Người tiêu cực ‘thôi miên’ chúng ta như thế nào

Hiệu ứng ám thị có thể cứu vớt một người cũng như hủy hoại một người.

Người tiêu cực ‘thôi miên’ chúng ta như thế nào

Nguồn: Định luật Murphy / READ Books và NXB Thế giới.

Hiệu ứng ám thị chỉ việc tác động đến tâm lý và hành vi của người khác một cách ẩn ý và trừu tượng trong điều kiện không có sự đối đầu, khiến người đó có thể chấp nhận ý kiến hoặc hành động theo một cách nhất định, từ đó khiến suy nghĩ và hành vi của người bị ám thị phù hợp với mục tiêu mong muốn của người ám thị.

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng ám thị chính là trong tiềm thức của con người ta vốn tồn tại những quan điểm về một vài sự vật, sự việc. Khi người khác ám thị bằng lời nói, hành động, mọi người sẽ kết hợp quan điểm trong tiềm thức của mình với sự ám thị của người khác rồi hình thành phản ứng.

Có người đã thực hiện một thí nghiệm tâm lý học như sau.

Người tổ chức thí nghiệm đã in 30 bản sao từ một bức ảnh chụp ai đó rồi chia thành hai loại A và B, đồng thời chuẩn bị hai phần giới thiệu lý lịch khác nhau kèm theo gợi ý có tác dụng ám thị. Sau đó, ông yêu cầu những người tham gia thí nghiệm mô tả bức ảnh dựa theo phần giới thiệu lý lịch và gợi ý về những nhân vật này.

Loại A: Người trong bức ảnh này được giả định là người đàn ông ở bang Louisiana (Mỹ), tên là Gilbert Gosh, bị kết án vào năm 66 tuổi vì tội quấy rối một bé gái 12 tuổi. Luật sư của nguyên cáo nói rằng số nạn nhân thực tế được ước tính cẩn thận là hơn 30 người. Cuối cùng người đàn ông này bị kết án từ 9 đến 10 năm tù.

Loại B: Người trong bức ảnh này được giả định là Alfred Goodman Gilman, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1941 tại New Haven, Connecticut, Mỹ. Năm 1962, Gilman tốt nghiệp trường Đại học Yale với tấm bằng cử nhân. Năm 1969, ông nhận bằng kép tiến sĩ y khoa và triết học tại Đại học Case Western Reserve. Năm 1977, Gilman lần đầu tiên phát hiện ra Protein G và vai trò của nó trong việc truyền tín hiệu tế bào. Năm 1981, Gilman tinh chế thành công Protein G đầu tiên, và sau 13 năm, cuối cùng ông cũng giải mã được mã dẫn truyền của tế bào, nhờ vậy mà giành được giải Nobel. Sau khi giành được giải thưởng, Gilman đã thành lập “Liên minh truyền tín hiệu tế bào”, đồng thời làm việc với các nhà khoa học sinh hóa trên khắp nước Mỹ để khám phá những bí ẩn của tất cả Protein G trong cơ thể con người.

Hãy mô tả người trong bức ảnh dựa vào hai tấm hình. Gợi ý: Có thể miêu tả các nhân vật về ngoại hình, tính cách…; có thể dùng nhiều câu hoặc một số từ để miêu tả. Ví dụ như: Đôi mắt hình tam giác đáng sợ cho thấy người này chứa đầy những ý nghĩ xấu xa. Hãy thực hiện việc mô tả một mình, không bàn bạc với nhau.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, những người tham gia mô tả hoàn toàn khác nhau cho cùng một bức ảnh với hai kiểu giới thiệu lý lịch và gợi ý khác nhau.

Điều này cho thấy vai trò mạnh mẽ của ám thị. Khi nghiên cứu sâu hơn, người ta thấy rằng, gợi ý ám thị giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể cứu vớt một người hoặc hủy hoại một người, mấu chốt nằm ở cách người bị ám thị sử dụng và nắm bắt ý nghĩa của ám thị như thế nào.

Thông qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học cho rằng những người có ý chí kém hoặc thiếu tự tin sẽ dễ chịu ảnh hưởng từ ám thị của người khác. Điều này cũng có nghĩa là một vài ám thị tiêu cực của người khác sẽ không hề có tác dụng với những người có lòng tự tin và ý chí mạnh mẽ.

Trong cuộc sống, muốn tránh được những ám thị tiêu cực thì bạn phải luôn tạo ra những ám thị tích cực cho bản thân.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: