Sự cuồng nộ của thiên nhiên đang ngày càng trở nên khủng khiếp hơn

Diễn biến phức tạp của quá trình biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn những quy luật vận động của tự nhiên, khiến cho sự xuất hiện của thiên tai, thảm họa diễn ra nhanh, bất ngờ và với phạm vi và mức độ nguy hiểm hơn.

Sự cuồng nộ của thiên nhiên đang ngày càng trở nên khủng khiếp hơn

Đã gần hai thập niên trôi qua kể từ ngày thảm hoạ sóng thần khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại trong vòng 600 năm qua xảy ra tại Ấn Độ Dương. Chỉ một ngày sau Giáng sinh năm 2004, trận động đất mạnh 9,2 độ richter đã tạo ra những đợt sóng thần cao 30m đánh vào bờ biển của 11 nước. Tính riêng cường độ và nguồn năng lượng của riêng trận động đất gây ra ước tính phải xấp xỉ khoảng 23.000 quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 225.000 người, gây thiệt hại hàng tỷ USD và đẩy hơn 1,4 triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất.

Vào thời điểm đó, công tác dự báo, phòng chống thiên tai, thảm hoạ vẫn chưa được chú trọng nhiều. Ở các khu vực xảy ra thảm họa chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo nào về động đất, sóng thần khiến cho chính quyền địa phương và người dân không thể ứng phó kịp thời. Ngay sau đó, cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo đã viện trợ hàng tỷ USD cho các nước bị ảnh hưởng. Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản đã thành lập một liên minh để đảm bảo rằng hàng viện trợ đến được đích nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Cùng với nỗ lực không ngừng của chính phủ các nước, sau một thập niên, cuộc sống tại những “vùng đất chết” đã trở lại bình thường.

Tấn thảm kịch giống như một hồi chuông cảnh báo từ thiên nhiên. Diễn biến phức tạp của quá trình biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn những quy luật vận động của tự nhiên, khiến cho sự xuất hiện của thiên tai, thảm họa diễn ra nhanh, bất ngờ và với phạm vi và mức độ nguy hiểm hơn. Đây là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống cấp thiết được cộng đồng quốc tế quan tâm chú trọng trong những năm gần đây và đã có bước tiến rõ ràng và cụ thể hơn trước.

Thứ nhất, việc đẩy mạnh công tác dự báo, phòng chống thiên tai, thảm họa được chú trọng hơn ở cả cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu. Công tác này tập trung vào việc đầu tư phát triển các công nghệ mới phục vụ việc phát hiện và cảnh báo thiên tai sớm, nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai, thảm họa, đưa ra các phương án tối ưu và dự phòng, tăng cường diễn tập và củng cố khả năng phối hợp giữa các bên khi có sự cố… qua đó góp phần giúp hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh số lượng người chết và bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên nhiên trong vài năm gần đây đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Thứ hai, vấn đề phòng chống thiên tai, thảm hoạ ngày càng được đẩy mạnh trong chương trình nghị sự tại các diễn đàn hợp tác đa phương, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực này được đề cập tương đối nhiều trong các tuyên bố chung. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp cụ thể trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa có. Hạn chế này khiến cho các công tác phòng chống thảm họa chưa đi vào thực chất và kết quả đạt được chưa mang tính thuyết phục cao.

Tính phức tạp và khó giải quyết của một vấn đề an ninh phi truyền thống như phòng chống thiên tai-thảm họa khiến vấn đề này vẫn tồn tại không ít hạn chế. Tuy nhiên, nhìn vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương hiện nay giữa các quốc gia, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng những hậu quả đáng tiếc mà các thảm hoạ thiên nhiên gây ra sẽ ngày một được giảm thiểu và thế giới sẽ có thêm những biện pháp ứng phó kịp thời với các thách thức đó.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,