Omar Khayyam – nhà thơ vĩ đại của vương quốc Ba Tư

Ngày nay, sau bao nhiêu sàng lọc của thời gian, lịch sử văn học thế giới còn giữ lại ba ngôi sao sáng của bầu trời thi ca Ả Rập: Saadi, Hafiz và Omar Khayyam. Trong ba ngôi sao đó Omar Khayyam là ngôi sao sáng nhất, chiếm một vị trí độc tôn. Omar Khayyam – nhà thơ vĩ đại của vương quốc Ba Tư

Đọc Lịch sử văn minh Ả Rập của sử gia người Mỹ Will Durant, chúng ta được biết xưa kia, khoảng mấy trăm năm trước Công nguyên và sau Công nguyên, trong khi phần lớn những nước Âu châu đang còn chìm trong bóng tối của đêm dài Trung cổ thì những vương quốc Hồi giáo nằm trong lưu vực hai con sông Le Tigre và L’Euphrate, hoặc trên bán đảo Arabie, hoặc quanh vịnh Ba Tư tức là những nước thuộc vùng Trung Đông, Cận Đông và Bắc Phi ngày nay như Ai Cập, Iran, Iraq, Syria, Libya… từ lâu đã là những nước có những nền văn minh rực rỡ, có đời sống văn hóa phát triển rất cao, không thua gì văn hóa và văn minh Cổ Hy Lạp thời Socrate, Platon, Aristote.

Những đô thị lớn: Bagdad, Persepolis, Alexandria, El Assour, Ninive, Babylon, Samarkand là những trung tâm quy tụ tinh hoa của những ngành triết học, khoa học tự nhiên, toán học, y học, văn học. Các triều đại vua Hồi giáo thuộc những dòng vua Omeyède, Abasside như Haroun – al – Raschid đều rất quý trọng những người có tài năng trong các lĩnh vực học thuật, tư tưởng, nghệ thuật, âm nhạc và văn học.

Trong cung điện của vua Haroun – al – Raschid lúc nào cũng có hàng trăm vũ nữ, nhạc công, hàng mấy chục người kể truyện, hàng trăm nhà thơ. Con số những nhà thơ được triều đình biệt đãi có lúc lên đến hàng ngàn. Ở các nước Ả Rập nhà thơ là hạng nghệ sĩ được yêu mến và tôn sùng hơn cả.

Ngày nay, sau bao nhiêu sàng lọc của thời gian, lịch sử văn học thế giới còn giữ lại ba ngôi sao sáng của bầu trời thi ca Ả Rập: Saadi, Hafiz và Omar Khayyam. Trong ba ngôi sao đó Omar Khayyam là ngôi sao sáng nhất, chiếm một vị trí độc tôn. Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến thơ Ba Tư là người ta thường nghĩ ngay đến tập thơ Rubayât bất hủ của ông.

Ông sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ 11 và mất năm 517 theo lịch Hồi giáo (tức là năm 1123 theo Tây lịch) ở Nishapur thuộc miền Khorassan của Ba Tư. Tên đầy đủ bằng tiếng Ả Rập của ông là Chiyath – ed – din Abou – l’ Fattah Omar – ibn – Ibrahim. Nhưng người đời sau chỉ biết ông qua biệt danh có liên quan đến nghề nghiệp của thân phụ ông, Omar Khayyam. Trong tiếng Ba Tư Khayyam có nghĩa là “thợ làm lều trại”.

Thuở niên thiếu ông theo học với thầy học là giáo sĩ Mowaflak. Hai người bạn đồng môn thân thiết của ông là Nizam – ul – Mulk, vị tể tướng tương lai của vương quốc Ba Tư, và Hassan Sabbak, người sau này trở thành thủ lĩnh một đảng khủng bố giết người. Ba người bạn đã hứa với nhau rằng tình bạn của họ sẽ bền chặt mãi mãi. Suốt đời họ sẽ tương trợ, săn sóc lẫn nhau. Ai thành công trước nhất trên bước đường đời sẽ cố gắng giúp hai người còn lại được toại chí bình sinh.

Về sau, khi giữ chức tể tướng, Nizam – ul – Mulk đã không quên lời hứa, giúp đỡ Hassan Sabbah và Omar Khayyam tận tình. Nhưng Hassan Sabbah vì theo đuổi một mục đích điên rồ đã sai bọn thủ hạ, bọn Haschisch – chin, giết chết Nizam – ul – Mulk.

Thời bấy giờ vương quốc Ba Tư đang phải trải qua nhiều biến động. Những cuộc nổi dậy chống lại triều đình, những bộ lạc và những giáo phái tàn sát lẫn nhau, chiến dịch Thập tự chinh lần thứ nhất của các nước Thiên Chúa giáo Âu châu mong giành lại thánh địa Jérusalem từ tay người Ả Rập mà họ gọi là người Maure. Do đó cuộc đời của chính Omar Khayyam cũng phải trải qua vô số thăng trầm.

