Ngoại thương và quân sự Đàng Ngoài thế kỷ 17 qua lời kể của người Pháp

Thương nhân Pháp Jean Baptiste Tavernier (1605 – 1689) đã dành nhiều trang viết về thương mại, thổ sản và quân đội xứ Đàng Ngoài.

Thương ngoại và quân sự Đàng Ngoài thế kỷ 17 qua lời kể của người Pháp

Nguồn lợi lớn từ tơ lụa, trầm hương

Những nguồn lợi lớn là tơ lụa và gỗ trầm hương bán cho dân Hà Lan và dân các nước khác. Trong tập du ký về Ấn Độ, tôi đã nói về tính chất gỗ này: thứ tốt và mỡ có thể bán một nghìn đồng một cân; thứ xấu không mỡ thì một cân giá có ba đồng thôi và chỉ có dùng để làm hộp nhỏ hay hột đeo cổ. Tất cả những dân Hồi Hồi, nhất là những dân để râu dài (Thổ Nhĩ Kỳ, Albania) rất mến chuộng gỗ trầm; khi có khách đến, họ mang lò hương ra, bẻ một chút trầm bỏ vào lò khói và hương trầm quyện lấy râu họ và họ giơ tay lên trời kêu Elhemed Illahh! Gỗ mỡ thì một chút nhỏ như hạt đậu và trước khi đốt đem nhúng vào nước cũng tỏa nhiều khói hơn một miếng trầm xấu to bằng nắm tay.

Năm 1642, khi John IV làm vua Bồ Đào Nha (từ năm 1640 – 1656) thì kiều dân Bồ Đào Nha sang Nhật Bản tìm đặng vật biếu: quý nhất là một cây gỗ trầm cao sáu thước và tròn hai thước, mua hết bốn vạn pardos, vào khoảng năm vạn bốn nghìn tiền ta. Khi qua Ba Tư tôi có thấy cây gỗ ấy ở trụ sở các cha Augustins đem từ Nhật về. Vì không đem về tiến vua Bồ Đào Nha được, họ định đem dâng vua Ba Tư, nhưng khi đi đường có bão, các hàng hóa bị ướt, cây trầm thấm nước biển, mọi thứ đều hư hỏng cả, cây trầm bị ẩm và mục mất một phần nên dù có đem sang Ispahan (Iran) cũng không dâng vua Ba Tư được nữa. Cố bề trên dòng Augustins có cưa cho tôi một miếng đem về Paris cho ông Brunier, là lương y của nguyên Quận vương d’Orléans.

Buôn bán với người Đàng Ngoài biết trọng tín nghĩa và thực thà, thích và lợi hơn với Hoa kiều sẵn lòng lừa ta nếu có thể được vì thật khó mà biết mánh khóe của họ để mà đề phòng. Riêng tôi đối với Hoa kiều trong thương trường luôn bị thiệt; khi họ buôn mà không có lợi thì họ gỡ ra bằng cách này: trong giao dịch họ có ba thứ tiền; tiền đúng phân lạng, tiền nhẹ hơn bốn phân, tiền nhẹ hơn tám phân. Nếu họ không muốn mua hàng của mình thì họ đem thứ tiền nhẹ nhất đã xén bớt cạnh đi để trả và như thế mình bắt buộc phải hủy giao kèo. Trên thế gian này không có bọn lái buôn nào tính khôn bằng; cái gì họ cũng mua, không từ chối thứ gì đi mua cả giày cũ, mình bán một chiếc, họ cũng mua không hỏi tại sao mình không bán chiếc kia. Người Đàng Ngoài thì buôn bán thực thà hơn nhiều và tôi rất vui thích được giao thiệp với họ. Tôi đã nói họ không có mỏ vàng, mỏ bạc và họ không đúc tiền, để buôn bán họ dùng những miếng vàng đem ở Tàu sang, có miếng giá bán ba trăm đồng tiền ta, có miếng sáu trăm đồng. Họ cũng tiêu thụ những thỏi bạc mua từ Nhật Bản sang; khi phải trả những số tiền nhỏ, họ cắt những thỏi này ra thành những miếng vụn đã sẵn có cân giống như cân La Mã để cân, hoặc họ trả bằng tiền ngoại quốc, nhất là tiền Tây Ban Nha. Vàng và bạc mua được ở Tàu hoặc Nhật sang là do số tơ, hương xạ và trầm hương họ bán ra rất nhiều.

Quân đội xứ đàng ngoài

Dưới đây là số lính mà chính mắt em tôi nom thấy năm 1643 – năm chúa Trịnh định cắt binh đánh chúa Nguyễn về việc dân Đàng Trong đã cướp mất mấy chiếc chiến thuyền, nhưng việc ấy lại yên vì chúa Nguyễn có sai sứ ra giảng hòa nên chúa Trịnh lại thôi.

Đạo quân sắp sửa lên đường lúc bấy giờ có tám nghìn ngựa, chín vạn bốn nghìn bộ binh, bảy trăm hai mươi hai con voi chiến và khiêng tải đồ đạc, ba trăm mười tám chiến thuyền, ghe dài hẹp, chạy bằng buồm và bơi chèo.

Đời lính thì vất vả và bất lợi lắm vì phải đi suốt đời, lại không được làm thêm nghề gì để nuôi vợ con. Những hôm không phải phiên canh thì họ lại phải đi theo chủ súy bất cứ đến đâu và mỗi tuần phải đi tập bắn cung hai lần, mỗi một đội có từ một trăm đến một trăm ba mươi người. Trong đội hai người bắn giỏi được thưởng; nhất thì hai tháng lương, nhì thì một tháng, trả bằng thóc. Còn ai bắn dở nhất thì phải phạt gác nhất bội nhị. Các vị đội trưởng đều chăm nom cho binh khí của lính luôn luôn được bóng và sạch như bạc: nếu khí giới han gỉ thì lần thứ nhất lính bị trừ tám ngày lương, lần thứ hai bị đòn phạt.

Lính thủy cũng bị đối đãi từa tựa như bộ binh. Vào những ngày nhất định, cũng phải lên chiến thuyền để tập chèo; vì các vua chúa ở đây thích xem những cuộc bơi thuyền chiến và các ngài đến ngự vài ngày tại một tòa nhà cất trên bờ sông. Đội nào thắng thì viên đội trưởng vui vẻ hết sức, được vua thưởng một con voi. Trong lúc chèo, vì cố sức cũng có người chết tay vẫn cầm bơi chèo; như thế thì vua ban thêm cho đội trưởng ba tháng lương, cho vợ con tên lính chết hai năm tiền công.

Số tiền chuẩn cấp ít ỏi lắm nhưng vợ những người lính này, lấy chồng từ ngày còn nhỏ, đã quen làm lụng như những người ở giai cấp dưới và đã học thêm được một nghề để gánh vác gia đình. Các đội trưởng còn phải tập cho voi chiến không sợ hỏa pháo; phải xây trên bờ sông bờ bể những gian nhà để kéo thuyền chiến lên và che cho khỏi mưa bão. Tướng sĩ mỗi tháng chỉ được nghỉ bốn ngày; hai ngày vào lúc thượng tuần, hai ngày vào trung tuần.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: