Quan điểm về sáng tạo nghệ thuật của Platon

Platon (khoảng 427 – 347 trước CN) là một trong những nhà triết học, nhà mỹ học duy tâm Hy Lạp kiệt xuất nhất thời cổ đại. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ idealism (chủ nghĩa duy tâm) bắt nguồn từ thuật ngữ idea (ý niệm) của Platon. Đối với chủ nghĩa duy tâm khách quan ý niệm, sản phẩm của quá trình tư duy bị biến thành một chủ thể độc lập dưới cái tên gọi ý niệm, chính là vị thần sáng tạo ra hiện thực. Xét riêng ảnh hưởng của sự nghiệp Platon trong lĩnh vực mỹ học, có thể thấy, hầu hết các tác phẩm của ông ít nhiều đề cập đến mỹ học và nghệ thuật, mặc dù các tác phẩm đều mang đậm màu sắc siêu hình học. Tư tưởng mỹ học, sáng tạo nghệ thuật của Platon đã trải qua gần ba thiên niên kỷ nhưng vẫn là cơ sở cho mọi khuynh hướng mỹ học lớn trong mọi thời đại.

Quan điểm về sáng tạo nghệ thuật của Platon

Tác giả: Nguyễn Mai Hương.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 386, tháng 8/2016.

1. Cơ sở quan niệm Platon về hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Hạt nhân của triết học Platon là thuyết ý niệm (tức tinh thần, linh hồn). Trong các tác phẩm, Platon dùng khái niệm eidos, theo tiếng Hy Lạp cổ có nhiều nghĩa: hình dáng ngoài, hình thức, ảo ảnh, kiểu, dạng, loài, ý niệm, chất… nhưng cơ bản được dùng với nghĩa ý niệm tinh thần.

Ông thừa nhận có hai thế giới tồn tại: thế giới ý niệm và thế giới sự vật cảm tính. Platon coi ý niệm là nguồn gốc của thế giới, sinh ra mọi vật. Thế giới ý niệm tồn tại bên ngoài con người, ngoài cảm giác của con người, vĩnh viễn, bất biến, bất động, tuyệt đối chân thực, là cơ sở cho sự tồn tại của thế giới sự vật cảm tính. Còn thế giới sự vật cảm tính là thế giới tồn tại không chân thực, luôn biến đổi, là cái bóng của ý niệm, mọi sự vật nào cũng đều xuất hiện trong mối liên hệ với các ý niệm. Con người không nhận thức được ý niệm bằng cảm giác không phải vì rất nhỏ, mà vì chúng là tinh thần, không có hình thù, không xác định. Do đó, thế giới ý niệm của Platon là thế giới tinh thần, không phải thế giới vật chất, không phải thế giới vật thể.

Còn thế giới sự vật cảm tính, theo Platon, đây là thế giới các vật thể mà con người thông qua các giác quan của mình có thể cảm nhận được, nhưng nó không hoàn hảo, không đúng đắn, không chân thực. Với thế giới này, con người có thể nhận biết được bằng giác quan, nhưng về bản chất lại không tồn tại khách quan. Nó phụ thuộc vào thế giới ý niệm. Trong thế giới các sự vật cảm tính này, mọi cái luôn thay đổi, có sinh ra, mất đi, các sự vật trong thế giới này luôn vận động, biến đổi. Thế giới các sự vật cảm tính có sau thế giới ý niệm, do thế giới ý niệm quyết định. Về thực chất, nó là cái bóng của thế giới ý niệm, phụ thuộc vào thế giới ý niệm. Trong quan hệ với ý niệm thì sự vật cảm tính mô phỏng theo ý niệm (sự cố gắng của vật thể cảm giác được phỏng theo ý niệm), tham gia vào các ý niệm và hiện diện (các vật thể cảm giác được trở thành giống với ý niệm của mình) trong ý niệm. Như vậy, dù các vật thể cảm tính mô phỏngtham gia hay hiện diện trong quan hệ với các ý niệm, nhưng rõ ràng, bằng cách này hay cách khác, chúng vẫn chỉ là cái bóng của ý niệm, phụ thuộc vào ý niệm. Như vậy, với Platon, luôn có sự hiện diện của một thế giới hữu hình, có thể nhìn thấy, cảm thấy, luôn sinh ra, tồn tại và mất đi. Thế giới này là ảo ảnh của thế giới khác, thế giới vô hình, chỉ có thể biết được nhờ trí tuệ. Thế giới vô hình này bất biến, vô hạn, không có khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc. Con người không thể nhận thức được thế giới chân thật này.

