⠀
Sản phẩm của nền công nghiệp giải trí không đủ tư cách để gọi là ‘nghệ thuật’
Người ta hay nhầm lẫn nghệ thuật và nền công nghiệp giải trí, họ tự gọi bản thân là nghệ sĩ, và sản phẩm của họ là một “tác phẩm nghệ thuật”, đã được cộng đồng đón nhận nhiệt liệt, dễ thấy qua lượt tương tác khủng, độ giàu có mà nó mang lại.
Vậy yếu tố nào làm nên một tác phẩm nghệ thuật?
Yếu tố đầu tiên là Mục đích luận. Nghệ thuật được sinh ra với Mục đích gì là thứ khiến người ta còn tranh cãi, trong khi nền công nghiệp giải trí được sinh ra để phục vụ chính xác cho hai mục đích: Lợi nhuận, và Thâu tóm sự chú ý của con người. Dễ dàng nhận thấy ngay những clip của Sơn Tùng, Jack,… Fan của họ hay so sánh với nhau từng lượt View, hay khối lượng người hâm mộ, như một thanh đo thành công về mức độ chú ý. Và ai càng được chú ý nhiều thì dĩ nhiên giá quảng cáo của họ cao hơn.
Có thể lấy ngay ví dụ để dễ hình dung: Tranh của Van Gogh vô giá trị ban đầu, nhưng vô giá sau khi ông chết. Nó khác hẳn với những tác phẩm của nền công nghiệp giải trí: lợi nhuận thấy ngay trước mắt, và sản phẩm phải ngay lập tức thành công vì người ta đầu tư quá nhiều vào đó. Điều đó nói gì? Nó nói là những tác phẩm nghệ thuật có thể có hoặc không cần, và không nên có yếu tố lợi nhuận (thật mâu thuẫn, nhưng thông thường thì những người làm nghệ thuật né tránh mọi yếu tố tiền bạc, như họ nói “Nghệ thuật của tôi không phải để bán!”. Có lẽ, sâu trong tư tưởng đó, ta lờ mờ nhận ra được độ rủi ro khi biến tác phẩm nghệ thuật chứa nhiều dữ liệu thành tiền và bán, vì nó không được sinh ra với mục đích để kiếm tiền). Ngành công nghiệp giải trí thì khác, chúng theo đuổi lợi nhuận. Một bộ phim điện ảnh thì đọ nhau qua doanh thu toàn cầu, một MV thì đọ nhau qua lượt xem – là thứ dữ liệu tuyệt vời cho những nhà quảng cáo.
Một yếu tố khác là Dữ liệu. Những tác phẩm nghệ thuật, nhạc kịch, hội họa cung cấp nhiều Dữ liệu hơn, chúng nói về trải nghiệm của con người, hoặc những suy tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm của J. S. Bach, hay Schumann được trình diễn trong phòng kín, nơi im lặng ngự trị để người ta có thể dễ dàng mơ mộng, vận dụng trí não để hiểu được ý tứ của tác giả. Ngành công nghiệp giải trí, đúng như tên gọi của nó, Dữ liệu của nó hầu hết để “Giải trí”: chú trọng vào “Khoái lạc” nhiều hơn: tình dục, kích thích âm nhạc,.. Cứ nghe thử một bài hát của Chi Pu thì biết. Âm nhạc hiện đại của ngành công nghiệp giải trí chú trọng đến những Quãng thuận (Là một cặp nốt nhạc bắt tai, hài hòa và dễ nhớ, và dễ nhớ thì đảm bảo là dễ kiếm tiền tươi), nghe thử nhạc của Franz Liszt thì không dễ chịu như vậy đâu. Thế nhưng muốn diễn tả nhiều Dữ liệu trong một tác phẩm, thì những Quãng thuận, và một cơ thể gợi cảm là không đủ: Chúng không khiến ta suy tưởng, mà khiến ta mong muốn làm tình nhiều hơn. “Làm tình thì hay thật đấy, nhưng em đã bao giờ ngồi với anh và suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời chưa?”.
Cuối cùng, có một câu hỏi đơn giản để phân biệt giữa Nghệ thuật chân chính và Công nghiệp giải trí:
Nếu tách mức độ danh vọng, và tiền bạc ra khỏi tác phẩm đó, liệu ta có phân biệt nó giữa vô vàn những tác phẩm khác?
Nếu tách tranh Van Gogh ra khỏi danh vọng và tiền bạc, liệu nó có khác những tác phẩm khác để ta dễ dàng phân biệt?
Nếu tách Black Pink, Sơn Tùng ra khỏi danh tiếng, người hâm mộ, lượt view, độ nổi tiếng, liệu ta có phân biệt được những cô gái, chàng trai đó và những tác phẩm của họ trong vô vàn những điệu nhảy, giọng ca khác?
Theo NGUYỄN PHÚC / SPIDERUM.COM
Tags: Ngành giải trí, Lý luận nghệ thuật, Mỹ học