Những đòn ‘lửa thiêu’ khủng khiếp của quân đội Đại Việt

Thế hệ hậu sinh không thể tưởng tượng nổi những chiến thuật hỏa công sáng tạo mà cha ông đã sử dụng trong các cuộc chiến với kẻ thù từ nhiều thế kỷ trước.

Những đòn ‘lửa thiêu’ khủng khiếp của quân đội Đại Việt

Trong nghệ thuật quân sự thời xưa, phép hỏa công (dùng lửa tiêu diệt quân địch) là một chiến thuật kinh điển, cho phép sử dụng tối thiểu sức người, hạn chế thương vong nhưng vẫn đạt uy lực hủy diệt tối đa đối với quân địch khi tận dụng sức mạnh càn quét ghê hồn của ngọn lửa.

Tuy vậy, việc vận dụng thành công chiến thuật này không hề đơn giản. Đó là sự quy tụ của nhiều yếu tố như thời tiết (hướng gió, độ ẩm), trình độ chế tạo, sử dụng chất cháy và quan trọng hơn cả là cách bày mưu bố trận của nhà quân sự. Các sách binh pháp của người Việt từ nhiều thế kỷ trước cho thấy, cha ông ta đã sử những chiến thuật hỏa công rất sáng tạo trong cuộc chiến với quân địch.

Lửa “bay” xuống từ trên trời

Chiến thuật hỏa công thông thường phụ thuộc rất nhiều vào hướng gió. Nếu trại địch nằm ngược hướng gió với quân ta thì chiến thuật này sẽ hoàn toàn vô dụng. Ngoài ra, hỏa công cũng khó có thể đạt mục đích khi địch bố phòng kỹ lưỡng, cảnh giới nghiêm ngặt.

Tuy vậy, có một lối đánh hỏa công có thể hóa giải cả hai trở ngại trên, đó là đốt giặc bằng diều lửa.

Những chiếc diều dùng để đánh hỏa công cũng được làm bằng vải, giấy và nan tre như diều thường. Khác biệt lớn nhất là chúng sẽ được ngâm tẩm các loại hóa chất cháy. Lòng diều thường được làm bằng giấy mỏng tẩm dầu trám. Da diều làm bằng vải tẩm lưu hoàng, diêm tiêu. Cũng những hóa chất ấy được tẩm vào cỏ bấc đèn làm đuôi diều.

Dây diều là dây gai dài từ 100 đến 300 bước, được buộc vào lưng diều. Chiếc diều lửa sẽ có thêm một ngòi thuốc làm bằng dây giấy buộc vào sau đuôi diều.

Diều được thả từ vị trí thích hợp thùy hướng gió, khi bay đến gần trại địch đốt vào đầu dây ngòi thuốc, lửa sẽ bén lên cháy diều, đồng thời cháy đứt dây khiến diều rơi xuống trại địch. Nếu dây diều chưa đứt thì lấy dao cắt dây.

Chiến thuật “lửa trời” này đòi hỏi người sự điêu luyện của cả người chế tạo và người thả diều. Một khi địch đã bị tấn công bằng diều lửa thì hầu như không có cách gì để chống đỡ.

Mặt đất trở thành “biển lửa”

Một cách đánh lấy ít địch nhiều khác là dùng trận địa hỏa thương (ống tre nhồi thuốc nổ, có thể nhét thêm mũi tên, mảnh kim loại sắc) chôn trong lòng đất.

Để tạo trận địa này, cần đến 100 – 200 thân cây tre núi to để làm hỏa thương, mỗi thân dài hơn 5 thước, miệng rộng 2 tấc. Đoạn đầu thân tre đục thủng lỗ to, đoạn dưới nhồi đầy thuốc phun và thuốc súng.

Sau đó dùng ống tre nhỏ dài 3 tấc, cắm vào đầu hỏa thương làm miệng. Trên miệng lấy giấy cắt ra thành mảnh nhỏ rồi lấy hồ dán kín miệng ấy. Bên đầu hỏa thương lại dùi một lỗ nhỏ để làm chỗ dẫn lửa.

Khi được chuẩn bị xong xuôi, các ống hỏa thương sẽ được chôn xuống những rãnh hào hình chũ bát, mỗi ống cách nhau hơn 3 thước. Miệng hỏa thương để lòi ra 1 tấc, phần còn lại thì chôn sâu dưới đất.

Tại chỗ giáp rãnh chữ bát đào một hốc sâu 4, 5 thước để đặt đá lửa và dao sắt, để làm máy đánh lửa. Sau đó đặt ngòi dẫn lửa từ máy đánh lửa đến lỗ ngòi của các hỏa thương. Cuối cùng lại lấy cát, cỏ phủ lên ngụy trang trận địa, không để địch biết.

Khi lâm trận, quân ta sẽ khiêu chiến rồi giả thua và cứ nhắm vào trận địa hỏa thương mà chạy. Khi giặc chạy xéo vào máy đánh lửa thì dao và đá cọ xát nhau mà tóe lửa, lửa cháy vào ngòi thông đến hàng trăm ống hỏa thương, các chất cháy bùng nổ trên một diện tích rộng tạo nên một biển lửa khủng khiếp thiêu cháy quân địch.

Trận địa hỏa tiễn chứa thuốc độc

Khiếp đảm không kém trận địa hỏa thương ngầm là trận địa hỏa tiễn chứa thuốc độc. Để tạo trận địa này, quân lính sẽ đào hai rãnh ở hai bên đường, mỗi rãnh sâu 4 thước, rộng 5 tấc, dài từ 50 – 200 bước. Giữa đường đào thêm một rãnh ngang để thông hai trên lại với nhau.

Tùy theo quy mô trận địa mà thợ sắt sẽ đúc từ 100 đến 1.000 cái cái bầu sắt, mỗi bầu có đường kính đáy 2 thước, đường kính miệng 2 tấc 3 phân. Mỗi bầu sẽ được nạp đầy thuốc độc

Sau đó, cắm ống sắt vào trong bầu từ miệng đến đáy. Trong lòng ống sắt nạp đầy thuốc súng. Phía trên thuốc súng lại lấy bánh thuốc độc nạp vào.

Từ 10 – 100 mũi tên sắt có hình dáng như ngọn mác được buộc làm một bó nạp lên trên thuốc súng. Trên bó mũi tên lại nhét thêm thuốc súng. Trên thuốc súng lại nhét thuốc độc và bó mũi tên… Nạp như thế 3, 4 lần đến khi đầy ống sắt thì thôi.

Khi đã chuẩn bị xong, các bầu sắt được để vào trong hai rãnh ven đường, miệng bầu hơi nghiêng trở lên, các ống đều cách nhau chừng một bước. Sau đó đặt máy đánh lửa ở rãnh ngang, trên có ngòi thuốc chạy vào các miệng cái ống. Cuối cùng ngụy trang các rảnh bằng phên tre phủ cát, cỏ.

Tương tự như trận địa hỏa thương ngầm, quân ta sẽ khiêu chiến và giả thua để dụ địch. Địch xéo vào máy đánh lửa ở rãnh ngang sẽ làm ngòi lửa cháy đến các ống sắt. Thuốc súng nổ tung với ngọn lửa ghê hồn cùng hàng nghìn mũi tên độc hủy diệt hoàn toàn quân địch.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,