Những chuyện để đời về nghiệp quan trường của Lương Thế Vinh

Không chỉ là một Trạng nguyên giỏi cả văn lẫn toán, lại thắng thắn, trung thực Lương Thế Vinh còn là người hết sức gần gũi với dân. Ngay cả khi rời bỏ quan trường, về quê sinh sống ông vẫn có những đóng góp to lớn cho dân, cho nước.

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở Nam Định.

Nắm chắc các quan thì chính sự không thể sai lầm

Trạng Lường Lương Thế Vinh người thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam, 23 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 – 1463) đời Lê Thánh Tông. Người đương thời gọi ông là thần đồng vì khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, khả năng sáng tạo trong các trò chơi và tính toán nhanh. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng chưởng viện sử Nhập thị Kinh điên, tri sùng văn quán. Phàm các văn thư từ lệnh bang giao với nhà Minh đều do ông soạn thảo. Tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp Trung Nguyên.

Lương Thế Vinh còn nổi tiếng với tài năng toán học. Trong các tác phẩm của ông để lại gồm Đại thành toán pháp và Khải minh toán học. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử khoa cử của Việt Nam. Ông cũng được xem là người đã chế ra bàn tính gẩy cho người Việt. Ông được nhân dân gọi là Trạng Lường.

Trong quá trình làm quan, Lương Thế Vinh đã nhận định về tình hình quan chức thời bấy giờ: “… Thời nay, cho rằng cả trăm quan đều không làm hết chức trách là không đúng. Nhưng nói rằng cả trăm quan đều làm hết chức trách cũng không đúng”. Ông còn nhấn mạnh: Việc yên hay loạn là do các quan. Từ đó suy ra việc sửa mình của các quan hay không há chẳng liên quan đến việc yên hay loạn đó sao”.

Cũng từ đó Lương Thế Vinh đề xuất với nhà vua rằng: “Cần phải khảo tích xem rõ đúng sai, nắm chắc các quan chính là như vậy. Đã nắm chắc các quan thì chính sự không thể sai lầm, tệ xấu bỏ được, tất dân được nhờ, mà việc tốt không thể không làm được”.

Một năm 3 lần dâng sớ

Những tư tưởng đúng đắn và thẳng thắn đó của Lương Thế Vinh đã trở thành tư tưởng chủ đạo và là kim chỉ nam trong suốt quá trình làm quan của ông.

Năm Đinh Hợi (1467), thời vua Lê Thánh Tông, mới bước vào quan trường, quan Hàn lâm Lương Thế Vinh đã ba lần dâng sớ tâu hặc bọn ăn hối lộ, bọn cậy quyền cậy thế. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1467), Lương Thế Vinh thấy giám sát ngự sử Quản Công Thiêm nhận tiền hối lộ của Hàn Tông Nghiệp để dung túng tội ác của hắn, ông đã tâu hặc lên nhà vua. Vua Lê Thánh Tông đã hạ lệnh bắt giam Quản Công Thiêm. Vào tháng ba, Lương Thế Vinh lại phát hiện chỉ huy sứ vệ Vũ Lâm là Lê Tông Vĩnh khai man tung tích để được thăng thưởng.

Lê Tông Vĩnh vốn là con Nguyễn Cố người huyện Gia Viễn (Ninh Bình), làm con nuôi Tổng quản Lê Nguyên, được đổi họ Lê, nay khai man là con đẻ để được tập ấm, được thăng bổ chức tước. Nhà vua đã cách chức Lê Tông Vĩnh. Và cũng trong tháng ba này (năm 1467) Lương Thế Vinh lại dâng sớ tâu hặc Trấn điện tướng quân Bùi Huấn về tội rối loạn nhân luân, coi thường lễ giáo, ruồng bỏ vợ làm vợ ốm chết để lấy người khác trẻ đẹp hơn, khiến nhà vua phải đưa ra pháp tu xét xử trị tội làm gương cho kẻ khác.

