Sự nghiệp vẻ vang và cái chết oan khốc của khai quốc công thần bậc nhất thời Lê sơ

Phạm Văn Xảo là khai quốc công thần bậc nhất triều Lê sơ. Nhưng ông cũng là người phải chịu kết cục oan ức trong vụ giết hại công thần.

Sự nghiệp và cái chết oan khốc của khai quốc công thần bậc nhất thời Lê sơ

Phạm Văn Xảo quê ở đất Thăng Long. Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phạm Văn Xảo đã hăng hái tham gia. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, Phạm Văn Xảo được trao chức Khu Mật Đại sứ. Trong suốt 10 năm của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tướng quân Phạm Văn Xảo đã lập nhiều công lao vẻ vang.

Ninh Kiều máu chảy thành sông

Năm 1426, sau khi đã giải phóng được một vùng đất rộng lớn liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam, Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tấn công ra Bắc. Các tướng thân tín của Lê Lợi được chia chỉ huy ba đạo quân tiến ra Bắc:

– Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí, đạo quân thứ nhất.
– Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh, đạo quân thứ hai.
– Đinh Lễ, Nguyễn Xí, đạo quân thứ ba.

Ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ (13/9/1426), đạo quân thứ nhất đã giành được chiến thắng đầu tiên tại Ninh Kiều (vùng đất nay thuộc xã Ngọc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). Đây là nơi có địa hình rất hiểm trở: trên là dãy Ninh Sơn, dưới là dòng sông Ninh Giang (sông Đáy), đạo quân thứ nhất đã bố trí mai phục sẵn ở đấy. Phạm Văn Xảo dẫn một bộ phận nhỏ đến giả vờ tập kích bất ngờ vào thành Đông Quan.

Tướng giặc ở đấy là Trần Trí, thấy quân Phạm Văn Xảo quá ít, liền xông ra đánh. Phạm Văn Xảo vờ thua chạy về phía Ninh Kiều. Trần Trí chủ quan, cứ thế hô quân đuổi theo. Quân giặc lọt vào ổ mai phục, bị quân Lam Sơn xông ra đánh tới tấp, chết tại chỗ trên hai ngàn tên. Trần Trí hốt hoảng dẫn tàn quân chạy thẳng về Đông Quan.

Lập công lớn tại Tam Giang

Sau trận đánh quan trọng này, đạo quân thứ nhất xây dựng, củng cố Ninh Kiều thành căn cứ do các tướng Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy để uy hiếp thành Đông Quan. Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả dẫn quân lên vùng Tam Giang (Vĩnh Phúc cũ). Sẵn sàng đánh viện binh của giặc.

Tại Tam Giang, Phạm Văn Xảo lại lập công lớn. Ông trực tiếp chỉ huy trận Xa Lộc diễn ra ác liệt vào tháng 11/1426, đánh tan viện binh của giặc do tướng Vương An Lão chỉ huy, hùng hổ từ Vân Nam tiến sang. Giặc bị giết tại trận trên một ngàn tên. Vương An Lão hốt hoảng chạy vào thành Tam Giang. Sau chiến thắng Xa Lộc, Phạm Văn Xảo để lại một bộ phận lực lượng vây thành Tam Giang, còn phần lớn quân sĩ thì về Ninh Kiều phối hợp với các tưởng Lý Triện và Đỗ Bí. Các tưởng Đinh Lễ và Nguyễn Xí cũng đã đem quân đến Ninh Kiều khiến cho tương quan lực lượng có lợi cho nghĩa quân Lam Sơn.

Nhưng cũng đúng vào lúc đó, nhà Minh lại sai tướng Vương Thông đem năm vạn quân sang cứu viện, quân giặc trong thành Đông Quan khoảng mười vạn. Nghĩa quân Lam Sơn ở Ninh Kiều có gần năm ngàn quân phải đối đầu với lực lượng rất mạnh của quân giặc.

Vương Thông vừa đến Đông Quan đã lập tức chia quân làm ba mũi chiếm đóng ba vị trí quan trọng: Thanh Oai, Sa Đôi và Cổ Sở dự tính nhất loạt đánh vào Ninh Kiều.

Đối phó với Vương Thông

Với cương vị tướng chỉ huy cao nhất ở Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo đã họp các tướng để hoạch định kế sách đối phó với Vương Thông. Kế sách như sau:

Chủ động tấn công vào Thanh Oai phá tan âm mưu của Vương Thông ngay khi hắn chưa kịp thực hiện. Và quả đúng như dự kiến, giặc ở Thanh Oai bị tấn công mãnh liệt đã bỏ chạy tán loạn, khiến cho giặc ở Sa Đôi cũng chạy theo, bỏ mặc Vương Thông ở đất Cổ Sở.

Khi Vương Thông tập trung hết lực lượng về cơ sở để trực tiếp chỉ huy tấn công vào Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng bí mật rút hết quân ở Ninh Kiều về Cao Bộ. Sau khi vồ hụt nghĩa quân Lam Sơn ở Ninh Kiều, Vương Thông phát hiện được nơi đóng quân mới của Lam Sơn, liền cho quân tiến về Cao Bộ. Đoán được ý đồ của giặc, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng rút khỏi Cao Bộ, kéo quân về mai phục ở cánh đồng Tốt Động – Chúc Động.

Khi quân Minh ào ạt kéo đến, quân ta nhất tề đổ ra đánh một trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất ở Tốt Động – Chúc Động. Mười vạn quân tham chiến của giặc Minh đã bị giết và bắt sống đến một nửa. Vương Thông bị thương suýt bị bắt sống đã hoảng hốt kéo tàn quân về cố thủ ở Đông Quan. Vương Thông từ vị trí của một viên tướng hung hăng dẫn quân đến cứu nguy, đã bị đánh tơi bời, bị trọng thương và trở thành kẻ kêu cứu viện.

Đây là chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân Lam Sơn trong đó có vai trò chỉ huy của tướng quân Phạm Văn Xảo.

Trong Bình Ngô đại cáo ghi: “Ninh Kiều: máu chảy thành sông, tanh hôi muôn dặm. Tốt Động: Thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu…”.

Năm 1427, Phạm Văn Xảo còn chỉ huy đánh chặn năm vạn quân của Mộc Thạnh ở Lê Hoa góp phần lớn vào thắng lợi của chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang đưa cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn.

Chết vì gian thần

Tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), sau khi triều đình luận công ban thưởng, tướng quân Phạm Văn Xảo được ban quốc tính (họ Lê), được Thăng hàm Thái Bảo, tháng 5 năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tên ông được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các Khai quốc công thần và được Thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu.

Nhưng tiếc thay, ông chưa kịp hưởng sự tôn vinh đó thì bị bọn gian thần gièm pha là có âm mưu làm phản. Ông bị bắt giam, tra khảo, uất ức quá ông đã tự sát chết trong nhà tù. Vụ án Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đã được sử sách ghi chép là vụ giết hại công thần.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, triều đình đã phục hồi danh dự cho ông, truy phong ông là Thái Bảo, tước Thắng Quận công.

Tiếc là Thủ đô Hà Nội hiện vẫn chưa có một đường phố mang tên Phạm Văn Xảo, một người quê gốc đất Thăng Long, đã có công lao lo lớn trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh đô hộ, giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,