Nhận biết những nguy cơ khó lường từ ô nhiễm trong nhà

Môi trường trong nhà thường xuyên có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) xuất phát từ những vật dụng hết sức quen thuộc trong nhà.

Những nguy cơ khó lường từ ô nhiễm trong nhà

Môi trường trong nhà thường xuyên có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) có thể gây kích ứng cho mắt, mũi và họng làm cho con người có thể bị nhức đầu, choáng váng, rối loạn thị giác… thậm chí, có khả năng gây ung thư – theo Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên&Môi trường TPHCM.

Theo đơn vị này, môi trường trong nhà thường xuyên có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) xuất phát từ những vật dụng hết sức quen thuộc trong nhà như mỹ phẩm, nước hoa, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu… VOC có thể gây kích ứng cho mắt, mũi và họng làm cho con người có thể bị nhức đầu, choáng váng, rối loạn thị giác… thậm chí, có khả năng gây ung thư cho người và động vật. Khí CO2, loại khí được tạo ra khi xăng, gas, dầu hay gỗ cháy không hết trong ô tô, xe máy, lò sưởi, bếp lò… là một nguồn ô nhiễm trong nhà khác có thể làm cho người hít phải giảm lượng oxy trong máu, gây tổn thương tim, tổn thương hệ thần kinh và có thể gây tử vong. Formaldehyde một chất ô nhiễm chủ yếu xuất phát từ đồ gia dụng chạy bằng gas, lò sưởi, bông cách nhiệt, vải, thảm, mỹ phẩm…ở nồng độ thấp có thể gây kích ứng cho mắt, mũi và họng. Ở nồng độ cao, chất này có thể gây cảm giác buồn nôn và khó thở.

Nguy hại hơn nữa, formaldehyde thuộc nhóm chất có khả năng gây ung thư. Khí hiểm tự nhiên phát thải từ đất, đá hoặc từ các vật liệu xây dựng như bê tông làm từ đá granit… Phơi nhiễm lâu dài với khí hiếm có thể tăng rủi ro nhiễm bệnh ung thư phổi. Vật cưng như cây cảnh… thú cưng như chó, mèo có thể lây lan bọ, các loại nấm, bào tử vi khuẩn sang cho người. Nếu trong nhà có người hút thuốc là thì đây là một nguồn ô nhiễm khác nữa đối với sức khỏe con người. Khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 chất ở dạng khí và dạng hạt trong đó có ít nhất 40 hợp chất đã được xác định có khả năng gây ung thư ở người và động vật.

Ô nhiễm trong nhà gây tử vong cao nhất

Các chuyên gia cảnh báo rằng ô nhiễm không khí trong nhà đang ở mức đáng báo động, khi có tới 70% số người được hỏi trong một khảo sát phàn nàn về không khí tại nơi họ ở.

VnExpress dẫn lời Thạc sĩ Nguyễn Trinh Hương thuộc Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ Lao động Việt Nam cho biết nếu xét về mức độ tác động về sức khỏe con người so với các loại ô nhiễm khác, thì ô nhiễm không khí trong nhà có tỷ lệ tử vong cao nhất. Hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về sự nguy hại của ô nhiễm không khí trong nhà. Theo bà Hương, trong các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe người lao động như bụi, hơi khí độc, hóa chất, vi sinh, tiếng ồn, rung động, gánh nặng, và tư thế lao động… thì nhóm yếu tố gây ô nhiễm môi trường nơi làm việc ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe. Nhóm yếu tố này gồm bụi, hơi khí hộc, hơi hóa chất.

Kết quả điều tra tại 10 chung cư Hà Nội của Trung tâm khoa học môi trường và phát triển Bền vững cho thấy, hơn 70% số người phàn nàn về ô nhiễm không khí nơi họ ở. Trung tâm cũng tiến hành điều tra tại hai tòa cao ốc ở Việt Nam thập niên 2000, thấy nhiều người có triệu chứng mần ngứa, mệt mỏi. Các triệu chứng này mất đi nếu những người làm việc trong đó nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ phép dài ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng nhất, vì có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Tại môi trường lao động công nghiệp, ô nhiễm không khí có thể gây ra một số bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, bụi phổi bông, lao phổi, trong đó bệnh bụi phổi silic có thể chiếm tới 74,5% số tích lũy bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí đô thị làm khoảng 800.000 người chết và 4,6 triệu người giảm tuổi thọ trên thế giới mỗi năm. 2/3 số người chết và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí thuộc các nước đang phát triển ở châu Á.

Hen suyễn, dị ứng, viêm mũi vì đóng kín cửa

Dọn về ngôi nhà mới chưa đầy một tháng, nhưng chị N.T.X, 45 tuổi, ngụ tại Tân Bình – TP.HCM, đã phải nhập viện cấp cứu ba lần vì lên cơn hen suyễn dù trước đó chị không hề mắc bệnh này. Sau một thời gian điều tra nguyên nhân bệnh, cuối cùng bác sĩ mới phát hiện chị bị hội chứng “ngôi nhà kín” do thói quen đóng kín cửa để sử dụng máy lạnh, trong khi nhà lại có nhiều vật dụng mới, tỏa ra những khí gây dị ứng. Sau khi nghe lời bác sĩ, mở cửa cho không khí lưu thông mỗi ngày ba lần, chị không còn khổ sở vì khó thở.

