Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ đương đại

Ấn Độ có nhiều giá trị XHCN vốn tồn tại trong lịch sử và vẫn còn hiện hữu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Lịch sử cận đại và hiện đại của Ấn Độ cũng đang tiếp nối và bồi đắp cho những nhân tố XHCN ấy, song dường như là bằng những cách thức khác. Xã hội hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị ở Ấn Độ hiện nay có thể được xem là những nhân tố XHCN góp phần làm cho sự phát triển của nước này đạt tới các  tiêu chí nhanh, nhân bản và bền vững. Còn không ít những trở lực trên con đường phát triển của Ấn Độ, nhưng với những di sản của quá khứ, với những nỗ lực cải cách hiện nay, có thể tin tưởng rằng, các nhân tố tích cực ấy sẽ lớn dần.

Những nhân tố xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ đương đại

Tác giả: PGS, TS Nguyễn An Ninh, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 11/2016.

Nếu hiểu CNXH là một triển vọng bao gồm những nhân tố, xu thế phát triển để hướng tới cái xã hội trong quá trình phát triển và được hình thành từ các quá trình kinh tế, xã hội, từ lịch sử và hiện tại của một quốc gia;

Nếu hiểu CNXH là những giá trị, quan niệm hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do, độc lập và hòa bình… vốn đã định trong tâm thức, khát vọng từ rất lâu trong lịch sử của một dân tộc;

Nếu hiểu rằng những xu thế ấy, những giá trị ấy ngày hôm nay vẫn tiếp diễn và được hỗ trợ thêm bởi những nhân tố mới của phát triển hiện đại như sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ngày càng mang tính xã hội hóa, nền chính trị ngày càng dân chủ hóa và nỗ lực tham gia vào toàn cầu hóa, ý thức trách nhiệm của quốc gia với hòa bình, ổn định và cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới;

Thì Ấn Độ là một trường hợp nghiên cứu cứu khá điển hình về những nhân tố XHCN trong lịch sử và hiện tại. Điều này còn được gợi mở và  truyền cảm hứng từ những nhà tư tưởng lớn như K. Marx qua các nghiên cứu về tác động hai mặt của sự thống trị của thực dân Anh trước đây ở Ấn Độ; qua những nghiên cứu sâu sắc và tình cảm nồng nhiệt của Hồ Chí Minh với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ…

1. Những tiền đề lịch sử và đương đại của CNXH ở Ấn Độ

1.1. Thứ nhất,  những tiền đề lịch sử

1.1.1. Phương thức sản xuất châu Á ở Ấn Độ  

K. Marx chứng minh về tất yếu hướng tới CNXH từ xuất phát điểm là con người xã hội, trong một nền sản xuất và quản lý xã hội ngày càng xã hội hóa “Phương thức sản xuất châu Á”(1) – mà Ấn Độ là trường hợp nghiên cứu điển hình của Marx, thời đó lại khá trì trệ trong quan niệm cộng đồng phát triển trên cơ sở phi tư hữu ruộng đất hay chế độ ruộng đất công. Trong phương thức sản xuất nhỏ lạc hậu, sở hữu công cộng ruộng đất có lẽ lại chính là sự ràng buộc, hạn chế sự phát triển của sức sản xuất trong xã hội nông nghiệp. Song chính Marx lại thấy ở đây những tiền đề kinh tế cho quá trình phát triển rút ngắn để đi lên một xã hội cộng đồng, từ sở hữu cổ truyền có thể đi lên một quá trình phát triển mới dựa trên tính chất xã hội của sở hữu.

Công hữu về ruộng đấttrong các cộng đồng nông thôn Ấn Độ cần được nhìn nhận như một nhân tố thuận lợi về sở hữu cho định hình và định hướng XHCN. Sau những tác động từ công nghiệp hóa của Anh, từ khi giành độc lập, các cuộc “cách mạng xanh” trong trồng trọt, “cách mạng trắng” trong chăn nuôi vào những năm 60 – 80 thế kỷ XX ở Ấn Độ có lẽ vừa tiếp nối vừa bổ sung, và làm nảy nở thêm nhân tố xã hội hóa ấy. Nó đã bù đắp cho sự thiếu hụt của phương thức cổ truyền là trình độ sản xuất lớn, bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.

