Những cuốn sách nếu còn có thể làm thay đổi lịch sử

Trước khi người Trung Quốc sáng chế ra kỹ nghệ in ấn, việc bảo tồn sách là vô cùng khó khăn. Ngoại trừ một số trường hợp, số lượng ấn bản của bất kỳ cuốn sách nào cũng chỉ dưới 100 cuốn. Những bản sách mà người ta đã phải kỳ công chép tay lại chỉ được trao đổi giữa một số cá nhân có tiền bạc và địa vị. Chẳng thế nên đa số sách được viết trước thế kỷ thứ 10 đã hoàn toàn biến mất.

Bằng chứng duy nhất còn lại về sự tồn tại của những quyển sách là vì có các tác phẩm khác tham khảo chúng. Nếu như một trong số những quyển sách đã “tuyệt chủng” dưới đây được tìm thấy, rất có thể cách nhìn nhận của chúng ta về lịch sử sẽ thay đổi rất nhiều.

“Sphairopoiian”

Nhiều người biết đến tên nhà thông thái Hy Lạp cổ đại Archimedes qua các định luật về toán học và vật lý của ông. Điều mà ít người biết đến là còn lại vô cùng ít tác phẩm do Archimedes viết còn lại đến ngày nay. Phần lớn lý thuyết của ông do các tác giả khác cùng thời lưu giữ trong tác phẩm họ viết. Bản thân Archimedes viết không nhiều sách khi còn sống. Và qua thời gian số tác phẩm này còn trở nên ít hơn. Tác phẩm quý giá nhất bị mất có lẽ là quyển “Sphairopoiian”.

Theo ghi chép của nhà toán học Pappus xứ Alexandria, “Sphairopoiian” viết về thiên văn học. Mà cụ thể là phương pháp chế tạo và sử dụng các công cụ nghiên cứu thiên văn học. Hầu hết các nhà sử học tin rằng, cung thiên văn đầu tiên được xây dựng nhiều năm sau khi Archimedes mất. Nhưng ông lại là người đầu tiên đề xuất ý tưởng dựng nên một kiểu nhà hát có mái vòm tròn để mô phỏng các thiên thể trên trời đêm. “Sphairopoiian” nếu còn tồn tại sẽ là bằng chứng rõ nhất cho giả thuyết này. Và khẳng định thêm sự thiên tài của nhà khoa học cổ đại.

Một phát minh khác được ghi lại trong “Sphairopoiian” là cỗ máy Antikythera. Vào năm 1901, người dân đảo Antikythera (Hy Lạp) tìm thấy những mảnh kim loại có hình thù kỳ dị từ một xác tàu đắm. Các nhà khoa học sau đó đã lắp ghép số mảnh này thành một cỗ máy. Họ đưa ra giả thuyết: người Hy Lạp cổ đại sử dụng cỗ máy này để theo dõi chu kỳ chuyển động của mặt trăng và mặt trời nhằm viết lịch. Một số nhà khoa học đã thử chế tạo những cỗ máy tương tự. Nhưng trừ khi tìm được các văn bản chép tay từ thời đó như cuốn “Sphairopoiian”, họ chẳng thể chắc chắn cỗ máy Antikythera vận hành theo cơ chế nào.

“Ab Urbe Condita Libri”

Một phần lớn những điều chúng ta biết được về La Mã cổ đại đến từ số ít những sử gia như Livi. Titus Livius, hay còn gọi là Livi, được coi như sử gia vĩ đại nhất của thành Rome cho dù ông sinh ra ở một thành phố miền Bắc Italia. Livi dành cả cuộc đời cho việc soạn bộ sử “Ab Urbe Condita Libri” nói về lịch sử thành Rome. Ông bắt đầu từ lúc nhân vật huyền thoại Aeneas dẫn đoàn người trốn chạy khỏi thành Troy đến đất Italia. Và lập nên tiền thân của Rome, đến cái chết của tướng Drusus, người mất trước Livi chỉ vài năm.