Mặc dù chưa có một khảo sát nào tại nước ta về ô nhiễm không khí trong nhà, nhưng bác sĩ Trương Nhuận Xương, phòng Quản lý&Điều trị Hen Phế quản Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết qua thực tế khám bệnh, anh đã gặp không ít những trường hợp này. Nhiều người thường xuyên đóng kín cửa (để tránh ồn và bụi), nhưng trong nhà lại không thường xuyên quét dọn, nên nấm mốc phát triển, và thế là cứ đều đặn… sử dụng thuốc cắt cơn hen vì hít thở nấm mốc. Có người khác lại dị ứng mỗi khi lên giường ngủ. Phải mất rất nhiều thời gian, bác sĩ và bệnh nhân mới tìm được nguyên nhân gây bệnh, đó là do con mạt, một loại côn trùng rất nhỏ sống trong những lỗ nệm, thường phát triển trong môi trường ít không khí, vệ sinh kém.

Báo Người Lao Động dẫn lời TS-BS Trần Minh Trường, Trưởng Khoa Tai-Mũi-Họng BV Chợ Rẫy, thừa nhận con mạt là nguyên nhân thường gặp gây viêm mũi, viêm xoang dị ứng. Nhưng theo bác sĩ Trường, tình trạng đáng ngại ở nhiều ngôi nhà và văn phòng làm việc ở TP hiện nay lại là do mất cân bằng thành phần không khí. Thật vậy, để tiết kiệm điện năng tiêu thụ bởi máy lạnh, những nơi này thường “tăng cường” đóng cửa, khiến khí oxy trong không khí giảm, nhưng CO2 lại tăng. Hậu quả là niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, tăng tiết dịch, làm tắc các lỗ thông trong mũi và xoang, từ đây bệnh viêm mũi, viêm xoang dễ phát triển.

Báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ năm 2003 cho biết tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà làm thiệt hại hàng tỉ USD vì chi phí chăm sóc sức khỏe, nghỉ bệnh, giảm năng suất làm việc. Một khảo sát mới đây tại Anh cho thấy hiệu suất làm việc của nhân viên văn phòng giảm đến 20% hay nhiều hơn vì chất lượng không khí nơi làm việc tệ hại. Một bác sĩ trưởng khoa BV Phạm Ngọc Thạch cho biết vấn đề của những cao ốc, văn phòng hiện nay có thể xuất phát từ việc sử dụng máy lạnh trung tâm, vì từ đây không khí ô nhiễm được tích tụ, lưu chuyển đến mọi chỗ, khiến người có cơ địa dị ứng dễ mắc bệnh. Bác sĩ này lưu ý nhiều loại nấm mốc và vi khuẩn sống trong máy lạnh có thể gây ra một số bệnh viêm phổi, viêm não nặng, thậm chí gây chết người!

Nhưng cũng phải lưu ý đến cả những thiết bị bình thường. Một kỹ sư cho biết nhiều loại máy lạnh và làm sạch không khí đời mới được cho là có tính năng cải tạo không khí trong nhà, nhưng nếu sử dụng không đúng thì chúng cũng gây hại. Chẳng hạn bộ lọc các máy này có thể lấy đi những chất kích thích như nấm mốc, khói, bụi, thậm chí là tế bào da người bay lơ lửng trong không khí. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh đúng mức, bộ lọc này lại là nguồn phát tán chất độc ra môi trường, thậm chí còn làm không khí ô nhiễm hơn trước đó!

Mốc, ánh sáng: tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất

Theo Sài Gòn Giải Phóng, trong số các chất là tác nhân sinh học gây ô nhiễm trong nhà, đáng chú ý nhất là mốc. Những triệu chứng quan trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe do mốc gây ra xếp theo thứ tự: dị ứng, hen suyễn, chảy máu phổi, khó thở, ung thư, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương, lạnh, giảm sức đề kháng với các loại bệnh nhiễm trùng, ho và dẫn đến đau phổi/ngực từ việc ho quá mức; ho ra máu; tóc có gàu (mãn tính) không khỏi dù đã sử dụng dầu gội trị gàu, viêm da và da nổi mụn; tiêu chảy; có vấn đề về mắt và thị lực; mệt và một số triệu chứng khác.

