Nghệ thuật sân khấu trong tư cách một hệ thống văn hoá

Sân khấu có mặt trong mọi nền văn hóa khác nhau: trong cái xã hội được gọi là nguyên thủy, dù là nông nghiệp hay trồng trọt săn bắn, bắt cá; trong những nền văn minh cổ phương Đông như Ba Tư hay Thổ, Ấn Độ, hay Mã Lai, Nhật Bản hay Trung hoa, và trong cả hai vùng văn hóa toàn phương Tây, nơi chúng ta luôn gặp một hình thức sân khấu trong từng nền văn hóa.

Nghệ thuật sân khấu trong tư cách một hệ thống văn hoá

Trích từ cuốn “Ký hiệu học nghệ thuật sân khấu – điện ảnh” của tác giả Erika Fischer – Lichte và Iouri Lotman, Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 1997.

Khi mở rộng hơn nữa những hiện tượng văn hóa, sân khấu luôn được chú ý trong quá trình nghiên cứu những nền văn hóa, ít được biết đến và như một yếu tố không thể bỏ qua được, nó luôn phải đương đầu với những lý do khác nhau nhất. Chẳng hạn, khả năng sáng tạo đặc biệt của con người về mặt nhân học, được xem như bản chất giống loài; các nhà xã hội học thì quan tâm tới vị trí đặc biệt của con người như là một bản chất xã hội, còn các nhà tâm lý học thì chú ý tới sự thể hiện tâm lý đặc thù của nó.
Dưới góc độ văn hóa học thì sân khấu trước hết cũng là một hệ thống văn hóa có thể như những hệ thống khác. Chẳng hạn, cày cấy, săn bắn, xây nhà, lập xưởng, rèn vũ khí, may mặc, buôn bán, hệ thống quan hệ xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, pháp luật… đều có thể làm nên một thành tố cấu thành cái tổng thể mà ta gọi là văn hóa. Tuy vậy, sân khấu lại không thuộc vào những hệ thống văn hóa vững chắc mà chức năng của nó là thỏa mãn những nhu cầu thể xác sơ đẳng, nên một thực tế hiển nhiên là, gần như trong tất cả những nền văn hóa quen thuộc với chúng ta, sân khấu luôn thuộc về những hệ thống cấu thành từ những đặc trưng riêng của nó. Và điều đó đòi hỏi một sự giải thích dưới góc độ văn hóa học.

Sân khấu một mặt là một hệ thống văn hóa như những hệ thống khác, nghĩa là nó cũng mang lại hiệu năng chung như mọi hệ thống khác, nhưng hiệu năng mà qua đó người ta xác định được một hệ thống văn hóa. Mặt khác, sân khấu còn là một hệ thống văn hóa đặc thù (nguyên văn chữ La tinh: sui geneis), khác biệt với những hệ thống văn hóa khác nhờ hiệu năng đặc trưng mà chỉ riêng sân khấu mới có.

Đại thể chúng ta hiểu văn hóa là tất cả những gì được con người sáng tạo nên, để đối lập với tự nhiên là phần của thế giới không do bàn tay con người tạo dựng. Con người hiện nay về cơ bản là sống trong một thế giới của những ý nghĩa, một thế giới mà trong đó tất cả những gì con người nhận thức được sẽ được nhận thức từ một cái signifiant (tiếng Pháp trong nguyên bản, cái biểu đạt, còn gọi là cái năng biểu – người dịch) đối với cái được biểu đạt Sigifié (tiếng Pháp trong nguyên bản, cái được biểu đạt, còn gọi là cái sở biểu – người dịch), một thế giới mà tất cả những gì con người tạo ra đều có ý nghĩa với người tạo ra cũng như với cả người khác. Cùng với sự sáng tạo ra một tiếng động, một hành động, một vật thể hay một tập quán là đồng thời có một ý nghĩa cũng được sản sinh. Một hiệu năng chung nhất được tạo ra bởi mọi hệ thống văn hóa và xác định những hệ thống văn hóa đó, vì thế chúng ta có thể xác định hiệu năng đó như là một hệ thống văn hóa như những hệ thống văn hóa khác nói chung cùng có chức năng tạo ra ý nghĩa.

Bây giờ những hệ thống văn hóa tạo ra không phải những ý nghĩa đơn thuần – một ý nghĩa rất có thể là một mâu thuẫn tự thân – mà thường là một cái gì đó có thể nhận thức được bằng các giác quan. Một tiếng động, một hành động, những đồ vật thường gắn với một nền văn hóa mà chúng được sản sinh và kèm theo một ý nghĩa nhất định. Việc tạo ra một ý nghĩa như vậy thường diễn ra nhờ sự nảy sinh những ký hiệu.

