Phạm Phú Thứ – nhà cải cách tiên phong, nhà văn hóa đa tài

Năm 1802, vương triều Nguyễn ra đời, nhưng ngay từ đầu đã rơi vào tình thế khủng hoảng, càng về sau càng trầm trọng hơn.Phạm Phú Thứ – nhà cải cách tiên phong, nhà văn hóa đa tài

Trong lúc đó, nguy cơ xâm lược của phương Tây ngày càng rõ ràng. Cải cách để hóa giải bế tắc là cần thiết nhưng gần như đó là điều xa xỉ. Những nỗ lực cải cách đã bất lực trước sức ỳ của triều đình nhà Nguyễn. Phạm Phú Thứ (1821 – 1883), một trong những người tiên phong cải cách đã bất thành trước sức ỳ của thể chế chính trị nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ 19.

Bốn lần bị giáng chức

Phạm Phú Thứ sinh năm 1821 tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (cũ), tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Giải nguyên khi 21 tuổi (1842), đỗ Hội nguyên và Tiến sĩ cập đệ năm 1843.

Năm 1844 ông được bổ làm Biên tu, năm sau (1845), làm Tri phủ Lạng Giang rồi làm Thị Độc. Năm 1849, ông làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua) ở Viện Tập hiền rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua).

Năm 1850, thấy vua Tự Đức ham vui chơi, lơ là việc triều chính, ông dâng sớ can gián nên bị cách chức và bắt giam, bị khép vào tội đồ (đày đi xa) song nhà vua cho rằng đó chỉ là “lời nói khí quá khích, không nỡ bỏ, nhưng răn về (tính) nóng bậy”, nên ông chỉ bị đày làm “thừa nông dịch” (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở trạm Thừa Nông (Huế). Đó là lần thứ nhất.

Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu (hàm lúc sơ bổ). Năm 1854, cử ông làm Tri phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi rồi giữ chức Viên ngoại lang bộ Lễ; tiếp được thăng chức Án sát sứ ở Thanh Hóa và Hà Nội.

Năm 1860, ông được thăng chức Thị lang Bộ Lại, rồi thăng làm Thự Tham tri của bộ này.

Đầu năm 1863, ông cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đàm phán lại với Pháp và Tây Ban Nha về ba tỉnh miền Đông, không hoàn thành nhiệm vụ, bị giáng một cấp. Đây là lần thứ hai.

Cũng giữa năm này (1863), ông cùng với Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản, sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Năm 1865, được thăng Thự Thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần.

Năm 1866, quan soái Pháp phái tàu đến cửa Thuận An (Huế) đưa thư đòi “quản luôn ba tỉnh là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên”. Nhà vua sai Phạm Phú Thứ và Phan Huy Vịnh đến “xin giữ giao ước cũ lâu dài” .

Năm 1867, Phan Thanh Giản mất, triều đình cử Phạm Phú Thứ làm người điều đình với Pháp, vì xử sự cứng rắn nên ông bị Ngự sử đàn hặc, và bị gọi về kinh “hậu cứu”.

Năm 1873, ông lại bị giáng làm Thị lang, rồi khai phục chức Tham Tri. Đó là lần thứ ba.

Năm 1874, làm Thự Tổng đốc Hải Yên (còn gọi là Hải An, gồm Hải Dương và Quảng Yên), kiêm sung Tổng lý thương chánh Đại thần. Năm 1876, giữ chức Tổng đốc Hải An. Năm 1878, làm Thự Hiệp biện Đại học sĩ. Năm 1880, bị giáng làm Quang lộc tự khanh, lĩnh chức Tham tri bộ Binh. Đây là lần thứ tư.

Bị thăng giáng chức nhiều lần, hoạn lộ gập gềnh nhưng Phạm Phú Thứ không nản chí, vẫn hết lòng vì công việc và khao khát duy tân đất nước. Năm 1882, nhân có bệnh, ông xin về quê rồi mất, thọ 61 tuổi.

Nỗ lực canh tân không mệt mỏi

Là người thông minh, Phạm Phú Thứ sớm nhận thấy tình cảnh khó khăn của vương triều và đất nước nên ngay từ rất sớm ông đã nhận thấy cần phải thay đổi, phải canh tân. Ông đã có nhiều đề đạt canh tân ở tầm chính sách vĩ mô lên nhà vua và triều đình. Không thể chờ đợi, mỗi khi có thời cơ ông đều tiến hành đổi mới từ những công việc cụ thể, từ nhỏ đến to.