1.1.2. Công xã nông thôn và dân chủ kiểu phương Tây

Những manh nha của dân chủ ở Ấn Độ đã được hình thành lâu đời, từ các công xã nông thôn vẫn tồn tại đến ngày nay. Chắc chắn là có không ít những giá trị của thời cổ đại có thể đồng hành với nền dân chủ hiện đại.

Thời cận đại, dân chủ kiểu phương Tây đã sớm đến với xã hội Ấn Độ, tuy nhiên thông qua cái “éo le của lịch sử” là sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Anh. Người Anh đã mang lại một số yếu tố khai hóa, nhưng thông qua chế độ dân chủ phương Tây, với cơ chế dân chủ đại diện, đã làm mất dần đi cơ chế dân chủ trực tiếp của công xã nông thôn Ấn Độ. Ý chí của mỗi cá nhân, hay “quyền được nói ra” của thành viên, theo đó cũng bị trừu tượng hóa đi bởi các đại biểu. Trong một xã hội mà đẳng cấp, thứ bậc xã hội còn ảnh hưởng khá nặng nề, đẳng cấp Paria liệu có còn có tiếng nói và vị thế công bằng trong xây dựng nền dân chủ? Chỉ có thực tiễn của Ấn Độ mới trả lời được chính xác vấn đề này.

1.1.3. Những giá trị nền tảng của Ấn Độ giáo, Phật giáo tương đồng với lý tưởng XHCN

Những giá trị về công bằng, bình đẳng, vị tha, hữu ái, khoan hồng với đồng loại và hòa bình ở các tôn giáo tối cổ của Ấn Độ, có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng XHCN.

Cái đặc thù của tư tưởng cổ truyền Ấn Độ là tư tưởng vô ngã, vong ngã. Một tư tưởng có nguồn gốc từ tôn giáo tối cổ của Ấn Độ – Upanisahd: “Sông đổ vào biển và mất cả tên, cả hình thể, nhà hiền triết cũng vậy, bỏ được cái tên và hình thể rồi nhập vào Thượng đế, vượt lên trên tất cả!”. Đây là khác biệt sâu sắc khi so sánh tư tưởng Ấn Độ với tư tưởng phương Tây, như nhận xét của Will Durant: “Người phương Tây, từ tôn giáo tới các chế độ chính trị kinh tế đều thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân”. Tư tưởng quên đi cái tôi, làm mất đi cái tôi, hòa cùng vạn vật, không hẳn là tư tưởng XHCN, nhưng nó là sự khác biệt với xu thế tôn thờ bản ngã của triết lý phổ biến ở phương Tây, nó đối lập với chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội.

Khác với một số tôn giáo mang tính quốc tế mà sự xâm thực của nó tới các miền đất mới thường đồng hành cùng bạo lực xâm lược. Phật giáo là tôn giáo của hòa bình. Cách mà Phật giáo đến với nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là thông qua bước chân truyền đạo của những vị chân sư một lòng “hoằng dương Phật pháp” hay qua những chuyến tàu buôn hải hồ của thương lái khi xưa… Đúng như nhận định của Will Durant: “Đạo Phật lan tràn khắp Ấn Độ và bắt đầu xâm chiếm châu Á một cách hòa bình… từ Kady ở đảo Tích lan, tới Kamacura ở Nhật Bản, nét mặt an tĩnh của Đức Thích ca còn gợi cho người ta khoan hồng với đồng loại và yêu mến hòa bình”.

1.2. Thứ hai, những tiền đề hiện tại nảy sinh trong quá trình phát triển

1.2.1. Khát vọng độc lập dân tộc

Anh đã xâm lược và biến Ấn Độ thành thuộc địa trong quãng thời gian dài và coi như một sở hữu của mình với cái tên “British India” (Ấn Độ thuộc Anh). Người Anh bằng mọi cách để duy trì sự thống trị của mình. Hiển nhiên, nhân dân Ấn Độ không chịu khuất phục. Rất nhiều cuộc đấu tranh vì độc lập đã nổ ra, và hầu như không có vĩ nhân thời cận đại hay hiện đại của Ấn Độ mà không phải là những con người xả thân vì lý tưởng giải phóng, độc lập. Mohandas Karamchand Gandhi (1869 – 1848) là một ví dụ điển hình. Tận hiến cho sự nghiệp độc lập và phát triển Ấn Độ, ông xứng đáng với sự suy tôn của nhân dân là Thánh Găng đi (Mahatma Gandhi). R.Tagore từng ngợi ca về ông – con người mà “Sự tôn xưng của nhân dân đã thành tên thực”.

