Những cảnh báo về di hại của tham nhũng giáo dục

Là một ngành lớn nhất trong khu vực công ở nhiều quốc gia trên thế giới, thường chiếm hơn một phần năm tổng chi tiêu của chính phủ cho khu vực công, giáo dục đặc biệt có nhiều nguy cơ tham nhũng.

Những cảnh báo về di hại của tham nhũng giáo dục

Ngày 1/10/2013, Minh Bạch Quốc Tế – tổ chức xã hội dân sự toàn cầu về chống tham nhũng – công bố bản báo cáo tham nhũng trong giáo dục. Bản báo cáo có 442 trang với 5 phần, với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngoài việc nhận diện, phân tích, cảnh báo về hiện trạng và hậu quả của tham nhũng giáo dục, bản báo cáo cũng nêu nhiều khuyến nghị và các giải pháp làm trong sạch môi trường giáo dục.

Dưới đây là tóm lược một số nội dung từ báo cáo này.

Dễ có nguy cơ

Lý do chính khiến ngành này dễ có nguy cơ tham nhũng là nguồn lực lớn được phân bổ thông qua các cấp hành chính phức tạp với sự giám sát không đầy đủ trong suốt quy trình phân bổ từ trung ương cho tới các trường học.

Tại Nigeria, trong vòng 2 năm ước tính có ít nhất 21 triệu USD bị thất thoát bởi qui trình này, và con số này gấp đôi ở Kenya trong vòng 5 năm.

Ở những nơi chính phủ không có khả năng đảm bảo giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, viện trợ cho giáo dục cơ bản tại các quốc gia này lên tới 5,8 tỉ USD mỗi năm (2010) nhưng lại thường không được chi tiêu hiệu quả để có thể đạt được những mục tiêu mong muốn.

Tầm quan trọng của giáo dục cũng khiến cho ngành này trở thành một mục tiêu hấp dẫn của tham nhũng.

Những người làm trong ngành giáo dục có vị trí tốt để có thể lợi dụng các ưu thế của ngành và thường bị thôi thúc có những hành vi lợi dụng khi tham nhũng ngày càng gia tăng trong hệ thống dẫn tới việc họ bị đánh giá thấp hay thậm chí là không được trả công.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ thường bị lôi kéo bởi một khao khát tự nhiên là tạo cho con cái cơ hội học hành tốt nhất, và thường không nhận thức được những yếu tố tạo nên chi phí bất hợp pháp.

Các khoản hối lộ để có được một chỗ trong một trường học danh tiếng, như ở Việt Nam,  có thể lên tới mức hơn gấp đôi GDP trên đầu người.

Sự gia tăng số lượng sinh viên ở bậc đại học từ 32 triệu năm 1970 lên tới 159 triệu năm 2008 cho thấy giáo dục đại học không còn chỉ dành riêng cho những tinh hoa.

Môi trường giáo dục đại học thay đổi cũng tạo ra nguy cơ tham nhũng riêng trong bộ phận này.

Nguồn lực công không đủ để theo kịp những thay đổi, và cuộc cạnh tranh cho những nguồn lực ngoài cơ chế truyền thống cùng với những vị trí có tiếng tăm làm gia tăng áp lực cho các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ trong những cơ sở này.

Những cơ sở không được giám sát và kiểm soát hiệu quả có nguy cơ tham nhũng cao nhất, và trong nhiều trường hợp, nó phá hoại cả hệ thống giáo dục đại học cũng như uy tín của các sản phẩm nghiên cứu và các sinh viên tốt nghiệp, dù họ có tội hay vô tội.Ví dụ như ở Đức, nhiều nhân vật cao cấp bị cáo buộc đạo văn, hay một số giáo sư ở một trường đại học ở Hy Lạp gần đây phải chấp nhận án phạt tù vì biển thủ tới 8 triệu Euro.

Cái giá phải trả

Bản chất ngầm của tham nhũng gây khó khăn cho việc xác định thiệt hại mà nó gây ra thuần tuý về mặt tài chính.

