Những suy tư triết học về chứng mất ngủ

Nhờ vào bệnh mất ngủ, chúng ta có được đặc ân để đối diện với cái bản ngã kì dị hơn, chân thật hơn của chính ta. Chúng ta có thể học được gì đó từ sự dị thường không thể chối cãi của mình. 

Màn đêm đã buông xuống từ lâu nhưng giấc ngủ vẫn chưa đến. Bạn lăn qua lộn lại hy vọng tư thế khác sẽ làm tâm trí yên lặng hơn. Nhưng biết đâu nằm nghiêng qua phía bên kia sẽ tốt hơn. Cơn hoảng loạn lại ập đến, mất ngủ thật là một thảm họa.

Nền văn hóa của chúng ta có những cái nhìn cực kì bi quan về căn bệnh mất ngủ (insoma) với những lí do rất dễ hiểu. Nó là một lời nguyền, và lời nguyền này phải được hóa giải bằng nghệ thuật hay khoa học, bằng thuốc ngủ, trà hoa cúc hay bằng cách đếm cừu trong tưởng tượng.

Mất ngủ suốt nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần hẳn không khác gì sống trong địa ngục. Nhưng nếu chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, căn bệnh này không cần thiết phải chữa trị. Cơn buồn ngủ đúng lúc là một tài sản quý báu, là phương thuốc cho tâm hồn. Có những thứ thiết yếu cho cuộc sống ta chỉ có thể “trải nghiệm” trong vài giờ đồng hồ vào lúc nửa đêm. Ai trong chúng ta đều phải tìm lại tài sản quý báu chính là cơn thèm ngủ này.

Họa sĩ Đan Mạch Kerstin đã ngầm nói lên những điểm tốt của tình trạng mất ngủ này. Vào lúc ông còn thức ta có thể đoán trời đã rất khuya, mọi người đã chìm vào giấc ngủ từ lâu, nhưng người đàn ông này vẫn thao thức, để đọc, để nghĩ và để trò chuyện với người đã bị quên lãng từ lâu: Bản ngã của ông. Giữa khuya là lúc nhiều thứ vĩ đại có cơ hội xảy ra trong tâm trí ông. Cũng như những nhà nghệ thuật tiêu biểu khác, Kersting đang có gắng để biến những thứ đáng quan tâm trở nên huy hoàng, tráng lệ.

Lúc ban ngày, chúng ta có trách nhiệm với kẻ khác. Lúc màn đêm buông xuống, chúng ta lại phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn: trách nhiệm với bản thân. Màn đêm là thứ giúp điều hòa dục vọng của xã hội. Tôi có thể vừa là một nha sĩ, vừa là một thầy dạy toán nhưng từ lúc ban đầu chi đến nay, những khi tôi được phép trò chuyện với bản ngã của mình, tôi nhận ra mình chỉ là một thứ ý thức vô danh, vô cùng tận, một thứ vật chất vô định và mênh mông rộng lớn hàm chứa những khả năng vô tận và thứ trí tuệ vừa hiếm có, vừa nhiễu loạn, vừa nhị nguyên lại vừa nhất thể tuyệt đối.

Những suy tưởng lúc nửa đêm có thể nghe lạ lẫm và kì dị đối với mẹ tôi, bạn bè, sếp và con của tôi. Những người này cần ta theo một cách khác nhau. Họ không thể chấp nhận những sự sai biệt trong chính chúng ta và vì một số lí do nào đó, chúng ta không muốn làm cho họ thất vọng. Họ có quyền nhận được lợi ích từ tính dễ đoán của chúng ta. Nhưng kì vọng của họ định hình ta, tạo ra con người mà ta phải trở thành, và vô đè nén những phần quan trọng trong ta.

Nhưng vào ban đêm, với cửa sổ mở rộng và bầu trời quang vắng ở trên cao, chỉ còn ta và vũ trụ, đúng vào giây phút đó ta nhận được một phần vô hạn của vũ trụ.

Chúng ta không chỉ đau khổ vì dành quá ít thời gian cho bản ngã thật sự ẩn sâu trong ta. Ta còn đau khổ bởi vì những người chúng ta gặp đều mang chiếc mặt nạ là phiên bản ban ngày của họ.

