Sức sống của tín ngưỡng thờ nữ thần trong dòng chảy văn hóa Việt

Với người Việt, đất Việt – quốc gia có truyền thống sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước – nền văn hóa thiên về âm tính. Đặc trưng âm tính này chính là xuất phát điểm của lối sống xã hội thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là thờ nhiều nữ thần.

Sức sống của tín ngưỡng thờ nữ thần trong dòng chảy văn hóa Việt

Trong cuốn Các nữ thần Việt Nam của Đỗ Thị Hảo – Mai Thị Ngọc Chúc thống kê Việt Nam có tới 75 nữ thần. Và trên thực tế, mỗi cộng đồng dân cư có niềm tin và cách thờ cúng khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.

Nữ thần gắn với biểu tượng các bà Mẹ, các Mẫu

Đích đến của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của ông bà ta chính là hướng tới sự phồn thực, sinh sôi, nảy nở, cho nên nữ thần của dân tộc ta không phải là các cô gái trẻ đẹp mà là các bà Mẹ, các Mẫu.

Trước hết, đó là các Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước – ba nữ thần cai quản ba hiện tượng tự nhiên quan trọng nhất, thiết thân nhất đối với cuộc sống của người làm nông nghiệp lúa nước.

Trong cuốn Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam, GS-TS viện sĩ Trần Ngọc Thêm nhận định, ban đầu, hoàn toàn là Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước. Về sau một phần do ý thức được sự đối lập âm dương mà xuất hiện Ông Trời, rồi lại do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa gốc du mục nên có thêm các khái niệm Ngọc Hoàng, Thổ Công, Hà Bá. Tuy nhiên, các Bà vẫn song song tồn tại. Bà Trời dưới dạng Mẫu Cửu Trùng hay Cửu Thiên Huyền Nữ. Ở Huế là Thiên Mụ, Thiên Yana. Nhiều nhà ở góc sân vẫn có một bàn thờ Bà Thiên (hay Bà Thiên Đài). Bà Đất tồn tại dưới tên Mẹ Đất (Địa Mẫu). Bà Nước tồn tại dưới tên Bà Thủy. Ở nhiều vùng, Bà Đất, Bà Nước còn tồn tại dưới dạng nữ thần khu vực như: Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Lạch, Bà Chúa Sông.

Trong dân gian, ba nữ thần này còn được thờ chung như một bộ tam tài dưới dạng tín ngưỡng Tam phủ với ba bà cai quản ba vùng trời – đất – nước: Mẫu Thượng Thiên (Bà Trời), Mẫu Thượng Ngàn (Bà Đất), Mẫu Thoải (âm đọc chệch đi từ chữ Thủy, Bà Nước).

Tục thờ mặt trời cũng là một tín ngưỡng đặc biệt phổ biến ở vùng nông nghiệp Đông Nam Á. Không trống đồng, thạp đồng nào là không khắc hình mặt trời ở tâm. Ông bà ta xưa kia hầu hết đều thờ Trời, nhiều vùng nhà nào cũng có bàn thờ Thiên, hay Bà Thiên ở góc sân.

Tiếp theo Trời – Đất – Nước là các Bà Mây – Mưa – Sấm – Chớp – những hiện tượng tự nhiên có vai trò hết sức to lớn trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Theo GS-TS viện sĩ Trần Ngọc Thêm, đến đầu công nguyên, khi Phật giáo vào Việt Nam, nhóm nữ thần Mây – Mưa – Sấm – Chớp này được khoác thêm bộ áo Phật giáo với các truyền thuyết Man Nương Phật Mẫu, được nhào nặn thành hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân (thần Mây), Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Điện (Thần Chớp). Lòng tin của nhân dân vào hệ thống Tứ Pháp mạnh đến nỗi vào thời Lý, nhiều lần triều đình đã phải rước tượng Pháp Vân về Thăng Long cầu đảo, thậm chí rước theo đoàn quân đi đánh giặc…

Người Việt còn thờ không gian và thời gian. Thần không gian được hình dung theo ngũ hành, vì ngũ hành liên quan đến phương vị rất rõ: Ngũ hành Nương Nương, Ngũ Phương chi thần coi sóc trung ương và 4 hướng; Ngũ Đạo chi thần trông coi các ngả đường. Thần thời gian được hình dung theo địa chi, vì địa chi được dùng như một hệ đo thời gian (12 giờ/ngày, 12 tháng/năm). Thần đó gọi là Thập Nhị Hành Khiển (12 vị thần, mỗi vị thần coi sóc một năm). Thời gian kéo dài, bảo tồn sự sống vô tận nên 12 nữ thần này đồng thời có trách nhiệm coi sóc việc sinh nở – đó là Mười Hai Bà Mụ.