Theo Morris, một ký hiệu bao gồm ba thành tố cơ bản và không thể chia nhỏ nữa là: Phương tiện mang ký hiệu, cái được biểu đạt – cái biểu đạt (Designat – Denotat) và sự giải nghĩa. Từ ba thành tố này, Morris dẫn ra ba cặp quan hệ: 1 – Quan hệ của ký hiệu với những phương tiện mang ký hiệu khác, như là chiều cú pháp của ký hiệu, 2 – Quan hệ của ký hiệu với những đối tượng chung của nó như là chiều ngữ nghĩa của ký hiệu, 3 – Quan hệ giữa ký hiệu với người sử dụng ký hiệu như chiều thực dụng của ký hiệu. Quá trình trong đó ký hiệu được mang một ý nghĩa (Semiose) được diễn ra trong chính ba chiều này, còn sản phẩm của nó, tức là ý nghĩa, vì thế chỉ có thể được hiểu, được diễn tả tương ứng trong khoảng ba chiều ấy. Ý nghĩa chỉ xuất hiện, một khi ký hiệu được người sử dụng thiết lập được mối quan hệ bên trong giữa chúng. Chúng sẽ khác đi nếu như ký hiệu a) được chêm vào trong mối tương quan với các ký hiệu khác, hoặc b) đặt quan hệ với cái gì khác, hoặc c) được sử dụng bởi một người sử dụng khác. Nếu một trong ba chiều biến đổi thì ý nghĩa của ký hiệu cũng được thay đổi. Vì vậy, ý nghĩa cũng là một phạm trù ký hiệu học.

Với đặc điểm này, người ta có thể hiểu được một thực tế hiển nhiên là những người khác nhau có thể gán cho cùng một ký hiệu những ý nghĩa rất khác nhau.

Trong phạm vi một nền văn hóa chúng ta có thể thấy rằng những ký hiệu của nền văn hóa này sẽ được đặc trưng ý nghĩa đối với mọi người sử dụng ký hiệu. Những ký hiệu mang một phần ý nghĩa tương đối cố định, bắt buộc và chung với tất cả, được gọi là cái biểu đạt. Ngoài ra, những thành phần ý nghĩa có thể được thêm vào, được gọi là cái hàm nghĩa (konnotation) thì có thể là chung với những nhóm người rất khác nhau, và sự biến đổi chung là không mạnh và nhanh bằng cái biểu đạt.

Ý nghĩa vì thế luôn được hiểu như một phức thể bao gồm một phần khách quan được coi như liên chủ thể trong nền văn hóa liên quan và một phần gồm những chủ quan rất khác nhau.

Dù là thành phần ý nghĩa mang tính chất biểu đạt hay tính hàm nghĩa thì chúng cũng đều có lịch sử của nó; nó là sự kết tụ của kinh nghiệm mà những thành viên của nền văn hóa này trong các vai trò khác nhau đã tạo nên. Những thành viên có thể là một tầng lớp xã hội, một nhóm người xác định, một gia đình hay một cá nhân. Ý nghĩa luôn mang tính lịch sử và có vòng đời của nó. Điều này đặc biệt đúng với cái hàm nghĩa.

Một nền văn hóa mà một mặt, xác định và giới hạn được chính xác những khả năng của kinh nghiệm đối với những nhóm khác nhau (chẳng hạn trẻ em – người lớn, người trưởng thành – người già cả; phụ nữ – nam giới; thành viên bộ lạc – tù trưởng; tín đồ theo đạo saman – người không theo đạo saman…), mặt khác, tự giác không theo những ảnh hưởng ngoại lai, thì những ý nghĩa được tạo ra từ những hệ thống văn hóa khác nhau của nền văn hóa đó sẽ chứng tỏ được tính ổn định và đồng nhất cao. Ngược lại, nếu hoặc điều chỉnh những khả năng của kinh nghiệm đối với những cá nhân riêng lẻ hay một nhóm người không phải bằng mệnh lệnh nghiêm khắc, hoặc cho phép cũng như tạo ra những cuộc tiếp xúc thường xuyên với những nền văn hóa khác nhau thì sẽ biểu thị tính bất ổn định và không đồng nhất của những ý nghĩa cấu thành nó. Vì một nền văn hóa như thể không thể được hòa hợp ít nhất với ý nghĩa chung, nên một mặt nó sẽ khảo sát trước tiên sự phân tác phức thể ý nghĩa thành cái biểu đạt và cái hàm nghĩa – điều mà trong nền văn hóa với những ý nghĩa ổn định và đồng nhất thường không liên quan đến, vì ký hiệu phát sinh từ một hệ thống văn hóa thường có một phức thể ý nghĩa hoàn chỉnh – và từ tất cả những tình huống có thể có lọc ra những tình huống trong đó chỉ có thể xem là cái biểu đạt, hoặc cái biểu đạt gắn với cái hàm nghĩa nhất định. Mặt khác, số lượng giới hạn của những ý nghĩa (ý nghĩa ở đây được hiểu là một hợp thể của cái biểu đạt và cái hàm nghĩa) sẽ được chọn sao cho tất cả chúng đều phải tương đương và bắt buộc, vì chúng sẽ phải mang những giá trị cơ bản của nền văn hóa này.

Đối với hai kiểu văn hóa này – cũng như với tất cả những kiểu hỗn hợp khác của hai kiểu đó – thì ý nghĩa một mặt được tạo ra từ những hệ thống phân tầng khác nhau của nó, mặt khác được đặc trưng bởi mức độ tính ổn định và bắt buộc của nó. cả hai đều có tính lịch sử riêng.

Những ý nghĩa được tạo ra từ một hệ thống văn hóa đều là những ý nghĩa không tách rời nhau mà thường có những mối quan hệ không chỉ giữa chúng với nhau mà còn với những ý nghĩa được tạo bởi những hệ thống nhỏ của các nền văn hóa khác. Những mối quan hệ này được thiết lập không tùy tiện mà theo những quy tắc nhất định trên cơ sở của một mã.