“Ab Urbe Condita Libri” gồm 142 quyển và nằm trong số những bộ sách sử “đồ sộ” nhất. Bất kỳ người La Mã cổ đại có học thức cơ bản nào cũng phải đọc “được hơn một nửa bộ sách”, theo như lời triết gia Cicero sau này nói. Tuy vậy, vào thời Trung Cổ, không còn nhiều người quan tâm đến lịch sử La Mã nữa. Cùng với sự biến mất của các sử gia, công việc lưu giữ lịch sử được giao cho giới tu sỹ chuyên tập trung vào những sự kiện liên quan đến đạo Thiên Chúa.

Phải đến tận thời kỳ Phục Hưng, giới trí thức châu Âu mới bắt đầu quan tâm trở lại đến những thành tựu của La Mã cổ đại. Họ tìm trong khắp các thư viện châu Âu, Ả Rập và Ai Cập mới thấy được 35 quyển trong bộ “Ab Urbe Condita Libri” còn nguyên vẹn. Số sách còn lại hoặc là hoàn toàn biến mất. Hoặc chỉ được trích dẫn trong các tác phẩm khác. Các sử gia vì thế đã mất rất nhiều tư liệu về những cuộc chiến giữa Rome và nhiều thế lực láng giềng của họ. Vào những năm giữa thế kỷ trước, các nhà khảo cổ may mắn tìm được một vài trang sách da thuộc trong các di chỉ từ thời La Mã cổ đại.

“Epikos Kyklos”

Theo truyền thuyết thành Rome, thành phố này được lập nên bởi con cháu của những người tị nạn đến từ thành Troy. Đấy chỉ là một trong nhiều dấu ấn của cuộc chiến thành Troy đối với lịch sử thế giới. Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là bộ sử thi “Illiad” và “Odyssey”. Vậy nhưng “Illiad” và “Odyssey” không phải là những bộ sử thi duy nhất viết về cuộc chiến cổ đại này.

“Epikos Kyklos” là tên gọi chung cho những sử thi về cuộc chiến thành Troy không phải do Homer sáng tác. Trong số này có các bộ sử thi “Cypria”, “Aethiopis”, “Nostoi”, “Iliupersis”, “Telegony” và “Tiểu Illiad”. Không có nhiều thông tin về tác giả của những tác phẩm này ngoài việc họ là các nhà thơ. Nhà thơ là những sử gia của thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Họ sử dụng sử thi truyền miệng để lưu giữ ký ức về những sự kiện lịch sử. Phải nhiều năm sau khi họ mất thì người đời mới chép lại sử thi lên giấy, và đến lúc đó chẳng còn mấy ai nhớ về tác giả gốc.

“Cypria” kể về chín năm đầu của cuộc chiến. “Aethiopis” mô tả các trận chiến giữa Achilles và những đồng minh của thành Troy. “Tiểu Illiad” kể lại những sự kiện xảy ra sau khi Achilles chết đến khi người Hy Lạp giành thắng lợi. “Nostoi” kể về hành trình sóng gió của các đội quân Hy Lạp về quê hương. Còn “Telegony” kể về cái chết của Odyssey bởi đứa con ngoài giá thú của chàng.

Nếu như những sáng tác này còn tồn tại đến ngày nay, ngành sử học sẽ được lợi khi có thêm các góc nhìn khác về cuộc chiến thành Troy. Chưa hết, một số tác phẩm quan trọng khác từ thời cổ đại như hai bộ truyện thơ La Mã “Metamorphose” và “Posthomerica” được phóng tác dựa trên “Epikos Kyklos”. Giá trị của các bộ sử thi này đối với ngành lịch sử văn học và ngôn ngữ học vì thế là vô giá.

