Nhận diện hội chứng ‘ám ảnh sợ xã hội’ của giới trẻ hiện đại

“Ám ảnh sợ xã hội” là một thuật ngữ không còn mới trong xã hội hiện đại. Những năm gần đây, cùng với tác động từ dịch bệnh COVID-19, hội chứng này ngày càng xuất hiện nhiều hơn và ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý cũng như cuộc sống của nhiều người trẻ.

Nhận diện hội chứng ‘ám ảnh sợ xã hội’ của giới trẻ hiện đại?

Len lỏi vào đời sống

“Ám ảnh sợ xã hội” là hiện tượng rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường như việc sợ bị người khác đánh giá về mình và cảm thấy vô cùng bối rối. Hiện tượng này có thể nặng nề tới mức gây ảnh hưởng tới việc đi làm, đi học hoặc trong các hoạt động đời sống hàng ngày.

Nếu như cảm thấy bất an, bối rối, hồi hộp là một trạng thái cảm xúc bình thường như khi gặp người lạ hoặc phát biểu tại nơi công cộng… với những người bị mắc chứng ám ảnh sợ xã hội thì họ lo lắng về những việc này cũng như những việc khác trong hàng tuần trước đó.

Người bị chứng ám ảnh sợ xã hội rất sợ thực hiện những việc thông thường trước mặt người khác. Ví dụ họ sợ phải ký trước mặt người bán hàng hoặc không dám ăn uống trước mặt người khác hoặc không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Phần lớn những người mắc chứng này đều hiểu rằng không có gì phải sợ hãi cả nhưng họ không thể kiểm soát được nỗi sợ của mình. Đôi khi họ chọn cách không đến một nơi hoặc dự một sự kiện nào đó bởi họ nghĩ rằng, có thể sẽ làm một việc gì đó khiến họ xấu hổ, bối rối.

Đối với một số người thì chứng ám ảnh sợ xã hội chỉ là vấn đề trong một vài trường hợp nhưng đối với một số người thì hội chứng này xuất hiện gần như tại hầu hết các tình huống trong đời sống.

Nhiều hệ quả khó lường

Chứng ám ảnh sợ xã hội đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng tới giới trẻ. Thông thường, chứng bệnh này xuất hiện khi còn bé hoặc ở đầu giai đoạn trưởng thành. Ám ảnh sợ xã hội thường đi kèm theo các hội chứng rối loạn lo lắng hoặc căng thẳng thần kinh khác. Nếu không được điều trị, ám ảnh sợ xã hội có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là cả đời.

Ám ảnh sợ xã hội có thể chỉ xảy ra trong một tình huống (ví dụ như trò chuyện với người khác, ăn uống hoặc viết trên bảng trước mặt người khác) hoặc cũng có thể xảy ra ở nhiều tình huống hơn (ví dụ như ám ảnh sợ xã hội tổng hợp). Những người mắc chứng này hầu như cảm thấy lo sợ trước bất kỳ người nào khác ngoài người thân trong gia đình.

Các chuyên gia nhận định rằng việc sử dụng mạng xã hội và kết nối kỹ thuật số là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người trẻ mắc hội chứng sợ xã hội gia tăng. Càng ngày càng có nhiều người trẻ không muốn ra khỏi nhà hoặc gặp gỡ bất kỳ ai. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu khi mạng xã hội thống trị cuộc sống ngày nay.

Thông thường, chứng ám ảnh sợ xã hội được điều trị bằng tâm lý trị liệu, uống thuốc, hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Biện pháp điều trị hành vi thông qua nhận thức là liệu pháp điều trị rất có hiệu quả đối với hội chứng ám ảnh sợ xã hội. Phương pháp điều trị này giúp cho người mắc hội chứng có thêm nhiều cách suy nghĩ, ứng xử và phản ứng với từng tình huống để giúp cho người đó ít cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Phương pháp này cũng giúp cho người ta học và thực hành những kỹ năng xã giao.

Dù vậy, khi khái niệm “ám ảnh sợ xã hội” ngày càng trở nên thông dụng cũng cho thấy dấu hiệu tích cực về việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần. Thay vì trầm cảm, tự ti khi nhắc đến vấn đề này, “ám ảnh sợ xã hội” đang được chấp nhận và không còn có nhiều định kiến cho rằng đó là điều đáng xấu hổ.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,