Những nơi mốc dễ sinh trưởng như: nền nhà, mái nhà, tường nhà dơ bẩn và ẩm thấp; sách, báo, tạp chí; thảm và vật liệu đệm; trần nhà (từ những lỗ dột của mái nhà); đằng sau và dưới vòi sen, bồn tắm, tường nhà vệ sinh và nhà tắm; gạch lót nền; quần áo; chỗ nuôi cá; tường và trần nhà khô; chỗ đổ rác; rèm cửa; sơn; vật dụng bằng da; giấy và các sản phẩm làm bằng giấy; cây trồng trong nhà; đồ đạc không được che phủ; thiết bị sưởi ấm, máy lạnh và ống dẫn; máy làm ẩm…

Tác nhân gây ô nhiễm có bản chất vật lý đáng quan tâm là ánh sáng. Ánh sáng có cường độ quá cao hoặc quang phổ ánh sáng không phù hợp sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giảm chức năng tình dục và tăng cảm giác lo âu.

Có nhiều bằng chứng cho thấy sự phơi nhiễm hằng ngày trong thời gian dài với ánh sáng có độ sáng trung bình dẫn đến suy giảm khả năng tình dục. Đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tìm ra các bằng chứng cho thấy mức độ chiếu sáng trong môi trường làm việc có thể gây căng thẳng, làm công nhân mắc nhiều lỗi hơn trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu cũng nêu lên mối liên kết giữa sự phơi nhiễm với ánh sáng và bệnh ung thư vú do sự suy giảm nội tiết tố melatonin.

Nước hoa, mỹ phẩm cũng có thể gây ô nhiễm

Tác nhân gây ô nhiễm trong nhà là chất hóa học thường gồm các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC-volantile organic compounds), thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Các VOC làm hủy tế bào máu, tế bào gan, thận; gây ung thư, viêm da, tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, buồn nôn, mất phương hướng; mệt mỏi; ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (hiếm muộn, vô sinh) và giảm tỉ lệ sinh sản (khó đậu thai, sinh ít con); gây chết nếu hít vào với lượng lớn ở nồng độ cao.

Các VOC có thể tìm thấy trong các sản phẩm như sơn, khói thuốc lá, khói bếp do đốt nhiên liệu (than, củi) hoặc khói nhang, thuốc xịt muỗi, nước hoa xịt phòng, mỹ phẩm, khăn giấy, bột giặt, nước làm mềm vải, giấy dán tường, xi đánh giày, keo dán tổng hợp, hóa chất bảo quản đồ nội thất,… Thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng chứa lân hữu cơ và cạc-bô-nát có ảnh hưởng và làm tổn hại đến hệ thần kinh (không phục hồi được) và có thể gây ung thư.

Một chế phẩm có chứa hoạt chất thuốc trừ sâu vẫn thường sử dụng trong gia đình là dầu gội trị chí. Dầu gội trị chí chứa một liều lượng thuốc trừ sâu độc hại như organophosphates hoặc ngay cả lindane; khi nuốt phải hoặc ngấm vào da, có thể làm ói hoặc tiêu chảy; các chất này còn gây tổn hại cho gan, chết non, quái thai và ung thư.

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu gia dụng để diệt mối, vòng cổ trừ bọ chét cho chó (mèo), thuốc xịt muỗi hoặc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ v.v… làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em. Mỹ phẩm cũng chứa rất nhiều hóa chất và dung môi hữu cơ, đáng lưu ý là nước hoa.. Nhiều hóa chất có trong nước hoa dễ hấp thu vào da để từ đó tích lũy trong các cơ quan chính của cơ thể.

Trong khi chưa có nghiên cứu y khoa nghiêm túc nào được thực hiện về ảnh hưởng của nước hoa, một số bác sĩ và nhà khoa học tin rằng nước hoa có thể gây hại cho sức khỏe như khói thuốc lá, phần nào do 95% hóa chất sử dụng trong hương liệu là những hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các hợp chất này bao gồm dẫn xuất của benzene, aldehydes và nhiều chất độc khác có khả năng gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và dị ứng.

Hạn chế ô nhiễm bằng cách nào?

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hồ Chí Minh, nên hạn chế sử dụng các chất khử mùi, những bình xịt thơm và các sản phẩm làm sạch có chứa các hóa chất tổng hợp, long não (băng phiến), nước hoa và hút thuốc lá. Chúng ta nên giặt gối nệm thường xuyên để tránh bụi và con mạt. Nên hút bụi cho thảm, rèm ít nhất một lần/tuần và thỉnh thoảng mang chúng đi giặt. Nên mua đồ đạc trong nhà làm từ gỗ tự nhiên thay cho gỗ ván ép vì gỗ ván ép thường sinh ra chất formaldehyde và các chất hóa học độc hại khác. Khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ở ngoài trời. Nếu chúng ta đun, nấu bằng than, củi, dầu lửa thì nhà bếp cần có ống khói hay quạt hút.

Thỉnh thoảng mở cửa sổ để cho chất độc hại trong nhà có thể thoát ra ngoài. Nên sử dụng quạt để tạo sự trao đổi khí bên trong và bên ngoài, thường xuyên làm vệ sinh và thay đồ bọc của máy điều hòa nhiệt độ. Trồng cây xanh quanh nhà cũng là một giải pháp giúp cho căn nhà của chúng ta có bầu không khí trong lành.

Theo CCBB.ORG.VN (2013)

Tags: