Những nét chấm phá về nền văn học của người Chăm

1. Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ – tư duy Chăm, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực.

Nền văn học của người Chăm có những gì?

Ngôn ngữ – chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên ở Chăm, song hành với văn học dân gian: panwơc yaw tục ngữ, panwơc pađit ca dao, dalikal truyện cổ…, là nền văn học viết: văn bi kí, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca… Nhưng di sản văn học ấy đã thất tán quá nhiều. Nỗ lực thu gom hầu dựng lại khuôn mặt của nó bởi các nhà nghiên cứu hơn thế kỷ qua chưa thấm vào đâu, so với đòi hỏi của nó.

Về văn học dân gian, riêng thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích được Thiên Sanh Cảnh, G. Moussay… sưu tập, bên cạnh các bài giới thiệu của Lê Văn Hảo, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Tấn Đắc, Đình Hy, Trương Sĩ Hùng… ngay từ giữa thế kỷ trước. Sau đó, thơ ca dân gian gồm tục ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao, tụng ca… cũng đã được giới nghiên cứu lưu ý thu nhặt. Văn bia kí sáng tác từ thế kỷ III đến thế kỷ 15 bằng cả hai ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung bộ. Thời gian qua, các học giả Pháp phát hiện, dịch và công bố dịch gần 200 minh văn, để đến năm 1995 Claude Jacques thu thập và in thành sách với tên gọi Études Épigraphiques sur le pays Cham dày 330 trang; trong đó Lương Ninh đã dịch sang tiếng Việt 25 minh văn. Đây là các sáng tác vừa có giá trị sử học lẫn văn chương.

Văn học viết có mấy dòng như Akayet sử thi, Ariya trường ca trữ tình, Ariya patauw adat gia huấn ca, Thơ thế sự, thơ triết lí… Akayet Dewa Mưno gồm 471 câu thơ theo thể ariya cổ điển, xuất hiện ở Champa vào thế kỷ 16, được ghi nhận là có quan hệ với Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Akayet Inra Patra vay mượn Hikayat Indra Putera của Mã Lai được tác giả Chăm chuyển thành akayet vào đầu thế kỷ 17, gồm 581 câu ariya. Qua các akayet này, thể thơ ariya lục bát Chăm phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra các trường ca thế sự, gia huấn ca… cũng đã được sưu tầm, dịch thuật giới thiệu với công chúng. Cuối cùng, vào giữa thập niên cuối của thế kỷ trước, bộ ba văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời giới thiệu tương đối “đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có” (Bùi Khánh Thế, 1996).

2. Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu bạn góp thêm một Sử thi Akayet Dewa Mưno hay một Trường ca Ariya Glơng Anak mới vào thì kho tàng văn chương Chăm không vì thế mà giàu sang thêm. Và Chăm, nếu dân tộc này có thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng có tác động tích cực nào đến phát triển văn học Việt Nam cả!

Vấn đề là cái “khác”, sự độc đáo. Vậy Chăm có cái gì khác?

Không kể thể loại truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tục ngữ dân tộc nào cũng có; cũng chưa kể tới các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Ppo Parơng… rất độc đáo; riêng về hình thức: Ariya – lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Đến hôm nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể xác minh ai có trước ai hay dân tộc nào vay mượn dân tộc nào. Chỉ biết rằng ariya – lục bát có đó, làm phong phú nền văn học Chăm và Việt xưa và nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay. Bởi cấu trúc ngôn ngữ khác nhau, nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định.

Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỷ 3 đến thế kỷ thứ 15 bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Đây là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có, nhưng chỉ chưa đầy 10% minh văn đó được dịch sang tiếng Việt, chủ yếu là để phục vụ cho nghiên cứu chứ chưa là chọn lọc mang tính văn chương. 5 sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ / mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỷ 16-18, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, Chăm sở hữu 4 sử thi nổi tiếng; nhưng khác với các dân tộc anh em ở Tây nguyên như Êđê hay Bana… sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỷ 16. Cuối cùng, 3 trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác.

3. Học biết và tiếp nhận vốn văn hóa ông bà để sáng tạo cái mới, là vấn đề đặt ra cấp bách hôm nay. Chỉ khám phá mình thì chưa đủ; nếu chỉ biết để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Bởi nếu nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là cái gì bất di bất dịch thì vẫn chưa đủ. Bởi ngay cái gọi là bản sắc hay truyền thống cũng là một sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau cũng sẽ gọi là bản sắc cái chúng ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc và truyền thống không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua những gì cha ông để lại mà phải dám sáng tạo cái mới, có những đóng góp mới vào kho tàng văn học Việt Nam đa dân tộc ngày mai.

Theo INRASARA / BÁO BÌNH THUẬN

Tags: , ,