Những điều cần biết về phong cách kiến trúc Art Deco

Art Deco là một trường phái nghệ thuật và trang trí thuộc trường phái kiến trúc chiết trung xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Paris và phát triển, lan truyền ra toàn thế giới trong thập niên 1930.

Những điều cần biết về phong cách kiến trúc Art Deco

Phong cách kiến trúc Art Deco là phong cách đánh mạnh vào mặt thị giác nhờ những họa tiết hình học. Mặc dù thuộc trường phái kiến trúc chiết trung, song Art Deco không chỉ lột tả được tính thẩm mỹ của công trình kiến trúc, mà còn khẳng định được đẳng cấp của chủ nhân công trình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách vận dụng phong cách kiến trúc Art Deco sao cho phù hợp. Thậm chí không ít người nhầm lẫn giữa phong cách kiến trúc Art Deco và Art Nouveau.

Phong cách kiến trúc Art Deco là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu được “Art Deco là gì?” Theo định nghĩa của Wikipedia, Art Deco là một trường phái nghệ thuật và trang trí thuộc trường phái kiến trúc chiết trung xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Paris và phát triển, lan truyền ra toàn thế giới trong thập niên 1930. Không chỉ là một trong những phong cách kiến trúc được nhiều người ưa chuộng, Art Deco còn xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: thời trang, trang sức, thiết kế công nghiệp, thiết kế nội thất… thậm chí còn xuất hiện trong cả lĩnh vực thị giác như hội họa, điện ảnh hay nghệ thuật tạo hình.

Danh từ “Art Deco” được đưa ra bởi nhà lịch sử nghệ thuật Bevis Hillier trong cuốn sách “Art Deco những năm 20 và 30” xuất bản năm 1969 để nói về một trong những phong cách kiến trúc đã thành công rực rỡ trong cuộc Triển lãm quốc tế về nghệ thuật trang trí và mỹ thuật công nghiệp hiện đại được tổ chức vào năm 1925 ở thành phố Paris hoa lệ của Pháp.

Phong cách kiến trúc Art Deco xuất hiện từ năm 1910.

Phong cách kiến trúc Art Deco xuất hiện từ năm 1910, được đánh giá là sự phát triển và kế thừa của phong cách kiến trúc Art Nouveau. Art Deco được bắt nguồn từ nước Pháp (trong thời kỳ kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất), bắt đầu xuất hiện từ năm 1910, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1920 – 1940, và dần suy yếu khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ 2.

Phong cách kiến trúc Art Deco còn được gọi là phong cách nghệ thuật thị giác, đặc biệt khi Art Deco ứng dụng màu sắc phong phú, có các hình dạng hình học táo bạo, kết hợp với những đường thẳng, đường tuyến tính hay những góc cạnh trong xây dựng. Nghe qua thì có vẻ khô khan, nhưng Art Deco cũng rất linh hoạt ứng dụng thêm những họa tiết thiên nhiên, các hình ảnh cách điệu, thậm chí còn xuất hiện thêm hình ảnh những tòa nhà chọc trời, máy bay, các phương tiện giao thông,…trong kiến trúc, từ đó thể hiện được sự “tiến bộ” của xã hội.

Theo nhiều ý kiến khác nhau, ban đầu phong cách kiến trúc Art Deco xuất hiện nhằm “chống lại” phong cách kiến trúc Art Nouveau – vốn được nhiều nhà phê bình đánh giá là “nhu nhược”, “yếu mềm”. Chính vì thế, phong cách kiến trúc của Art Deco chủ yếu hướng tới những khối hình học cơ bản mang tính kinh điển trong bố cục không gian, những tuyến hình đơn giản trong bố cục không gian, được lấy cảm hứng hội họa lập thể và chủ nghĩa kết cấu trong kiến trúc.

Ngoài ra, Art Deco cũng biểu hiện tượng trưng cho trường phái nghệ thuật của thời đại cơ khí khi sử dụng những vật liệu hiện đại như kim loại, kính trong những hoạt tiết trang trí điêu khắc.

