Nhận diện hội chứng rối loạn tiền bạc

Rối loạn tâm lý tiền bạc xảy ra khi một cá nhân liên tục thực hiện các hành vi tự hủy hoại và tự giới hạn tài chính của bản thân. Rối loạn xảy ra khi ý thức về tiền bạc bị tiêu cực hóa từ những trải nghiệm từ ấu thơ của mỗi người.

Nhận diện hội chứng rối loạn tiền bạc

Một phụ nữ 35 tuổi ở Los Angeles cho biết sau khi thừa kế $500,000 năm năm về trước, cô hay hoảng sợ và thường xuyên thức thâu đêm. Cô cảm thấy xấu hổ khi có rất nhiều tiền vì cô cảm thấy dường như số tiền này chứ không phải chính thực lực đã giúp mình xây dựng được một công ty.

Sau này cô nhận ra mình đã cố gắng chi tiêu khoảng tiền thừa kế một cách không cần thiết vì cô nghĩ mình không xứng đáng có nhiều tiền như thế. “Tôi cảm thấy xấu hổ vì mọi người xung quanh nghĩ tôi thành công trong khi tôi không nghĩ như vậy,” người phụ nữ cho biết. “Mọi người đều muốn được may mắn, và tôi đã trải qua kinh nghiệm đó. Những gì tôi có thể nói là: bạn phải trả giá cho chúng. Tôi không trả bằng tiền, nhưng tôi thanh toán bằng nhiều năm của cuộc đời.”

Câu chuyện là một dẫn chứng về triệu chứng mà các nhà tâm lý học gọi là Rối loạn tiền bạc (Money Disoder). Đây là triệu chứng phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển. Ở Mỹ, các nghiên cứu cho thấy tiền bạc là vấn đề lớn nhất dẫn đến sự xung đột, cãi vã và ly dị của các cặp vợ chồng mới cưới. Trước khi nền kinh tế thế giới đi xuống, cứ 3 trong 4 gia đình Mỹ thú nhận các vấn đề tiền bạc dẫn đến rất nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Một khảo sát trên mạng của Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kì(American Psychological Association) cho thấy 75% trong số 2,500 người trưởng thành cho biết tiền là nguyên nhân số một của căng thẳng trong cuộc sống. Căng thẳng tài chính có thể làm giảm thỏa mãn trong quan hệ tình dục, giảm năng suất lao động và hiệu quả công việc, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, dẫn đến nhiều vấn đề trong cảm xúc và sức khỏe.

Rối loạn tâm lý tiền bạc xảy ra khi một cá nhân liên tục thực hiện các hành vi tự hủy hoại và tự giới hạn tài chính của bản thân. Rối loạn xảy ra khi ý thức về tiền bạc bị tiêu cực hóa từ những trải nghiệm từ ấu thơ của mỗi người. Những trải nghiệm này bao gồm sự lo lắng, phiền não hoặc những sự kiện không hay trong cuộc sống liên quan đến tiền bạc. Các trải nghiệm này gây ra các ấn tượng theo nhiều mức độ và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Các ấn tượng đấy trở thành niềm tin cốt lõi (core belief) về tài chính trong tương lai của mỗi cá nhân.

Ý thức về tiền bạc được chúng ta tiếp thu từ những gì cha mẹ, gia đình và những người và ự việc xung quanh gửi đến: một mái ấm gia đình có rủi ro tan vỡ do suy thoái kinh tế, cha và mẹ cãi nhau xoay quanh chuyện tiền bạc, chủ nợ đến nhà. Hoặc ngược lại, bạn có thể sinh ra trong gia đình khá giả, được đáp ứng tất cả mọi nhu cầu mong muốn. Tất cả mọi người đều có kinh nghiệm tài chính cá nhân khác biệt. Hiểu rõ được điều này là bước đầu tiên để làm chủ tài chính của bản thân và khắc phục triệu chứng rối loạn tiền bạc. Tiếp theo chúng ta có thể tìm hiểu để xác định ý thức về tiền bạc xuất phát từ đâu và len lỏi vào tâm trí chúng ta như thế nào. Cuối cùng ta có thể sữa đổi chúng thành những ý thức tốt hơn và hiệu quả trong cuộc sống.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã xác định được các rối loạn hành vi tài chính bao gồm:

  • Chi tiêu quá mức (overspending)
  • Chi tiêu quá thấp (underspending) do khủng hoảng tâm lý
  • Mượn tiền liên tiếp (serial borrowing)
  • Gian dối với vợ hoặc chồng về thu nhập và chi tiêu (financial infidelity)
  • Nghiện làm việc (workaholic)
  • Cho tiền người thân để kiểm soát họ (financial incest)
  • Cung cấp trẻ vị thành niên một số tiền chi tiêu lớn để sau đó khiến trẻ không có động lực để tự nuôi mình dẫn đến phụ thuộc tài chính (financial enable & financial dependence)
  • Tích trữ tiền bạc quá mức (hoarding)
  • Những cảm giác xấu hổ xung quanh chuyện giàu nghèo

Brad Klontz và cộng sự tại Đại học Kansas State đã thực hiện một nghiên cứu xác định Quan điểm về tiền bạc. Nghiên cứu này thăm dò 422 người về 72 vấn đề liên quan đến quan điểm về tiền bạc sau đó phân tích sự liên hệ giữa các câu trả lời. Cuộc nghiên cứu xác định có bốn quan điểm chính về tiền bạc bao gồm: né tránh tiền (money avoidance), tôn thờ tiền (money worship), địa vị hóa tiền (money status) và cảnh giác tiền (money vigilance).

  • Trốn Tránh Tiền (Money Avoidance): Những người chia sẽ quan điểm này thường tự tạo khoản cách giữa họ với tiền bạc. Giáo sư Klontz cho biết nhóm này thường lo lắng về mức độ tiêu xài thẻ tín dụng, tin rằng họ không xứng đáng để trở nên giàu có và có thể tự hủy hoại tài chính của bản thân khi có quá nhiều tiền. Những người của nhóm này thường có thu nhập thấp và ít tài sản.
  • Tôn Thờ Tiền (Money Worship): Những người chia sẽ quan điểm này ngược hoàn toàn với nhóm trên, nhưng hành vi của họ cũng có tính hủy hoại tương tự. Họ tin rằng sự gia tăng trong thu nhập hoặc một vận may bất ngờ sẽ làm cho mọi thứ tốt hơn, và hạnh phúc bắt nguồn từ những thứ mà tiền có thể mua. Niềm tin này rơi vào nhóm những người nợ nần chồng chất vì lạm dụng thẻ tín dụng quá mức để mua những thứ gây ấn tượng với người khác. “Họ tin rằng tiền sẽ giải quyết tất cả các vấn đề” Giáo sư Klontz cho biết, “Đây là niềm tin ảnh hưởng tới đa số những người sống ở Mỹ.”
  • Địa Vị Hóa Tiền (Money Status): Những người chia sẽ niềm tin này thường mang giá trị của bản thân so sánh với tài sản của họ. Nghĩa là càng nhiều tiền thì địa vị trong xã hội của họ càng cao. Những người này thường có rủi ro tài chính cao vì họ thường đầu tư tài chính vào các mục đích gây ấn tượng với bạn bè và những người xung quanh họ. Các hành vi điển hình là dùng tiền mua bằng cấp, chức vị trong xã hội.
  • Cảnh Giác Tiền (Money Vigilance): Đây là niềm tin duy nhất không có một tác động tiêu cực lớn về tài chính. Những người có quan điểm này thường không muốn chia sẽ thông tin về thu nhập hoặc tài sản của họ và họ cũng không chi tiêu quá mức. Tuy nhiên sự thận trọng quá mức về chi tiêu khiến những người này không hưởng thụ những lợi ích mà đồng tiền có thể mang lại.

Các vấn đề cơ bản về tài chính không phức tạp, và mỗi chúng ta đều có khả năng quyết định tài chính của bản thân, không liên quan đến chúng ta là a và quá khứ tài chính như thế nào. Khi chúng ta đã xác định được quan điểm về tài chính của bản thân, nên thay đổi các quan điểm tiêu cực và thay vào các hoạt động tài chính lành mạnh như: duy trì nợ hợp lí và thấp, có một kế hoạch tiết kiệm, cũng như một kế hoạch chi tiêu. Ý thức cao về tài chính không chỉ giúp ta trở nên phong phú hơn về vật chất mà còn trở nên giàu cảm xúc hơn.

Theo VAN T / VIET PSYCHOLOGY

Tags: , ,