Nhìn lại những sai lầm chiến lược lớn của Mỹ: Từ Việt Nam đến Ukraina

Đối với mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, điều cốt tử là phải xây dựng được các chiến lược dài hạn “chất lượng” cũng như năng lực thực thi các chiến lược đó.

Nhìn lại những sai lầm chiến lược lớn của Mỹ: Từ Việt Nam đến Ukraina

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn, nhà ngoại giao Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN.

Điều tối kỵ nhất đối với bất kỳ quốc gia nào là có một chiến lược tồi. Và Nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Nước lớn khi đã mắc sai lầm về mặt chiến lược thì thông thường phải mất ít nhất 20 năm và chịu không ít tổn thất thì họ mới nhận ra các sai lầm đó, rồi tìm cách xoay chuyển chiến lược. Xin lấy ví dụ của ngay chính nước Mỹ:

Cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam (1965-1973)

Có nhiều mốc thời gian khác nhau để tính sự can dự của Mỹ như từ sau Hiệp định Genève (1954) đến khi ký kết Hiệp định Paris (1973). Nhưng ở đây chỉ xin lấy mốc 8 năm 1965-1973, tức thời gian Mỹ tham chiến trực tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp bằng việc đưa 3.000 lính thủy đánh bộ đổ bộ vào cảng Đà Nẵng. Mỹ coi đây là cuộc “dạo chơi” và sớm đưa lính Mỹ trở về nước. Tuy nhiên, sự can dự quân sự của Mỹ lại ngày càng sâu hơn. Tại thời điểm đỉnh cao 1968, Tổng thống Mỹ Johnson tăng số quân kỷ lục là 575.000 quân. Số quân này chiếm khoảng 40% tổng quân lực của quân đội Mỹ (khoảng 1,5 triệu người khi đó). Đây cũng là số quân cực đại mà Mỹ có thể huy động và không thể tăng thêm nữa vì Mỹ còn phải triển khai quân ở các nước đồng minh khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, NATO…) đối phó với Liên Xô và các thách thức an ninh khác.

Với sự có mặt quân số cực đại như vậy, nhưng Việt Nam vẫn tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu thân 1968. Lúc này, giới lãnh đạo và chính trị của Mỹ mới đi đến kết luận rằng Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến và phải ngồi đàm phán với Việt Nam về một hiệp định hòa bình để Mỹ có thể rút quân trong danh dự.

Hệ quả của sự sa lầy và thất bại khi can dự vào chiến tranh Việt Nam là gì?

Một là, Mỹ đã nhìn sai bàn cờ chiến lược. Đối thủ chính của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là Liên Xô, chứ không phải Việt Nam. Việc chọn sai “bàn cờ”, sai “đối tượng” đã khiến Mỹ suy yếu nghiêm trọng, và “hội chứng Việt Nam” khiến dư luận trong nước Mỹ không ủng hộ các cuộc can thiệp bên ngoài sau 1975 nữa.

Kết quả là sau chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã mở rộng ảnh hưởng tại hàng loạt khu vực chiến lược rộng lớn ngoài địa bàn Đông Âu “truyền thống” như Afghanistan (ở Nam Á), Việt Nam (ở Đông Nam Á), Nicaragua (Trung Mỹ), Ethiopia, Angola (châu Phi) trước sự “bất lực” của Mỹ.

Hai là, vào đầu những năm 1970, Liên Xô đạt được sự cân bằng bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược với Mỹ là tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân, máy bay chiến lược tầm xa mang bom hạt nhân, và tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân tầm xa. Đây là đòn quyết định và hệ quả vẫn kéo dài tới tận ngày nay khi Nga, nước kế thừa Liên Xô, vẫn sở hữu kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới là 6.200, so với Mỹ là 5.750.

Ba là, không chỉ rút ra khỏi Việt Nam mà Mỹ còn rút quân khỏi Thái Lan và đóng cửa 2 căn cứ quân sự tại Philippines là Subic và Clark. Cho đến nay, việc thiếu vắng căn cứ quân sự của Mỹ tại địa bàn chiến lược Đông Nam Á, khu vực trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, vẫn được xem là “điểm yếu chết người” về mặt chiến lược của Mỹ.

Cuộc chiến chống khủng bố và sự can dự quân sự thất bại của Mỹ tại Iraq và Afghanistan

Để đối phó với cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhắm vào nước Mỹ, chính quyền Bush đã sắp xếp lại ưu tiên chiến lược, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… trong đó coi khủng bố là thách thức an ninh lớn nhất và tập trung toàn bộ nguồn lực để triệt hạ các nhóm khủng bố và những quốc gia mà họ cho là bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ đã tuyên chiến với Al-Qaeda, đưa quân can thiệp và chiếm đóng Afghanistan, Iraq…

Việc áp dụng chiến lược chống khủng bố “giết gà bằng dao mổ trâu” tức đưa quân can thiệp, lật đổ chính quyền các quốc gia “nghi” bảo trợ khủng bố, rồi xây dựng các chính quyền thân Mỹ là những việc làm không cần thiết thậm chí còn phản tác dụng. Trên thực tế, Mỹ chỉ cần sử dụng các nhóm nhỏ biệt kích, sử dụng vũ khí chính xác, các áp lực kinh tế, quân sự, ngoại giao, phối hợp với các đồng minh… là đủ để chặt đứt các mạng lưới khủng bố, đảm bảo an ninh cho mình và đồng minh.

Kết quả là sau 20 năm can thiệp bên ngoài kể từ sau sự kiện 11/9 đã khiến ngân sách của Mỹ bị ngốn hàng ngàn tỷ USD, bị mất hàng chục ngàn sinh mạng trong khi vẫn không ngăn cản được Taliban quay trở lại nắm quyền tại Kabul, Afghanistan.

Hệ quả từ các sai lầm trong việc chiến lược chống khủng bố của Mỹ trong suốt hơn 20 năm qua là gì?

Một là, Mỹ đã để lại một “thế giới tan hoang” và bất ổn từ Afghanistan, đến Iraq, từ Syria đến Libya. Các bất ổn và sự tàn phá từ sự can thiệp quân sự của Mỹ đã đẩy lùi sự phát triển của các quốc gia này hàng chục năm. Đồng thời, chính sự bất ổn nghèo đói và lạc hậu ở những quốc gia này lại là nguồn gốc sinh ra các nhóm Hồi giáo cực đoan mới, những dòng người di cư bất tận… ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến an ninh của Mỹ và các đồng minh châu Âu, cũng như quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo.

Hai là, nguồn lực của Mỹ bị suy yếu nhiều như: Đẩy nợ công tăng cao, ngân sách chi cho quốc phòng, y tế, giáo dục bị hạn chế. Và điều này cũng góp phần trực tiếp và gián tiếp xói mòn ảnh hưởng và uy tín của Mỹ trên thế giới, làm giảm sức cạnh tranh của nước Mỹ, và sâu xa hơn là làm suy yếu vị thế và sức mạnh của Mỹ trên thế giới cũng như trong tương quan so sánh lực lượng với các nước lớn khác.

Ba là, chính trong giai đoạn Mỹ “tập trung quá mức” vào cuộc chiến chống khủng bố thì Mỹ lại “bỏ qua”, không có biện pháp hữu hiệu đối phó với Trung Quốc.

Nhìn tổng thể, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong các cường quốc trên thế giới hiện nay có đủ sức mạnh tổng hợp về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, công nghệ… để thách thức và soán ngôi vị số 1 của Mỹ. Trong 20 năm (2000-2020) khi Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố, thì Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, tăng GDP của mình lên gấp 4 lần. Và ông Trump đã nhận ra sai lầm và thất bại chiến lược trước đó của Mỹ để chuyển hướng chiến lược và chính sách, coi Trung Quốc là thách thức và đối thủ chiến lược lớn nhất đối với nước Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Tuy nhiên, sự chuyển hướng này dường như là quá chậm để xoay chuyển tình thế.

Xét trên phương diện lịch sử, sai lầm trong việc chọn mục tiêu cũng như cách thức chống khủng bố thời gian qua của Mỹ cũng có nét tương tự như sai lầm chết người khi Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam và để Liên Xô vươn lên đạt được thế cân bằng vũ khí hạt nhân chiến lược với Mỹ đầu những năm 1970.

Cuộc chiến Nga – Ukraina: Mỹ đối đầu toàn diện với Nga

Cuộc chiến Nga – Ukraina hiện nay có nhiều căn nguyên từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chính trị giữa hai quốc gia này. Nhưng từ góc nhìn của mình trên bàn cờ lớn, Nga luôn coi mấu chốt của vấn đề là quan hệ Mỹ – Nga và tính toán chiến lược của Mỹ, còn Ukraina chỉ đóng vai trò là “kẻ ngáng đường”, NATO là “kẻ đóng thế” cho Mỹ.

Bước ngoặt của cuộc chiến hiện nay có nguyên nhân xuất phát từ Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Bucharest (Romania) tháng 4/2008. Khi đó, dưới sức ép của chính quyền George Bush, NATO đã thông qua Tuyên bố Bucharest “hoan nghênh nguyện vọng của Ukraina và Georgia trở thành thành viên của khối” và “nhất trí hai nước trên sẽ trở thành thành viên của NATO”.