Kiến trúc Art Deco còn biểu hiện tượng trưng cho trường phái nghệ thuật của thời đại cơ khí khi sử dụng những vật liệu hiện đại như kim loại, kính trong những họa tiết trang trí điêu khắc.

Đặc điểm của phong cách kiến trúc Art Deco

Khái niệm phong cách kiến trúc Art Deco bắt đầu được nhắc đến rộng rãi sau cuộc triển lãm Les Années 25 – cuộc triển lãm về công nghiệp hiện đại và mỹ thuật năm 1966 ở Paris, Pháp. vì vậy, Art Deco sẽ có một số đặc điểm kiến trúc như:

– Áp dụng triệt để phong cách hình học hợp lý, bao gồm các vật dụng đồ nội thất có hình dạng cong mềm mại, kính, gương hay phần kính chrome. Có thể nói, Art Deco là một cuộc cách mạng kiến trúc khi cố gắng chối bỏ những định kiến xa xưa, khuôn vàng thước ngọc hay những tàn tích cũ trong phong cách kiến trúc cổ điển. Không còn quá nhiều chi tiết cầu kỳ, rườm rà và phức tạp, Art Deco sẽ đề cao ấn tượng thị giác thông qua màu sắc rực rỡ và những thiết kế hình học mang đậm chất hiện đại, đổi mới.

– Phong cách kiến trúc Art Deco rất đa dạng về hoa văn, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đồ trang trí và các họa tiết. Chính nhờ sự đa dạng hoa văn này mà Art Deco có thể dễ dàng phát triển trong kiến trúc và nghệ thuật không gian.

– Không như những phong cách kiến trúc đi trước như Art Nouveau, Rococo,… Art Deco không đơn thuần chỉ sử dụng vật liệu chất lượng, giá trị cao, mà phong cách kiến trúc này còn chú ý đến việc kết hợp các màu sắc trong quá trình thiết kế, tạo được sự hài hòa giữa sáng và tối. Sự tương phản màu sắc như màu đỏ và vàng crom, trắng và đen cũng được áp dụng triệt để.

– Các vật liệu trong quá trình xây dựng công trình kiến trúc theo phong cách Art Deco chủ yếu là là các vật liệu kim loại, nhựa, chrome, bê tông, ván ép, đá,…nhằm đề cao sự phát triển hiện đại của xã hội, thể hiện được bước tiến vượt bậc của công trình kiến trúc.

– Vì phong cách kiến trúc Art Deco thuộc trường phái kiến trúc chiết trung, nên các công trình được xây dựng theo Art Deco đều sở hữu hình thức, bề ngoài hoành tráng với các chi tiết trang trí hình học tinh vi, là sự kết hợp, giao thoa của phong cách kiến trúc Art Nouveau, phái lập thể và chủ nghĩa biểu hiện,….

– Đa phần các công trình kiến trúc áp dụng phong cách Art Deco đều sử dụng nhiều hình thức bậc thanh và đường cong hình học, đường zic zac, hình tròn, tam giác, đài phun nước, mô hình đường chữ V, các motif tia sáng,…

Các vật liệu trong quá trình xây dựng công trình kiến trúc theo phong cách Art Deco chủ yếu là là các vật liệu kim loại, nhựa, chrome, bê tông, ván ép, đá,…

Những công trình tiêu biểu áp dụng phong cách kiến trúc Art Deco

Sau khi tìm hiểu về những đặc điểm của kiến trúc Art Deco, không khó để nhận ra Art Deco đã được áp dụng từ rất lâu đời. Phong cách kiến trúc Art Deco phát triển vô cùng mạnh mẽ ở châu Âu vào thời điểm những năm 1920 – 1930, đặc biệt là ở những nước có nền công nghiệp phát triển mạnh nhưng Vương quốc Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Pháp,…

Những công trình kiến trúc tiêu biểu của phong cách Art Deco nổi tiếng nhất hiện nay như: toà nhà triển lãm Olympia ở London (do kiến trúc sư Joseph Emberton thiết kế và xây dựng) đã bộc lộ được sự hoành tráng trong tỷ lệ mặt đứng cũng như bố cục không gian, công ty Hoover ở London (kiến trúc sư Walli Gilbert thiết kế vào năm 1932) sử dụng hình khối kỷ hà với những băng cửa kính mở rộng, đài tưởng niệm Pare de la Tête d’Or (kiến trúc sư Tony Granier), sân vận động Gerland (kiến trúc sư Tony Granier), bệnh viện Grande Blanche (kiến trúc sư Tony Granier), Nhà triển lãm và hoà nhạc Halle Tony – Gamier (đạt được danh hiệu di tích văn hóa năm 1975) cùng với rất nhiều công trình kiến trúc khác.