Một trong những quan điểm liên quan mật thiết đến lý luận nghệ thuật của Platon thể hiện rõ ở Chuyện ngụ ngôn hang động (hay còn gọi là Huyền thoại về cái hang) được viết trong tập VII của Chính thể cộng hòa. Câu chuyện mô tả một nhóm tù nhân (đại đa số nhân dân) sống cả đời bị trói chặt trong một cái hang, quay mặt vào vách đá ở đáy động. Cái hang chính là thế giới vật chất mà con người cảm nhận thật được bằng các giác quan. Vì bị trói chặt, đám người không thể ngoái nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. Hệ thống dây trói theo Platon là những hạn chế của thể xác với hệ thống giác quan của nó. Ngoài ra còn những trói buộc về tư tưởng, phong tục tập quán, bởi ham mê, ngụy biện ngăn cản nhận thức chân lý. Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới được chiếu sáng bằng ánh sáng ban ngày. Mặt trời chính là ý niệm về cái thiện, sự thông thái và khai sáng hoàn toàn. Thế giới này được Platon cho là chân lý, là các ý niệm tuyệt đẹp, vĩnh cửu. Các vị thần là những sinh linh hay siêu nhân (đó chính là các nhà triết học, chính là những người tù cởi được trói) có thể ra ngoài thế giới tự do, biết tất cả những ý niệm đó. Thương loài người bị cầm tù, các thần làm một số bản sao chép của một số ý tưởng để mang vào hang cho loài người xem. Những bản sao chép này được coi như những con rối hay búp bê, làm theo hình mẫu ngoài thế giới vĩnh hằng. Những con rối này được làm bằng các loại vật liệu nào đó, vì thế, chúng có tính vật chất, tính thực, nhưng đó là cái thực của con rối, khác với cái thực của hình mẫu lý tưởng. Từ một ý tưởng mẫu có thể làm ra muôn vàn con rối khác nhau, bằng những vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, do trong hang tối, quá nhiều người tù bị trói, các vị thần làm một bức tường đằng sau những người bị cầm tù, đặt các con rối lên đó, rồi đốt một đống lửa đằng sau, để bóng của các con rối được hắt lên tường. Đống lửa này có thể coi như mặt trời mà ta biết. Nhờ ánh sáng của nó, ta thấy được bóng của các con rối. Như vậy, các con rối chính là những vật tự nhiên khách quan. Ta có thể đoán biết về sự tồn tại của chúng, nhưng vì nằm ngược sáng nên không thể nhìn rõ. Còn những thứ mà ta thấy chỉ là cái bóng của chúng mà thôi.

Theo Platon, chỉ có thế giới lý tưởng, vĩnh hằng với các ý niệm của nó mới là chân lý. Cái đẹp của các ý niệm mới là cái đẹp tuyệt đối. Muốn biết thế nào là thực sự đẹp thì chỉ có cách tháo xiềng xích, tự ra đó mà nhìn.

Tiếp theo đến cái đẹp trong các bản sao chép. Các bản sao chép khác nhau có hàm chứa tỷ lệ giống ý niệm mẫu khác nhau, vì thế cũng có độ đẹp xấu khác nhau. Bản nào càng giống ý niệm vĩnh hằng thì càng đẹp. Cái đẹp này là đẹp tương đối theo nghĩa vô thường, không hoàn hảo, nhưng cũng có thể coi là một phần của cái đẹp thật, chứ không phải hoàn toàn tương đối kiểu chủ quan.