Mã được hiểu một cách khái quát, là một hệ thống quy tắc đối với việc tạo ra và giải thích những ký hiệu, cũng như mối quan hệ giữa các ký hiệu. Ý nghĩa chung luôn xuất hiện trong một nền văn hóa một khi những thành tố của nó được xác lập theo một mã nào đó để hình thành nên nền văn hóa đó. Còn những ý nghĩa bị phân kỳ xuất hiện khi những nhóm người khác nhau đã sử dụng những mã khác nhau đối với cùng một ký hiệu.

Chúng ta còn phải phân biệt cái gọi là mã bên trong và mã bên ngoài. Những mã bên trong nằm ở từng hệ thống văn hóa, trong trường hợp cực hạn như trong một tác phẩm nghệ thuật độc lập chẳng hạn nó còn là cơ sở sự hình thành của hệ thống đó. Còn mã bên ngoài thì nằm ở nhiều, thậm chí ở tất cả mọi hệ thống của nền văn hóa.

Mã bên trong của một hệ thống văn hóa xác lập a) sự hình thành vật chất nào được xem như những đơn vị mang nghĩa, tức là những ký hiệu của hệ thống này, b) ở những đơn vị được đồng nhất hóa theo cùng một cách và có thể kết hợp lại với nhau theo những điều kiện nào đó (mã cú pháp), c) ở những đơn vị này thì */ trong mối quan hệ của những ngữ đoạn (syntagma) có thể khác nhau, hoặc là */ được tạo ra có thể tách khỏi những hoàn cảnh nào đó (mã ngữ nghĩa), d) bởi những ai có thể sử dụng những đơn vị này trong những tình huống và với những điều kiện nào đó (mã thực dụng).

Chẳng hạn mã của một trong ngôn ngữ Đức, Anh, Trung hoa xác lập ở a) sự hình thành về mặt ngữ âm nào như những đơn vị ý nghĩa nhỏ nhất, chính là được đồng nhất với từ của ngôn ngữ này, b) sự kết hợp có thể được của những từ này nhằm tạo thành những ngữ đoạn (syntagma), c) sự sắp xếp của những cái được biểu đạt cho những ký hiệu ngữ âm này như một ý nghĩa cả về từ vựng lẫn văn cảnh, d) những khả năng sử dụng các diễn đạt (ngữ đoạn). Cả việc tạo thành lẫn việc nhận hiểu một thông báo trong một ngôn ngữ đều thực hiện trên một cơ sở của một mã mà chúng ta sẽ gọi là mã bên trong của ngôn ngữ này. Một điều tương tự diễn ra đối với mọi hệ thống văn hóa: quá trình tạo nghĩa được xác lập trên cơ sở một mã bên trong đặc trưng và chính mã này nằm trong phần cơ bản của việc hình thành và giải thích những ký hiệu.

Nếu những mã này được sắp đặt cái nọ với cái kia như một siêu mã, và siêu mã này làm cơ sở cho việc hình thành và giải thích hệ thống quy tắc hóa của nó, sao cho những ý nghĩa được tạo ra bởi những hệ thống văn hóa riêng rẽ, trong chức năng và ý nghĩa của nó đối với văn hóa tổng thể bây giờ chỉ có thể được hiểu trên một cấp độ lý giải bậc hai, tức là trên cơ sở của siêu mã, thì chúng ta gọi là một mã bên ngoài. Lévi – Strauss chẳng hạn đã chứng minh những mã của những hệ thống văn hóa rất khác nhau như ngôn ngữ, quan hệ họ hàng, quy định hôn nhân, tập quán ăn uống và những huyền thoại của các bộ lạc ở Nam Mỹ, tất cả đều được cấu tạo theo một mã chung, là cơ sở cho tất cả.

Ý nghĩa của những ký hiệu hay tương quan của những ký hiệu được sản sinh từ một hệ thống văn hóa, vì vậy chỉ có thể được tạo thành một cách phong phú nếu như cả mã bên trong của hệ thống này lẫn mã bên ngoài có cơ sở ở hệ thống này hay hệ thống khác được vận dụng.

Những mã có cơ sở ở những hệ thống văn hóa khác nhau thì tính ổn định cũng khác nhau trong từng nền văn hóa riêng biệt. Chẳng hạn trong khu vực văn hóa của chúng ta (Đức – ND) thì mã cú pháp của ngôn ngữ rất ổn định. Qua nhiều thế kỷ nó chỉ thay đổi chút ít. Trong khi đó thì mã quy định những tập quán ăn mặc – thời trang – lại thường xuyên thay đổi, đặc biệt trong những thập niên gần đây.

