Nhật ký trong tù – khi ngọn lửa tự do bùng lên từ xiềng xích

Một nhà thơ không chủ định, nhưng những gì được viết ra trong hoàn cảnh bị giam giữ, mất tự do lại mang theo chất thơ và những giá trị thơ đích thực.

1. Trước khi viết Ngục trung nhật ký, trong khoảng thời gian 23 năm, Nguyễn Ái Quốc đã là tác giả của bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vecxây (1919); chủ nhiệm và chủ bút Le Paria; tác giả Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) cùng trên mười bút ký và truyện ngắn có giá trị văn học đăng trên nhiều báo lớn ở Paris vào thập niên đầu 1920. Tất cả đều bằng tiếng Pháp.

Tiếp đó, năm 1927, là văn kiện Đường Kách mệnh, bằng tiếng Việt, viết cho đội ngũ tiên phong của cách mạng Việt Nam. Bốn năm sau, năm 1931, là truyện kể Nhật ký chìm tàu, viết theo hình thức chương hồi, gồm 24 chương, kể chuyện nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, mỗi chương mở đầu hoặc kết thúc bằng hai câu thơ lục bát.

Về nước năm 1941, sau ba mươi năm xa xứ, Bác mới chính thức làm thơ, bắt đầu là hai bài về Pác Bó theo thể tứ tuyệt, và tiếp đó là bài Thượng sơn (Lên núi), viết năm 1942, bằng chữ Hán. Nguồn thơ chữ Hán theo phong cách nhà Nho, thấm đẫm ý vị phương Đông ở Hồ Chí Minh có lẽ được bắt đầu bằng bài thơ này. Nhưng trong không khí tiền khởi nghĩa, ưu tiên số một đối với Bác phải là thơ văn tuyên truyền, cổ động cách mạng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bác đã làm trên dưới ba mươi bài trong hệ thơ Bài ca Việt Minh, nội dung nhằm vào các tầng lớp quần chúng cơ bản để tuyên truyền ý thức cách mạng, như các bàiHòn đá to, Nhóm lửa, Ca sợi chỉ, Ca công nhân, Ca phụ nữ, Ca binh lính… tất cả đều được đăng trên tờ Việt Nam độc lập, do Bác sáng lập và tổ chức thực hiện.

Ba mươi bài trong nhóm Bài ca Việt Minh là loại thơ nhằm vào công chúng còn thất học, rất cần được giác ngộ để hiểu về cách mạng và tham gia cách mạng; do vậy giá trị của nó phải được xác định ở khả năng phổ cập và tác dụng cổ động, tuyên truyền. Còn người viết ra nó, phải đóng vai một cán bộ quần chúng, không chỉ rất am hiểu, thông thuộc nguyện vọng của dân mà còn biết cách diễn đạt sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, thuận theo cách nghĩ, cách nói của dân.

2. Giản lược như trên để thấy sự ra đời 135 bài thơ chữ Hán trong Ngục trung nhật ký, được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian từ tháng 8.1942 đến 9.1943, nơi các nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc, là một sự kiện rất đặc biệt, và cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả. Đặc biệt, bởi, theo tôi hiểu, tác giả dường như chưa có một chuẩn bị gì cho sự kiện này. Nói theo giáo sư Đặng Thai Mai, đây là tập thơ Hồ Chí Minh ngẫu nhiên mà hái lượm được. Có nghĩa là một tập thơ bỗng dưng mà có; bởi – ít nhất có bốn khả năng khiến cho tập thơ không chào đời; và do vậy sẽ không có trong danh mục tác phẩm của Hồ Chí Minh, và trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ 20.

– Thứ nhất, Bác không có công việc gì để sang Quảng Châu vào thời gian đó.
– Thứ hai, Bác có việc sang Trung Quốc nhưng không bị bắt.
– Thứ ba, Bác có bị bắt, nhưng thời gian giam giữ là ngắn, chứ không phải là mười bốn tháng; nghĩa là người tù có thể làm thơ, nhưng lượng bài là ít hơn, hoặc rất ít.
– Thứ tư, Ngục trung nhật ký được viết xong nhưng Bác đã không giữ được bản thảo; có biết bao lý do để bản thảo không trở về với chủ – là tác giả, sau ngót mười năm kháng chiến đã trở về thủ đô. Và như vậy cũng sẽ không có sự hiện diện của bản thảo trong Viện Bảo tàng Cách mạng, rồi chuyển sang Viện Văn học (thành lập năm 1959); để từ địa chỉ này mà có sự bận rộn của Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân – những người tổ chức việc dịch và in ấn rất khẩn trương cho sự ra đời Nhật ký trong tù vào tháng 5/1960, kịp đón sinh nhật lần thứ bảy mươi của tác giả.