Cuối cùng là cái đẹp trong những cái bóng. Những cái bóng này là thế hệ sao chép thứ hai kể từ các ý niệm. Sau hai lần biến dạng, về nguyên tắc chúng sẽ ngày một xa rời hình mẫu lý tưởng. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ phần trăm nào đó nét của hình mẫu lý tưởng. Càng giống hình mẫu bao nhiêu, chúng càng đẹp bấy nhiêu.

Tóm lại, vẻ đẹp của thế giới vật chất, kể cả các ảo ảnh là vẻ đẹp có thật, khách quan, do phần trăm của ý niệm nằm trong đó, chứ không phải cảm nhận chủ quan, tương đối của mỗi người. Tuy mỗi người sẽ cảm nhận về vẻ đẹp đó một cách khác nhau, dưới mức độ khác nhau, nhưng một vật hay hình ảnh đẹp sẽ tạo cảm giác ham thích cho mọi người. Mỗi người có thể nhìn con ngựa dưới góc độ khác nhưng đều nhận ra là ngựa. Khi công nhận là ngựa tức là thừa nhận nó có một số quy luật hình thức nhất định chứ không phải lung tung, nghĩa là thừa nhận ở nó một vẻ đẹp phổ quát, cho dù ta có gọi đó là đẹp hay không.

2. Quan niệm về hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Theo Platon, hoạt động nghệ thuật là một trong những hoạt động có chủ đích của con người, có mục đích là thể hiện cái đẹp. Một sản phẩm nghệ thuật càng gần với ý niệm lý tưởng thì càng đẹp. Có hai dạng chính để làm ra một tác phẩm nghệ thuật như vậy. Platon gọi là: poiesis (nghệ thuật sáng tạo) và mimesis (nghệ thuật sao chép tự nhiên). Hai loại nghệ thuật này là hai cách tiếp cận khác nhau tới cái đẹp trong vũ trụ quan Platon.

Nghệ sĩ sáng tạo thực sự là những bậc trí giả. Họ cũng là người sống trong hang như những người khác nhưng không bị xiềng. Họ đi ra cửa động, quan sát được thế giới bên ngoài. Khi quay về, họ rất muốn tả lại cho những người bị xiềng xích kia thấy được thế giới đó đẹp ra sao. Họ bèn bắt chước các vị thần, làm ra các con rối để truyền đạt. Những tác phẩm của họ là mô hình về cái thực, được mô tả lại bởi những người được giác ngộ, đã nhìn thấy chân lý, nhằm giúp người ta hình dung ra thế giới lý tưởng đó.

Những con rối do các nghệ sĩ sáng tạo làm ra có thể dưới dạng thi ca, dạng tranh, tượng, nhạc, kiến trúc hay một thứ gì đó. Đôi khi nhiều loại vật liệu khác nhau có thể được dùng để diễn đạt cùng một loại ý tưởng. Bởi chúng là những sao chép trực tiếp từ thế giới lý tưởng nên về nguyên tắc có thể sánh ngang với những thực tại trong tự nhiên và khi đó, bậc trí giả hay nghệ sỹ đó sánh ngang với các thần thánh. Có thể gọi cách tiếp cận nghệ thuật này là cụ thể hóa một ý tưởng thành tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ sĩ mimesis cũng là người sống trong hang, cũng bị xiềng như những người khác. Tuy không ra được cửa hang, anh ta nhận ra trong các hình bóng cùng loại từng trôi qua trên vách hang thì có những cái đẹp hơn. Anh ta nghiên cứu trong các hình bóng đó để đúc rút ra một cái gần với chuẩn mực nhất, đẹp nhất. Sản phẩm của anh ta không giống hoàn toàn bất kỳ một cái bóng nào từng có trên vách, mà hoàn hảo hơn, chứa những đặc điểm chung của tất cả những bóng đổ đó.