Lúc người bạn tể tướng của ông còn sống, ông được tiến cử giữ một chức quan nhỏ ở đài thiên văn và phụ trách tu sửa quyển lịch Hồi giáo Jalali, vì ông là một trong những nhà bác học nổi tiếng trong nước. Ông rất giỏi về toán học, thiên văn học, ngữ học. Ông là người có công khai sinh ra môn đại số học của chúng ta ngày nay.

Ông làm công việc khoa học, nhưng ông cũng có một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động trước cái buồn man mác của một buổi chiều tà, dễ mềm lòng trước những lời thủ thỉ ngọt như mật rót của một mỹ nhân, dễ băn khoăn hoài nghi trước những phi lý của cuộc đời, trước cái phù du của kiếp nhân sinh, trước cái thăm thẳm vô chung vô thỉ của thời gian, trước những câu hỏi mà ở nước ta Nguyễn Du đã từng gọi là “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”.

Những lúc cùng một vài bạn tri kỷ ngồi uống rượu dưới trăng hoặc kề vai một người đẹp ngắm hoa nở ông thường tung bút làm những bài thơ ngắn bốn câu, những “rubayât” mà các tao nhân mặc khách cùng thời đều trầm trồ thán phục.

Ông có tư tưởng phóng khoáng nên không chấp nhận bất cứ một hình thức trói buộc nào. Có lần ông đã nói thẳng với đấng mà chúng ta quen gọi là Đấng Hóa công:

Ngài đã nhào đất sét và nước lã để nặn ra con
Thì con còn biết làm thế nào!
Cuộn lông cừu và cuộn dây gai kia
Chính Ngài đã quay thành sợi
Thì con còn biết làm thế nào?
Những điều phải và những điều trái mà con trót phạm
Đều là do chính Ngài tùy tiện ghi sẵn vào số mệnh của con
Thì con còn biết làm thế nào!

Thời đó, những phần tử cuồng tín đã lên án ông là vô thần, là sa đọa. Trong những năm loạn lạc ông phải rời kinh thành, tìm về những vùng núi non vắng vẻ để mai danh ẩn tích nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, vẫn tiếp tục uống rượu, làm thơ cho đến cuối đời.

Thơ Omar Khayyam, những người có chút ít chữ nghĩa ở những nước Ả Rập và Hồi giáo ai cũng biết, cũng thuộc lòng đôi ba đoạn. Đến cuối thế kỷ 19, người phương Tây mới bắt đầu biết đến tập thơ Rubayât qua bản tiếng Anh của Edward Fitzgerald (năm 1859) và bản tiếng Pháp của J.B.Nicolas (năm 1867). Ở Việt Nam, khoảng những năm 1939-1942, người đầu tiên dịch Omar Khayyam sang tiếng Việt là thi sĩ Phan Khắc Khoan.

*****

Sau đây là một ít bài trong tập Rubayât tạm dịch theo bản tiếng Anh của Edward Fitzgerald.

Ở đây, ta có một mẩu bánh, một bình rượu, một tập thơ
Và có cả em cùng ngồi với ta dưới bóng cây bên cạnh.
Khi em cất tiếng hát giữa nơi hoang mạc
Thì nơi hoang mạc ấy, đối với ta, là một cõi thiên đường

*

Hãy đến cùng ta nâng chén giải sầu
Chuyện đời có nói mãi cũng đến là vô ích
Chỉ có thể biết chắc chắn một việc là ngày tháng đang trôi qua vun vút
Chỉ mỗi cái việc ấy là có thể biết chắc chắn mà thôi
Ngoài ra mọi thứ xung quanh đều là ảo ảnh và dối trá.
Cành hoa khoe sắc một buổi chiều rồi sẽ úa tàn mãi mãi.

*

Ta đã cùng các bạn bè say sưa ươm mầm kiến thức
Và đã khổ công tự tay cày xới mong nó mọc lên tươi tốt
Nhưng cuối cùng những kết quả ta thu hái được là gì?
Là ào ạt đến như dòng nước cuộn rồi lặng lẽ ra đi như ngọn gió xuôi

*

Hãy rót rượu đi. Cứ nhắc mãi rằng dưới chân ta thời gian đang mải miết trôi qua để làm gì?
Cái “Hôm qua” đã không còn. Cái “Hôm sau” chưa thấy đến.
Tại sao cứ quan tâm đến chúng? Trong khi cái “Hôm nay” đầy ắp thú vui đang chào đón ta kìa?

*

Từ trong lòng vũ trụ, qua Cánh cửa thứ bảy ta bước lên Chiếc ngai Sao Thổ
Và ngồi bên vệ đường ta đã giải được không ít những điều bí ẩn?
Nhưng không bao giờ giải được điểu bí ẩn về số phận và cái chết của con người.

*

Miễn là bên sông hoa vẫn nở
Rượu hồng, hãy cùng già Khayyam này, say cho thật thỏa
Bao giờ Thần kia mang cho chén rượu đen hơn
Thì cứ cầm luôn, bàn tay không rung một mảy.

Theo TẠP CHÍ HỒN VIỆT

Tags: , ,