Sự ‘hèn nhát’ vĩ đại của Mạc Đăng Dung

Trong các bộ chính sử nước ta, có không ít những ghi chép gây tranh cãi, nhưng tốn nhiều giấy mực tranh cãi nhất có lẽ là những ghi chép về nhà Mạc.

Về sự ‘hèn nhát’ vĩ đại của Mạc Đăng Dung

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.

Đại Việt sử ký toàn thư phần liên quan đến nhà Mạc, do các sử gia Lê – Trịnh viết, đã không đưa nhà Mạc thành một Kỷ riêng mà chỉ ghép làm một phần phụ của nhà Lê trung hưng, coi nhà Mạc là “ngụy” tiếm quyền. Các sách khác như Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… khi đề cập đến nhà Mạc cũng dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, có thể thấy ĐVSKTT và các bộ sử nói trên vẫn ghi nhận tương đối khách quan một số việc làm của nhà Mạc đối với đất nước. Riêng cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì chê bai nhà Mạc cực kỳ thậm tệ và lược bỏ hết những việc làm tích cực của nhà Mạc, trừ bản di chúc của Mạc Ngọc Liễn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần dưới.

Ông Trần Trọng Kim viết về Mạc Đăng Dung : “Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn-ở của loài người, là không có nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang-sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh-vực mặc lòng, một cái cơ-nghiệp dựng lên bởi sự gian-ác hèn-hạ như thế, thì không bao giờ bền-chặt được”.

Việt Nam sử lược là cuốn sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Trước đó, tất cả các bộ sử đều được viết bằng chữ Hán (cũng có cuốn viết bằng chữ Nôm như Đại Nam quốc sử diễn ca, nhưng cuốn này chỉ nêu sự kiện và nhân vật, không có nhiều chi tiết). Số đông người Việt chúng ta trong thế kỷ 20 đều biết lịch sử dân tộc từ cuốn sử bằng chữ quốc ngữ này. Một thời gian dài cuốn sách được dùng làm sách giáo khoa hoặc dựa vào đó để viết sách giáo khoa lịch sử.

Khoảng vài chục năm gần đây, một số nhà sử học đã thu thập tài liệu trong và ngoài nước và đánh giá lại nhà Mạc, thẳng thắn và có sức thuyết phục nhất là ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng. Tuy vậy, những đánh giá khách quan này chỉ được công bố tại các cuộc hội thảo và đăng lẻ tẻ trên các phương tiện truyền thông, không đủ lấn át sự ảnh hưởng rộng lớn và sâu đậm của Việt Nam sử lược. Đến nỗi, gần đây chính quyền thành phố Hà Nội đã lấy hai vị vua Mạc đặt tên cho hai con đường của Thủ đô, nhưng trước khi quyết định vẫn vấp phải sự phản đối của một “nhà sử học” có tên tuổi đối với trường hợp Mạc Đăng Dung.

Tôi bắt đầu nghĩ khác về nhà Mạc khi thầy dạy sử của tôi ở Trường Đại học tổng hợp Huế nói vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước : “Thời nhà Mạc, nước ta đã bỏ ngăn sông cấm chợ”. Tôi nhớ mãi câu nói này, vì trước đó tôi học trường Sĩ quan chính trị ở Bắc Ninh, anh bạn cùng lớp mỗi khi đi phép bao giờ cũng tranh thủ mang một ba lô khoai tây từ Hà Nội về Đà Nẵng bán kiếm được một khoản chênh lệch kha khá. Cả nước lúc đó ngăn sông cấm chợ, đến nỗi chúng tôi không dám nhắc tới việc bạn mình đã “buôn lậu” mấy ki-lô khoai tây, còn Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ phải bật đèn xanh xé rào cho bà Ba Thi “buôn lậu” đưa lúa gạo về thành phố bán cho dân để cứu đói với lời bảo đảm “Nếu chị đi tù, tôi sẽ đưa cơm”. Sau này khi nghĩ đến công cuộc đổi mới, tôi lại nghĩ đến nhà Mạc. Gần 500 năm trước, cha con ông Mạc Đăng Dung đã thực hiện những chính sách kinh tế mà ngày nay chúng ta phải thử nghiệm, phải xé rào, phải vượt qua biết bao gian truân mướt mồ hôi sôi nước mắt mới làm được, đó là các chính sách của công cuộc đổi mới.