Nếu anh ta vẽ hay tạc tượng một con ngựa thì ai cũng biết đó là con ngựa, nhưng con ngựa này hoàn hảo hơn mọi con ngựa mắt thấy. Nó là mô hình gần với thực tế lý tưởng nhất, tỷ lệ đẹp do đó cao nhất. Nếu anh ta làm tượng vệ nữ, thì tượng này sẽ hội tụ đầy đủ những nét đẹp lý tưởng về phụ nữ mà không một người phụ nữ thật nào hội tụ nổi. Đó chính là lý do tại sao những tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp có độ phổ quát, độ đẹp lý tưởng cao.

Như vậy, nghệ sĩ được gọi là mimesis cũng không sao chép tự nhiên một cách đơn thuần, mà anh ta khái quát hóa nó để thành một sản phẩm đậm đặc hơn, gần với chân lý hơn. Kỹ thuật hay quy trình tạo tác của anh ta là quan sát một loạt hình ảnh cùng tên rồi bỏ đi những đặc điểm riêng, cụ thể của từng cái, tinh lọc ra cái chung, bản chất của cả họ. Cách tiếp cận này được coi là quá trình trừu tượng hóa hay là khái quát hóa cái cụ thể để tạo thành cái chung mẫu mực.

Theo Platon, nghệ thuật sẽ diễn ra theo một trong hai cách trên. Tuy nhiên cũng phải nói thêm, Platon khinh thường nghệ thuật theo cả hai nghĩa nói trên. Thứ nhất là bởi mọi sản phẩm nghệ thuật, dù được mô phỏng trực tiếp từ ý tưởng hay được đúc rút từ những hình bóng vô thường trên vách đá, thì nó vẫn chỉ như những con rối rất giống thật nhưng không phải là thật. Trong cuốn Nhà nước lý tưởng, Platon đã khẳng định: “Bắt chước chỉ nắm được ảo ảnh chứ không nắm được chân lý. Hoạ sĩ không biết gì về nghệ thuật làm giày vẫn có thể vẽ được cái giày và người thợ giày. Người xem tranh cũng chẳng hiểu về nghề đó, nhưng cũng có thể phán đoán được và tin rằng bức tranh đó có thật. Thi sĩ cũng chỉ biết bắt chước dựa vào ngôn ngữ, các độc giả chỉ dựa vào chữ viết để phán đoán” (1). Nghệ thuật chuyển tải được phần nào cái đẹp, nhưng không chuyển tải được tính đúng đắn, hướng thiện của lý tưởng. Chân lý không nằm ở bản sao, ở cái bóng mà ở lĩnh vực ý niệm. Tác phẩm nghệ thuật là cái bóng của cái bóng bởi bản thân sự vật cảm tính là cái bóng của ý niệm. Nghệ thuật cách xa chân lý tới ba bậc nên ít có giá trị nhận thức bởi chính bản thân người nghệ sỹ cũng không hiểu biết về sự vật mà họ miêu tả. Từ cách lập luận đó, Platon đánh giá rất thấp ý nghĩa của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, bởi ông cho hai loại hình này đã lấy việc bắt chước sự vật cảm tính làm mục đích. Ông xếp các tác phẩm nghệ thuật đứng vào sau các tác phẩm của tự nhiên, của thợ thủ công.

Điều nguy hiểm nhất của nghệ thuật chính là những mô hình quá nét, quá đẹp, khiến người ta mê say và an tâm với chúng, từ đó mất đi cái mong muốn được giải thoát, được ra ngoài hang động, để nhìn thấy cái thực vô biên, vĩnh hằng ngoài cửa hang. Tương tự như nếu ta xem bộ phim thám hiểm thật hay về một vùng đất lạ thì rất có thể ta cho rằng hiểu biết như thế là đủ, khỏi cần trực tiếp đến vùng đất đó nữa. Những kẻ say mê sản phẩm nghệ thuật là những kẻ mông muội khó thuyết phục nhất về tình trạng ếch ngồi đáy giếng, ít nhu cầu nhất về việc tìm tới cái chân lý, vì sản phẩm nghệ thuật họ chiêm ngưỡng có những vẻ đẹp đã đủ thỏa mãn họ.

