Nhà văn Liên Xô Arkady Gaidar: Đẹp như một huyền thoại

Arkady Gaidar (1904-1941) là nhà văn có công xây dựng nền móng cho nền văn học thiếu nhi ở Liên Xô trước đây. Truyện của ông từng được dịch in khá nhiều ở Việt Nam, trong đó có những cuốn rất quen thuộc với các bạn đọc nhỏ tuổi như “Chú bé đánh trống”, “Trường học dũng cảm”, “Timua và đồng đội”.Nhà văn Liên Xô Arkady Gaidar: Đẹp như một huyền thoại

Một nhà văn Nga đã nhận xét một cách rất chính xác: “Cuộc đời của Gaidar có khi là sự tiếp tục, có khi là sự khởi đầu các cuốn sách của ông”. Quả tình, với nhà văn này, cuộc đời và trang sách nhiều khi hòa quyện làm một, và thật đẹp!

Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo ở thị trấn cổ Arzamas, ngay từ khi còn nhỏ, Gaidar đã nếm “mùi” chiến tranh. Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, bố của Gaidar bị sung vào quân đội và bị điều ra mặt trận. Trong một lần lên đường tìm bố, cậu bé Gaidar đã bị kẹt lại tại một ga xe lửa. Đây là kỷ niệm buồn mà sau này, cậu bé còn nhớ mãi…

Cách mạng Tháng Mười thành công, cậu bé Gaidar mặc dù mới 13 tuổi đã được “các chú, các bác Bolshevik” tín nhiệm trao cho một khẩu súng trường và được cắt cử làm liên lạc.

Con đường binh nghiệp đã khiến Gaidar trưởng thành rất nhanh. 14 tuổi, tham gia Hồng quân, sau khi dự một lớp chỉ huy ngắn hạn ở Kiép, Gaidar đã được cấp trên tin tưởng giao chỉ huy một đại đội tham gia chiến đấu chống bọn phỉ Pétluara khét tiếng. Mười bảy tuổi, Gaidar đã chỉ huy Trung đoàn độc lập số 58 tham gia diệt trừ bọn phỉ Antonov. Gaidar chỉ chịu rời quân ngũ do bị chấn thương. Năm ấy ông mới tròn 20 tuổi.

Trước đây, khán giả Việt Nam từng được xem một phim truyện đặc sắc về thời kỳ nội chiến ở Liên Xô. Cuối phim, khán giả được chứng kiến cảnh một tên tướng phỉ – người có nhiều nợ máu với nhân dân – thúc ngựa bỏ chạy. Kế đó là hình ảnh một chàng Hồng quân đang trong tư thế giương súng nhắm bắn. Sau rồi, anh buông súng, thẫn thờ, chỉ bởi một tình tiết hết sức đáng thông cảm: Tên phỉ phi ngựa chạy nhưng hắn không quên gùi theo sau lưng đứa con nhỏ. Đấy là một hành động rất cao cả, nhân văn, bởi chính người thân của chàng Hồng quân nói trên trước đó từng bị tên phỉ gian ác kia sát hại.

Nhiều khán giả đã nghẹn ngào xúc động khi đến đoạn phim đầy kịch tính đó, người thuyết minh phim đã không quên giới thiệu, rằng nội dung bộ phim được dựng trên một số tình tiết có thật trong cuộc đời nhà văn Arkady Gaidar. Và Gaidar chính là nguyên mẫu của chàng Hồng quân trẻ trai nói trên.

Cũng theo lời người thuyết minh thì năm 1941, ngay sau khi phát xít Đức bất ngờ ồ ạt tấn công Liên Xô, với tư cách phóng viên mặt trận, Gaidar đã trở lại chiến trường. Trong một lần đơn vị của Gaidar bị bao vây, mặc dù được mọi người đề nghị về hậu phương, song Gaidar vẫn kiên quyết ở lại sống chết với anh em. Trong cuộc chạm trán với địch ở làng Liplyave (thuộc Ukraina), trong vai trò xạ thủ súng máy, Gaidar đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ông thuộc lớp những nhà văn cầm bút đầu tiên của nước Nga Xôviết ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức.

Để tỏ lòng tri ân với ông, nhà văn anh hùng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã cho an táng ông bên cạnh mộ của nhà thơ Ukraina vĩ đại Taras Shevchenko.