Empire State Building – đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Art Deco.

Công ty Hoover ở London (kiến trúc sư Walli Gilbert thiết kế vào năm 1932) với phong cách kiến trúc Art Deco đặc trưng.

Nhà hát Apollo Victoria, Westminster – nhà hát phong cách kiến trúc Art Deco ấn tượng nhất Luân Đôn, được xây dựng chủ yếu bằng bê-tông từ năm 1929.

Wallis House, Brentford từ những năm 1930 nằm trên dải đường được mênh danh là Dặm Đường Vàng (Golden Mile).

Đặc biệt, đối với những cường quốc phát triển như Mỹ, phong cách kiến trúc Art Deco rất phát triển. Tại đây, công nghệ xây dựng nhà cao tầng đã có những bước phát triển vượt bậc so với châu Âu. Vì thế, những tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ như Empire State Building (các kiến trúc sư Sheve, Lamp & Hamon, 1930-1931), Chrysler Building (KTS Wiliam Van Alen, 1928-1930),…đều là những đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Art Deco. Đặc biệt, tòa nhà Chrysler Building được thiết kế trên đỉnh tháp tòa nhà là biểu tượng mặt trời tỏa sáng. Cho đến tận bây giờ, Chrysler Building vẫn được xem là một trong những thành công nhất của Art Deco (và đồng thời cũng là biểu tượng của thành phố New York).

Ở Việt Nam, các công trình kiến trúc công cộng được thiết kế theo phong cách kiến trúc Art Deco luôn là một trong những biểu tượng của thành phố Hà Nội. Một số công trình công cộng Art Deco tiêu biểu như: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trung tâm văn hoá Pháp l’Espace, Trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản (nay thuộc bộ Công thương) , trụ sở bộ Khoa học và Công nghệ, Bệnh viện René Robin (bệnh viện Bạch Mai hiện tại),….

Trung tâm văn hoá Pháp l’Espace.

Sự khác biệt giữa phong cách kiến trúc Art Deco và Art Nouveau

Như đã nói ở trên, không ít người có sự nhầm lẫn giữa hai phong cách kiến trúc Art Deco và Art Nouveau. Mặc dù cả hai phong trào kiến trúc nghệ thuật này đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội công nghiệp, cuộc Cách mạng công nghiệp và chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng Art Deco lại được xem như sự kế thừa hoàn hảo của Art Nouveau. Sự kế thừa, phát triển của Art Deco đã được thể hiện rõ thông qua những đặc điểm sau đây:

•Họa tiết trang trí: Art Nouveau là gì? Trong khi Art Nouveau chủ yếu sử dụng các họa tiết đường cong, những yếu tố tự nhiên, thần tiên như tiên nữ, cỏ dại, côn trùng, thì Art Deco lại thiên về họa tiết hình học không gian, các đường tuyến tính với nhiều cách sắp xếp khác nhau, tượng trưng cho sự phát triển của xã hội, những bước tiến vượt trội của khoa học – kĩ thuật – công nghệ thời bấy giờ.

•Phong cách nghệ thuật của kiến trúc Art Nouveau sẽ thiên về tính năng thẩm mỹ, còn phong cách kiến trúc Art Deco sẽ đề cao vào tính công nghiệp, tiện dụng của công trình. Art Deco đã sử dụng các vật liệu hiện đại như kính thủy tinh, kim loại, thép không gỉ. Gỗ khảm và nhựa vào trong thiết kế, chú trọng vào những bề mặt phẳng, thiết kế liền mạch và sắc nét.

Theo LÝ THUYẾT KIẾN TRÚC

Tags: ,