Chúng ta cần biết nhiều hơn về chân dung của một người khi họ đang cô độc, khi họ thao thức trong đêm, và khi tâm trí họ đầy những suy nghĩ dị thường (nhưng rất bình thường). Vào 2 giờ sáng, nữ giám đốc nghĩ rằng công ty đang đi xuống – nhưng cô vẫn cán đán trọng trách của mình. Một người mẹ nghĩ rằng cô nên chạy trốn khỏi hôn nhân và bỏ lại gia đình – nhưng cô vẫn ở lại và chẳng ai biết về suy nghĩ của cô. Một tiểu thuyết gia thành công ước rằng ông ta đã chưa bao giờ bắt đầu nghiệp viết vì cảm thấy tất cả những gì ông làm đều thật đáng thương hại. Nhưng ông vẫn giữ phong thái thông tuệ và đỉnh đạt của một người “thợ rèn con chữ”. Chúng ta đều cần biết rằng những người thành công nhất, giỏi giang nhất và đứng đắn nhất đều có những suy nghĩ thầm kín trái ngược với con người mà trong tưởng tượng của chúng ta.

Sự thật này không làm đảo lộn mọi thứ mà trái lại nó thực sự giúp cho chúng ta yên tâm hơn, là phương thuốc chữa khỏi căn bệnh suy nhược vì sợ hãi cơn điên của chính mình và cảm giác cô độc trong tư tưởng.

Người ta nói rằng nếu bạn bỏ đi tiêu chuẩn xã hội – phải đứng đắn và đầy trách nhiệm – “phần con” của bạn sẽ trỗi dậy.

Không may thay, các chuẩn mực xã hội cũng là thứ đè nén phần ngọt ngào và tinh tế của chúng ta. Chúng ta bọc chúng trong một lớp vỏ vào ban ngày không phải chúng là thứ gì đó tệ hại mà bởi vì thường gây ra những hiểu lầm.

Trong đêm tối, tên côn đồ hiểu rằng sự tàn nhẫn của hắn đến từ lòng hận thù và nỗi thất vọng, trong sâu thẳm tâm hồn hắn là một nỗi cô đơn và tủi hổ. Sẵn sàng thừa nhận sự yếu đuối, sai lầm và ngu ngốc, chấp nhận cảm giác tủi hổ và hối hận. Những cảm giác này không bắt nguồn dưới ánh sáng mặt trời chói chang khi mọi người đang mang chiếc mặt nạ mong manh vào ban ngày được. Chỉ khi màn đêm thống trị tinh cầu, khi nỗi sợ về hậu quả hay sự nhục nhã bị bóng tối nuốt chửng thì ta mới bắt đầu chạm được đến phần nhạy cảm nằm trong bản chất của mỗi con người chúng ta.

Chúng ta đều hướng tư tưởng của mình đến sự bình thường. Nhưng nhờ vào bệnh mất ngủ, chúng ta có được đặc ân để đối diện với cái bản ngã kì dị hơn, chân thật hơn của chính ta. Chúng ta có thể học được gì đó từ sự dị thường không thể chối cãi của mình. Thân phận vào ban ngày là một bức họa sai lệch khỏi sự thật về mỗi người. Bệnh mất ngủ là một món quà và là một bài học không thể nói thành lời.

*

Bệnh mất ngủ cho bạn cơ hội lý tưởng để suy nghĩ. Những suy nghĩ mang tính đột phá vào ban ngày mới dễ quên làm sao. Với lượng ý tưởng được sinh ra vào ban đêm, phòng ngủ đáng được gọi là phòng làm việc hơn là văn phòng. Bệnh mất ngủ là sự trả thù của những suy nghĩ quan trọng mà chúng ta đã bỏ qua vào ban ngày vì chúng ta không có thời gian để ý đến chúng.

Vào ban ngày, có hàng ngàn vấn đề cần giải quyết nhanh gọn. Đầu óc chúng ta bị độc chiếm bởi những thứ có thể gọi là những “câu hỏi hạ đẳng”. Cách nào để đến được trung tâm thành phố nhanh nhất nhỉ? Làm sao để lấy được số của nhà hàng để đặt bàn trước cho thứ ba đây ta? Nói gì để anh ta phải cứng họng nhỉ?

Trong phần mở đầu của tác phẩm “Ethics” (phẩm chất đạo đức), triết gia Aristotle đã chỉ ra rằng đa số những gì chúng ta làm đều có một mục đích phục vụ thứ gì đó khác. Một người làm ra dây cương – dường như là ví dụ yêu thích nhất của Aristotle – để có thể điều khiển con ngựa. Có nghĩa là kị binh sẽ hiệu quả hơn, vị tướng có thể thắng trận. Vì vậy mà, những hành động có vẻ “hạ đẳng” như làm ra dây cương có thể được coi là một hành động cống hiến, nhìn xa hơn nữa đó quả là một việc làm “cao thượng” – giúp giữ oan toàn cho quốc gia, xã tắc.

