Người Mông Cổ tổ chức quân đội thế nào để ‘làm cỏ’ từ Á sang Âu?

Quân đội của đế quốc Mông Cổ chỉ có khoảng 1 triệu người, nhưng họ vẫn tỏa đi chinh phục khắp cả vùng lục địa châu Á và châu Âu.

Người Mông Cổ tổ chức quân đội thế nào để ‘làm cỏ’ từ Á sang Âu?

Giáo sư Jack Weatherford, tác giả cuốn “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại”, đã nghiên cứu về cách hành quân của đoàn quân chinh phục Mông Cổ và tìm ra lời giải này.

Theo ông, trước hết, quân Mông Cổ chuẩn bị cho các chiến dịch hết sức kỹ lưỡng. Các đoàn quân tiền trạm được cử đi trước để xem xét nguồn nước, tình trạng cỏ và thời tiết. Đó là các yếu tố quan trọng nhất với lực lượng kỵ binh của họ. Theo một nhà quan sát người Trung Quốc, đội trinh sát của Mông Cổ còn kiểm tra từng ngọn đồi, từng con đường tiến và lui quân, trước khi đội quân viễn chinh tới nơi.

Và khi hành quân, quân Mông Cổ luôn trang bị phù hợp để đi đường xa. Mỗi người lính chỉ mang theo đúng những gì họ cần, không hơn, không kém. Ngoài vũ khí, mỗi người lính đều mang loại áo lông choàng dài tới mắt cá, gọi là “deel”, cùng quần dài và mũ lông với miếng che tai, cùng giày đi ngựa với đế dày.

Trong bọc đeo bên yên ngựa, người lính Mông Cổ mang theo một số quần áo phù hợp với thời tiết, và các vật dụng sinh hoạt khác như đá lửa, bao da đựng nước, giũa để mài mũi tên, thòng lọng để trói thú vật hay tù binh, kim chỉ để sửa quần áo, dao và rìu, và một túi da nhỏ đựng mọi thứ. Cứ 10 lính Mông Cổ mới mang theo một căn lều nhỏ để ngủ chung.

Khác với tất cả quân đội của các nền văn minh khác, quân đội Mông Cổ chỉ có kỵ binh mà không có bộ binh. Do đó, họ đạt được tốc độ hành quân nhanh nhất và tính linh hoạt cao nhất. Đồng thời, quân Mông Cổ khi di chuyển cũng không đem theo lương thảo, trừ đàn ngựa luôn chạy theo đoàn quân. Trên đường đi, họ vắt sữa súc vật để uống, săn bắn và cướp bóc để lấy thức ăn, hoặc khi không cướp được thì giết ngựa để ăn thịt. Người Mông Cổ cũng không cần nồi, họ có thể dùng chính da con thú bị giết làm nồi để nấu thịt.

Theo nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, người từng đi xuyên con đường tơ lụa sang Trung Quốc thời Hốt Tất Liệt, thì các chiến binh Mông Cổ có thể đi 10 ngày đường mà không cần phải dừng chân nhóm lửa, vì họ có thể uống máu ngựa khi cần, và mỗi người đều mang theo mình khoảng 4,5 kg bột sữa khô.

Mỗi ngày, họ đổ khoảng nửa kg bột này vào bình da chứa nước rồi ăn. Trong túi của họ có thịt khô và sữa khô để có thể nhai trên lưng ngựa. Còn khi xẻ được thịt ngựa hay súc vật nhưng không có thời gian chế biến, họ đặt miếng thịt dưới yên ngựa cho thịt nhanh mềm để ăn được.

Do ăn toàn thịt và sữa nên người Mông Cổ luôn thừa protein, khiến họ có xương và răng chắc khỏe. Với thể trạng như vậy, họ có thể đi tới một, hai ngày đường mà không cần ăn, và khi đối đầu tay đôi với những binh lính chỉ ăn các loại hạt, họ thể hiện sức mạnh vượt trội.

Mỗi đơn vị quân đội một ngàn người thường có thầy thuốc riêng, thường là người Trung Hoa, để chăm sóc cho binh lính bị ốm và bị thương.

Do chỉ có toàn kỵ binh, nên quân Mông Cổ không tiến quân giống các quân đội các nước theo từng hàng dọc, dài trên cùng một con đường với lượng quân lớn phía sau, mà họ thường trải quân trên một khu vực rộng lớn. Cách hành quân này giúp họ có thể đảm bảo cỏ cho tất cả ngựa và súc vật đi theo, lại tối đa hóa cơ hội săn bắn và kiếm thức ăn của quân lính.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cách tổ chức quân đội theo thập phân của Thành Cát Tư Hãn khiến đội quân của ông dễ thay đổi và cơ động. Mỗi đơn vị một vạn người hoạt động như một đơn vị thu nhỏ của đại quân Thành Cát Tư Hãn. Vị chỉ huy của nhóm một vạn quân luôn di chuyển ở trung tâm đơn vị một ngàn quân của ông ta, và đặt chín đơn vị còn lại bao quanh ở trái, phải, trước, sau, khi cần. Do đó, các đơn vị của Thành Cát Tư Hãn như những vòng tròn đồng tâm.

Cùng với cách tổ chức này và quy luật sắp xếp doanh trại hợp lý, mà mỗi khi đóng trại, tất cả quân lính đều biết lều của chỉ huy ở đâu, hay xin cấp phát các thứ họ cần ở đâu. Đối với các đơn vị đóng cách xa nhau, thì họ sử dụng cách truyền tin bằng miệng, vì đa số quân lính đều không biết chữ.

Quân đội Mông Cổ sử dụng một số vần thơ, điệu hát để soạn các khẩu lệnh, giúp binh lính truyền tin dễ học thuộc. Với những người lính truyền tin, mỗi khi nhận một lệnh để truyền đi, họ như đang học thêm một lời bài hát mà họ đã biết giai điệu.

Trên đường hành quân, quân Mông Cổ thường ca hát, và các chỉ huy đã nghĩ ra cách đặt lời bài hát về các luật lệ và phép ứng xử trong quân đội. Nhờ liên tục hát các bài hát này, mà các chiến binh Mông Cổ tuân thủ luật lệ quân đội, cũng như dễ dàng tham gia truyền tin khi được truyền tải những khẩu lệnh mới được ghép vào giai điệu thường hát.

Theo LÊ TIÊN LONG / DÂN VIỆT ONLINE

Tags: ,