Khả năng cuối cùng này, may mắn đã không xẩy ra. Thế nhưng, cho đến nay hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều chỗ mù mờ, chưa sáng tỏ. Ai đã giữ hộ cho Bác tập thơ? Ai đã gửi tập thơ về Hà Nội? Từ Hà Nội hành trình của nguyên tác là đi theo những con đường nào? Đã có một số bài báo và luận án tiến sĩ về đề tài này, nhưng tất cả theo tôi vẫn chỉ là giả thuyết.

Trong ý tưởng thứ hai này tôi chỉ muốn khẳng định: Ngục trung nhật ký là một tập thơ ngẫu nhiên mà có trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bác sang Trung Quốc và bị giam giữ ở nhiều nơi trong mười bốn tháng. Nếu không có hoàn cảnh đó, chắc chắn sẽ không có tập thơ. Một tập thơ Bác làm từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943; nhưng phải mười bảy năm sau bản dịch tiếng Việt mới đến được với công chúng rộng rãi trong nước, và qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà đến được với công chúng thế giới. Với điểm dừng cuối cùng là Bảo tàng Cách mạng, như được nói trong lời nói đầu bản dịch Nhật ký trong tù, in lần đầu năm 1960; và với khoảng cách mười bảy năm trong im lặng của nó, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến một sản phẩm do chính mình làm ra; nói cách khác, phải chăng Hồ Chí Minh đã không xem đó là một áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự?

3. Trong mười bốn tháng bị giam giữ và giải tới giải lui qua nhiều huyện thị của tỉnh Quảng Tây; trong hoàn cảnh sinh hoạt rất mực gian khổ của người tù mà nhờ vào hình thức thơ – nhật ký ta được biết, Hồ Chí Minh đã làm 135 bài thơ. Đó là cả một kỷ lục.

Điều tôi quan tâm ở đây là Hồ Chí Minh đã chọn chữ Hán và thể thơ Đường luật bảy chữ – bốn và tám câu, sau hai mươi ba năm viết bằng chữ Pháp và chữ Việt. Vì sao có một chọn lựa như thế? Câu trả lời nên chăng là, việc làm thơ, việc bộc lộ các ý tưởng và cảm xúc của mình, đối với Bác, chỉ chữ Hán mới là phương thức chuyên chở và thể hiện thích hợp nhất. Bởi nguồn gốc xuất thân, môi trường đào luyện nhân cách và học vấn của Bác là nằm trong truyền thống Nho học có lịch sử hàng ngàn năm cho kẻ sỹ ở xứ ta, mà gia đình Bác là thuộc dòng chân Nho. Ở tuổi ngoài năm mươi, dẫu có ba mươi năm xa xứ, nói và viết bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, khi trở về với riêng mình, thì chữ Hán vẫn là phương tiện cô đọng và hàm súc nhất cho việc phô diễn và tự sự. Vậy thì, sau khai mở là bài Thượng sơn, bây giờ là lúc mạch nguồn ấy được khơi dậy, để thành một dòng chảy cho con người thơ trong trạng thái tự nhiên có dịp soi vào, và nhận diện.

Lý do thứ hai, theo tôi hiểu, với Ngục trung nhật ký, khác với tất cả các tác phẩm viết trong hai mươi ba năm về trước, đó là tập thơ Bác chỉ viết cho riêng mình. Không phải cho công chúng của tiếng Pháp khi ở phương Tây, hoặc của tiếng Việt sau khi về nước, ở đây là một nhu cầu ghi chép thực tại, và các trạng huống của nội tâm, mà người đọc không có ai khác ngoài bản thân mình. Để hiểu bốn câu trong bài Khai quyển:

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

(Bản dịch của Nam Trân)

Hiện tượng tìm đến chữ Hán, trong thể Đường luật, theo tôi hiểu là với các lý do như thế.

4. Như vậy, Ngục trung nhật ký đã được ra đời một cách ngẫu nhiên, không có chuẩn bị. Cũng có nghĩa tác giả ở đây là một nhà thơ không chủ định. Không có ý định làm thơ,không ham làm thơ, như bốn câu thơ trong bài Khai quyển, thế nhưng giá trị thơ lại được khẳng định ngay sau khi ra mắt, trên cả hai văn bản chữ Hán và chữ Việt, vào tháng 5.1960; và trên các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, như Pháp, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Ảrập, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Kể từ 1960 trở đi, trên số lượng hàng triệu bản in, hàng chục bản dịch; với hàng trăm công trình giới thiệu, hàng nghìn buổi nói chuyện của những học giả và thi nhân hàng đầu trong nước và trên thế giới, Ngục trung nhật ký đã có thể can dự một cách tích cực vào sinh hoạt văn hóa, tinh thần của dân tộc và nhân loại.

