Nhìn lại cuộc khủng hoàng Kênh đào Suez năm 1956

Kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ xuyên qua Ai Cập, được hoàn thành bởi các kỹ sư người Pháp vào năm 1869. Trong 87 năm sau đó, con kênh chủ yếu thuộc quyền kiểm soát của Anh và Pháp, và châu Âu phụ thuộc vào con kênh trong vai trò một tuyến đường vận tải biển ít tốn kém cho dầu mỏ mua từ Trung Đông.

Nhìn lại cuộc khủng hoàng Kênh đào Suez năm 1956

Nguồn: “What was the Suez Crisis?“, History, 27/10/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp.

Khủng hoảng Suez là kết quả của quyết định bởi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser vào tháng 7/1956 nhằm quốc hữu hóa 120 dặm Kênh đào Suez vốn trước đó được đồng kiểm soát bởi Anh và Pháp. Quyết định này một phần nhằm tài trợ cho việc xây dựng đập Aswan trên sông Nile, một dự án mà các nước phương Tây đã từ chối tài trợ. Hơn hai phần ba lượng dầu được sử dụng bởi châu Âu được vận chuyển qua tuyến đường thủy mang tính quan trọng chiến lược nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ này, và Thủ tướng Anh Anthony Eden đã thề đòi lại “con đường huyết mạch vĩ đại của đế chế.”

Pháp, phản đối sự ủng hộ của Nasser dành cho các lực lượng phiến quân tại thuộc địa của quốc gia này là Algeria cũng như việc quốc hữu hóa con kênh được xây dựng dưới thời cựu lãnh sự Pháp Ferdinand de Lesseps vào năm 1869, và Israel, quốc gia đã tham gia vào các cuộc chiến lẻ tẻ với Ai Cập dọc biên giới chung với nước này, đã tham gia cùng với Vương quốc Anh trong một cuộc xâm lược ba bên bắt đầu vào ngày 29/10/1956, khi các lực lượng vũ trang Israel tấn công bán đảo Sinai. Hai ngày sau đó, dưới vỏ bọc bảo vệ kênh đào, các lực lượng Anh và Pháp bắt đầu ném bom các mục tiêu ở Ai Cập. Ngày 5/11, lính dù và thủy quân lục chiến của Anh và Pháp bắt đầu chiếm đóng tại các vị trí chiến lược trong khu vực kênh đào.

Liên Hợp Quốc (UN) nhanh chóng thông qua một nghị quyết kêu gọi một lệnh ngừng bắn, và trong một trường hợp hiếm hoi trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, cả Hoa Kỳ và Liên Xô cùng gây áp lực buộc Anh, Pháp và Israel phải rút lui. Liên Xô, quốc gia cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Ai Cập, đã đưa ra những lời đe dọa mơ hồ – và đáng ngại – về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để hỗ trợ đồng minh, trong khi Hoa Kỳ sử dụng quyền lực kinh tế của mình.

Tức giận vì đã không được thông báo trước về cuộc tấn công và lo sợ về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã đe dọa các đồng minh NATO và Israel là sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nếu họ không rút các lực lượng của mình.

Các đội quân Anh và Pháp đã rời Ai Cập vào tháng 12/1956, và một vài tuần sau đó Thủ tướng Anh Eden từ chức. Sau khi Israel rút lui vào tháng 3/1957, Ai Cập mở cửa trở lại kênh đào cho việc vận chuyển thương mại. Khủng hoảng Suez đã chỉ ra rõ ràng rằng các cường quốc thực dân cũ, Anh và Pháp, đã bị thay thế bởi các lực lượng địa chính trị nổi trội của thế giới là Hoa Kỳ và Liên Xô.

Kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ xuyên qua Ai Cập, được hoàn thành bởi các kỹ sư người Pháp vào năm 1869. Trong 87 năm sau đó, con kênh chủ yếu thuộc quyền kiểm soát của Anh và Pháp, và châu Âu phụ thuộc vào con kênh trong vai trò một tuyến đường vận tải biển ít tốn kém cho dầu mỏ mua từ Trung Đông.

Sau Thế chiến II, Ai Cập thúc ép việc rút quân đội Anh ra khỏi khu vực Kênh đào Suez, và vào tháng 7 năm 1956, Tổng thống Nasser đã quốc hữu hóa con kênh này, hy vọng sẽ thu được phí nhằm chi trả cho việc xây dựng một con đập khổng lồ trên sông Nile. Đáp lại, Israel đã xâm lược Ai Cập vào cuối tháng 10 năm đó, và quân đội Anh và Pháp cũng đổ bộ vào đầu tháng 11, chiếm đóng vùng kênh đào. Dưới áp lực của Liên Xô, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, Anh và Pháp đã phải rút quân vào tháng 12, và các lực lượng Israel cũng rời đi vào tháng 3 năm 1957. Trong tháng đó, Ai Cập nắm quyền kiểm soát con kênh và mở cửa nó trở lại cho tàu thuyền thương mại.

Mười năm sau đó, Ai Cập lại đóng cửa con kênh một lần nữa sau cộc Chiến tranh Sáu ngày và việc Israel chiếm đóng Bán đảo Sinai. Trong vòng 8 năm sau đó, kênh đào Suez, vốn tách Sinai khỏi phần còn lại của Ai Cập, đã trở thành chiến tuyến giữa quân đội Ai Cập và quân đội Israel. Năm 1975, Tổng thống Ai Cập Anwar el-Sadat mở cửa Kênh đào Suez trở lại như một cử chỉ hòa bình sau các cuộc hòa đàm với Israel. Ngày nay, trung bình khoảng 50 con tàu đi qua con kênh mỗi ngày, mang theo hơn 300 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ 

Tags: , , ,