Nghệ thuật dùng ‘vũ khí động vật’ trong chiến trận của người Việt

Nhiều loài động vật khác nhau đã được ông cha ta huấn luyện để biến thành những vũ khí “không thể ngờ tới” trong chiến trận.

Đạo quân khuyển khiến giặc Minh hãi hùng

Do thông minh, nhanh nhẹn và giỏi luyện chó nên ngay từ khi nhỏ tuổi, danh tướng Nguyễn Xí (1396 – 1465) đã được lãnh tụ Lê Lợi giao cho chăm sóc một đàn chó săn gồm hơn 100 con. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Lê Lợi rất quý ông, cho là người có tài cầm quân nên đã để ông làm tướng trong đội quân khởi nghĩa.

Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính thức được bùng nổ. Lúc này chàng trai Nguyễn Xí mới 21 tuổi đã trở thành cánh tay chủ chốt của Lê Lợi.

Trải qua nhiều những năm tháng chinh chiến nơi rừng núi, đàn chó của Nguyễn Xí đã trở thành một đội quân đặc biệt, biết hành động theo hiệu lệnh kèn. Khi đánh trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất khiếp sợ.

Những lúc bị vây hãm, lương thảo cạn kiệt, ông còn lệnh cho đàn chó đi săn bắt chim thú về làm thức ăn cho nghĩa quân.

Tiến xa hơn, Nguyễn Xí còn cho đàn chó của mình thực hiện kế “dùng người rơm mượn tên” của Khổng Minh. Ông cho buộc vào cổ các chú chó những chiếc đạc ngựa, khi chó chạy sẽ phát ra tiếng kêu như tiếng đoàn kị mã. Đến đêm ông dẫn quân đến vây trại giặc rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ và xua chó chạy quanh trại. Giặc hốt hoảng tưởng quân ta đông nên không dám ra đánh mà dùng cung nỏ bắn ra như mưa. Trong một đêm, Nguyễn Xí nhiều lần quấy rối giặc như vậy, khiến chúng không thể ngủ được, trong khi nghĩa quân thu nhặt được hàng vạn mũi tên của địch.

Trong 10 năm kháng chiến, đàn chó của Nguyễn Xí đã có mặt trong nhiều trận đánh quan trọng như trận vây hãm thành Đông Quan, đánh thành Xương Giang, đánh tan 10 vạn quân Minh tăng viện năm 1427…

Biến trâu bò thành ngọn đuốc sống diệt giặc

Có nguồn gốc từ Trung Hoa, hỏa ngưu trận (trận bò lửa) là một trong những chiến thuật kỳ lạ nhất từng được con người sử dụng trong lịch sử quân sự. Trận đánh nổi tiếng nhất áp dụng chiến thuật này là trận đánh thành Tức Mạc giữa nước Tề và nước Yên ở Trung Hoa thời Chiến Quốc.

Chiến thuật hỏa ngưu trận đã nhanh chóng được người Việt tiếp thu vào binh pháp của mình. Sách Binh Thư Yếu Lược viết: “Dùng con trâu già bỏ đi, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân cho không thể quay được, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc, thuốc để quanh co ở trong pháo; pháo chứa những thuốc liệt hỏa, thần sa, thần hỏa. Phàm khi quân giặc rất nhiều quân ta rất ít, dùng trâu ấy xông vào người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc thì lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc mấy ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được”.

Đã có ít nhất một trận áp dụng hỏa ngưu trận được sử sách Việt Nam ghi nhận, đó là trận Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Nguyễn Hữu Cầu (?–1751) là người có tài cả văn lẫn võ, đã lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh từ năm 1741 – 1751. Nghĩa quân của ông có lúc đông tới hàng vạn người, chúa Trịnh nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tan tác.

Tuy vậy, cũng có những thời khắc quân Nguyễn Hữu Cầu rơi vào thế hiểm nghèo. Trong một trận đánh không cân sức, nghĩa quân đã bị bao vây bốn phía, gần như không thể thoát. Quân Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng.

Tình thế đã buộc Nguyễn Hữu Cầu dùng kế hỏa ngưu trận. Ông huy động toàn bộ số trâu trong vùng, cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu, sau đó buộc giẻ tẩm nhựa thông vào đuôi trâu và châm lửa đốt đồng loạt.

Đàn trâu điên cuồng vì bỏng lao thẳng vào đội hình quân Trịnh, khiến đội quân này hoảng loạn. Nguyễn Hữu Cầu nhanh chóng tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh đại bại…

Đội “thần binh” rắn độc của Thiên hộ Dương

Võ Duy Dương (1827-1866), còn gọi là Thiên hộ Dương (do giữ chức Thiên hộ), là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Cuộc khởi nghĩa của ông gắn liền với một giai loại ly kỳ về loài rắn.

