Người Trung Quốc – quả bom nổ chậm ở vùng Viễn Đông của Nga

Dân số vùng Viễn Đông của Nga – bao gồm 7 tỉnh – chỉ vẻn vẹn hơn 6 triệu người với mật độ trung bình chưa đến 1 người/km2. Các hoạt động kinh tế của người Trung Quốc tại đây vẫn đang mở rộng, với sự chấp thuận ngầm của Nga.

Người Trung Quốc – quả bom nổ chậm ở vùng Viễn Đông của Nga

Nguồn: Ivan Tselichtchev, “Chinese in the Russian Far East: A geopolitical time bomb?”, South China Morning Post, 8/7/2017

Các cuộc gặp gần đây giữa Bắc Kinh và Moskva – tại Diễn đàn Vành đai & Con đường hồi tháng trước và tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày vào tuần trước tại Nga – là những nỗ lực mới nhất trong chuỗi các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ Trung-Nga, đặc biệt là quan hệ dọc biên giới. Tuy nhiên, giống như nhiều nước khác, Nga đã nhận thấy rằng hợp tác với Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.

Quan hệ Nga-Trung đang “ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với truyền thông Nga tham dự các cuộc họp thượng đỉnh – tuyên bố này được hậu thuẫn bởi việc công bố một quỹ trị giá 10 tỷ đô la Mỹ cho các dự án hạ tầng xuyên biên giới.

Nhưng bất chấp tất cả sự phô trương rùm beng về quỹ này, đầu tư của Trung Quốc trong khu vực đang góp phần châm ngòi cho căng thẳng và làm gia tăng mối lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông của Nga (Russian Far East – vùng Viễn Đông). Một hiệu ứng phụ của đầu tư của Bắc Kinh – dòng người di cư Trung Quốc – thường được người dân địa phương nhìn nhận là sự bành trướng lãnh thổ trên thực tế của Trung Quốc. Một số nhóm chính trị và các cơ quan truyền thông Nga đã tận dụng tâm lý lo ngại này và cố tình làm cho nó trở nên giật gân. Một bộ phim có tính chất khải huyền với tên gọi “Trung Quốc – Người bạn chết chóc” (trong loạt phim “Nước Nga bị lừa dối”) ngay lập tức đã trở thành một tác phẩm đình đám trên Internet sau khi phát hành vào năm 2015. Trong bộ phim, khán giả được tiên tri về việc Trung Quốc chuẩn bị xâm lược vùng Viễn Đông trong tham vọng thống trị toàn cầu và rằng xe tăng Trung Quốc có thể đến trung tâm thành phố Khabarovsk trong vòng 30 phút. Cách biên giới Trung Quốc chỉ 30 km, Khabarovsk là thành phố lớn thứ hai tại vùng Viễn Đông (sau Vladivostok) và là trung tâm hành chính của khu vực này.

Bất chấp sự reo rắc nỗi sợ hãi này, quy mô di cư thực tế không lớn đến mức như vậy. Theo cuộc điều tra dân số năm 2010 của Nga, số lượng người Trung Quốc sống ở nước này chỉ là 29.000 người, giảm từ mức 35.000 người năm 2002 – chiếm không quá 0,5% tổng dân số của vùng Viễn Đông.

Tuy nhiên, các con số ước tính khác cho thấy số lượng người Trung Quốc ở Nga lên đến từ 300.000 đến 500.000.

Theo số liệu thống kê của Nga, số lượng người Trung Quốc đến nước này đang tăng lên, nhưng số lượng người rời đi cũng có diễn biến tương tự. Ví dụ, năm 2015 có 9.083 người mang hộ chiếu Trung Quốc đến Nga, còn số lượng người rời đi là 9.821. Nói tóm lại, mặc dù dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc là có thật, không có bằng chứng về việc Trung Quốc đang âm thầm thôn tính vùng Viễn Đông.

