Sài Gòn sau 1975 và tinh thần hòa giải Võ Văn Kiệt

Thật khó tưởng tượng trong những năm đầu sau ngày giải phóng, nếu không phải là ông Kiệt lãnh đạo thành phố này thì làm sao cái xã hội ly tan thời hậu chiến này có thể ổn định, lòng người được thu phục.

Sài Gòn sau 1975 và tinh thần hòa giải Võ Văn Kiệt

Ông cho nhiều người dân cái cảm tưởng thân phận của họ không bị bỏ quên, ông mang lại cho họ sự yên tâm và lối thoát.

Ông biết lắng nghe, lắng nghe nguyện vọng của người dân và tiếng nói của giới trí thức.

Từ “Nhóm thứ sáu”…

Những năm phụ trách TP.HCM, từ năm 1975 ông Kiệt đã chỉ đạo thành lập Hội Trí thức yêu nước do anh Huỳnh Kim Báu làm tổng thư ký. Đến năm 1986, ông đã mời gọi nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có nhiều vị đã từng làm việc cho chế độ cũ, tham gia tư vấn cho ông dưới tên gọi “Văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế thuộc bí thư Thành ủy”.

 Ông Phan Chánh Dưỡng kể lại: “Các anh em tham gia nhóm tư vấn này tự đặt tên là “nhóm thứ sáu” vì thường nhóm họp trao đổi ý kiến, báo cáo chuyên đề với ông Sáu Dân vào thứ sáu hằng tuần”.

Khi thấy văn phòng kinh tế này hoạt động có ích, ông liền gợi ý cho giáo sư Trần Đình Bút và tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh lập ra “Hội Khoa học kinh tế và quản lý”nhằm thu hút nhiều hơn nữa trí thức thành phố vào cuộc; không phân biệt nguồn đào tạo, từ các nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, miễn là có nhiệt tình và năng lực đóng góp. Cho đến năm 1989, thời điểm Đảng đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, ông Kiệt đã quy tụ đội ngũ trí thức trong cả nước tích cực nghiên cứu được nhiều vấn đề đổi mới tư duy kinh tế, về cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính công, tiết kiệm quốc gia và đầu tư nước ngoài, ngoại thương và quan hệ quốc tế…

Ông Nguyễn Văn Hảo – nguyên phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn – đã tâm sự với bà Tôn Nữ Thị Ninh rằng: “Vì anh Sáu, tôi mới ở lại VN sau 1975, và sau khi ra đi rồi trở về VN giữa thập niên 1990, tôi trở về cũng vì anh Sáu!”.

Đến khi ra Hà Nội, ông là vị thủ tướng đầu tiên tập hợp trí thức, chuyên gia, lập nên tổ tư vấn cho Thủ tướng về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, gọi tắt là “tổ tư vấn cải cách cho Thủ tướng”. Tổ tư vấn cải cách gồm nhiều chuyên gia, trí thức tài giỏi trong và ngoài nước. Mỗi người trong tổ tư vấn cải cách được gửi kiến nghị, đề án hoặc trình bày trực tiếp với Thủ tướng ý kiến của mình.

Ông Sáu Dân đã thể hiện tính khiêm cung khi từng nói với GS Trần Đình Bút và nhóm chuyên gia tư vấn cho ông trong những năm ở TP.HCM: “Mong anh em hãy coi mình như người học trò, thấy mình làm gì hoặc nói gì chưa đúng thì cứ nói: “Sáu Dân ơi, sai rồi” và phân tích cho mình biết cái sai, tốt hơn nữa là vạch cho mình biết phải sửa ra sao… Tất cả vì lợi ích của đất nước mà. Tinh thần yêu nước của các bạn, và nếu là đảng viên, thì ý thức xây dựng Đảng là ở chỗ đó…Tôi cần nghe những ý kiến phản biện của các bạn. Phát huy chức năng độc lập tư duy và phản biện của người trí thức, theo tôi, là một yêu cầu trọng yếu của đất nước đối với giới trí thức, phải không nào”.

Ông Sáu Dân cũng từng nói trên báo Tuổi Trẻ năm 2006 về “bí quyết lãnh đạo” của ông: “Nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được!) trước khi quyết định. Và khi quyết định rồi thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi”.