Cũng thường khó phân biệt được tham nhũng với thiếu hiệu quả và quản lý yếu kém trong các trường phổ thông và đại học. Tuy nhiên, thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho xã hội là rất lớn.

Thanh niên là những nạn nhân đầu tiên của tham nhũng trong xã hội, và điều này tác động tới liêm chính và phẩm cách của con người trong cuộc sống, cũng như tới toàn xã hội nói chung.

Đầu tư của xã hội vào thế hệ tương lai sẽ thất bại nếu mỗi cá nhân có thể thành công một cách dối trá và không đúng công sức mà họ bỏ ra, làm gia tăng số lượng các lãnh đạo và chuyên gia kém năng lực trong tương lai.

Không chỉ xã hội mà ngay cả cuộc sống của con người cũng bị đe doạ bởi các bác sĩ, thẩm phán hay kỹ sư “rởm” và thiếu đào tạo, hay bởi những nghiên cứu khoa học “rởm” được thực hiện bởi giới học thuật tham nhũng.

Báo cáo nhấn mạnh rằng tham nhũng trong giáo dục tác động nhiều nhất tới người nghèo và những người bị thiệt thòi, những đối tượng yếu thế trong xã hội mất đi cơ hội để có thể phát huy tối đa tiềm năngcủa mình, và bất bình đẳng trong xã hội sẽ vẫn còn mãi. 

Tham nhũng trong xã hội đặc biệt tác hại bởi nó bình thường hoá và tạo ra sự chấp nhận của xã hội đối với tham nhũng từ những bước đầu tiên.

Khi người trẻ hiếm khi chất vấn về các nguyên tắc trong lớp học, họ có thể quen dần với các quan điểm tham nhũng và coi đó như những yếu tố dẫn tới thành công, và họ mang những suy nghĩ này ra xã hội. Khi những suy nghĩ này trở thành chuẩn mực của xã hội, chu kỳ này bắt đầu một vòng mới trong mỗi một thế hệ.

“Nhận diện” tham nhũng giáo dục

Tham nhũng trong trường học có thể bao gồm việc mua sắm trong xây dựng, “trường học ảo” (có tới 8.000 trường như vậy ở Pakistan), “giáo viên ma” và sự phân bổ sai mục đích các nguồn lực dự kiến chi cho sách giáo khoa hay thiết bị trường học, hối lộ để được tiếp cận giáo dục và mua bằng cấp, chạy chọt khi bổ nhiệm giáo viên, bằng “rởm”, lạm dụng các khoản trợ cấp cho nhà trường để tư lợi, giáo viên vắng mặt và dạy thêm thay vì giảng dạy chính khoá (gây thiệt hại cho các gia đình Hàn Quốc tới 17 tỉ USD- tương đương 80% tổng chi tiêu của chính phủ cho giáo dục riêng năm 2009).

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục cho rằng lạm dụng tình dục trong lớp học là hành vi tham nhũng bởi đó thực chất là lạm dụng những quyền được giao.

Ở giáo dục đại học, tham nhũng còn bao gồm: các khoản tiền bất hợp pháp trong tuyển dụng và nhập học, chạy chọt để được xếp vào vị trí dài hạn, hối lộ để được ở trong các ký túc xá của trường hay khi xếp loại, gây ảnh hưởng chính trị hay thương mại không chính đáng trong nghiên cứu, đạo văn, “tác giả ma” hay sai phạm trong xét duyệt các sản phẩm học thuật.

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục cũng xem xét vấn đề cấp bằng và chứng chỉ học tập qua mạng, việc lợi dụng dữ liệu phân công công việc, và tham nhũng trong việc công nhận bằng cấp trong giáo dục liên quốc gia, khiến cho hơn 3,7 triệu sinh viên nước ngoài phải chịu rủi ro trên toàn thế giới.

Theo VIETNAMNET 

Tags: ,