Nhìn nhận bản sắc văn hóa trong sân khấu kịch Việt Nam

Giống như tân nhạc hay tranh sơn dầu… kịch nói đến từ phương Tây và xuất hiện muộn trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nhìn nhận bản sắc văn hóa trong sân khấu kịch Việt Nam

Khi tiếp cận cửa ngõ của một nền văn hóa, vấn đề quan trọng nhất ta đề cập là tính bản sắc của nền văn hóa đó, nó được coi như giá trị đặc biệt, biểu trưng và thước đo cho sự sáng tạo của cộng đồng tộc người, tồn tại qua không gian thời gian trước những hỗn dung giao thoa để trụ vững, hòa hợp đồng thời làm mới mình, tiếp tục khẳng định cái riêng trong cái chung rộng lớn.

Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi tìm đến văn hóa Việt Nam đều có một cái đích chung, đó là nhận nhìn bản sắc ở những thành tố văn hóa truyền thống, chẳng hạn tranh dân gian (Đông Hồ, Sình, Kim Hoàng…), điêu khắc dân gian (điêu khắc trong công trình tôn giáo tín ngưỡng: Đình, Chùa, Đền, Phủ …), đúc đồng (chẳng hạn đồ đồng Đông Sơn), văn học dân gian (hò vè, tục ngữ, ca dao, câu đố, thơ lục bát, sử thi…), tín ngưỡng dân gian (phồn thực, Tứ pháp, thờ động thực vật, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng làng..) hay nghệ thuật thanh sắc dân gian (chẳng hạn: Chèo, Rối nước, Hạn khuống, hát Văn, hát Xoan, Đờn ca tài tử, Dù kê, Rô – băm…). Có thể nói những địa hạt này mang đậm tâm hồn người Việt, ngưng tụ qua nhiều thế kỷ, cô đọng và bền vững để khi soi rọi ta tìm thấy/phát hiện những ánh sáng lộng lẫy của tri thức, quan niệm, tình yêu và tâm hồn người Việt, để khẳng định và tự hào về một nền văn hóa phong phú.

Đã có, nhưng ít hơn những hướng nhìn tìm về bản sắc văn hóa dân tộc trong sân khấu kịch. Đây là điều dễ hiểu, bởi giống như tân nhạc hay tranh sơn dầu… kịch nói đến từ phương Tây và xuất hiện muộn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với chiều dài thời gian non một thế kỷ (tạm tính từ “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long), loại hình nghệ thuật này không thể so sánh về tuổi đời với chèo, tuồng, đờn ca tài tử, chưa nói đến rối nước (tạm tính từ niên hiệu bia “tháp Sùng Thiện Diên Linh” cũng chừng 10 thế kỷ…). Bên cạnh đó, các đề tài của kịch nói thường mang tính thời sự bởi sức mạnh của sân khấu kịch là phản ánh thực tại xã hội, thực trạng đời sống và những bức xúc hiện hữu. Có thể điểm qua các vở được dựng trong một hai năm gần đây như: “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch nói Công an Nhân dân, “Tai biến” của Nhà hát kịch TW, “Lời thề thứ 9” Nhà hát kịch tuổi trẻ hay “Trái tim trong trắng” của Nhà hát kịch Hà Nội… hầu hết đều xoay quanh những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội đương đại, vấn đề mâu thuẫn trong đời sống gia đình hoặc sự đấu tranh xung đột trong mỗi con người trước cám dỗ vật chất dẫn đến tha hóa, phạm tội rồi hướng thiện, ăn năn… Việc xây dựng những yếu tố “mới” mang đậm tính thời sự trong loại hình nghệ thuật này đã khoác lên mình nó chiếc áo văn minh, hiện đại về mặt quan niệm, nên đến với kịch, người ta thường mang một tâm thế thưởng thức cái hiện đại, tính thời cuộc.

