Phát triển xanh – kinh nghiệm quốc tế và nỗ lực của Việt Nam

Trong bối cảnh ngày nay, khi mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt cùng lúc với nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính và kinh tế gần đây, thế giới đã nhận thấy những yếu kém và rủi ro trong cấu trúc mô hình kinh tế và sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, sự phát thải khí nhà kính quá mức gây ra hiện tương biến đổi khí hậu.

Phát triển xanh – kinh nghiệm quốc tế và nỗ lực của Việt Nam

Phát triển xanh: hướng đi mới của cộng đồng quốc tế

Trong bối cảnh ngày nay, khi mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt cùng lúc với nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính và kinh tế gần đây, thế giới đã nhận thấy những yếu kém và rủi ro trong cấu trúc mô hình kinh tế và sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, sự phát thải khí nhà kính quá mức gây ra hiện tương biến đổi khí hậu. Những áp lực này đã tập hợp cộng đồng các quốc gia, tổ chức, thể chế để tìm những hướng phát triển mới hài hòa hơn với thiên nhiên vì tương lai bền vững của trái đất.

Tại Hội nghị Các bên tham gia lần thứ 16 (COP16), trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức năm 2010 tại Cancun (Mexico), đã đưa ra yêu cầu “tích hợp tăng trưởng xanh trong hoạt động kinh tế”, đặt kỳ vọng là tiếp cận này góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác. Hàn Quốc là một quốc gia điển hình đã kết hợp giải quyết khủng hoảng kinh tế với gói kích thích quan trọng cho chi tiêu xanh, chuyển mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, ít các-bon. Những định hướng chính sách chính của Hàn Quốc là giảm GHG hiệu quả; giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, phát triển công nghệ xanh như là năng lượng trong tương lai; xây dựng nền tảng chính sách cho kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống…

“Nền kinh tế xanh” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế… xác định các yếu tố chính bao gồm: 1) đầu tư vào vốn tài nguyên; 2) tạo việc làm và công bằng xã hội; 3) thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon; 4) khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn; 5) đô thị bền vững và giao thông ít các-bon; 6) cơ chế tài chính, tài khóa; 7) hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ. Đồng thời xác định mô hình kinh tế xanh sẽ cần chuyển đổi cơ bản cấu trúc kinh tế truyền thống, giải quyết hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội của khu vực, qua tiếp cận hiệu quả sinh thái.

Nỗ lực của Việt Nam trong tiếp cận phát triển xanh

Trước các thách thức đặt ra trên bước đường phát triển, Việt Nam xác định phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển bền vững, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các quốc gia theo cách tiếp cận biến đổi khí hậu là vấn đề phát triển hơn là thuần túy môi trường. Việc ban hành những chính sách và đầu tư hợp lý sẽ giúp đạt được mục tiêu thích ứng nâng cao khả năng tồn tại, đồng thời giảm thiểu để đóng góp vào nỗ lực chung, tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế có tính chống chịu biến đổi khí hậu và tham gia có trách nhiệm vào kinh tế toàn cầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xác định là cơ quan chủ trì cùng các bộ, ngành chuẩn bị Chiến lược Phát triển xanh của Việt Nam. Từ đầu tháng 8/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Tổ công tác xây dựng khung chiến lược phát triển xanh với thành phần là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng dự thảo.

Mục tiêu tổng quát mà Dự thảo Khung chiến lược đề xuất là Việt Nam hình thành về cơ bản cơ sở kinh tế, xã hội và khoa học – công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, ít các-bon, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường cao, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế: (a) giảm GHG và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (b) xanh hóa sản xuất; (c) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến và triệt để các phương thức tăng trưởng kinh tế xanh.

Chiến lược cũng xác định một số chỉ tiêu định lượng như: tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo; giảm phát thải trong nông nghiệp, sản xuất sạch hơn; tỷ lệ phần trăm đầu tư cho môi trường; GDP xanh. Các giải pháp, lựa chọn chính sách, có thể là: tái cấu trúc kinh tế, công nghệ; tài chính; tổ chức chỉ đạo, giám sát, xử lý vi phạm, lồng ghép.

Theo VIỆN QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

Tags: ,