Theo Aristotle, triết học nên chú trọng vào những câu hỏi “cao thưởng” hơn là chỉ nói về bề nổi như LÀM SAO ĐỂ LÀM VIỆC GÌ ĐÓ, mà phải hỏi TẠI SAO VIỆC ĐÓ LẠI ĐÁNG LÀM NHƯ VẬY.

Trong cuộc chạy đua thường nhật, ta không có thời gian để hỏi những câu hỏi “cao thượng”: Tôi có đang phí thời gian với những cuộc gặp gỡ xã giao giả tạo không? Tại sao tôi lại phải đọc báo? Tại sao tôi lại cảm thấy khó chịu với người tôi yêu thương?

Nhưng vào ban đêm, những câu hỏi quan trọng bắt đầu trỗi dậy. Trong đêm tối tĩnh mịch, người ta có thể chiêm nghiệm về ý nghĩa của công việc, những lợi ích đằng sau tình bạn, cơ chế hoạt động của tình yêu. Những chủ đề này không còn mang tính hàn lâm nữa. Chúng ta trở thành những triết gia khi chúng ta tìm về cội nguồn của những vấn đề trong cuộc sống.

Thứ thường làm chúng ta thao thức nhiều nhất chính là tham vọng. Tôi đang cố làm gì vậy? Mục tiêu cuộc đời của tôi ở đâu? Chúng ta tìm ra và bị tra tấn bởi những cơ hội của chúng ta: Làm sao để kiếm nhiều tiền hơn? Làm sao để làm việc hiệu quả hơn? Làm sao để tạo ra sự khác biệt…

Những câu hỏi này thật đáng sợ bởi vì lúc đầu dường như chẳng có kế hoạch hành động nào cả, chỉ là một tham vọng đang chờ được thực hiện bằng việc nghi kị và lừa gạt người khác. Nghĩ hoài nghĩ mãi nhưng cảm giác ta vẫn là một kẻ kém cõi thật khó chịu. Màn đêm bảo vệ chúng ta khỏi sự nghi kị và khỏi những người xung quanh. Giống như thời thơ ấu, nó cho phép ta tìm lại bản thân và không cần phải luôn tỏ ra đáng tin cậy và tuyệt vời.

Trong đêm tối bạn chẳng cần phải trình diễn cho những vị khán giả khó tính, bạn có thể thực hiện những ý tưởng mà mọi người có thể cho là phi thực tế.

Những nghệ sĩ sâu sắc ở chỗ họ biết cách giữ lại những ý tưởng mà ban đầu có vẻ khá tồi tệ. Khi đọc bản in hoàn chỉnh tuyệt tác Ulysses của James Joyce, ta không thể biết được quá trình hoài thai của tác phẩm. Nhưng những bản nháp thì cho chúng ta vài gợi ý. Ta có thể thấy những câu, những đoạn bị gạch bỏ, những con chữ “trật đường ray”, những đoạn văn không ăn khớp.

Nghiệp nghệ sĩ là phải luôn ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” với sự bất toàn to lớn. Nghĩa là họ phải tự an ủi bản thân trước nổi kinh hoàng khi phải tự tay xé đi từng bản nháp buổi đầu tiên. Cũng vậy, tất cả chúng ta đều hãy trở thành một nghệ sĩ, không phải để viết ra những cuốn tiểu thuyết hay xây nên những tòa kiến trúc mà là để thiết kế chính cuộc sống của mình. Chúng ta phải có niềm tin vào mục tiêu mà không bị bóp nghẹt vì chán nản trước sự vụng về của cố gắng đầu tiên.

Xét về tổng thế, cái gì đúng trong nghệ thuật cũng sẽ đúng trong đời sống. Xây dựng thành công một cơ nghiệp hay cải tổ chức lại một văn phòng đều có những điểm tương đồng với viết một cuốn tiểu thuyết hay xây một căn nhà. Chúng ta phải mạo hiểm cho những sự bất toàn ở buổi đầu một cơ hội, chúng có thể là một phần thiết yếu của kế hoạch lớn hơn.

Chúng ta đều muốn đi đến một kế hoạch thực tế và an toàn. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu với những suy nghĩ có vẻ cực kì nhàm chán và có chút nhảm nhí. Màn đêm là người bạn hữu của quá trình chín mùi của những kế hoạch đầy tham vọng. Đêm tối bảo bọc chúng ta để ta lớn lên trong bản ngã hoàn chỉnh hơn của mình.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM / THE BOOK OF LIFE

Tags: ,