Nhưng vấn đề người Trung Quốc hiện diện tại vùng Viễn Đông giờ đầy đã chạm tới điểm nhạy cảm tại Nga chủ yếu vì hai lý do. Thứ nhất, người Nga nhìn nhận nó trong bối cảnh sự không tương xứng lớn và ngày càng tăng lên về kinh tế và dân số với Trung Quốc, và thứ hai, cuộc đối đầu Trung-Xô kéo dài ba thập niên, bao gồm các cuộc đụng độ biên giới vào cuối thập niên 1960.

Dân số Trung Quốc đông gấp 10 lần Nga. Dân số của vùng Viễn Đông – bao gồm 7 tỉnh – chỉ vẻn vẹn hơn 6 triệu người với mật độ trung bình chưa đến 1 người/km2. Hơn nữa, dân số trong khu vực này đang suy giảm do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng di cư sang các vùng khác của Nga, nơi có điều kiện sống và làm việc tốt hơn. Từ năm 1991 đến nay, vùng Viễn Đông đã mất khoảng 1/4 dân số.

GDP của Trung Quốc gấp gần 10 lần GDP của Nga và khoảng cách đang tiếp tục gia tăng. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 7%/năm, trong khi Nga vừa mới trải qua một cuộc suy thoái và có lẽ sẽ không thể tăng trưởng nhanh hơn mức 1,5% đến 2%/năm trong những năm tới.

Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng Viễn Đông vẫn là một trong những khu vực có nhiều vấn đề nhất của Nga xét về cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp và điều kiện sống. Cơ sở hạ tầng đã lỗi thời của hầu hết các thị trấn và làng mạc – đặc biệt là ở khu vực biên giới – trái ngược sâu sắc với các cơ sở hiện đại được xây dựng tại các thành phố biên giới Trung Quốc như Suifenhe hoặc Heihe.

Các vấn đề lãnh thổ

Hiệp ước Aigun năm 1858 giữa Đế quốc Nga và Thanh triều thiết lập biên giới Trung-Nga dọc theo sông Amur, trái ngược với Hiệp ước Nerchinsk 1689 trước đó. Nga có được trên 600.000 km2 phía tả ngạn sông Amur – vùng được gọi là Priamurye – mà Trung Quốc trước đó nắm giữ. Với việc ký kết Công ước của Bắc Kinh 2 năm sau đó, Nga cũng thôn tính thêm khu vực rộng lớn phía hữu ngạn sông Amur, phía đông của phụ lưu sông Ussuri (sông Ussuri hợp lưu với sông Amur tại Khabarovsk) – nhờ đó kiểm soát hoàn toàn khu vực Primorye xuống đến Vladivostok .

Tại Trung Quốc, cả hai hiệp ước đều được coi là bất bình đẳng, được ký vào những thời điểm Trung Quốc yếu thế.

Năm 1969, khi đối đầu giữa Bắc Kinh và Moskva lên đến đỉnh điểm, các vụ đụng độ quân sự nổ ra trên biên giới, làm gia tăng nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh tổng lực. Năm 1989, quan hệ song phương được bình thường hoá. Biên giới phần lớn được phân định theo hiệp định năm 1991. Nhà sử học Boris Tkachenko nói rằng (theo hiệp định này) sau khi bù trừ, Trung Quốc đã nhận được diện tích 720 km2.

Trớ trêu là, các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc giành được gồm cả đảo Trân Bảo – nơi xảy ra vụ đối đầu quân sự căng thẳng nhất năm 1969. Vấn đề quy chế lãnh thổ của hai hòn đảo nhỏ gần Khabarovsk dọc theo ngã ba sông Amur và sông Ussuri – Yinlong và Heixiazi – được bỏ dở để giải quyết sau. Theo hiệp định năm 2004, đảo Yinlong và một nửa đảo Heixiazi được giao Trung Quốc. Những người chỉ trích tại Nga nói rằng Moskva đã nhượng bộ quá nhiều. Với việc ký kết thỏa thuận biên giới bổ sung năm 2008, về mặt chính thức thì tất cả các vấn đề lãnh thổ đã được giải quyết. Trung Quốc và Nga hiện là đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nhiều người ở Trung Quốc cảm thấy rằng Hiệp ước Aigun và Công ước Bắc Kinh là không công bằng và một lúc nào đó Trung Quốc phải lấy lại những vùng lãnh thổ mà họ đã nhượng.

