Phát triển đô thị và kiểm soát ô nhiễm – bài học từ Nhật Bản

Tại Nhật Bản, phát triển đô thị và kiểm soát ô nhiễm đã được thực hiện quyết liệt từ cuối những năm 1990 theo các chương trình khác nhau thông qua các sáng kiến của chính quyền Trung ương và địa phương. Để có được những thành tựu về hình ảnh đô thị bền vững, Nhật Bản đã phải trả giá bằng nhiều nguồn lực để ngày hôm nay các đô thị trên thế giới có được những bài học hữu ích và thiết thực.

Phát triển đô thị và kiểm soát ô nhiễm – bài học từ Nhật Bản

Chính sách của Chính phủ

Vào thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng, kèm theo tăng trưởng kinh tế mạnh từ cuối những năm 50, mối quan tâm lớn nhất của Chính phủ là nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng. Các bộ, ngành của Chính phủ tập trung chủ yếu vào phát triển hạ tầng, trách nhiệm được chia theo ngành dọc trong hệ thống hành chính Trung ương. Điều này dẫn đến những trở ngại sau này trong việc xây dựng một quy hoạch đô thị toàn diện và nhất quán.

Quy hoạch đô thị lúc này không xem xét nhiều đến điều kiện của từng địa phương và ít có sự kết hợp ý kiến công chúng. Khi vấn đề đô thị và môi trường trở nên đa dạng và phức tạp hơn, quản lý đô thị lúc này lại cần thiết phải linh hoạt trong phản ứng với điều kiện của địa phương. Do đó Chính phủ đã phải ứng dụng nhiều sáng kiến phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh này, chính quyền Trung ương và các bộ, ngành đã tiến hành nhiều chương trình môi trường dựa trên phương pháp tiếp cận sáng tạo để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, bao gồm cả các chương trình sinh thái, các dự án hành động vì môi trường, kế hoạch thực hiện Nghị định thư Kyoto yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Các sáng kiến của chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương, đặc biệt những địa phương phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có những biện pháp thích ứng riêng với điều kiện địa phương và kết hợp với các biện pháp của chính quyền Trung ương. Đó là những biện pháp tăng cường các quy định về kiểm soát ô nhiễm, hỗ trợ tài chính và bổ sung về các biện pháp từ khu vực tư nhân.

Chính quyền địa phương lập kế hoạch quản lý đô thị và tập trung triển khai các dự án cải thiện môi trường đô thị. Điều này dẫn đến kết quả là không có một kế hoạch phát triển đô thị toàn diện quốc gia và chính quyền địa phương thiếu chủ động trong quản lý phát triển đô thị do thiếu nguồn lực. Khi các vấn đề đô thị và các vấn đề môi trường trở nên phức tạp, chính quyền địa phương bắt đầu lúng túng khi phải giải quyết vấn đề lớn trong phát triển đô thị và môi trường bền vững. Lúc này, một số TP, đặc biệt là những nơi có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng đã đưa ra chính sách đổi mới về phát triển đô thị. Đó là các chiến lược phát triển đô thị nén của TP Toyama. Trong khi đó, chương trình G30 của thành phố Yokohama cũng đạt hiệu quả trong phát triển đô thị và đã đi đầu trong việc thúc đẩy các chính sách môi trường trên khắp Nhật Bản.

Sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự

Ý thức của công chúng về bảo vệ môi trường bắt nguồn từ phong trào chống ô nhiễm trong những năm 1950, khi hàng ngàn công dân và nạn nhân ô nhiễm đã biểu tình Chính phủ và yêu cầu phải có biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Như vậy phản đối công khai quy mô lớn chống lại các vấn đề đô thị và ô nhiễm là sức mạnh giúp thúc đẩy chính quyền địa phương và Trung ương buộc phải tìm ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm. Phong trào chống ô nhiễm môi trường góp phần làm cho toàn dân ý thức hơn về vấn đề đô thị và tăng cường sự tham gia vào quá trình phát triển đô thị, phục hồi đô thị dựa vào cộng đồng và các hoạt động tái chế.

Hoạt động khu vực tư nhân

Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động chống các vấn đề quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc dính líu đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của DN đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.

Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các DN cuối cùng đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Kết quả là công nghiệp Nhật Bản đã dẫn đầu những công nghệ môi trường hàng đầu thế giới.

Như vậy, chúng ta có thể thấy bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong kiểm soát ô nhiễm và phát triển đô thị. Có những thời kỳ, họ cũng phải trả giá cho một quy hoạch không nhất quán và họ cũng phải hao tốn biết bao nguồn lực cho vấn đề kiểm soát ô nhiễm mà trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập chi tiết. Tuy nhiên, nhìn chung ngày nay Nhật Bản đã có một mô hình phát triển đô thị khá bền vững và kiểm soát ô nhiễm toàn diện đáng để cho các đô thị Việt Nam và thế giới học tập.

Theo KHÁNH PHƯƠNG / ASHUI.COM

Tags: , ,