Những việc làm trên của Trạng Lường Lương Thế Vinh khiến đình thần phải nể sợ. Vua Lê Thánh Tông càng quý trọng tài đức của ông.

Chấn chỉnh việc thi cử

Năm Bính Ngọ, năm Hồng Đức thứ 12 (1486) quan Hàn lâm Chưởng viện sự Lương Thế Vinh đã dâng sớ tâu vua chấn chỉnh lại việc tổ chức khoa cử. Lúc đó các quan viên thư lại tuy chưa đỗ kỳ thi Hương cũng cho vào thi Hội ngay, đưa đến tình trạng có người không học đến nơi đến chốn vẫn tìm cách đỗ đạt. Vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ quan viên ai muốn theo đuổi khoa cử, nhất thiết phải qua phủ huyện sát hạch như lệ thường dân, thi Hương đậu cố tiến sĩ mới cho vào thi Hội. Từ đó việc thi cử mới trở lại nghiêm chỉnh, chọn được nhiều người hiền tài cho đất nước.

Ngoài 50 tuổi, chán cảnh quan trường, Lương Thế Vinh xin nhà vua cho về trí sĩ tại quê nhà để sống cuộc đời thanh bần, lạc đạo, cùng dân làng dạo chơi, xem hát, xem chèo.

Lỡm quan huyện

Theo lời truyền tụng tại quê nhà, một hôm ông đang cùng vui chơi đàm đạo cùng một số bô lão trong một quán nước đầu làng Cao Hương. Bỗng được tin quan huyện Thiên Bản sắp đi qua. Quan huyện vốn có tiếng là hống hách, hay sách nhiễu, quát nạt dân. Lương Thế Vinh nảy ra một ý, bèn bảo các cụ hãy đi đi, để một mình ông ngồi chơi ở quán. Tiếng trống, tiếng loa càng đến gần, rồi tốp lính khiêng cáng quan huyện hiện ra ở đầu làng, tiến dần đến quán nước. Hai tên lính è cổ khiêng viên tri huyện béo ị nằm nửa thức nửa tỉnh trên cáng.

Đến quán nước, viên tri huyện ra lệnh cho lính bắt phu thay để khiêng cáng. Bọn lính xông vào quán chỉ nhìn thấy một mình Lương Thế Vinh, liền bắt ông phải ra khiêng cáng. Ông bình thản ra khiêng cáng không nói năng gì. Khiêng được một dặm đường, khi ra khỏi làng, gặp một người đi chợ về ông vội gọi to: Này bác, bác về qua Vân Cát nhờ báo hộ với quan Thám Hoa sang thay tôi khiêng cáng cho quan huyện.

Vị Thám hoa làng Vân Cát chính là Trần Bích Hoàng có thụ nghiệp với Lương Thế Vinh, đậu khoa Mậu Tuất, đời Hồng Đức (1478), nổi tiếng là người học giỏi trong vùng. Quan huyện đang mơ mơ màng màng trên võng, nghe ông nói thế, biết rằng ông chính là quan trạng Lương Thế Vinh, thì hồn vía lên mây, vội nhảy từ trên cáng xuống đất, đập đầu van xin ta tội.

Quan Trạng nghiêm khắc răn dạy từ nay về sau không được hạch sách người dân như thế nữa. Quan huyện lạy như tế sao, mời quan Trạng ngồi lên cáng để tự mình cáng ông lại nhà. Lương Thế Vinh xua tay từ chối. Vừa lúc đó dân làng ra đón ông. Ông vui vẻ cùng họ trở lại làng, chuyện trò râm ran, còn quan huyện lủi thủi cùng quân lính đi bộ đến huyện đường.

Ông mất ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496) tại quê nhà, thọ 55 tuổi. Khi ông qua đời, vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc và viết một bài thơ khóc Trạng, trong đó có những câu:

“… Khí thiên đã lại thu sơn nhạc/Danh lạ còn truyền để quốc gia/Khuất ngón tay than tài cái thế/Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,