Sức mạnh của sự tĩnh lặng to lớn đến mức nào?

Nếu tâm không tĩnh lặng, ta không thể nhìn được toàn cảnh, chỉ thấy một điểm trong “đường hầm”, cho nên mọi tính toán thường sai.

Sức mạnh của sự tĩnh lặng to lớn đến mức nào?

Nguồn: Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống; Trần Đình Hoành; NXB Phụ nữ Việt Nam.

Không cần phải lý giải dài dòng thì ai trong chúng ta cũng biết là khi gặp vấn đề, nếu ta bình tĩnh suy tính đối phó thì kết quả tốt hơn là lo sợ, run rẩy, hồi hộp, kích động.

Nếu các bạn học võ, điều quan trọng số một, và là điều khó dạy võ sinh nhất, là bình tĩnh khi đối diện với địch thủ hay hiểm nguy. Rất nhiều võ sinh, và cả rất nhiều võ sư, đã nói: “Ước chi tôi có thể bình tĩnh như sách nói”.

Khi chúng ta hồi hộp, lo lắng, sợ hãi hay tức giận, não bộ chuyển sang vị thế chuẩn bị “đánh hay chạy” (fight or flight). Đây là bản năng phòng thủ tự nhiên ta đã có từ trong gene hàng triệu năm trước.

Não bộ bơm ngay một lượng adrenaline lớn làm tim đập nhanh, hơi thở mạnh, các mạch máu thu nhỏ, máu đặc hơn lúc bình thường, các giác quan thu hẹp lại trong trạng thái người ta gọi là “tầm nhìn trong đường hầm” (tunnel vision), thấy (và nghe) chỉ một điểm ta tập trung vào, và không thấy không nghe được điều gì khác.

Khả năng phản ứng với cái mình thấy và nghe trong “đường hầm” đó thì nhanh, nhưng khả năng suy xét trong toàn cảnh thì yếu, vì không thấy và không nghe được toàn cảnh. Và khả năng phân tích lý luận bình thuờng cũng biến mất.

Hầu như toàn năng lực của não bộ chỉ tập trung vào một điểm: Chạy hoặc đánh. Bởi biết được nhu cầu phải hiếu biết toàn cảnh để chiến đấu có hiệu quả, cho nên các võ gia hiểu rõ tầm quan trọng của đức điềm tĩnh, tức là tầm quan trọng của việc chiến thắng ảnh hưởng của adrenaline khi đối diện nguy hiểm. Vì vậy, toàn bộ con đường võ sĩ đạo của võ học mọi nơi đều nhắm đến điều này: Đức điềm tĩnh. […]

Đối phó với những khó khăn từ bên ngoài hay từ trong tâm ta cũng thế. Nếu tâm ta không tĩnh lặng, ta không thể thấy được toàn cảnh, chỉ thấy được một điểm trong “đường hầm”, cho nên mọi tính toán thường sai.

Mỗi ngày chúng ta có cả trăm lý do để mất điềm tĩnh: Kẹt xe trễ giờ, mấy email messages nói móc, một người làm chung phòng ghen tị, bị ai đó phê phán, bị ai đó đâm sau lưng, có vấn đề trong liên hệ tình cảm, căng thẳng vì chạy đua với công việc và cái đồng hồ, có vẻ như không đạt được mục tiêu tam cá nguyệt này, chuyện bất công thấy dọc đường, chuyện vô ly’ thấy trong chính sách, tin xấu trên TV…

Nói chung là ai trong chúng ta cũng có đủ lý do để bị xung động, để mất điềm tĩnh trong ngày. Cho nên tĩnh lặng để luôn luôn sáng suốt thấy được toàn cảnh không phải là điều dễ dàng, nếu ta không quan tâm nghiên cứu và xây dựng đức điềm tĩnh.

Thế thì, làm thế nào để giữ được điềm tĩnh trong ngày?

1. Ngăn chận xung động, không cho đến trong các công việc hàng ngày

Lịch làm việc thong thả. Phần lớn stress trong ngày đến vì ta cố nhét nhiều quá vào lịch làm việc. Chậm lại môt tí, và làm lịch thư thả một tí…

Thông tin tốt. Nếu bị kẹt xe, gọi ngay cho đối tác cho biết là có thể đến trễ vì bị kẹt xe bất thường, thế thì sẽ giảm stress. Thông tin tốt còn có nghĩa là nên nói chuyện thường xuyên để sếp biết tình trạng của mình thế nào, và khi sếp cho thêm việc mới thì cũng nói rõ với sếp, vì thời khóa biểu của mình, ưu tiên thời gian sẽ thế nào và vận tốc mình sẽ như thế nào.

Làm sạch mặt bàn. Buổi sáng thường có đủ mọi chuyện chờ sẵn trên bàn, và ta thì cũng chưa nóng máy. Dùng một tiếng đồng hồ đầu tiên để làm cho nóng máy, bằng cách giải quyết hết các chuyện lặt vặt. […]

Từ từ giải quyết khó khăn. Gặp chuyện gì khó quá, nếu không bắt buộc phải làm gì đó ngay lập tức, thì chậm lại, để đó, làm việc khác, để cái đầu có dịp suy nghĩ từ từ…

2. Tập cho được một nội lực tĩnh lặng thành bản tính của mình

Cái nhìn ưu ái về cuộc đời. Yêu mình, yêu người, và yêu đời. Càng yêu, ta càng ít bị stress. […]

Thành thật. Người không thành thật, hay nói dối, rất khó mà yêu ai thực, kể cả yêu chính mình.

Khiêm tốn. Người khiêm tốn thì có cái tôi như quả bóng bằng ni lông xốp, xe cán lên dễ dàng, nhưng sau đó thì lại vẫn nguyên vẹn là quả bóng. Người có cái tôi lớn thì như là quả bóng cứng bằng đất hay xi măng, có thể bị vỡ khi bị đụng cái cứng hơn. […]

Làm quen với tĩnh lặng thường xuyên. Mỗi ngày bỏ ra 10 hay 15 phút sống với tĩnh lặng, ngồi thiền, cầu nguyện, hay nhìn sao trên trời.

Tin vào một quyền năng công bình cao hơn con người. Thượng đế, Chúa, Phật, hay một luật vay trả tự nhiên. Hãy nhìn thẳng vào sự thật: Nếu ta chỉ tin vào con người thuần túy, thì hơi khó đấy, với đủ mọi loại ma đạo quanh ta. […]

Để kết luận, chúng ta hãy nghe James Allen nói trong quyển sách đã thành kinh điển của ông, As a Man Thinketh (Khi con người suy tư), năm 1902: “Điềm tĩnh trong tâm trí là một trong những viên ngọc đẹp nhất của trí tuệ. Đó là kết quả của cố gắng trường kỳ và kiên nhẫn trong việc tự kiểm soát. Sự hiện diện của đức điềm tĩnh là biểu hiện của kinh nghiệm đã chín mùi, và biểu hiện của kiến thức sâu xa về các qui luật cũng như các vận hành của tư tưởng…”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: