Nhà nước Yamato – buổi bình minh lịch sử của Nhật Bản

Từ cuối thế kỷ 3 đến đầu thế kỷ 4, ở Nhật Bản xuất hiện một thế lực chính trị, tôn giáo hùng mạnh nhờ liên kết các thủ lĩnh bộ lạc dưới sự lãnh đạo của một thủ lãnh hùng mạnh nhất.

Nhà nước Yamato – buổi bình minh lịch sử của Nhật Bản

Trong các thế kỷ 4, 5 thế lực chính trị này đã mở rộng dần ảnh hưởng bằng cách vừa chinh phục vừa liên kết với các vùng lân cận, tiến tới hình thành một nhà nước cổ đại thông nhất trong một phạm vi rộng lớn từ miền Bắc đảo Kyushu đến trung tâm đảo Honshu, gọi là nhà nước Yamato (Đại Hòa). Vị thủ lĩnh hùng mạnh đứng đầu nhà nước này chính là tổ tiên của dòng họ Thiên Hoàng ngày nay.

Năm 367, nhà nước Yamato đặt quan hệ bang giao chính thức với Bách Tế (Baekje). Hỗ trợ nước này trong cuộc chiến với Tân La (Shilla) và Câu Cao Ly (Goguryeo), xác lập thần quốc Nhậm Na (Mimana). Năm 400, Yamato bị Câu Cao Ly đánh bại tại bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Yamato thắt chặt quan hệ với Bách Tế đồng thời nối lại quan hệ với Trung Hoa để gây sức ép với Câu Cao Ly. (Theo Tống thư, một hoàng đế Trung Hoa đã phong tước cho 5 phiên vương của Oải quốc đến cai trị Bách Tế và Tân La vào năm 421).

Chế độ chính trị thời Yamato là chế độ Thị tính. Cơ sở căn bản của xã hội lúc này là các thị tộc gồm nhiều gia đình sống quây quần trong một đại vực nhất định và thường có nghề nghiệp chung. Trong nước có nhiều thị tộc. Cư dân Yamato chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, đánh cá, dệt vải, đúc kim loại…

Trong các thế kỷ 4, 5 số người Triều Tiên di cư sang Nhật Bản ngày càng đông để tránh tình hình loạn lạc trong nước. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các kỹ thuật thủ công và văn hóa từ lục địa vào Nhật Bản.

Các trí thức gốc Triều Tiên cũng đã có công truyền bá chữ Hán vào Nhật Bản, cùng với đó là sự du nhập của Nho giáo và đến khoảng giữa thế kỷ 6, Phật giáo bước đầu được truyền bá vào Nhật Bản. Việc truyền bá Phật giáo lúc đầu đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của một số quý tộc quan lại trong triều đình Yamato và trờ thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai dòng họ thế lực nhất vốn đã mâu thuẫn về lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị là Soga và Mononobe. Cuối cùng dòng họ Soga giành thắng lợi. Từ đây bắt đầu thời kỳ phát triển của Phật giáo tại Nhật Bản.

Nhân vật nổi bật nhất thời kỳ này là Thái tử Shotoku (Thánh Đức Thái tử) (574 – 622), là con trai thứ hai của Thiên hoàng Yomei. Ông là một nhà chính trị, nhà cải cách, nhân vật Phật giáo lừng danh trong lịch sử Nhật Bản. Tuy hết mực ủng hộ Phật giáo, song Thái tử Shotoku không đàn áp Thần đạo mà sự thực là ông cũng ủng hộ Thần đạo không kém. Điều này tạo ra một truyền thống lâu dài ở Nhật Bản đó là sự thờ cúng nhiều tôn giáo cùng lúc ở dân chúng và triều đình Nhật Bản. Năm thứ 15 triều Thiên hoàng Suiko, Thái tử Shotoku đã tự tay viết Kính Thần Chiếu, tức là tờ chiếu tỏ lòng tôn kính với Thần đạo. Năm 593, với tư cách là quan nhiếp chính, Thái tử Shotoku đã ban hành “Hiến pháp 17 điều” và “Quan chế 12 bậc” để hướng Nhật Bản đi theo chế độ quan lại và có một bộ máy hành chính vững mạnh. Thái tử Shotoku cũng thành công về mặt ngoại giao, tiêu biểu là việc sai sứ sang Trung Quốc. Ông gửi đoàn sứ giả đầu tiên của Nhật Bản sang chầu hoàng đế nhà Tùy và trình quốc thư trong đó có ghi “Thiên tử nước mặt trời mọc gửi thư này tới thiên tử nước mặt trời lặn”. Các đoàn ngoại giao và lưu học sinh cũng đã được gửi sang Trung Quốc và đem về nhiều kiến thức văn hóa, hành chính và kỹ thuật sản xuất quý báu. Kỹ thuật nông nghiệp, khai mỏ, xây dựng cùng với kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo phát triển mạnh.

Trong cac thế kỷ 5, 6, nhà nước Yamato đã vấp phải những khó khăn liên tiếp trong và ngoài nước. Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt thì trong nội bộ triều đình đã bắt đầu lục đục. Năm 562, Tân La đánh chiếm Nhậm Na, kết thúc hai thế kỷ xâm chiếm của Nhật Bản. Đến thế kỷ 6, nhà nước Yamato bắt đầu bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ triều đình cũng như giữa triều đình với các điạ phương. Năm 663,liên minh của Yamato-Bách Tế bị liên minh của Tân La-Đường đánh bại trong trận Bạch Giang, từ đây nhà nước Yamato chính thức từ bỏ mọi nỗ lực tái khôi phục ảnh hưởng ở Triều Tiên.

Thất bại ở bán đảo Triều Tiên là một biểu hiện của tình trạng suy yếu của chính quyền Yamato. Chế độ Thị tính trở nên không còn phù hợp đòi hỏi một chế độ chính trị tập quyền cao hơn. Vào nửa sau thế kỷ 6, triều đình Yamato lâm vào tình trạng suy yếu và phân liệt.

Năm 710, Thiên hoàng Gemmei (Nguyên Minh Thiên Hoàng) dời kinh đô về Heijō-kyō (Bình Thành Kinh) và thiết lập Taihō-ritsuryō (Đại Bảo Luật Lệnh). Quyền tối cao của các Hoàng đế Nhật Bản đã được xác định và thiết lập. Từ đây mở ra thời kỳ mới – Thời đại Nara, và khép lại thời kỳ Yamato.

—————————

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu nghiên cứu Khoa Ngôn ngữ Nhật Bản Trường Đại học Bà Rịa- Vũng Tàu
2. Mười hai người lập ra nước Nhật – Sakaiya Taichi

Theo TƯ DUY LỊCH SỬ

Tags: ,