Hai xung lực khác hướng: một là từ sự áp đặt của chủ nghĩa thực dân, một là từ khát vọng giải phóng và độc lập của dân tộc Ấn Độ đã tạo ra tất yếu chính trị mà sau này, nhà tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát hiện: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đã chuẩn bị sẵn mảnh đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng mà thôi”(2).

Với cái nhìn duy vật biện chứng về lịch sử, cũng cần thấy tác động thúc đẩy của kiểu công nghiệp hóa thực dân mà người Anh mang vào Ấn Độ. Anh đã xây dựng ở Ấn Độ hệ thống đường sắt rộng rãi, gần khắp cả nước và một vài ngành công nghiệp, chủ yếu là bông vải, để Ấn Độ có thể xuất khẩu và chiếm vị thế nhất định trên thị trường thế giới. Người Anh cũng xây dựng một hệ thống hành chính và công chức với những thủ tục hành chính khá hiện đại. So với Trung Quốc ở cùng thời điểm, Ấn Độ có trình độ công nghiệp hóa và quản lý xã hội tiên tiến hơn nhiều. Đó là cơ sở kinh tế kỹ thuật cho Ấn Độ có khả năng phát triển sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1947.

1.2.2. Sự phát triển của Ấn Độ đương đại chứa đựng nhiều nhân tố tích cực

Về chính trị,Ấn Độ theo chế độ dân chủ đa đảng kiểu phương Tây, với những sinh hoạt chính trị sống động gần như thành truyền thống và một thể chế nhà nước tương đối vững chắc và ổn định. Từ khi Hiến pháp năm 1950 ra đời, Ấn Độ trở thành một nước cộng hòa dân chủ đa nguyên, có Quốc hội lập hiến, tòa án tối cao và một nền báo chí độc lập cao độ. Ngày nay, mọi vấn đề của bộ máy công quyền hoặc những vấn đề chính trị – xã hội đều được báo chí Ấn Độ đưa ra công luận. Chế độ dân chủ và liên bang phản ánh thực trạng có nhiều lực lượng và quyền lợi khác nhau ở Ấn Độ, nó cũng là cơ chế thích hợp, đủ uyển chuyển để hóa giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt chính trị xã hội.

Đặc điểm của chính trị Ấn Độ là khá quan tâm đến người nghèo. Người nghèo thường không có nhiều quyền chọn lựa ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, tại Ấn Độ – “nền dân chủ lớn nhất thế giới” (có lẽ trước tiên là vì số lượng người được hưởng quyền dân chủ) thì người nghèo có thể bày tỏ ý kiến của mình trong bầu cử thông qua lá phiếu của mình. Ngay từ những năm đầu tiên, khi đi bầu cử, do đa số dân mù chữ nên các địa điểm bỏ phiếu phải dán ảnh các ứng cử viên để dân xem ảnh để bầu. Cho dù nghèo đói, người dân ở đây nhận thức rõ ràng về dân chủ. Họ biết bầu cho ai và bầu vì điều gì.

Khác với nhiều nước, coi cải cách là một đột biến trong đời sống chính trị, các cải cách ở Ấn Độ đã “diễn ra như một thông lệ trong một định chế ổn định và minh bạch, được mọi phe phái và nhân dân tôn trọng”.  Dân chủ ở Ấn Độ nhờ những thể chế và cơ chế thường xuyên điều chỉnh đó mà hoàn thiện dần. Lý Quang Diệu coi đây như một lợi thế của Ấn Độ: “Hệ thống dân chủ và pháp trị của Ấn Độ là một lợi thế lâu dài so với Trung Quốc, mặc dù ở những giai đoạn đầu, Trung Quốc có lợi thế triển khai cải cách nhanh hơn”(3).

Về kinh tế, phần lớn giới lãnh đạo và trí thức Ấn Độ tin tưởng vào CNXH (đặc biệt là ảnh hưởng từ quan niệm của Hội Fabian)(4). Chính quyền và nhân dân đã có nhiều nỗ lực cho cách tổ chức xã hội này.