Về quân sự, ông chủ trương phải có một quân đội mạnh cả về con người, tổ chức lẫn vũ khí, phương tiện. Đề nghị triều đình cho đóng tàu chiến lớn, bọc đồng không được, đến năm 1856, khi làm Án sát Thanh Hóa, ông chỉ đạo đóng tàu bọc đồng mang tên Thụy Nhạc để trang bị cho thủy quân. Năm 1858, khi làm Án sát tỉnh Hà Nội, ông dâng sớ về phương án cải cách kết hợp kinh tế – quốc phòng. Đó là dùng thuyền buôn tư nhân chuyên chở thóc gạo ở các tỉnh về bán ở kinh đô; còn dùng thuyền nhà nước để chuyên chở quân lương, quân khí làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển.

Cũng năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, Phạm Phú Thứ dâng sớ xin cho tất cả các quan viên người Quảng Nam đang ở kinh đô trở về quê giữ các vị trí xung yếu, bổ sung quân và luyện tập cho dân binh đủ năng lực chiến đấu tại chỗ. Những đề nghị này đều bị gạt bỏ.

Khi làm Tổng đốc Hải Yên, ông cho đặt Nha Thương chính ở Ninh Hải để tăng cường khả năng canh phòng biển.

Bắt đầu hình thành từ sớm nhưng phải đến khi sang Pháp đàm phán, năm 1863, từ thực tiễn của các nước châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… mà có dịp đi qua, quan sát và tìm hiểu thì tư tưởng canh tân của ông mới trở nên toàn diện, hoàn thiện và mạnh mẽ hơn. Đến lúc này ông xác quyết chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi lạc hậu, đủ tiềm lực để đối phó với người Pháp, giành lại độc lập.

Trên hành trình ở châu Âu, ông cẩn thận ghi lại hoạt động của đoàn và những điều quan sát được thành hai tập bản thảo “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo”, cùng một số tài liệu quan trọng dâng lên nhà vua. Ông kiến nghị thay đổi chính sách về chính trị, đối ngoại, quân sự, kinh tế để có thể đối phó được với nguy cơ bị Pháp tiếp tục thôn tính. Ông cũng dâng một số tài liệu khoa học thực nghiệm do ông ghi chép và các kiến thức khoa học kỹ thuật của phương Tây được biên soạn thành sách như: Bác vật tân biên (về khoa học); Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ); Hàng hải kim châm (cách đi biển); Vạn quốc công pháp (cách thức giao thiệp quốc tế)… Những sách này đã được vua Tự Đức quan tâm và khuyến khích in để phổ biến.

Về giáo dục, Phạm Phú Thứ đề xuất chọn những thanh niên ưu tú cho xuất dương du học để về xây dựng đất nước; ban bố sách của nhà nước để việc học hành được theo lối học thiết thực của phương Tây; lập khoa thủy học (hàng hải) để quản lý ghe thuyền; dịch sách nước ngoài để theo dõi tình hình thế giới; khôi phục nhà xuất bản Hải Học Đường…

Về kinh tế, ông chủ trương khuyến khích các nghề thủ công, cho tự do dùng sắt, gỗ; cấm người Hoa buôn bán gạo, bỏ thuế nấu rượu, giảm các khoản chi phí về tuần tra ngoài biển; mở rộng buôn bán với nước ngoài; Khai thác quặng và than đá…

Khi làm quan ở Hải Yên, Hải Dương, ông chú trọng xây dựng tỉnh lỵ, phố phường làng xã quy củ, lập cảng ngoại thương Hải Phòng, Hải Dương; khai rộng sông ở Bình Giang; cho dân khai khẩn trồng cây lương thực; mở thủy lợi ở Đông Triều (Quảng Yên), Nam Sách (Hải Dương); khuyến khích nhà giàu bỏ vốn mở mang công nghệ; đánh thuế nhẹ hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ dân nghèo khai thác than đá ở Quảng Yên; chế biến thủy tinh; ứng dụng khoa học vào các ngành nghề sản xuất…

Ông cũng dành cho quê hương xứ Quảng những quan tâm và công tích rất đáng trân trọng. Năm 1859, khi xin về quê dưỡng bệnh, ông đã nghiên cứu rất kỹ để khi hồi triều đã dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, xây dựng công sự bố phòng và huấn luyện quân sự. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay vẫn còn ở xứ Quảng là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập do Phạm Phú Thứ vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Phạm Phú Thứ còn là nhà văn hóa, nhà thơ xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực như Tây phù thi thảo, Tây hành nhật ký, Trúc Đường thi văn tập, Giá Viên toàn tập (26 quyển: 13 quyển thơ, 13 văn), Bản triều liệt thánh sự lược toản yếu, Thuật tiên đức, Lịch triều thống hệ niên phả toát yếu.

Phạm Phú Thứ là người tiên phong xu hướng canh tân đất nước nửa cuối thế kỷ 19. Dẫu cho nỗ lực của ông, và các nhà cải cách khác như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… không thắng được sức ỳ của thể chế nhà Nguyễn nhưng đã tạo nền tảng cho những vận động tư tưởng những năm đầu thế kỷ 20 nhiều biến động trong nước và thế giới.
.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,