Khía cạnh kinh tế

Các hoạt động kinh tế của người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông vẫn đang mở rộng, với sự chấp thuận ngầm của Nga.

Một trong những hoạt động chính của người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông, cũng như tại Siberia, là nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc đang trồng ngô, đậu tương, rau quả và nuôi lợn. Theo đó, Nga đang cho thuê đất – hàng trăm ngàn héc-ta, thường là ở mức ưu đãi.

Gần đây, một hiệp định mới đã được hai nước ký kết theo đó Nga sẽ cho Trung Quốc thuê khoảng 150.000 ha đất canh tác tại khu vực Trans-Baikal thuộc Đông Siberia trong 49 năm với giá tượng trưng khoảng 5 USD/ha. Gần như toàn bộ diện tích đất rừng gần biên giới Trung Quốc đã được cho thuê để khai thác gỗ.

Những người chỉ trích ở Nga nói rằng việc này đồng nghĩa với việc bán đất bản xứ với giá chiết khấu. Đây là cách nói thậm xưng. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề lớn đáng quan ngại khác.

Đau đầu nhất là việc sử dụng hoá chất quá mức. Theo các cơ quan giám sát của Nga, chất nitrat trong rau quả do người Trung Quốc trồng vượt quá các tiêu chuẩn cho phép. Nhiều loại hóa chất mà họ sử dụng không được biết đến ở Nga, và không có phương pháp nào để phân tích chúng. Điều này đặt ra những rủi ro về sức khoẻ đối với người tiêu dùng và còn làm thoái hóa đất.

Một điều ngạc nhiên khác nữa đối với người Nga là các trang trại chăn nuôi lợn do người Trung Quốc quản lý. Lợn nuôi lớn với tốc độ và đạt kích thước “không thể tưởng tượng nổi” – rõ ràng là do sử dụng nhiều hoá chất trong thức ăn.

Năm 2009, Trung Quốc và Nga khởi động một chương trình hợp tác lâu dài tại khu vực biên giới. Chương trình gồm 205 dự án trọng điểm: 94 bên phía Nga và 111 bên phía Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các dự án phía Trung Quốc bị đình trệ do các đối tác Nga không đủ vốn để triển khai. Trái lại, các dự án được Trung Quốc triển khai tại Nga đã đi vào hoạt động và đang khai thác quặng kim loại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, sản xuất xi măng và hiện đại hóa các cơ sở vật chất hải quan và kiểm soát biên giới.

Khi triển khai các dự án hợp tác, phía Trung Quốc trước hết ưu tiên việc đưa vào thật nhiều lao động của mình. Trong nhiều trường hợp, đây dường như là điều kiện tiên quyết để triển khai các dự án như vậy.

Năm 2014, Nga ban hành Luật về Các vùng lãnh thổ cần đẩy nhanh phát triển (TAD) – theo đó ưu tiên phát triển các đặc khu kinh tế thông qua các ưu đãi đáng kể về thuế thuế cùng các lợi ích khác bao gồm việc giảm phí khai thác khoáng sản. Ngoài ra, Nga còn miễn giấy phép cho việc thuê lao động nước ngoài.

Các TAD được thành lập với thời hạn ban đầu là 70 năm, nhưng có thể gia hạn. Các cơ quan quản lý không chỉ bao gồm chính quyền địa phương mà còn có cả các các ủy ban và công ty quản lý do chính phủ chỉ định. Công dân Nga có thể bị thu hồi đất đai hoặc bất động sản theo yêu cầu của công ty quản lý. Đầu tiên, các TAD sẽ chỉ được lập ra tại vùng Viễn Đông, bắt đầu từ các tỉnh Khabarovsk và Primorye. Người Trung Quốc sẽ là những tay chơi chính đồng thời là người hưởng lợi chính.