Tính ổn định tiềm năng của một mã được xác lập trên những điều kiện lịch sử của nó. Những điều kiện này lại dựa trên mối quan hệ biện chứng giữa mã và cái thông điệp mà nó thông báo. Trên cơ sở những mã mà ý nghĩa sản sinh và từ đó hình thành những thông điệp. Những thông điệp hình thành theo cách này rất có thể cần sự thay đổi kết cấu của những mã làm cơ sở của nó. Sự thay đổi kết cấu của mã, đến lượt nó lại tạo ra những ý nghĩa mới, rồi từ những ý nghĩa mới này lại hình thành những thông điệp mới…

Mã thiên văn ở châu Âu thế kỷ XVI đã thấy trước được khả năng của một thông điệp rằng mặt trời quay quanh trái đất. Thông điệp này, một mặt đã được hình thành trên cơ sở những mã bên trong của thiên văn học, mặt khác nó còn có thể dựa trên cơ sở những mã bên ngoài của thần học, được hình thành từ toàn bộ đời sống xã hội thời kỳ đó, thường ban phát những tín điều rằng con người như một bản sao của Thượng đế, nằm ở trung tâm của sự sáng tạo.

Để tiến tới cái thông điệp mới mẻ được hình thành trên cơ sở của mã thiên văn học, xem trái đất quay xung quanh mặt trời, trước tiên phải biến đổi chính mã này. Tuy vậy, vì chính trong quá trình này, mã bên trong thiên văn học và mã bên ngoài thần học lại nảy sinh mâu thuẫn. Xuất hiện một thử nghiệm thoạt đầu là vô bổ, thay đổi cấu trúc của mã thiên văn lạc hậu và cần thiết phải thay đổi mã bên ngoài của thần học sao cho một mặt cái thông điệp cho rằng con người là bản sao của thượng đế chứng tỏ sự đúng đắn của nó, mặt khác, cái thông điệp phát sinh từ đó và đến nay đã không còn đúng đắn nữa cho rằng có thể xem con người như một trung tâm sáng tạo thực tế chứ không chỉ về mặt tinh thần, cái thông điệp đó đến lúc phải xem xét lại. Những thay đổi cấu trúc được đưa ra theo kiểu như thế đối với mã bên trong của thần học sẽ phải – vì nó đồng thời cũng lại là mã bên ngoài với những hệ thống văn hóa khác – dẫn tới sự thay đổi kết cấu của nó sao cho từ đó những ý nghĩa mới sẽ được sản sinh và từ đó mà những thông điệp được hình thành. Những thông điệp này rốt cuộc sẽ dẫn tới sự thay đổi hệ thống thần học trong chức năng của nó như là một mã bên ngoài đối với toàn thể nền văn học được nói đến.

Hệ thống những mã khác nhau tồn tại trong một nền văn hóa cũng thể hiện một cấu trúc năng động trong đó sự thường xuyên thay đổi có thể sẽ dẫn đến sự tổ chức lại toàn thể cấu trúc cũ. Những mã đối với những hệ thống văn hóa có thể là mã bên trong hoặc là mã bên ngoài, và những ý nghĩa sản sinh từ đó, vì thế, chỉ có thể hiểu và mô tả trong những điều kiện lịch sử của từng mã một.

Sân khấu được xem như một hệ thống văn hóa như những hệ thống khác, thực hiện chức năng chung nhất của nó là tạo ra những ý nghĩa trên nền tảng một mã bên trong. Mã này sẽ bao gồm: a) Những gì có thể được xem như đơn vị mang ý nghĩa – ký hiệu – của sân khấu, b) những gì mà ký hiệu này, trong những hoàn cảnh nào đó có thể được kết hợp với nhau và c) những ý nghĩa của những ký hiệu này có thể α)được kèm theo trong những văn cảnh nhất định và ß) trong chừng mực nào đó, có thể tách biệt nhau. Ngoài ra, mã sân khấu dù trong sự hình thành hay trong sự lý giải những ký hiệu cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ký hiệu đều có thể phải phụ thuộc vào những quy tắc của một trong những mã bên ngoài.

Từ đó vấn đề được đặt ra là, chừng nào sân khấu còn là một hệ thống văn hóa như các hệ thống khác thì điều đó cũng có nghĩa là phải coi nó như một hệ thống văn hóa suigeneris (đặc thù). Vì mã bên trong của sân khấu từ đó có thể tự cấu thành như một mã đặc thù, khác hẳn với những mã khác của văn hóa, và đối với quá trình tạo nghĩa, nó có những ký hiệu đặc thù, những quy tắc võ đoán, ngữ nghĩa và cú pháp đặc thù.

Trước khi đi vào phân tích và thảo luận chi tiết về những tính chất đặc biệt của mã sân khấu, chúng ta thử tìm hiểu xem do đâu có sự khác nhau đó, khi đặt nó trong mối tương quan với những mã bên trong đặc trưng của các hệ thống văn hóa khác.

Vì vậy chúng ta cần phân biệt về nguyên tắc những hệ thống văn hóa mà những ký hiệu của nó biểu thị một chức năng sử dụng nhất định và những hệ thống văn hóa khác mà những ký hiệu của nó không biểu thị chức năng sử dụng. Thuộc về nhóm hệ thống đầu là ăn mặc, máy móc, dụng cụ, vũ khí, nhà cửa… Còn thuộc nhóm thứ hai là ngôn ngữ, ký hiệu giao thông, ký hiệu điệu bộ, phong tục tôn giáo, hội họa, sân khấu…

