

.

Như ông từng nói, trong một thế giới toàn cầu hóa, không có quốc gia độc lập hoàn toàn mà chỉ là tương đối bởi tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng dường như độc lập của một quốc gia lại phụ thuộc vào tiềm lực của quốc gia đó?

– Đúng thế, quốc gia có kinh tế phát triển, sự cạnh tranh của nền kinh tế cao thì quốc gia đó có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền. Còn nền kinh tế còi cọc thì không thể bảo vệ quốc gia, không rơi vào sự lệ thuộc của nước này thì cũng lệ thuộc vào nước khác, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Thậm chí, độc lập chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, còn thực chất bên trong đã bị nước khác chi phối. Đó là lời cảnh báo đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

– Ông có thể lý giải tại sao dân tộc Việt Nam khi có ngoại xâm thì phát huy sức mạnh to lớn của mình, nhưng đến thời bình thì dường như sức mạnh không còn được phát huy ở mức cao nhất?

– Các nhà sử học cũng đã chứng minh rằng, dân tộc ta có truyền thống yêu nước cao độ nên mỗi khi có giặc ngoại xâm, như bản năng của miếng cao su, cứ đụng vào là bật trở lại. Còn đúng là sau khi độc lập thì tính cấu kết trong cộng đồng dân tộc có phần suy giảm. Nhưng cần nhớ rằng, trong lịch sử cũng có những giai đoạn sau khi độc lập, dân tộc Việt Nam cũng phát triển thăng hoa rực rỡ như thời Lý, Trần, thời Vua Lê Thánh Tông… Điều này nói lên rằng, lịch sử để lại dấu ấn đâu đây, sau khi độc lập rồi, bao giờ dân tộc ta cũng gặp phải những vấn đề về nội bộ. Nhưng vượt qua sự khó khăn, thử thách đó rồi thì chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ.

– Xin cảm ơn ông!

Theo DÂN VIỆT

Tags: , , ,