Chính vì Tuyên bố Bucharest và các bước đi tiếp theo sau đó của NATO, một điều mà cho đến nay Nga vẫn luôn bác bỏ vì cho rằng đã vượt qua “lằn ranh đỏ” an ninh của mình và là nguyên nhân chính khiến Nga tiến hành cuộc chiến với Gruzia năm 2008 để “bảo vệ” nền độc lập của hai nước cộng hòa “tự xưng” Nam Ossetia và Abkhazia, rồi tiếp đó là việc sáp nhập Krym năm 2014 và cuộc chiến Nga – Ukraina hiện nay.

Thay vì “sửa chữa sai lầm” của giai đoạn trước đó là tìm mọi cách ngăn cản Trung Quốc, cường quốc số 2 thế giới vươn lên vị trí số 1, thì Mỹ một lần nữa lại “chọn sai địa chỉ” coi Nga là thách thức an ninh lớn nhất và dồn toàn lực của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong NATO để đối phó với mối đe doạ từ Nga.

Với sức mạnh quân sự vốn có, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và nằm ngay sát cạnh các nước châu Âu, Mỹ và NATO có lý do để lo ngại Nga. Nhưng trên thực tế, Nga là cường quốc đang suy yếu, sức nặng GDP trước cuộc chiến chỉ bằng 1/12 so với Mỹ, 1/10 so với EU và đang tiếp tục giảm. Nga không thách thức và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, trừ Syria là đồng minh lâu đời. Nga chỉ muốn bảo vệ sự sinh tồn, lợi ích và ảnh hưởng của mình trong không gian “hậu Xô Viết”.

Trái lại, nhiều học giả Mỹ, như John Mearsheimer chẳng hạn, coi Trung Quốc mới là quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ và có đủ khả năng thách thức, “soán ngôi vương” của Mỹ về sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng quốc tế, sức mạnh khoa học công nghệ và các mặt khác trên phạm vi toàn cầu. Sớm hay muộn, mối lo ngại an ninh từ Nga sẽ sớm bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho việc đối phó với nguy cơ Trung Quốc từ Mỹ.

Hiện hãy còn quá sớm để có thể lượng định hết hệ quả từ tính toán và bước đi sai lầm của chiến lược mới của chính quyền Biden như một số nhà chính trị và chiến lược gia Mỹ đã chỉ ra. Tuy nhiên, có thể dự báo một số hệ quả sau.

Một là, thay vì theo đuổi và thực thi chính sách của chính quyền Trump trước kia là “chống Trung, hòa Nga, thân Ả-rập” thì nay Mỹ không những không phân hóa được Trung Quốc với Nga, mà còn đẩy Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và khối Ả-rập gần gũi với nhau hơn.

Cần nhắc lại, từ đầu những năm 1970 cho đến khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thành công với chiến lược của Kissinger là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tách Trung Quốc không đi với Liên Xô, để từ đó cô lập và “đánh bại” Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.

Hai là, với việc Mỹ – Nga đang kình chống nhau quyết liệt, Trung Quốc “bất đắc dĩ” được món quà trời cho, được đặt mình ở vị trí “tọa sơn, quan hổ đấu”. Nhìn tổng thể, không có bất kỳ nước lớn nào được hưởng lợi trọn vẹn từ cuộc chiến Nga – Ukraina, nhưng xem chừng Trung Quốc được “hưởng lợi” nhiều hơn cả. Đó là: Sức mạnh kinh tế của Mỹ giảm sút và Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế kể từ 2023; Trung Quốc được hưởng lợi từ mua năng lượng giá rẻ của Nga; Trung Quốc có cơ hội tiếp cận các công nghệ quốc phòng mới nhất của Nga và “tiếp quản” các công ty đa quốc gia của phương Tây hoạt động tại Nga, nhưng phải đóng cửa do cấm vận.

Ba là, thay vì đối đầu, Mỹ có khả năng phải điều chỉnh chính sách theo hướng hòa giải hơn với Trung Quốc. Điều này xuất phát từ thực tế là Mỹ và phương Tây khó có thể cùng lúc chống được “liên minh” Nga – Trung, dù rằng đây là liên minh lỏng lẻo, kết hợp với nhau vì các lợi ích tạm thời. Thậm chí trong một số trường hợp Mỹ còn phải “nhân nhượng” để đối lấy sự “hợp tác” của Trung Quốc để trung lập hóa Nga và giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Và điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ mới khởi động cách đây chưa lâu.

Như vậy, cuộc chiến Nga – Ukraina hiện nay không chỉ là một cuộc chiến thông thường như bao cuộc chiến khác, mà có các hậu quả sâu rộng đến tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn và cục diện thế giới cả trung và dài hạn. Thế giới sau ngày 24/2/2022 sẽ vĩnh viễn là một thế giới khác, và những tính toán chiến lược sai lầm của Mỹ, nếu không được nhìn nhận và khắc phục kịp thời, sẽ góp phần đẩy nhanh sự kết thúc của “kỷ nguyên Mỹ”.

Theo HOÀNG ANH TUẤN FACEBOOK

Tags: , , ,