Tuy vậy lại cũng có những hệ thống văn hóa mà ký hiệu của nó không biểu thị một chức năng sử dụng, sẽ xác lập với chức năng tạo nghĩa của nó một nhóm hoàn toàn không đồng đẳng. Về phương diện này, có thể dẫn ra làm thí dụ cho mối tương quan đối lập giữa ký hiệu ngôn ngữ của thơ ca với những ký hiệu ngôn ngữ trong loại hình không phải thơ ca, giữa ký hiệu hình hiệu của hội họa với ký hiệu hình hiệu của lối chữ hình vẽ Pictogramme, hay ký hiệu giao thông… giữa ký hiệu điệu bộ cử chỉ trên sân khấu với những điệu bộ cử chỉ trong đời sống hàng ngày. Trong khi ý nghĩa của những ký hiệu này được xem như có thể thay đổi trong những ứng dụng không mang tính mỹ học, nghĩa là ý nghĩa biểu hiện một mức độ ký hiệu học hoàn toàn chung, ý nghĩa được xây dựng thể chế trong sự phụ thuộc vào ba chiều ký hiệu: cú pháp, ngữ nghĩa và thực dụng, thì sự thay đổi ý nghĩa này sẽ trở nên đáng kể nếu nó được dùng trong những ứng dụng mang tính chất thẩm mỹ,bởi vì ở đây, cái chiều ngữ nghĩa độc lập được xem như nhân tố đã ổn định hóa. Ý nghĩa thẩm mỹ dược phân biệt một cách cơ bản với ý nghĩa không mang tính thẩm mỹ thông qua sự tăng cường khả năng thay đổi luôn được đưa ra một cách có nguyên tắc.

Bên cạnh sự phân biệt ban đầu chúng ta còn phải phân biệt thêm nữa, giữa những hệ thống văn hóa mà ý nghĩa được tạo ra trên cơ sở những mã thẩm mỹ, và những hệ thống văn hóa mà ý nghĩa được tạo ra trên cơ sở những mã không thẩm mỹ.

Những phương pháp nhằm phân biệt những hệ thống văn hóa khác nhau theo hướng tạo sự đối lập giữa chúng theo một cách đặc biệt trong đó nó thực hiện chức năng chung của sự tạo nghĩa, sẽ dẫn chúng ta tới chỗ phải xem xét vấn đề: Liệu sân khấu vốn được xem như một thành tố có mã bên trong đặc thù như tất cả các hệ thống văn hóa sẽ đối lập cơ bản với những hệ thống văn hóa khác mà trong đó ý nghĩa được sản sinh trên cơ sở những mã thẩm mỹ?

Để trả lời câu hỏi này không thể thông qua cách loại trừ những yếu tố riêng rẽ có thể là rất khác nhau mà phải chỉ dựa trên sự quan tâm đầy đủ tới một phức thể những nhân tố có mối liên quan nhất định với nhau và chỉ trong các mối liên quan tổng thể của nó, thậm chí có thể gọi là một mớ những nhân tố. Những nhân tố này trước hết được phân chia thành hai phạm vi vấn đề: 1 – Phương thức tồn tại của tác phẩm nghệ thuật, và 2 – Những điều kiện của sự sản sinh và tiếp nhận.

1: Mối tương quan các ký hiệu, cái mà một hệ thống văn hóa sân khấu tạo ra – tức vở diễn – có một tính chất đặc biệt là nó không thể tách rời với người sản xuất ra nó, tức diễn viên. Cái phẩm chất nhân tạo (Artefakt) của sân khấu này chỉ tồn tại trong quá trình sản xuất ra nó. Điều này khác với một bức tranh, hay văn bản một bài thơ có thể tồn tại một cách độc lập đối với quá trình tạo ra nó. Tính truyền dẫn của sân khấu như Lessing từng gọi, có đặc tính riêng của nó không chỉ ở chỗ nó được thực hiện trong thời gian như âm nhạc hay truyện kể truyền miệng mà còn ở chỗ sự thể hiện này gắn chặt với những người sáng tạo ra nó trong một sự tồn tại tự thân không lặp lại và không truyền bản được.

Từ phương thức tồn tại đặc thù này của vở diễn dẫn đến một dấu hiệu đặc trưng quan trọng của sân khấu: Tính hiện thời tuyệt đối của nó. Trong khi tôi có thể chiêm ngưỡng một bức tranh được vẽ trước đó nhiều thế kỷ, hay đọc những cuốn tiểu thuyết được viết trước đó đã lâu, thì tôi chỉ có thể thưởng thức một buổi diễn vào lúc này, của ngày hôm nay và tức thời đương diễn ra trước mắt. Với những vở diễn sân khấu của quá khứ tôi chỉ có thể, như Steinbeck đã nói khá chính xác, có mối liên hệ về mặt lý thuyết, chứ không thể về mặt thẩm mỹ được. Vì mối quan hệ giữa các ký hiệu của vở diễn được gắn rất chặt với diễn viên, do chính họ tạo ra và chỉ tồn tại trong một khoảng khắc sáng tạo của họ. Còn nếu ta chú ý thêm rằng, những ký hiệu riêng rẽ của mối liên hệ này – như trang phục, đạo cụ, trang trí… nếu còn lưu lại được quá trình của vở diễn và hàng trăm năm sau chúng ta vẫn còn có thể “tiếp cận” được thì cũng chỉ ở mức độ không thay đổi của sự tìm hiểu, nghiên cứu, bởi những gì mà ta có thể giữ lại được chỉ là những ký hiệu rời rạc xuất hiện trong một bối cảnh chứ không bao giờ là cả một phức thể những mối quan hệ của các ký hiệu như nó đã từng tồn tại. Cả cái phức thể những mối quan hệ của các ký hiệu này cũng không thể truyền lại được qua thời gian.