Trong tác phẩm đối thoại Iôn, Platon cho rằng, nhà nghệ thuật, nhà văn, họa sỹ là những người mô phỏng sự vật cảm tính chứ không có tri thức thật đối với sự vật được miêu tả, sáng tạo nghệ thuật chủ yếu là dựa vào linh cảm.

Học thuyết linh cảm của Platon cho rằng, sáng tạo thơ là không có tính người, là do thần nhập. Những bài thơ hay, thơ đẹp không có tính người, không phải là tác phẩm của người, chúng có tính thần thánh, do thần làm ra. Các nhà thơ không phải cái gì khác hơn là người phát ngôn cho các vị thần linh. Nghệ sĩ chỉ là một công cụ để thần linh tác động sức mạnh thần bí. Khi sáng tác, nghệ sĩ nhờ vào sự linh cảm, một trạng thái hưng phấn đặc biệt, mê cuồng, huyền ảo. Khi đó, nghệ sĩ được nhập vào cõi thần linh để nói lên cổ đại thánh thần. Như vậy, cảm hứng sáng tác có tính trực cảm, không có lý trí sáng suốt dẫn đường, không cần học tập, rèn luyện kỹ năng nghệ thuật, cũng không cần một vốn sống, một sự am hiểu truyền thống và thành tựu nghệ thuật nào cả. Tài năng do trời phú cho. Platon cũng đã từng nói: “Không cứ là người nào, nếu không có sự đam mê cuồng nhiệt của các thi nhân mà lại đi gõ cửa thi thần, thì dù nó có được những nghệ thuật cao thâm đến đâu, thì thần cũng cho kẻ ấy được phép vào nhà của thần” (2). Cái mà Platon gọi là sự cuồng nhiệt của thi nhân chính là linh cảm. Theo ông, linh cảm là sự khải thị của thần, so ra nó còn quan trọng hơn sự tinh vi của nghệ thuật. Khi nghệ thuật nắm nguồn linh cảm không phải hao tâm, tốn sức nhiều mà vẫn có thể tạo nên những tác phẩm hoàn mỹ.

Có thể thấy, toàn bộ quan điểm về hoạt động sáng tạo nghệ thuật của Platon đều dựa trên nền tảng thế giới của những ý niệm thuần túy, linh hồn có trước hiện thực. Có thời kỳ linh hồn con người quan sát được các ý niệm thuần túy. Ý niệm này nhập vào con người cụ thể, tức thần nhập thì linh hồn mới tìm cách hồi tưởng lại, thực hiện ý niệm thuần túy đó. Cái thiện, những hành động thiện, cái đẹp trong cuộc sống chỉ là sự bắt chước một phần ý niệm về đạo đức, thẩm mỹ vốn đã sẵn có. Lý thuyết nghệ thuật là cái bóng của cái bóng, là một bản chép lại từ một bản chép lại của Platon thể hiện quan điểm này. Chỉ có sự hồi tưởng chân thành, kiên nhẫn về những ý niệm thuần túy, nhà sáng tạo nghệ thuật mới tạo được cảm hứng, tiến lại gần được ý niệm vĩnh cửu và có khả năng sung sướng, cao thượng.

Tóm lại, tư tưởng mỹ học và sáng tạo nghệ thuật của Platon mang tính chất duy tâm khách quan. Giá trị của những tư tưởng ấy, nhất là quan điểm về hoạt động sáng tác nghệ thuật không chỉ là sự giải thích thần bí về sự xuất hiện của mỹ cảm, cái đẹp, nghệ thuật. Trong lý thuyết thần bí về nghệ thuật của Platon, chúng ta thấy được sức mạnh to lớn của nghệ thuật đối với đời sống tinh thần con người.

——————————-

Chú thích:

1, 2. Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, Nxb TP. HCM, 1991 tr.108, 310.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT 

Tags: , , ,