Những sự thật không phải ai cũng biết biết về ‘tà giáo’ Voodoo

Nhờ vào cách khắc họa “sinh động” của những bộ phim Hollywood, Voodoo là một tôn giáo đang bị hiểu lầm một cách tồi tệ. Hầu hết mọi người tin rằng Voodoo đại diện cho một loại ma thuật của bóng tối có liên quan chặt chẽ đến tục hiến tế, bùa chú, ma thuật kì dị và sử dụng những hình nhân để làm hại người khác. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tín ngưỡng tôn giáo này, và những câu chuyện ẩn sau nó là một bằng chứng rõ ràng cho thấy không phải những gì xuất hiện trên truyền hình đều đáng tin.

Những sự thật không phải ai cũng biết biết về “tà giáo” Voodoo

Voodoo có tới ba nhánh khác nhau

Bản thân tôn giáo này cũng được chia thành ba nhánh, mỗi nhánh thể hiện những đặc trưng riêng của mình. Voodoo ở Tây Phi thu hút khoảng hơn 30 triệu tín đồ, phổ biến ở các quốc gia như Ghana và Benin. Bên cạnh đó cũng có giáo phái Voodoo Louisiana, xuất hiện chủ yếu ở Lousiana và miền đông bắc Hoa Kì. Mặc dù có nguồn gốc là từ Châu Phi nhưng sau đó nó đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ những người định cư Tây Ban Nha, Pháp cũng như Creole. Một nhánh nữa là Voodoo Haiti, với phần lớn tín đồ là người Haiti, thực chất cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Kito giáo.

Tương đồng lạ kì với Kito giáo

Thoạt nhìn, một tôn giáo với những khái niệm về linh hồn, thuốc độc, thờ tổ tiên.. có vẻ ít liên quan đến Kito giáo. Thế nhưng, chúng lại có một sự tương đồng mạnh mẽ, đặc biệt là trường hợp ở Louisana và Haiti. Theo đó khá nhiều truyền thống, đức tin, nhân vật được lấy từ Kito giáo đã du nhập vào tôn giáo này như thần Aida Wedo phản chiếu lại hình ảnh của đức mẹ Mary, Legba – người gác cổng lại có nhiều nét tương đồng với Thánh Phêrô… Còn với Voodoo Tây Phi, họ luôn tin tưởng rằng chỉ có duy nhất một vị thần tối cao có thể cai trị tất cả – một đặc điểm rất giống với Kito giáo.

Được chấp nhận bởi Giáo Hội Công Giáo

Tưởng chừng như một “tà phái” như Voodoo sẽ có nhiều điểm xung khắc với Công giáo, tuy nhiên nó lại trái ngược hẳn với suy nghĩ của nhiều người. Thực tế, sự tương đồng lớn giữa Voodoo và Kito giáo đã cho thấy sự thân cận giữa hai tôn giáo này. Thậm chí, họ còn cùng hợp tác trong nhiều lĩnh vực và không hề xảy ra sự thù địch giữa hai bên. Đã từng có một khoảng thời gian hai tôn giáo này có những mâu thuẫn, tuy nhiên hiện tại, linh mục từ hai bên đang cùng nhau hợp sức để đem lại hòa bình và thịnh vượng cho Châu Phi – nơi khai sinh ra Voodoo. Đức Giáo Hoàng John Paul II đã từng nói rất lâu về những điều tốt , sự thánh thiện trong giáo lý, niềm tin của những tín đồ Voodoo. Ông thậm chí còn tham dự một buổi nghi lễ của tôn giáo này vào năm 1993, giúp củng cố sự hòa nhã của hai tôn giáo tưởng chừng như đối lập này.

Hình nhân thế mạng

Hình ảnh những con búp bê được các thầy cúng yểm bùa và sử dụng như một hình nhân thế mạng đã quá quen với mọi người, hầu hết là thông qua các bộ phim ảnh. Theo đó, con búp bê sẽ được kết nối với người bị yểm bằng cách gắn lên nó hình ảnh của họ hoặc một vật gì đó gắn liền với thân chủ như lọn tóc, mẩu da… Qua một số câu chú của thầy phù thủy, mọi tác động lên con búp bê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người đó. Nhưng điều mà chúng ta thường thấy trên truyền hình đã gây ra một sự hiểu nhầm đáng sợ ở đây. Thực tế, hình nhân thế mạng không hề được phục vụ cho những mục đích xấu, mà ngược lại. Những tín đồ của tôn giáo này thường sử dụng chúng để cầu nguyện, chúc phúc và gửi những thông điệp đến những linh hồn đã nhập vào con búp bê đó. Búp bê thế mạng – tự nó không phải là một điều xấu xa nhưng mọi người đều tin rằng nó có thể trở thành một công cụ để thực hiện một hành vi đen tối nào đó.

Marie Laveau

Marie Laveau là một người Mỹ gốc Phi sống vào thế kỷ 19 – thời điểm người da đen khổ sở trước sự bóc lột của người da trắng. Thế nhưng, bà lại có một cuộc đời sung túc, được nhiều người nể trọng và là người đầu tiên khởi xướng bùa phép Voodoo. Trong dịch cơn sốt vàng năm 1853, nhiều bác sĩ đã bó tay trước việc cứu chữa bệnh nhân thì Marie lại dễ dàng cứu sống những người da đen trong khu phố bà sống. Bà không dùng bất kì phương thuốc nào, thay vào đó, bà tiến hành các buổi hành lễ, cúng tế đậm sắc màu ma quái. Marie giải thích với người dân xung quanh, đây chính là Voodoo – một tôn giáo cổ xưa và quyền lực nhất trên Trái đất.