Ấn Độ đã từng chịu ảnh hưởng của mô hình XHCN kiểu cũ: phát triển bằng kế hoạch hóa kinh tế với các kế hoạch 5 năm, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng thông qua các doanh nghiệp quốc doanh và sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Trong cơ cấu kinh tế thì dành công nghiệp nặng cho doanh nghiệp quốc doanh, và khuyến khích, bảo trợ các cơ sở sản xuất gia đình hay cá thể trong nông nghiệp và tiểu công nghệ nhằm sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp dịch vụ. Chính phủ cũng bằng nhiều cách để kiềm chế sự phát triển của các doanh nghiệp tư sản, cụ thể là giới hạn địa điểm hoạt động, lĩnh vực và mức đầu tư, áp dụng chính sách bảo hộ lao động khắt khe (chẳng hạn muốn sa thải một công nhân phải xin phép chính quyền tiểu bang). Chính phủ còn hạn chế nhập khẩu, cả hàng sản xuất lẫn hàng tiêu dùng, qua hệ thống giấy phép và thuế nhập khẩu. Xuất khẩu thì nhằm vào thị trường các nước XHCN hay các nước thế giới thứ ba. Chính phủ cũng triệt để giới hạn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp hay mua doanh nghiệp Ấn Độ. Ngân hàng quốc doanh thì ưu tiên phân phối tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế gia đình và cá thể tuy sử dụng nhiều lao động nhưng manh mún và năng suất rất thấp, còn doanh nghiệp tư nhân thì ít và không đủ lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, bộ máy hành chính khá nặng nề trong điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa đã từng làm cho môi trường kinh doanh ở Ấn Độ trước đây ít tính cạnh tranh và sức sáng tạo.

Ba thập kỷ trước, Ấn Độ đã tiến hành cải cách theo hướng nền kinh tế thị trường. Trong xu thế cải cách, đổi mới của CNXH hiện nay, chắc chắn không ít những bài học kinh nghiệm phù hợp sẽ được Ấn Độ nghiên cứu và tham chiếu.

Sự phát triển của Ấn Độ vài thập niên gần đây theo xu hướng hội nhập và phát triển, cũng cho phép chúng ta tin tưởng vào một giai đoạn phát triển mới, và qua đó, tích lũy những nhân tố cho một xã hội văn minh.

Công nghiệp hóa kiểu mới đang tích lũy những nhân tố xã hội hóa. Ấn Độ được xem là nước công nghiệp mới, tăng trưởng GDP 5,8% liền trong hai thập kỷ, xuất khẩu ra thế giới dầu mỏ, hàng dệt may, đồ trang sức kim hoàn, phần mềm, sản phẩm công nghiệp, hóa chất, gia công đồ da… Ấn Độ hiện nay xếp thứ 11 trên thế giới về GDP, thứ ba về sức mua tương đương PPP. Cơ cấu kinh tế hợp lý, dịch vụ 55% GDP, công nghiệp 26,3%, nông nghiệp 18,6%… Nhờ phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, đến nay Ấn Độ được gọi là “văn phòng của thế giới”; 7/15 công ty gia công phần mềm của thế giới đặt tại Ấn Độ. Nước này trở thành cường quốc phần mềm thứ hai sau Hoa Kỳ, giải quyết việc làm cho 2,8 triệu người vào năm 2011, với thu nhập 100 tỷ USD, chiếm 7,5% GDP.

Nhiều thành quả của phát triển đã đến được với đa số nhân dân: 431 triệu người Ấn Độ đã thoát nghèo từ thập niên 80 thế kỷ trước. Mức lương ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Dự báo tầng lớp trung lưu sẽ là 580 triệu người vào năm 2030. Thị trường tiêu thụ của Ấn Độ hiện đứng thứ 11 nhưng dự báo sẽ lên thứ 5 vào năm 2030.

Cùng với vị thế trên trường quốc tế vàtinh thần trách nhiệm của Ấn Độ  trong BRICS, người ta tin tưởng rằng thế kỷ XXI, Ấn Độ sẽ có vai trò to lớn và tích cực trong một  thế giới hòa bình và phát triển. Thậm chí có người còn cho rằng: “Nếu Ấn Độ không trỗi dậy, châu Á sẽ bị nhấn chìm”(5).