Xung quanh cuộc đời Arkady, có biết bao chuyện tưởng như giai thoại. Như chuyện hồi Gaidar học tiếng Pháp. Trong cuốn giáo khoa tiếng Pháp cũ kỹ có in kèm những bức tranh vẽ lại các việc đồng áng hay những cảnh vật có tàu hỏa, tàu thủy và khinh khí cầu. Dưới các bức tranh ấy là dòng chữ đề bằng tiếng Pháp: “Chúng ta nhìn thấy gì trên bức tranh lý thú này?”. Người đọc phải trả lời bằng tiếng Pháp những gì mình thấy. Ông hay đọc và tìm cách trả lời. Một lần, Gaidar cùng với Paustovsky trở về Moskva trên một đoàn tàu nhỏ chạy trên đường ray hẹp. Tàu chạy qua những cánh rừng hoang vu có tiếng sói rú lên từng hồi thê thảm. Giữa đêm khuya thanh vắng, chợt Gaidar đánh thức bạn:

– Chúng ta nhìn thấy gì trên bức tranh lý thú này?

Paustovsky chẳng nhìn thấy gì vì ngọn nến trong chiếc đèn treo chỉ còn leo lét cháy và những bóng đen nhiêng ngả đổ dài trên toa tàu.

– Chúng ta nhìn thấy – Gaidar nói – một tên trộm trên tàu. Kẻ đang định rút đôi ủng khỏi chiếc làn to của một bà già tốt bụng ngủ say.

Nói rồi Gaidar chồm ra khỏi chỗ nằm của mình. Ông tóm lấy ngang lưng tên trộm ma mãnh đội chiếc mũ lưỡi trai kẻ sọc to tướng và nói:

– Cút xéo ngay! Mày mà lọt vào tay tao lần nữa thì…

Không chờ Gaidar nói hết lời, tên trộm vùng ra khỏi tay ông, nhảy bổ ra đầu toa rồi lao xuống đường…

Nghiêm khắc với những kẻ lưu manh, trộm cắp như vậy, song Gaidar lại là người rất giàu lòng trắc ẩn, đặc biệt là hay giúp đỡ nhưng người do hoàn cảnh đưa đẩy mà lâm vào nghèo túng. Chuyện kể rằng, một lần, tại ga xe lửa Moskva, cảnh sát đã bắt được quả tang một gã đạo chích khi gã đang thò tay vào túi một chàng sinh viên. Anh này đang loay hoay lộn hết túi trong tới túi ngoài để tìm tiền mua vé tàu, thì thừa cơ, gã đạo chích đứng phía sau đã luồn tay vào túi anh ta…

– Có giấy tờ tùy thân thì đưa đây – Một vị cảnh sát nghiêm mặt ra lệnh.

– Có ngay! – Người đàn ông trả lời rồi bình thản trao cho viên cảnh sát tấm thẻ. Nhiều người có mặt trên sân ga xúm vào xem mặt tên trộm, trong khi viên cảnh sát cầm tấm thẻ, đọc to với giọng đầy ngạc nhiên: “Họ và tên: Arkady Gaidar. Hội viên Hội Nhà văn Liên Xô”.

Đám đông nghe vậy ồ lên:

– Vậy mà cũng là nhà văn à? Thật đáng xấu hổ!

Viên cảnh sát thấy vấn đề hơi bất thường, quay sang hỏi chàng sinh viên:

– Anh thử kiểm lại các túi xem có mất gì không?

Anh sinh viên lục lại khắp người một lượt nữa. Bất chợt anh giơ lên tờ 10 rúp, kêu to với vẻ hết sức ngạc nhiên:

– Lạ nhỉ! Đây không phải của tôi. Tôi làm gì có số tiền lớn đến thế này. Ai đã nhét vào túi tôi thế không biết?

Viên cảnh sát thấy vậy, mới hỏi người đàn ông đang bị bắt giữ:

– Tại sao ông lại làm thế?

– À, đơn giản là tôi thấy cậu ấy loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm ra tiền mua vé tàu, tôi muốn giúp đỡ cậu ấy tí chút.