Bản sắc của văn hóa Việt bên cạnh việc nằm ở các thành tố tiêu biểu như đã điểm lược ở trên, với những giá trị văn hóa hữu hình được thừa nhận trên toàn thế giới, thì bên cạnh đó, đặc trưng của văn hóa Việt còn thể hiện đặc biệt ở sự “linh hoạt” trong vận động nội tại. Cố giáo sư Cao Xuân Huy đã dùng hình ảnh của “nước” để ẩn dụ so sánh với tính chất của văn hóa Việt, thuần khiết mà mềm mỏng, uyển chuyển mà linh hoạt, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, thích nghi trong mọi điều kiện để vận động không ngừng, tích hợp theo một lối rất riêng để vẫn giữ cái gốc gác mà cách tân được từ những yếu tố du nhập. Kịch có nguồn gốc từ Tây phương, xuất hiện trong đời sống xã hội ta từ khoảng thế kỷ XX, tất cả những qui ước sân khấu, kỹ thuật biểu diễn và hơi thở đều mang phong cách phương Tây với việc sử dụng hành động và lời thoại làm yếu tố cơ bản cấu thành tác phẩm, khác với sân khấu truyền thống sử dụng yếu tố âm nhạc làm chú trọng, âm nhạc trong kịch nói là thứ yếu.

Và sức mạnh văn hóa Đại Việt – Việt Nam tiếp tục thể hiện ở đây, như đã từng diễn ra cách ngày nay trên 2000 với Đạo giáo, Phật giáo và trên 1000 năm với Nho giáo hay vài thế kỷ trước như với Đạo Kito… và cùng thời của kịch là tân nhạc, là tranh sơn dầu, là tiểu thuyết, là Thơ mới… Văn hóa Việt Nam một lần nữa tiếp nhận và cấu trúc lại toàn bộ các yếu tố ấy thành một thành tố văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam (như đã cấu trúc lại Phật giáo thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hay một Nho giáo Việt Nam có nhiều đặc trưng, kết tinh qua hình tượng các danh nho như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… một lòng trung quân, ái quốc đồng thời vẫn đề cao đạo lý “mến người có nhân là dân”). Một công cuộc cấu trúc sân khấu kịch đã diễn ra như thế, mà nói như giáo sư Phan Ngọc là một sự “khúc xạ” đầy ngoạn mục và hoàn hảo.

Kịch nói đã được “khúc xạ” qua lăng kính tâm thức của người Việt để “Việt hóa” lại một lần nữa, biến nó trở thành một nét vẽ mới nhưng nhuần nhị trong đại cảnh văn hóa Việt, để từ đó các tác phẩm kịch nói ra đời mạnh mẽ giữa cả hai miền Nam Bắc, cất lên tiếng nói uy vũ về lòng tự tôn dân tộc từ chính tâm hồn người Việt và đóng góp một sức mạnh không thể phủ nhận trong công cuộc cải huấn tư tưởng, quan điểm, chỉnh đốn những cũ kỹ lỗi thời, góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ và văn minh hiện đại.

Những tác phẩm tiêu biểu một thời như vở “Cách mạng” của Nguyễn Khải; “Tôi và chúng ta”, “Bệnh sĩ”, “Chiếc ô công lý” của tác giả Lưu Quang Vũ; “Tôi là người Việt Nam” của Nguyễn Đình Chính; “Đại đội trưởng của tôi” của Đào Hồng; “Bản danh sách điệp viên” của Văn Báu và rất nhiều các tác phẩm kịch miền Nam những giai đoạn cách mạng như “Lôi Vũ”, “Nhân danh công lý”, “Huyền thoại mẹ”, “Con nai đen rừng Đế Thích”, “Sắc hoa màu nhớ”… hay “Xa thành phố yêu dấu”, “Thầy thuốc biết bay”, “Con chim xanh”,… đã mang đến một không khí kịch nói tưng bừng cho cả nước, hòa chung vào nền văn hóa nghệ thuật của đại gia đình Việt Nam, dệt thành bản sắc của tình yêu quê hương đất nước và tinh thần cách mạng bất diệt.