Một nhà thơ không chủ định, nhưng những gì được viết ra trong hoàn cảnh bị giam giữ, mất tự do lại mang theo chất thơ và những giá trị thơ đích thực.

5. Viết về mình trong tính chất một nhật ký – thơ ghi chuyện hàng ngày; và viết cho mình, gần như không nhằm vào bất cứ một đối tượng nào khác ngoài mình, Ngục trung nhật ký có tất cả ưu thế để trở thành một chân dung tự họa, trung thực nhất và sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh. Một tự họa không cần đến bất cứ sự tô điểm nào, hoặc bất cứ sự che giấu nào; để lần lượt, từ bài này qua bài khác, Hồ Chí Minh hiện lên trước mắt ta trong rất nhiều tư thế: nhà cách mạng mất tự do, với khát vọng lớn nhất là được tự do; một tù nhân với muôn nỗi khổ; một nạn hữu với bao cảm thông với những người thấp bé; một hồn thơ gắn bó với thiên nhiên; một con người không trốn tránh những phút yếu lòng nhưng luôn luôn chiến thắng ngoại cảnh… Như vậy là có nhiều con người trong một con người qua cách tự biểu hiện ở 135 bài thơ. Nhưng nếu thu lại cho thật gọn thì chỉ còn hai con người – đó là một chiến sĩ cách mạng và một thi nhân, với chất thép và chất thơ – như được đúc kết trong bàiKhán “thiên gia thi hữu cảm”.

Thơ xưa thường chọn thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong

(Bản dịch của Nam Trân)

“Nay ở trong thơ nên có thép”. Quả chất thép là cần vì sự định hướng cao cả và triệt để cho hoạt động của con người nhằm vào cái tốt, cái thiện. Nhưng đây lại là chất thép trong thơ; và như vậy, chất thơ lại cần cho sự phát triển và hoàn thiện con người, như một sản phẩm của tự nhiên và xã hội nhằm vào cái đẹp. Có cái trước để có cái sau. Rất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của cái trước, nhưng cái sau mới là hệ quả, là mục tiêu mà con người cần theo đuổi. Những ai nói đến Hồ Chí Minh như là người theo đuổi đến cùng mục tiêu cách mạng, nếu có dịp dừng lại, đi sâu vào phẩm chất nghệ sĩ này sẽ thấy đó là con người luôn tạo được thế hài hòa, luôn tìm được sự bù đắp và thư giãn cho mình trong những hoàn cảnh gieo neo, khốc liệt. Và đó chính là biểu hiện, là bản lĩnh của sự kết hợp giữa chiến sĩ và nghệ sĩ.

Trở lại Nhật ký trong tù với chất thơ của tác phẩm và phẩm chất thi sĩ ở tác giả. Xưa nay có văn là có người (cố nhiên phải là kiểu văn chương chân chính). Nhưng có nhiều loại văn. Và trong văn, con người hiện ra rất khác nhau. Có văn khẩu khí. Có văn tự trào, tự biếm. Có văn phô trương. Có văn tâm sự. Có văn hướng về người. Có văn thu về mình… Còn Hồ Chí Minh, dường như Người không có ý định làm bất cứ loại văn gì, trong các dạng kể trên. Nhưng phải chăng với sự “vô tâm” đó mà văn chương đích thực đã đến, và trong khí hậu đó mà con người thi nhân đã xuất hiện. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, trên hành trình xuyên qua cái Đẹp mà hướng tới cái Chân, cái Thiện.

Con người đó, cho đến hôm nay, trong sự soát xét lại các giá trị của thời gian, vẫn nguyên vẹn trọn vẹn như trong câu thơ của Tố Hữu:

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng
Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay
(Theo chân Bác)

Đâu dễ có một con người trong văn chương, nếu chưa được hoặc chưa phải là văn chương đích thực. Càng đâu dễ có một con người trọn vẹn. Không phải cái trọn vẹn của những siêu nhân, mà là cái trọn vẹn của con người trần thế, để cho ta soi vào mà vững thêm niềm tin trước một cuộc sống luôn luôn thử thách không chỉ niềm tin, mà cả chất người, phẩm giá làm người.

Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ – trong những lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Cao thượng… như trong Nhật ký trong tù lại là một sản phẩm quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được.

Theo PHONG LÊ / ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN 

Tags: ,