Thì ra, người đàn ông bị nghi là kẻ móc túi ấy chính là nhà văn Arkady Gaidar. Ông bị ảnh sát bắt lầm vì muốn bí mật giúp đỡ người. Sau khi nghe nhà văn giải thích sự tình, đám đông thở phào nhẹ nhõm. Họ thán phục việc làm của ông. Sau khi mọi người tản đi, còn có một bà cụ già lập cập bước theo Gaidar, đưa cho ông một quả táo và nói: “Này con, cầm lấy. Ta cũng định học cách làm như con, nhưng quả táo này to quá”.

Một chuyện khác: Hồi ấy, trước khi cuốn “Timua và đồng đội” của Gaidar ra đời chừng hai năm, Gaidar có ghé thăm nhà của Paustovsky. Rủi thay, khi ấy con trai của Paustovsky đang bị ốm nặng.

Để chữa trị, cần phải có một thứ thuốc (bấy giờ vào loại hiếm) mà không một hiệu thuốc nào trong khu vực có bán.

Biết chuyện, Gaidar liền gọi điện thoại về nhà mình:

– Bảo tất cả các em trai trong khu nhà ta ở đến đây ngay – Gaidar ra lệnh.

Mười phút sau, có đến chừng mười em trai – nét mặt đầy lo lắng, hồi hộp – tìm đến nhà Paustovsky.

– Có việc thế này – Gaidar nói với các em – Có một bạn đang ốm rất nặng. Cần có ngay một thứ thuốc như thế này. Chú sẽ ghi tên thuốc đó cho mỗi cháu. Sau đó tất cả tiến ngay về các hiệu thuốc theo các hướng nam, bắc, tây, đông. Đến các hiệu thuốc, gọi điện ngay về đây cho chú, rõ chưa!

– Rõ rồi ạ – Các em đồng thanh trả lời rồi chạy nhanh xuống cầu thang.

Cứ thế, liên tục các phút sau đó, chuông điện thoại reo vang. Gaidar ngồi trực bên máy, nghe tụi trẻ “báo cáo” và ông ra các “chỉ thị” cho chúng thực hiện.

Cuối cùng thuốc đã được mua về và đứa con trai của Paustovsky, nhờ có thuốc đặc trị, đã thấy bệnh tình dễ chịu hơn.

– Thế nào – Gaidar hỏi Paustovsky khi ông sửa soạn ra về – Đơn vị của mình hợp đồng tốt đấy chứ?

Paustovsky xúc động không biết nói thế nào (ông thừa biết tính của Gaidar. Nếu cảm ơn ông tức thì ông nổi giận, vì ông coi việc giúp đỡ người khác là một việc bình thường).

Hai năm sau, Gaidar cho xuất bản cuốn” Timua và đồng đội “. Cuốn sách kể về gương sáng của các em trong đội thiếu niên chuyên bí mật làm những việc tốt giúp đỡ gia đình các chiến sĩ Hồng quân. Đã có bộ phim chuyển thể từ cuốn truyện này, gây nên một phong trào “làm việc tốt” phát triển rộng rãi trong thiếu nhi Liên Xô một thời…

Cũng vẫn theo Paustovsky kể lại, một lần ông cùng Gaidar dạo chơi trên một đại lộ ở thành phố Yanta, chợt hai người nghe có tiếng kêu hốt hoảng vọng ra từ một công viên. Gaidar nhanh chân chạy lại xem sự tình thì nhận ra có một chiếc vòi dùng để tưới vườn bị bật ra khỏi ống nguồn, khiến nước phun xối xả vào những khóm hoa. Cứ thế, vạt đất xói từng mảng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chỉ loáng chốc, khu vườn sẽ bị hư hại nặng.

Trong khi nhiều người dân chạy ngược lên mạn phố phía trên để vặn vòi khóa nguồn nước, thì nhanh như chớp, Gaidar xông thẳng tới chỗ ống nước bị tuột. Một chút suy tính, ông đưa bàn tay bịt chặt lấy đầu ống nước. Ngay lập tức, nước ngừng chảy. Cứ vậy, Gaidar cắn răng ghì chặt ống nước, chờ mọi người chạy tới chỗ van nước. áp lực của nước rất mạnh, đến độ khi van nước được khóa lại thì bàn tay của Gaidar cũng rướm máu. Ông phải ngồi thở dốc mất một lúc lâu, song gương mặt ánh lên niềm vui khôn tả, vì như vậy là những khóm hoa đã được cứu kịp thời.

Theo nhận xét của Paustovsky, Gaidar thực sự là một người cao thượng.

Theo TRẦN ĐẮC DANH / CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: , , ,