2: Sự tồn tại đặc biệt của một vở diễn với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật sẽ dẫn đến mối liên quan chặt chẽ giữa những điều kiện hình thành và điều kiện tiếp nhận đặc biệt của nó. Vì mối quan hệ của các ký hiệu của vở diễn chỉ tồn tại trong quá trình diễn, nên nó cũng chỉ có thể được tiếp nhận lại trong chính quá trình này: sản xuất và tiếp nhận của một vở diễn sân khấu diễn ra đồng thời. Trong cái khoảnh khắc mà người diễn viên tạo ra ký hiệu thì chính họ cũng tạo đã tạo ra một ý nghĩa và muốn truyền bá cái ý nghĩa đó, đồng thời khán giả cũng tiếp nhận những ký hiệu này và cũng tái tạo lại ý nghĩa cho bản thân họ, tức là họ cũng xác định cho những ký hiệu này những ý nghĩa nhất định. Cả hai khía cạnh của quá trình tạo nghĩa trong một vở diễn luôn diễn ra tức thì và hoàn toàn đồng thời, song song với nhau.

Tính đồng thời này sẽ chứng minh cả cho sự tồn tại đặc biệt của vở diễn sân khấu lẫn những đặc điểm cơ bản khác nữa của sân khấu như là một hệ thống văn hóa. Vì trong một vở diễn sân khấu, một phức hợp các quan hệ ký hiệu không thể chỉ được sản sinh ra một cách đơn phương, bởi quá trình sinh sản của nó cũng có thể chính là quá trình tiếp nhận. Một vở diễn không diễn ra trước mắt khán giả thì cũng sẽ không được tiếp nhận và như vậy cũng sẽ không còn là một vở diễn sân khấu nữa. Bên cạnh sự tồn tại đặc biệt này, sân khấu còn có một tính chất cơ bản nữa là tính công khai của nó. Dù cho nó chỉ trình diễn cho một khán giả duy nhất thì nó vẫn phải diễn ra công khai. Sân khấu luôn được thể hiện như một sự hội họp công khai.

Chính từ hai đặc điểm này, những đặc điểm thể hiện những điều kiện hoàn toàn đặc thù đối với quá trình tạo nghĩa, mà sân khấu như là một hệ thống văn hóa nhưng hoàn toàn khác biệt với những hệ thống văn hóa mà ý nghĩa được tạo ra trên cơ sở những mã thẩm mỹ. Sự kết hợp hai đặc điểm này không thể thấy được trong bất cứ thể loại nghệ thuật nào khác.

Như vậy, từ những vở diễn hoàn chỉnh chúng ta có thể nói, hệ thống văn hóa của sân khấu luôn dựa trên hai thành tố không thể thiếu được chừng nào còn muốn là sân khấu. Đó là diễn viên và khán giả .

Hai thành tố này thực ra lại tiềm ẩn thêm một thành tố thứ ba. Vì, người diễn viên chỉ thực sự là diễn viên và không chỉ đơn giản là đào A, B hay kép C khi họ còn hóa thân thành những người khác, là cô X bà Y hay ông Z nào đó, tức là những vai diễn của họ.

Tức là, sân khấu chỉ tồn tại với một điều kiện tối thiểu: Một diễn viên A sắm một vai X cho khán giả S xem.

Để thể hiện một nhân vật X, diễn viên A phải có một bộ dạng bên ngoài nhất định (1), hành động theo một cách nhất định (2) và trong một không gian nhất định (3). Nếu ta miêu tả hoạt động của người diễn viên một cách chung chung thì sẽ không thể thấy rõ được chỗ khác nhau giữa hoạt động của họ với những hoạt động văn hóa khác. Bởi vì, cả ba đặc điểm trên sẽ thích hợp với từng người trong một khung cảnh không gian nhất định. Nói một cách khái quát thì điểm khác nhau trong hành động của diễn viên A khi với tư cách là cá nhân A và khi với tư cách là người sắm vai X chỉ là ở chỗ, khi sắm vai X, cá nhân A đã có một bộ dạng khác, hành động theo một cách khác trong một khung cảnh không gian hoàn toàn khác.

Giữa hai quá trình đó là cả sự khác biệt cơ bản, khác biệt về chất.

Khi cá nhân A là A thì sẽ thể hiện bộ dạng bề ngoài theo một cách nhất định, chẳng hạn anh ta khoác một chiếc áo choàng lông thì có nghĩa là anh ta đang rét run và muốn được giữ ấm thân nhiệt. Chiếc áo choàng lông mang một chức năng sử dụng nhất định trong đó nó được dùng như một thành tố. Ngoài ra, nếu A mặc chiếc áo choàng lông đó mà lại gặp những người khác thì rất có thể chiếc áo choàng lông đó sẽ chứng tỏ với mọi người rằng anh ta thuộc một tầng lớp xã hội nào đó, tương đối khá giả và có thị hiếu đặc biệt nào đó. Những gì là vẻ bề ngoài con người, trong trường hợp đang xét là chiếc áo choàng lông sẽ có giá trị như một ký hiệu quan hệ trực tiếp tới bản thân con người. Nó là một ký hiệu liên quan đến A với tư cách là cá nhân con người A.