Không ai chọn cửa để sinh ra

Tư tưởng và chính sách đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp hòa giải dân tộc của ông đã thể hiện xuyên suốt từ khi ông lãnh đạo TP.HCM cho đến cuối đời. Ông thấu hiểu rằng thống nhất nhân tâm để đi đến đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh VN.

Vào năm 2008, khi trao đổi với những người cộng sự của ông về kết quả làm việc với các đoàn Việt kiều mà ông đã giới thiệu với các tổ chức nhân đạo TP.HCM, ông Sáu Dân đã dặn dò: “Nhiều người có thể có xu hướng chính trị khác nhau, nhưng cái tâm vì đất nước, vì người nghèo của anh chị em thì chúng ta trân trọng. Hòa hợp, hòa giải dân tộc bây giờ tạo nên sức mạnh lớn lắm!”.

Vào những năm 1978-1979, khi có nhiều trí thức bị bắt giam vì vượt biên, chính ông Kiệt đã đích thân đến các trại giam bảo lãnh cho các ông này được tự do, và sau đó ông Kiệt còn giao cho những người thân cận đi xin cấp lại hộ khẩu và sổ lương thực cho họ.

Trong giới trẻ Sài Gòn và miền Nam vào những năm đầu sau ngày giải phóng đã nổi lên một vấn đề còn lớn hơn chuyện cơm áo, gạo tiền, đó là vấn đề lý lịch gia đình. Hàng trăm ngàn bạn trẻ là con em sĩ quan,công chức ngụy quân, ngụy quyền, gia đình tư sản và kể cả nhiều thanh niên từng khoác áo lính Sài Gòn. Khi thi tuyển vào đại học hoặc đi xin việc làm ở công sở, họ thường bị gạt bỏ, bị phân biệt đối xử bởi lý do “lý lịch không trong sạch”!

Nắm bắt được tâm tư này, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã chủ động đề cập thẳng điều đó ngay tại Đại hội Đoàn TNCS TP.HCM tháng 7/1977: “… Lẽ tất nhiên hoàn cảnh gia đình, xã hội không thể không ảnh hưởng ít hay nhiều đến tư tưởng và tình cảm mỗi con người chúng ta. Nhưng ta phải thấy rằng khi tuổi trẻ đã đi vào cách mạng là bước đầu vượt qua mọi níu kéo, ràng buộc của quá khứ. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy số đông bạn trẻ chúng ta dễ tiếp thu cái mới và khi tìm ra lẽ sống, họ dám sống đến cùng. Thế hệ trẻ đang lớn lên ở TP ta, ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa để sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của TP. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới… Xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này, ai ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Vì lợi ích của toàn xã hội, chúng ta lấy thực tâm, thực học, thực tài làm tiêu chuẩn, không để quá khứ ràng buộc tương lai mà hạn chế chí tiến thủ và hoài bão cống hiến của mỗi người trẻ tuổi”.

Phát biểu của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã như một thông điệp về đại đoàn kết-hòa hợp-hòa giải dân tộc. Câu nói nổi tiếng “Không ai chọn cửa để sinh ra“ lại một lần nữa vang lên trong buổi ông nói chuyện với hàng chục ngàn thanh niên ở công viên Tao Đàn. Phát biểu đó được đăng tải nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ số ngày 30/9/1977, đã tác động rất tích cực đến tâm tư tình cảm của giới trẻ Sài Gòn.

Đến lúc nghe chú Sáu Dân nói những lời này như “xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này…”, chúng tôi mới ngộ ra tấm lòng của chú đối với lớp trẻ Sài Gòn, ẩn sau chủ trương thành lập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) của ông: công việc kiến thiết đất nước, phục hồi sản xuất sau chiến tranh cần có sự chung tay của đông đảo những người lao động trẻ. Họ được mời gọi gia nhập lực lượng TNXP với tiêu chí duy nhất là tự nguyện, bất kể lý lịch xuất thân. Chính hình thức tổ chức “lực lượng TNXP” đã trở thành cánh cửa mở rộng lối vào đời cho hàng vạn bạn trẻ dù xuất thân từ đâu.

Theo LÊ VĂN NUÔI / TUỔI TRẺ ONLINE (2012)

Tags: , , , ,