Theo lời kể, lúc Thiên hộ Dương đặt bộ chỉ huy ở đồn Ổ Bịp trong Gò Tháp, ông đã phát hiện ra một hang rắn, miệng lớn bằng cái lu ở Động Cát. Ông liền ra lệnh cho Hộ vệ Tân, một ông thầy bắt rắn nổi tiếng đến xem xét.

Hộ vệ Tân trình lên Thiên hộ Dương rằng dưới hang có một con rắn chúa, trước kia lớn lắm, nay đã nhỏ lại còn bằng cây đũa ăn, dài trên một mét, ban đêm chỉ ló ra hứng sương, chứ không bao giờ bò ra khỏi hang. Rắn không cắn ai, nhưng ai làm hại nó, thì nó mới cắn, và khi đã bị cắn thì không thuốc nào trị được.

Thiên hộ Dương ra lệnh không được động phạm tới hang rắn, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Sau đó ít lâu, vào một buổi chiều, đồn Doi bị giặc Pháp tấn công, quân ta chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng phải rút lui về Động Cát, rồi về đồn Ổ Bịp vì thế giặc quá mạnh.

Quân Pháp đuổi đến Động Cát thì trời tối đành hạ trại nghỉ ngơi ở đây, nhưng đến đêm thì chết hơn chục mạng không rõ lý do. Trong dân chúng có tin đồn Thiên hộ Dương dùng đạo quân rắn thần giết giặc, khiến quân Pháp hoang mang tột độ, đành rút khỏi các vị trí đã chiếm đóng.

Nhưng vài tháng sau chúng lại tấn công và dừng lại nghỉ đêm ở Động Cát như lần trước. Nửa đêm hôm ấy, có nhiều tên giặc đang ngủ bỗng la hét rồi ngã ra chết. Bọn còn lại không dám ngủ, thức canh suốt đêm. Tới sáng chúng tìm thấy hang rắn, liền cho đem dầu lửa đổ xuống đốt hang.

Trong khói lửa mịt mù, bỗng có tiếng ào ào nổi lên như giông gió. Từ bìa rừng một con rắn hổ mây khổng lồ lao về phía bọn giặc như một cơn bão. Quân Pháp hoảng hồn, từ lính đến chỉ huy vứt súng ống bỏ chạy tán loạn, lao vào lau sậy lẩn trốn.

Đúng vào lúc đó, quân của Thiên hộ Dương tấn công đồng loạt. Quân giặc không ý chí chiến đấu, bị giết và bắt sống gần hết. Những tên còn chạy thoát về đồn Doi đều bị dân chúng bắt nộp cho nghĩa quân.

Đội quân ong “vô địch” thời kỳ chống Pháp, Mỹ

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, Mỹ xâm lược, quân dân ta có rất nhiều cách đánh giặc sáng tạo, khiến kẻ thù không ngờ nổi. Trong đó không thể không kể đến chiến thuật đánh giặc bằng ong.

Ở Bến Tre, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tư đã dùng 20 tổ ong vò vẽ đánh giặc hàng chục trận, diệt hàng chục tên trong nhiều năm.

Năm 1947, chiến sĩ du kích Thạch Minh ở Trà Vinh đã dùng ong vò vẽ đánh hai đại đội tiếp viện Pháp nhừ tử, góp phần giúp Tiểu đoàn 307 đánh thắng trận La Bang lịch sử.

Năm 1950, tại Cái Tàu (Cà Mau), một bác nông dân 60 tuổi đang giăng câu, bất ngờ phát hiện địch dùng rất nhiều xuồng, chở lính càn vào rừng U Minh Thượng. Bác liền chạy về nhà gánh 4 tổ ong vò vẽ nuôi sẵn trong rẫy nhanh chóng phục kích, đuổi một tiểu đoàn giặc Pháp, bảo vệ được binh công xưởng Nam Bộ.

Sang thời chống Mỹ, anh hùng liệt sĩ Tạ Văn Lước và anh hùng liệt sĩ Hồ Văn Mười ở Mỹ Tho đã kỳ công bắt hàng trăm tổ ong vò vẽ về thả nuôi trong vườn nhà để hỗ trợ đánh địch hàng trăm trận toàn thắng liên tục trong thời gian dài.

Không chỉ ở miền đồng bằng, chiến lược dùng ong đánh địch còn được áp dụng ở cao nguyên. Đó là câu chuyện của tiểu đội du kích 9 người do anh hùng Hồ Kan phụ trách ở Kon Tum, “chỉ huy” đội quân gồm 90 tổ ong lỗ cực độc chống lại các trận càn của Mỹ ngụy các năm 1965-1966.

Các trận chiến này vô cùng ác liệt nhưng không có tiếng súng, chỉ có tiếng chân chạy loạn xạ trong rừng rậm, tiếng quân địch nhào xuống suối, khóc than, tiếng kêu la ú ớ thảm thiết… Nhờ sự hỗ trợ của đội quân ong, trong gần hai năm ấy, đội du kích của Hồ Kan bẻ gãy hàng chục cuộc càn, diệt hàng trăm tên địch.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,