Khi cá nhân A là A và thực hiện một hành động, chẳng hạn, làm một cái bình, thì hoặc là anh ta cần đến nó, hoặc muốn đem bán hay tặng ai đó. Anh ta sẽ làm ra nó theo một nhu cầu nhất định. Nếu có người xem anh ta làm thì anh ta sẽ tỏ cho người xem anh ta là A và anh đã nhanh nhẹn khéo léo thành thạo trong công việc làm ra chiếc bình như thế nào.

Khi A khóc thì nguyên nhân ở tình cảm, cảm xúc: Anh ta khóc vì buồn. Còn khi anh ta khóc bên cạnh những người khác thì đấy cũng lại là một ký hiệu cho mọi người biết rằng A đang buồn.

Khi A đi tới một khoảng không gian nào đó thì tất vì một mục đích nhất định. Mỗi một không gian do con người tạo ra đều biểu thị một chức năng sử dụng, hoặc nhà ở, hoặc chuồng trại, nhà thờ, tòa thị chính, phòng làm việc hay chỗ nghỉ ngơi… A hoạt động trong một không gian như vậy vì anh ta muốn thực hiện một mục đích gắn liền với không gian đó. Khi anh ta tới một không gian không phải do con người tạo nên như khu rừng, đồng cỏ, bờ sông… thì cũng vậy. Bên cạnh việc thực hiện một mục đích sử dụng nào đó, việc dừng chân ở một không gian nào đó cũng còn là ký hiệu chứng tỏ người ta đã làm cái gì đó ở đây và sở hữu nó, tóm lại, một ký hiệu có thể thống báo gì đó về con người của A.

Như vậy, một khi cá nhân A là A tạo ra một bộ dạng theo một cách nhất định và hành động theo một cách nhất định trong một không gian nhất định thì hoặc là anh ta muốn thực hiện một mục đích cụ thể nào đó, hoặc là để tự tỏ rõ con người mình cho người khác biết.

Ngược lại, khi A khoác một bộ dạng bên ngoài để đóng vai X – vẫn thí dụ trong trường hợp A mặc chiếc áo choàng lông – thì rõ ràng không phải là bản thân anh ta đang cảm thấy lạnh mà chính là tạo một thông báo về X. X trong tình huống này có thể là đang cảm thấy lạnh, hoặc nếu X là Ferdinand trong Âm mưu và tình yêu và mặc một chiếc áo choàng lông theo mốt thời nay – thì X là một con người với những đặc tính tương tự như những người cùng thời, những người hiện nay thường mặc những chiếc áo choàng lông như vậy. Như vậy, với trang phục bề ngoài ấy, A không nhằm một mục đích nào khác là thể hiện một điều gì đó về nhân vật X mà mình sắm vai.

Khi A đã hóa thân thành X trong khi chế tạo cái bình chẳng hạn, thì lúc này anh ta không vì một mục đích tự thân nào cả, mà chỉ nhằm tạo ra những ký hiệu thông báo về nhân vật X: khả năng của X trong việc chế tạo cái bình, sự khéo léo, hoặc thậm chí các hoàn cảnh bắt buộc anh ta phải làm cái bình đó.

Còn khi sắm vai X mà A khóc thì không phải vì A buồn bã mà chỉ để thể hiện X đang buồn, hoặc X là một người kém tự chủ, tự kìm chế hoặc nữa, trước mắt mọi người, X tỏ ra là người đa cảm.

Tất cả những gì mà A làm khi sắm vai X sẽ không phải để thực hiện một mục đích cụ thể – vì tất cả những gì anh ta làm không phải vì bản thân anh ta mà là cho người khác, làm trước khán giả – mà cũng chẳng phải nhằm thể hiện bản thân con người anh ta, mà điều chủ yếu là để nói lên một điều gì đó liên quan tới nhân vật X mà anh ta đang thể hiện.

Bây giờ sang đến cái không gian mà A hành động khi sắm vai X, với tư cách là một không gian rất đặc biệt, khi nó biểu thị một chức năng sử dụng thì có thể mang ý nghĩa những không gian khác nhau. Một mặt nó có thể là một không gian được tạo dựng hay trang trí một cách chi tiết nhằm đáp ứng yêu cầu, chẳng hạn có thể là một kiến trúc nhà hát giầu tính biểu hiện, hoặc đơn giản nó chỉ là một sàn diễn bằng ván ghép được dựng đơn giản ở bất kỳ nơi nào.

Mặt khác, cái không gian đặc biệt này có thể được rời tới một nơi khác để biểu thị một chức năng sử dụng khác, chẳng hạn một nhà thờ, một trường học, một phòng ăn, hay một bãi chợ, một chỗ hội hè công cộng, một đồng cỏ hay một sân ga. Mỗi một không gian đặc biệt mà chức năng của nó là ở chỗ diễn tả những không gian khác đều có thể thực hiện trong từng không gian: Nếu A ở đây hành động để sắm vai X thì không gian này sẽ không biểu đạt cái chức năng sử dụng gốc gác của nó mà là một địa điểm trình diễn đặc biệt, được xem như một không gian khác bất kỳ trong đó nhân vật X trú ngụ.

