Những phát kiến ‘vô tiền khoáng hậu’ của người La Mã cổ đại

Đế chế La Mã cổ đại có lịch sử phát triển từ 2.000 năm trước đã để lại nhiều di sản độc đáo cho loài người. Nhiều thành tựu từ thời kỳ này có ý nghĩa thực tiễn to lớn cho đến tận ngày nay.

Cầu máng dẫn nước của người La Mã cổ.

1. Bê tông siêu bền

Nhiều kiến trúc La Mã cổ đại như đền Pantheon, đấu trường La Mã và quảng trường La Mã vẫn sừng sững tồn tại cho đến ngày nay. Sở dĩ những công trình này trường tồn với thời gian là do nó được xây dựng từ bê tông siêu chắc và sự phát triển vượt bậc của xi măng.

Người La Mã bắt đầu xây dựng những công trình sử dụng bê tông từ hơn 2.100 năm trước. Họ thường sử dụng vật liệu này ở toàn bộ lưu vực Địa Trung Hải để xây mọi công trình từ cống dẫn nước đến các tòa nhà, cầu cống và công trình kỷ niệm.

Mặc dù bê tông La Mã được cho là yếu hơn so với vật liệu tương tự ngày nay nhưng nó lại có độ siêu bền vượt trội, không bị phá hủy trong thời gian dài. Thành phần kết cấu bê tông gồm đá vôi, tro và đá núi lửa (còn gọi là Pozzolana – chất phụ gia thủy lực) đã tạo ra hỗn hợp liên kết vô cùng chắc chắn. Chính vì vậy, nó có thể chịu đựng được sức tác động lớn về mặt hóa học. Pozzolana giúp các công trình làm từ bê tông của người La Mã vẫn còn khá nguyên vẹn sau hàng nghìn năm chìm trong nước biển. Kể từ đó, người ta sử dụng vật liệu này để xây các phòng tắm, cầu cảng và bến cảng.

2. Hệ thống cống dẫn nước trọng lực

Người La Mã đã để lại khá nhiều sáng kiến lạ và hữu ích cho cuộc sống như nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cống ngầm, đài phun nước và phòng tắm cộng đồng được trang trí công phu. Trong số đó, chúng ta không thể không kể đến hệ thống cống dẫn nước trọng lực – một trong những phát minh vĩ đại nhất của người La Mã. Nó được xây dựng và phát triển vào khoảng năm 312 trước Công nguyên. Vào thời gian đó, các kỹ sư La Mã sử dụng những “tuyệt chiêu” kỹ thuật trong việc xây dựng nhằm di chuyển dòng nước đi qua cống làm từ đá. Những cống trọng lực làm từ bê tông vô cùng chắc chắn sẽ dẫn nước vào trung tâm thành phố cũng như xả nước vào mùa mưa lũ.

Hệ thống cống dẫn nước trọng lực đã giải phóng thành phố La Mã khỏi sự phụ thuộc vào những nguồn cung cấp nước trước đó, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Người La Mã đã không phát triển, xây dựng hệ thống dẫn nước từ những kênh rạch nguyên thủy để dẫn nước vào thành phố giống như người Ai Cập, Assyria, Babylon. Họ sử dụng và làm chủ kỹ thuật xây dựng dân dụng để làm nên công trình này. Người La Mã xây hàng trăm cống dẫn nước trọng lực trên khắp lãnh thổ. Trong đó, một số công trình có thể điều phối dòng nước chảy cách xa 60 dặm.

Một trong những cống dẫn nước trọng lực La Mã cổ đại tốt nhất vẫn được sử dụng cho đến ngày nay là đài phun nước Trevi ở Rome. Nó là một minh chứng rõ ràng nhất về công trình được cung cấp nước từ Aqua Virgo – một trong 11 cống dẫn nước trọng lực của người La Mã cổ đại còn sót lại.

3. Tờ truyền tin hàng ngày – tiền thân của báo in

Người La Mã được cho là những người đầu tiên tạo ra văn bản chính thức về quân sự, vấn đề pháp lý, dân sự và công bố nó với dân chúng. Tờ báo ấy được gọi là Acta Diurna hay “tờ truyền tin hàng ngày”, được viết trên kim loại hoặc đá. Sau đó, người ta đăng chúng tại khu vực giao thương sầm uất như Quảng trường La Mã. Acta Diurna được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 131 trước công nguyên. Trong đó, nó nói về chi tiết chiến thắng của quân đội La Mã, danh sách các trò chơi và những võ sĩ giác đấu, cảnh báo về vấn đề sinh tử hay thậm chí là những câu chuyện thú vị mà người dân thời đó quan tâm. Chuyên gia khảo cổ cũng tìm thấy một tờ báo Senatus Acta nói về quy trình và thủ tục tố tụng của Thượng viện La Mã.

Loại báo truyền tin này chính thức được công bố rộng rãi vào năm 59 trước công nguyên, khi hoàng đế Julius Caesar ra lệnh công bố sử dụng nó như một phần của những cải cách tiến bộ trong thời gian cầm quyền.

4. Công tác phúc lợi

Thành Rome cổ đại là đầu nguồn của con suối trong chuỗi những chương trình của chính phủ hiện đại ngày nay như các biện pháp trợ cấp thực phẩm, giáo dục và các chi phí khác cho người nghèo. Người La Mã cổ đại đã thực hiện những công việc này từ năm 122 trước công nguyên khi Tribune Gaius Gracchus khởi xướng chương trình đề nghị chính quyền Rome ra đạo luật cung cấp cho người dân hưởng mức giá mua lương thực rẻ hơn. Hình thức phúc lợi xã hội này tiếp tục được thực hiện dưới thời Trajan – người theo đuổi chương trình gọi là “alimenta” để giúp đỡ thức ăn, quần áo và dạy học cho trẻ em mồ côi, nghèo khó.

Các mặt hàng khác như ngô, dầu, rượu vang, bánh mì và thịt lợn cuối cùng đã được thêm vào danh mục hàng hóa bị kiểm soát giá. Họ làm như vậy để ngăn chặn tình trạng thương lái đầu cơ, tăng giá các mặt hàng. Những chính sách trên góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nghèo và hoàng đế La Mã đã “ghi điểm” với công chúng. Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng, điều đó khiến cho Rome rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế.

5. Đường giao thông và đường cao tốc

Ở thời kỳ đỉnh cao, đế chế La Mã trải dài trên diện tích gần 1,7 triệu dặm vuông, “nuốt chửng” hầu hết khu vực miền Nam châu Âu. Để đảm bảo kiểm soát và quản lý tình hình một cách hiệu quả, người La Mã đã xây dựng các hệ thống đường xá phức tạp nhất vào thời cổ đại. Một số con đường vẫn còn được sử dụng đến tận ngày nay. Chúng được xây dựng từ các vật liệu gồm: sỏi, gạch làm từ đá granit hay đá được tạo thành từ dung nham núi lửa.

Vào thời cổ đại, kỹ sư người La Mã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khi thiết kế đường cao tốc của họ. Khi đó, họ tạo ra những con đường thẳng tắp cùng với đó là cho phép thoát nước khi xảy ra ngập úng. Người dân vùng đất này cũng xây dựng hơn 80.000 km đường xá vào khoảng năm 200 sau công nguyên. Chúng chủ yếu được sử dụng trong các cuộc chinh chiến. Những tuyến đường cao tốc cho phép quân đội La Mã có khả năng di chuyển hơn 40 km/ngày. Thêm vào đó, họ còn có mạng lưới thông tin tình báo và truyền tin nằm ở các ngôi nhà dọc ven đường. Chúng được vận chuển với tốc độ đáng kinh ngạc khiến cho quân đội nhận được tin cấp báo thường xuyên.

Vào thời đó, chính quyền La Mã cũng quản lý các tuyến đường đó giống như ngày nay. Cụ thể, họ đánh dấu số km trên các đoạn đường và thông báo cho khách du lịch khoảng cách từ vị trí của họ đến nơi định đến. Họ cũng cử một số nhóm binh sĩ đặc biệt làm nhiệm vụ giống như tuần tra đường cao tốc.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,