Từ đây những câu chuyện kỳ lạ liên tiếp xuất hiện như việc Marie nuôi một con rắn khổng lồ tên là Zombi – con vật có thể… hiểu tiếng người và nghe theo sự điều khiển của “nữ hoàng Voodoo”. Có lần trước rất đông người, Marie đã biểu diễn thuật phân thân khi cùng lúc có mặt ở rất nhiều nơi. Một số người tuyên bố đã thấy Marie sử dụng những con búp bê để điều khiển giai cấp cầm quyền New Orleans giảm thuế, trả tự do cho nhiều nô lệ da đen. Một số kẻ giàu có luôn ức hiếp người vô tội sẽ bị bà ám bùa cho tới chết hay việc bà mở một tiệm làm đẹp miễn phí là để lấy tóc của nhiều người làm bùa chú.

Những câu chuyện kể trên mang tính chất nửa thật nửa giả, nhưng có một điều mà ai cũng công nhận là Marie dường như… bất tử. Vào năm 1880, khi đó đã gần 86 tuổi nhưng vẻ ngoài của bà không khác gì một phụ nữ ở tuổi 30 – không một chút nếp nhăn trên khuôn mặt, cơ thể đầy đặn, cử chỉ nhanh nhẹn đến khó tin. Chính vì những bí ẩn xung quanh Marie Laveau, mà nơi chôn cất bà – Saint Louis đã trở thành một trong 10 ngôi mộ được viếng thăm nhiều nhất thế giới.

Các tín đồ Voodoo là tôi tớ của những linh hồn

Những tín đồ Voodoo thường bị “buộc tội” là có khả năng ra lệnh cho các linh hồn để đạt mục đích của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, họ xem mình là một người tôi tớ của những linh hồn. Trong tôn giáo Voodoo, họ không thực sự điều khiển thế giới tâm linh mà chỉ có thể thể hiện những ước nguyện của mình với họ. Các linh mục hay nữ tu của tôn giáo này phải trải qua một thời gian dài luyện tập mới có thể thực hiện một nghi lễ chiếm hữu một linh hồn nào đó. Trong suốt nghi lễ, một trong hai linh hồn cư ngụ trong cơ thể sẽ rời khỏi thân thể đó để chỗ cho một linh hồn khác. Và mục đích của nghi lễ này hoàn toàn phục vụ cho một mục đích trong sáng chứ không hề như mọi người vẫn nghĩ về Voodoo.

Chữa bệnh

Trở lại với búp bê thế mạng và những định kiến xung quanh nó, nhiều người vẫn nghĩ rằng những thầy phù thủy Voodoo có khả năng triệu hồi sinh linh và sử dụng quyền lực của mình để làm hại người khác. Ngược lại, một trong những lí do quan trọng nhất để triệu hồi một linh hồn đó là chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Người ta tin rằng với nghi lễ này, họ có thể chữa lành vết thương cho người bệnh, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, thậm chí là cả thay đổi vận may cho họ. Các linh mục, nữ tu Voodoo thừa nhận rằng những nghi thức của họ không phải là một phương thuốc hữu hiệu trong việc chữa khỏi những vết thương khác nhau, và nếu mọi việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát, những phương pháp điều trị hiện hiện đại vẫn được ưa dùng hơn cả.

Hiến tế động vật

Hiến tế động vật luôn đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ Voodoo nhưng lí do không phải là để đề cao cái chết hay máu.. Tín đồ Voodoo tin rằng các vị thần sử dụng rất nhiều năng lượng để giao tiếp với con người cũng như những hoạt động thường ngày của họ. Bằng cách hiến tế động vật, linh hồn của loài vật đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các vị thần được tôn thờ, trẻ hóa họ. Thịt và máu của loài vật hiến tế thường được nấu chín và được mọi người sử dụng trong suốt buổi lễ. Mỗi vị thần sẽ được hiến tế một loài động vật riêng cho họ.

Nhảy múa với loài rắn

Hình ảnh thường thấy trong những nghi lễ của tôn giáo Voodoo đó là nhảy múa với loài rắn. Mọi người có thể sẽ thấy đây là một hành động có phần “man rợ” tuy nhiên thực tế, rắn là loài vật quan trọng nhất trong một buổi nghi lễ của tín đồ Voodoo. Damballa hay Danballa là vị thần rắn và lâu đời nhất của đền thờ Voodoo. Ông được tin rằng chính là vị thần đã tạo ra thế giới. Damballa tạo ra nước từ làn da của mình và những ngôi sao trên trời là từ vòng tròn ông tạo ra. Ông kết hôn với Ayida Wedo, cầu vồng, đại diện cho tình yêu vĩnh cửu giữa nam và nữ. Ông còn đại diện cho trí tuệ và tâm hồn, là người sẽ đưa các linh hồn của người chết sang thế giới bên kia. Damballa cũng có thể nhập được vào những linh mục để hiện thân trong buổi lễ.

Theo PHÁP LUẬT & XÃ HỘI

Tags: ,