Nếu A hành động như là A thì việc đó có thể xảy ra cả khi có mặt cũng như khi vắng mặt những người khác. Còn khi A sắm vai X mà hành động thì tất cả những gì anh ta làm, cách thức và địa điểm hành động của anh đều gắn với sự có mặt của khán giả mà đối với họ, bộ dạng bề ngoài của A là bộ dạng của X, hành vi ứng xử của A cũng là của X và không gian thực sự là không gian của X…

Trong sân khấu chúng ta cũng hay bắt gặp những tình huống có lẽ cũng tương tự như trong văn hóa nói chung, khi cả hai có thể đã được đặc trưng hóa thành nét chung rằng con người ở cả hai lĩnh vực cũng đều thể hiện vẻ bề ngoài theo một cách thức nhất định, và hành động theo một cách nhất định trong một không gian nhất định. Tuy thế, trong khi nói chung, trong văn hóa, ý nghĩa được sản sinh thông qua những hệ thống văn hóa đã được cập nhật hóa nhờ quá trình này, qua đó nó tạo ra ký hiệu nguyên thủy, thì sân khấu lại tạo ra những ý nghĩa mà qua đó nó tạo ra những ký hiệu thay cho những ký hiệu vốn được sản sinh từ những nền văn hóa khác.

Như vậy chính trong sân khấu hiển nhiên tồn tại một “bội số” của văn hóa, cái văn hóa mà chính sân khấu đóng một vai trong đó: ký hiệu được sản sinh từ sân khấu sẽ thể hiện là những ký hiệu được sản sinh từ những hệ thống văn hóa tương ứng. Những ký hiệu sân khấu, vì thế, luôn luôn là ký hiệu của ký hiệu, những ký hiệu được đặc trưng hóa để nó có thể có tính chất vật chất như những ký hiệu nguyên thủy ban đầu – một vương miện là một vương miện, một cái gật đầu là một cái gật đầu và một tiếng kêu cũng la cũng biểu thị một tiếng kêu la. Từ đó có thể thấy một mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ giữa sân khấu và văn hóa. Những ký hiệu của sân khấu chỉ có thể hiểu được nếu người tiếp nhận đã quen với ký hiệu được sản sinh từ những hệ thống văn hóa trong những nền văn hóa bao quanh nó.

Sân khấu, vì vậy luôn phản ánh thực tế nền văn hóa của nó trong cái nghĩa nhân đôi của từ này: Sân khấu tái tạo ra thực tế đó và giới thiệu nó trong sự tái tạo này trước một ý thức luôn được nghiền ngẫm.

Sân khấu hình thành nền văn hóa chính ở chỗ, những ký hiệu của nó diễn tả những ký hiệu vốn được sản sinh từ những hệ thống văn hóa khác nhau. Nó đối chiếu văn hóa với những ý thức đã và đang được gián cách, chính ở chỗ những ký hiệu sân khấu luôn được tạo ra trong mối quan hệ với khán giả. Văn hóa phát triển trong sân khấu một cách cân đối giữa một bên là những gì được trình diễn và một bên là những gì được thưởng thức.

Khán giả là một yếu tố công khai đại diện cho một tập thể các thành viên của một nền văn hóa, có thể cùng đại diện cho một tập thể này trong hành động của người khán giả tự tạo ra được một khoảng cách với nền văn hóa được trình diễn ở đây. Sân khấu đã trở thành một mẫu của một thực trạng văn hóa mà ở đó người khán giả tiếp nhận những ý nghĩa của nó. Sân khấu theo nghĩa này có thể trở thành một khái niệm về một hành động cả tự trình diễn lẫn tự phản ánh của một nền văn hóa.

Ở cái đặc điểm khác biệt với những hệ thống văn hóa khác của sân khấu này có thể đề ra một quan điểm về văn hóa học cho việc giải thích sự mở rộng hơn nữa của nó. Vì rằng bao giờ cũng vậy khi một nền văn hóa được xây dựng, trên đường tạo ra những ký hiệu, nó luôn tạo nghĩa với sự trợ giúp của những hệ thống văn hóa khác nhau, từ đó nó đã chuẩn bị những ký hiệu mà nó cần để có thể cho sân khấu. Bởi vì sân khấu trong bước đường hình thành của nó không cần phải phát minh ra những ký hiệu sân khấu mới mẻ đặc biệt gì, kể cả sân khấu của những nền văn hóa cao thường có những tìm kiếm theo kiểu đó, mà chỉ cần quay ngược trở lại những ký hiệu đã có sẵn trong nền văn hóa của mình. Nó lần ngược trở về với những ký hiệu này, không phải trong những ý nghĩa nguyên thủy của nó vốn được tạo ra để cho những hệ thống văn hóa liên quan. Chức năng mới mà trong đó sân khấu đã sử dụng những ký hiệu này chính là ký hiệu của ký hiệu, cho phép nó tự phản ánh cả một nền văn hóa.

Ở nơi nào mà văn hóa đang tự thiết lập thì nó cũng tạo ra ngay lập tức những tiền đề hình thành sân khấu: những ký hiệu mà sân khấu sử dụng luôn được cung cấp từ văn hóa. Một khi những ký hiệu này được sử dụng trong một chức năng đặc biệt mới mẻ nào đó, thì sân khấu đã hình thành.

S.T

Tags: ,