Trung Quốc có thể chuyển thêm nhiều doanh nghiệp lớn sang vùng Viễn Đông, từ các dự án xây dựng đến đóng tàu và viễn thông. Phía Nga sẵn sàng chấp nhận các doanh nghiệp này, miễn là họ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.

Rõ ràng là tất cả những điều này đã mở đường cho sự tham gia sâu hơn của người Trung Quốc vào nền kinh tế vùng Viễn Đông và, rõ ràng là, sự gia tăng số lượng cư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng người Trung Quốc sẽ không tăng quá nhiều. Cũng có các yếu tố kinh tế hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc.

Thứ nhất, bản thân Trung Quốc cũng có các vùng lãnh thổ rộng lớn đang trong tình trạng kém phát triển, đặc biệt ở phía Tây với mật độ dân số thưa thớt so với vùng Viễn Đông. Đối với Bắc Kinh, việc phát triển của các khu vực này dường như là ưu tiên.

Thứ hai, sự hấp dẫn của Nga như một điểm đến cho những người tìm việc làm đang giảm đi bởi mức tiền lương ở Trung Quốc đang tăng nhanh và có thể đã vượt mức tiền lương của Nga.

Thứ ba, nền kinh tế Nga đã trải qua một cuộc suy thoái và dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ rất thấp. Trong khi đó, sự nhiệt tình của nhà đầu tư Trung Quốc không tăng lên. Họ có những điểm đến đầu tư hấp dẫn khác trên khắp thế giới để lựa chọn.

Chẩn đoán và triển vọng

Quy mô sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông vẫn còn tương đối nhỏ. Trong những năm tới, quy mô này có thể tăng lên, nhưng không quá nhanh mà ở tốc độ vừa phải. Lợi ích kinh tế của cả hai bên là bổ sung cho nhau, chứ không mâu thuẫn. vùng Viễn Đông cần nguồn lực lao động, vốn và công nghệ của Trung Quốc. Trung Quốc cần đất đai, tài nguyên thiên nhiên và thị trường của vùng Viễn Đông. Điều này sẽ thúc đẩy các mối liên hệ kinh tế chặt chẽ hơn, và đây là một cuộc chơi cùng có lợi.

Tuy vậy, cũng có rủi ro là các mối liên hệ mạnh mẽ hơn cũng có thể làm tăng lo lắng và căng thẳng, đặc biệt ở phía Nga, và có thể làm trầm trọng hơn các tình cảm dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại. Để vượt qua thách thức này, cả hai chính phủ phải ưu tiên hóa các chương trình nghị sự kinh tế của họ trong khi trung hòa các tác động tiêu cực tiềm tàng lên dư luận.

Nga sẽ phải từng bước chấp nhận ngày càng nhiều người Trung Quốc và phải tạo môi trường sống và làm việc thoải mái, yêu cầu họ tuân thủ các quy tắc của họ, đồng thời giải thích với dân cư tại vùng Viễn Đông rằng nỗi sợ hãi của họ là bị phóng đại.

Sự tương tác với người Trung Quốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu có thêm nhiều người Nga lựa chọn sống và làm việc tại vùng Viễn Đông khi hạ tầng được cải thiện và các ngành mới xuất hiện. Nếu không, như Tổng thống Vladimir Putin nói, không nghi ngờ gì là phần lớn dân số Nga ở đây sẽ nói tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn, nhưng trước hết là tiếng Trung. Vấn đề người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông chắc chắn là có thể quản lý được, nhưng chỉ khả thi khi Nga có thể thu hút nhiều người Nga hơn vào khu vực này. Nếu không, sự hiện diện ngày càng tăng của người Trung Quốc có thể trở thành một quả bom địa chính trị.

Theo KINH TẾ THẾ GIỚI

Tags: , ,