Dấu ấn tín ngưỡng thờ nữ thần trong các tôn giáo

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong đó có tục tôn thờ nữ thần, luôn có những dấu ấn rõ nét và cụ thể trong tiến trình giao lưu, tiếp xúc với các tôn giáo.

Chẳng hạn, các vị Phật Ấn Độ xuất thân vốn là những vị Phật đàn ông, sang Việt Nam biến thành Phật ông – Phật bà. Phật Quan Âm (biến thể của Quan Thế Âm bồ tát) trở thành vị thần hộ mệnh của cư dân khắp vùng sông nước vốn là địa bàn của văn hóa Nam Á. Người Việt Nam còn có những Phật bà riêng của mình, do mình tạo ra như: Quan Âm Thị Kính, Phật Bà chùa Hương… Việt Nam còn có khá nhiều chùa mang tên các Bà, như ở Hà Nội có các chùa Bà Đá, chùa Bà Đanh, chùa Bà Nành, chùa Bà Ngô…

Là người sáng lập ra Kitô giáo cho nên lẽ hiển nhiên là trong Kitô giáo, Chúa Giêsu luôn là nhân vật trung tâm, nổi bật. Khi Kitô giáo vào Việt Nam, thì văn hóa Việt Nam với truyền thống trọng phụ nữ, truyền thống thờ Mẫu, đã đặc biệt chú ý đến Đức Mẹ Maria. Và như vậy, Mẹ Maria là nhân vật được nhắc đến rất nhiều trong Kitô giáo Việt Nam, tên Mẹ Maria được đặt cho rất nhiều thánh đường. Thậm chí, đã hình thành cả một truyền thuyết về Đức Mẹ Maria Việt Nam, Đức Mẹ La Vang.

Tính mở của tục thờ nữ thần ở Nam bộ

Tục thờ cúng nữ thần gắn liền với người Việt ở Nam bộ ngay từ buổi đầu mở đất, cách đây hơn 3 thế kỷ, từ đó đồng hành cùng quá trình phát triển của xã hội và hiện nay đã trở thành hình thức tín ngưỡng sinh động, khá phổ biến ở phương Nam.

Theo ThS Phan Đình Dũng, Trường đại học Văn hóa TP.HCM, trong hệ thống tín ngưỡng dân gian ở Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung, đối tượng nữ được thờ khá đa đạng: Bà Ngũ Hành, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Bà Linh Sơn, Bà Quan Âm, Bà Chúa Thượng Ngàn… Các Bà được thờ với sự kính trọng của cư dân đối với hệ thống thần linh; chung quy trong danh xưng: Nữ thần, Mẫu thần. Đáng chú ý, cách gọi khá phổ biến của người dân Đồng Nai đối với những đối tượng thờ có giới tính nữ thường là Bà, chứ không gọi là đạo Mẫu như ở Bắc bộ, dẫu rằng trong các thần hiệu được tôn xưng, bài vị có nhắc đến Thánh Mẫu…

Nét độc đáo trong tục thờ nữ thần ở Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng là tục thờ các nữ thần gắn liền với những lưu dân Việt, Hoa trong quá trình đến mở đất, khai khẩn và cả sự tích hợp trong quá trình cộng cư.

Theo đó, có nhiều vị nữ thần được thờ có gốc tích từ quê gốc của nguồn di dân Việt (từ Bắc bộ và Trung bộ) như: Quốc Mẫu Âu Cơ, Ngũ Hành Nương Nương… Ngoài ra còn có tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu được người Hoa du nhập vào Nam bộ. Bên cạnh đó còn có các nữ thần bản địa mang nguồn gốc tín ngưỡng của dân tộc thiểu số Chăm, Mạ, Chơro, S’tiêng…

ThS Phan Đình Dũng nhận định, tất cả đã dung hợp hóa trở thành một tín niệm, sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng cư dân mang tính địa phương. Điều này cũng phản ánh tính chất mở của những cư dân sinh sống ở Nam bộ, Đồng Nai, bằng sự năng động đã kế thừa những đối tượng thờ tự với cả tấm lòng và cầu mong đáp ứng trong tín niệm mà không đặt nặng nguồn gốc đối tượng thờ.

Năm nay, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các lễ hội, trong đó có các lễ hội cúng Bà bị hoãn, hoặc tổ chức với quy mô nhỏ. Song không vì thế mà ý nghĩa của các lễ hội suy giảm, bởi lẽ, tín ngưỡng thờ Bà vốn dĩ đã trở thành một nét đẹp văn hóa, luôn thường trực, có sức sống bền vững trong tâm linh của người dân đất Việt.

Theo LÂM VIÊN / BÁO ĐỒNG NAI 

Tags: , ,