“Cardenio”

Nói không ngoa, tác phẩm “Don Quixote” đã làm thay đổi bộ mặt của văn học châu Âu vào thời điểm nó ra đời. Lần đầu tiên độc giả châu Âu được đọc một câu chuyện không những rũ bỏ hoàn toàn những môtíp của văn học Trung Cổ, mà còn đem những môtíp đó ra mổ xẻ. Chỉ trong vòng vài năm sau khi “Don Quixote” được xuất bản, tác phẩm lan truyền khắp châu Âu. Thậm chí nó còn được đem sang “tân lục địa” châu Mỹ nữa. Nhiều tác giả khác cũng bắt tay phóng tác hay viết hậu truyện dựa trên “Don Quixote”. Trong đó có nhà viết kịch thiên tài người Anh Shakespear.

Vở kịch “Cardenio” dựa trên một trích đoạn trong “Don Quixote” kể về Cardenio, một nhân vật trong tiểu thuyết. Dựa trên những gì người đời khi đó viết lại, vở kịch bắt đầu với việc Don Quixote và người hầu Sancho Panza tìm thấy một bọc vàng cùng vài bài thơ. Vàng và thơ thuộc sở hữu của Cardenio, một thanh niên bị điên sống một mình trên núi. Cardenio bị như vậy do nhìn thấy người yêu anh bị một kẻ khác cưỡng ép phải lấy hắn ta. Sau khi nghe câu chuyện của Cardenio, Don Quixote đã tìm được cách giúp anh tìm được sự thật và lấy lại người yêu của mình.

Đến tận ngày nay các nhà sử học vẫn chưa rõ liệu vở “Cardenio” chân thực đến đâu. Quả thật là có một số văn bản từ thời đó viết về việc đội kịch Nhà hát Hoàng gia Anh tập diễn vở kịch. Nhưng không có bằng chứng gì là tác phẩm đã được hoàn thành để đem ra công diễn chính thức.

Chưa hết, người đương thời viết nhiều nhất về vở “Cardenio” tên là Humphrey Moseley. Moseley là ông chủ nhà xuất bản sách. Và đến nay còn lưu truyền những câu chuyện về việc ông ta giả danh Shakespear hoặc tác giả nổi tiếng khác nhằm tạo sự chú ý cho sách mình phát hành. Khả năng “Cardenio” là vở kịch của người khác nhưng được Moseley “gán danh” Shakespear không phải là không có cơ sở.

Một nhân vật khác trong câu chuyện này là Lewis Theobald, người có thể coi là nhà “Shakespear học” đầu tiên trong lịch sử. Vào năm 1727, Theobald tuyên bố đã tìm thấy một số bản nháp của Shakespear. Trong đó có một phần kịch bản vở “Cardenio”. Ông ta dựa trên những bản nháp này mà viết nên một vở kịch khác tên là “Double Falsehood”. Ngay vào thời điểm đó người đời đã có nhiều nghi vấn về việc liệu “Double Falsehood” có thật là dựa trên bản thảo của Shakespear không, hay là Theobald đã “nguỵ tạo bằng chứng”? Điều đáng tiếc là vào thời điểm đó ngành khoa học giám định khảo cổ chưa ra đời, còn những bản nháp do Theobald lưu giữ đã biến mất theo thời gian.

Vở “Double Falsehood” đến tận ngày nay vẫn được biểu diễn tại châu Âu. Vào năm 2015, nhân buổi công diễn vở kịch của Nhà hát kịch Hoàng gia Anh, hai nhà khoa học tâm lý Mỹ đã xuất bản một nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng “Double Falsehood”, hay đúng hơn là “Cardenio” là tác phẩm do Shakespear viết. Hai nhà tâm lý học đã tham khảo các vở kịch khác của Shakespear để hiểu cách sử dụng ngôn ngữ và tâm tình người viết, từ đó xây dựng mô hình tâm lý –  tính cách của nhà biên kịch. Khi đem áp dụng hai vở kịch trên vào mô hình này liền xuất hiện rất ít sự trái ngược. Đây là bằng chứng vững chắc nhất từ trước đến nay cho câu hỏi: “Cardenio thuộc về ai?”.

Theo VĂN NGHỆ CÔNG AN 

Tags: ,