2. Những vấn đề tồn tại cần được giải quyết

Ấn Độ đang phải đối diện với khá nhiều vấn đề thuộc về hạ tầng xã hội. Tỷ lệ người nghèo cao, 30% dân số mù chữ. “Sự phân mảnh quốc gia” bởi ngôn ngữ, tôn giáo(6) cùng xung đột tôn giáo. Tình trạng thiếu thốn và yếu kém của cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng…

Hệ thống đẳng cấp cổ truyền là vấn đề lớn và là trở lực cho một xã hội bình đẳng và phát triển bền vững. Đã từng có nhận xét: Nhìn khắp đất nước này, nhận thức về đẳng cấp rất ít bị suy giảm. Có thể phải vài thập kỷ hoặc thế kỷ chuyển đổi dần dần, thì Ấn Độ mới có thể tuyên bố mình đã thoát khỏi sự chi phối của hệ thống đẳng cấp.

Niềm tin vào kiếp luân hồi và mong ước thoát kiếp luân hồicủa các tín đồ,   tuy có sức điều tiết để người Ấn Độ giữ đạo đức trong kinh tế thị trường – thứ được coi là xa xỉ với không ít người. Song mặt khác, những quan niệm tôn giáo ấy cũng làm suy giảm khát vọng về cuộc đời hạnh phúc, nỗ lực vượt lên thực tại và hội nhập.

Nhưng có lẽ, chính những vấn đề hôm nay, khi được nhìn nhận và hướng tới giải quyết, lại chính là động lực thúc đẩy để nhân dân Ấn Độ và những con người có tâm có chí vươn lên vì một đất nước Ấn Độ mới giàu mạnh, phát triển bền vững và công bằng. Ấn Độ thế kỷ XXI sẽ xuất hiện những con người như Mahatma Gandhi.

Ấn Độ có nhiều giá trị XHCN vốn tồn tại trong lịch sử và vẫn còn hiện hữu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Lịch sử cận đại và hiện đại của Ấn Độ cũng đang tiếp nối và bồi đắp cho những nhân tố XHCN ấy, song dường như là bằng những cách thức khác. Xã hội hóa kinh tế và dân chủ hóa chính trị ở Ấn Độ hiện nay có thể được xem là những nhân tố XHCN góp phần làm cho sự phát triển của nước này đạt tới các  tiêu chí nhanh, nhân bản và bền vững. Còn không ít những trở lực trên con đường phát triển của Ấn Độ, nhưng với những di sản của quá khứ, với những nỗ lực cải cách hiện nay, có thể tin tưởng rằng, các nhân tố tích cực ấy sẽ lớn dần.

————————————

Chú thích:

(1) Phương thức sản xuất châu Á là một khái niệm khoa học do Marx đề ra lần đầu tiên vào năm 1859 trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” để biểu thị một số đặc thù của xã hội phương Đông. Marx có nhận định rằng: “Về đại thể, có thể coi phương thức sản xuất châu Á cùng với cổ đại, phong kiến và tư bản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế – xã hội…”.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.28.
(3), (5) G.Alison, RD Blakwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc Hoa kỳ và thế giới, Nxb Thế giới, 2014.
(4) Hội Fabian (Fabian Society) là một tổ chức XHCN ở Anh, được thành lập từ năm 1884, nhằm truyền bá những biện pháp cải cách XHCN qua chủ trương tiệm tiến (gradualism) và cải cách (reformism). Hội này đã đặt nền móng cho Công đảng Anh và ảnh hưởng tới chính sách của nhiều nước được hình thành sau quá trình phi thực dân hóa của đế quốc Anh, như Ấn Độ và Singapore.
(6) Hiến pháp Ấn Độ công nhận 18 ngôn ngữ chính, ngoài ra còn 1.600 thổ ngữ. Ấn Độ có 6 tôn giáo lớn và vô số giáo phái khác. Hindu là tôn giáo lớn nhất với 3.600 giáo phái và các nhóm khác nhau . Ấn Độ cũng là nước có lượng tín đồ Hồi giáo lớn chỉ đứng sau Indonesia.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ 

Tags: ,