Và bên cạnh đó, một yếu tố đặc biệt để tiếp tục khẳng định tính bản sắc của sân khấu Kịch nói chính là sự tích hợp và khai thác các yếu tố dân gian làm nên những tác phẩm kịch bất hủ. Người Việt Nam đã đón nhận hơn bao giờ hết những tác phẩm được cấu thành từ đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian với yếu tố tâm linh, để từ mạch nguồn cảm hứng bất tận đó các tác giả đã cho ra đời vở kịch kinh điển của làng kịch Việt như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, “Về cùng cát bụi” của Vũ Triệu Huấn, Tất Thắng với “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” viết từ truyện ngắn Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, Vương Huyền Cơ với chùm kịch bản “Quỷ ám”, “Hồn ma báo oán”….

Những tác phẩm nói trên và nhiều vở kịch khác khai thác chất kiệu dân gian với yếu tố tâm linh đã và đang thành công rực rỡ trên sân khấu kịch cả nước. Là một ông Trương Ba bị sự tắc trách của quan Nam Tào Bắc Đẩu gọi nhầm về Trời, để sau đó các vị quan này lại sửa sai bằng một cái sai khác nghiêm trọng hơn, đó là cho nhập hồn ông Trương Ba vào xác ông hang thịt .. và thế là câu chuyện về sự mâu thuẫn giữa nội hàm và ngoại diên, mâu thuẫn giữa hồn và xác, giữa thực tế bản thể và cái gò ép khiên cưỡng đã đưa mâu thuẫn dẫn đến xung đột kịch là sự phá vỡ dứt bỏ… câu chuyện đã vang bóng trong long khán giả thủ đô vài thập kỷ.

Hay như ông thầy bói Cả Khoa trong “Về cùng cát bụi”, vốn người làng Vồng, bị tên lưu manh cướp vợ đánh ông gần chết, sau mấy chục năm lưu lạc đã phát hiện kẻ tử tù cùng làng năm nọ nay đã thành một quan tham đến xin nhờ thầy bói tạ tội với thần linh vì đã hại chết mấy chục mạng người trong vụ đánh đắm tầu hòng đòi tiền bồi thường bảo hiểm. Và cái kết của cuộc đời tên quan tham là cái chết và sự thật trần trụi tán gia bại sản đúng như lời tiên tri của Cả Khoa “Số ông lành ít dữ nhiều, các linh hồn oan khuất mấy chục năm đang về tìm ông đòi mạng ”.

“Quỷ ám”, “Hồn ma báo oán” đều là những câu chuyện nhân quả răn dạy người đời về những tội lỗi gây ra gặp nghiệp báo, hay “Người tù trao áo”, “Tóc mây Lèn Hà” (Tác giả: Bùi Vũ Minh) là những hồi ức xúc động về linh hồn của những chiến sỹ đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, tất cả đều một lòng vì sự tồn vong của Tổ quốc. Hình ảnh chân linh các chiến sĩ hiện về như những tượng đài bất tử trong lòng dân tộc, trong lòng khán giả và những người yêu kịch nói cả nước.

Có thể khẳng định, với sức mạnh của loại hình sân khấu kịch nói, kết hợp với các giá trị văn hóa bản địa, với tâm hồn và tình cảm người Việt Nam, các tác phẩm kịch nói trên đã quyện hòa một cách khéo léo, dung dị đầy tự nhiên, mang hơi thở đương đại bắt nhịp cùng mạch nguồn truyền thống, sự giao thoa văn hóa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết trong các tác phẩm này, làm nên một dòng kịch nói đầy màu sắc dân tộc trên phông nền sân khấu kịch nói hiện đại phương Tây.

Theo NGUYỄN HUY QUANG / SPNTTW.EDU.VN

Tags: ,