Không chỉ xóa ngăn sông cấm chợ, các vua Mạc còn khuyến khích phát triển chợ búa, khuyến khích giao thương với nước ngoài. Nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, các sản phẩm hàng hóa này được giao thương với hàng chục nước trên thế giới (có tài liệu ghi 28 nước).

Dù coi nhà Mạc là “ngụy”, nhưng ĐVSKTT vẫn phải chép : “Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong ngoài cầm giáo mác và dao nhọn. Ai vi phạm thì cho phép ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét : ““Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoài. Ông đề cao hoạt động thương mại, và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ. Minh chứng cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua. Hiện nay, đồ gốm sừ thời Mạc có mặt ở bảo tàng nhiều nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…và con tàu đắm ở Cù lao Chàm mới được tìm thấy có rất nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng nói là các sản phẩm gốm sứ thời Mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản xuất và nơi cung tiến. Tôi cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển, Việt Nam có thể đã có một cuộc cải cách giống như thời Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm” (Trích bài trả lời phỏng vấn báo SGGP, 6-11-2004)

Việc Mạc Đăng Dung “cướp ngôi” nhà Lê đã mục nát khi ấy là hợp quy luật, ngày nay không có gì phải tranh cãi, nhưng sự kiện gây tranh cãi nhiều nhất là việc ông quỳ gối đầu hàng nhà Minh. ĐVSKTT chép : “Mùa đông, tháng 11 (năm 1540), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi (…) qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước…”.

Sở dĩ có việc “đầu hàng” này là do trước đó đám quân thần nhà Lê vừa “trung hung” sang tố cáo và rước quân Minh về. Lợi dụng “lời mời” này, nhà Minh đã cử Cừu Loan và Mao Bá Ôn đem đại quân sang “hỏi tội”. Đất nước đối mặt với họa xâm lăng từ phương Bắc. Khác với bối cảnh cuộc kháng chiến chống Tống thời Lê Hoàn và cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời Trần, Mạc Đăng Dung không đủ sức vừa đối phó với nội chiến bên trong vừa chống xâm lược bên ngoài. Ông buộc phải chọn cách chịu nhục để giữ nước. Nếu đánh thì chắc chắn ông không thắng được giặc, ông có thể tuẫn tiết như một anh hùng nhưng dân tộc phải bị dày xéo dưới ách quân xâm lược. Còn việc ông “dâng đất” cho giặc thì sao? Những khảo cứu sau này cho thấy, những cái động ông dâng cho nhà Minh là “dâng khống”, biên giới lúc ấy không rõ ràng, các tù trưởng khi thì theo bên này khi thì theo bên kia và trong thực tế những vùng này không do ta quản. Đầu hàng giả, dâng đất khống, chịu nhục với sử sách để bảo vệ độc lập thật cho đất nước, Mạc Đăng Dung là hèn nhát hay vĩ đại? Câu trả lời còn tùy vào những cách nhìn, tùy vào cách đọc lịch sử. Đối với tôi, nếu gọi ông là “hèn nhát” thì sự “hèn nhát” đó cũng thật là vĩ đại.

Cuối cùng, sau khi nhà Mạc bị quan quân Lê-Trịnh truy cùng giết tận, con cháu họ Mạc nhiều người phải đổi họ để sinh tồn, một số phải lánh nạn sang Trung Quốc, nhưng trước sau nhà Mạc không nhờ vả ngoại bang, càng không rước ngoại bang về dày xéo quê hương. Sự nhất quán đó thể hiện ở lời di chúc của Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn dặn vua Mạc Kính Cung trước khi lâm chung : “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế ! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng” (ĐVSKTT).

Có lần gặp thiền sư Lê Mạnh Thát, tôi hỏi ông đánh giá như thế nào về nhà Mạc, ông bảo hãy nhìn ông Nguyễn Bình Khiêm, dù học rộng tài cao nhưng dứt khoát không chịu đi thi dưới triều Lê bấy giờ đã ruỗng nát, ông chỉ đi thi khi nhà Mạc lên thay, lúc đã hơn 40 tuổi và làm quan cho nhà Mạc. “Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là hình ảnh của nhà Mạc”, thầy Lê Mạnh Thát nói.

Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI

Tags: , ,