Ngày Tết – ‘phiên chợ hối lộ’ lớn nhất trong năm

Nếu không ngăn chặn, dần dà, dịp Tết sẽ trở thành một “phiên chợ ngầm khổng lồ”, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, đổi chác, chi phối mọi hoạt động bề nổi của chúng ta.

Ngày Tết – ‘phiên chợ hối lộ’ lớn nhất trong năm

Vài tuần trước tết Nguyên đán, công việc làm ăn của vợ chồng bạn tôi có nguy cơ đổ vỡ. Trước đó vài tháng, anh chồng người nước ngoài đã cố gắng giải thích với một vị lãnh đạo về việc cần thiết phải thực hiện đúng các khoản cam kết trong hợp đồng. Anh dùng cả tình cảm và lý lẽ để thuyết phục, nhưng không mang lại hiệu quả.

Hết kiên nhẫn với cách làm của chồng, cô vợ người Việt quyết định chuyển hướng chiến thuật, mang gói quà Tết có kèm theo chiếc phong bì đến nhà vị lãnh đạo. Một ngày sau đó, mọi công việc trở nên êm xuôi, hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm.

Đưa và nhận quà dịp năm mới là nét văn hóa đẹp có từ lâu đời ở mọi quốc gia. Tôi từng sống trong gia đình người châu Âu vào đúng mùa Noel, thấy họ rất bận rộn với công việc chuẩn bị và tặng quà cho người thân. Nhưng quà Tết trong xã hội ta là một vấn đề nhạy cảm, bởi ranh giới giữa tình cảm và hối lộ là rất mong manh.

Trong câu chuyện trên, anh chồng chịu ảnh hưởng của đạo đức và văn hóa phương Tây, nơi mà công việc chịu sự chi phối bởi những nguyên tắc phổ quát của pháp luật, còn việc tặng quà xuất phát từ nhu cầu chia sẻ tình cảm, thì anh sẽ rất khó khăn để có thể chấp nhận cách làm của người vợ là tích cực. Ngược lại, người vợ được nuôi nấng và giáo dục trong môi trường đạo đức và văn hóa Việt Nam, sẽ nhận thấy để giải quyết công việc không chỉ dựa trên pháp luật, mà còn phải vận dụng những giải pháp “truyền thống” khác, chẳng hạn như chiếc phong bì gài trong gói quà.

Tại sao tặng quà lại trở thành hối lộ? Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, có thể tạm gọi là đạo đức tình huống phát sinh trong thực tiễn cuộc sống. Khi các cá nhân không có quyền tuyệt đối được pháp luật bảo vệ, thì cá nhân sẽ phải tùy chỉnh, hành động tặng quà sẽ được coi là giải pháp hữu hiệu để đạt được mục đích trong công việc.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã thực hiện điều tra ở 107 quốc gia, kết quả cho thấy càng những nước nghèo thì các quan chức lại càng nhận hối lộ rõ ràng. Điều đó phần nào đúng với xã hội Việt Nam. Trong các mối quan hệ, dù có được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn tồn tại sự thỏa hiệp dựa trên tâm lý “có đi có lại”. Trong câu chuyện trên, người vợ hiểu rất rõ phong bì Tết không chỉ giúp cho công việc trôi chảy, mà còn giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ với nhà lãnh đạo. Còn với người chồng, nếu hợp đồng bị vi phạm anh có thể thắng kiện ở tòa án, nhưng đổi lại các mối quan hệ sẽ bị đổ vỡ mà kết cục là những tổn hại không thể bù đắp nổi.

Ở quốc gia nào cũng vậy, đòi hỏi không có quan chức nào nhận hối lộ là điều không tưởng, muốn tất cả quan chức không có thói xấu là điều phi lí, yêu cầu toàn bộ quan chức nói không với thói vô đạo đức là điều giả dối. Nhưng với đất nước phát triển, đó chỉ là những hiện tượng cá biệt.

Vậy còn với chúng ta, điều cá biệt đó đang dần trở nên phổ biến. Từng món quà có thể sẽ rất nhỏ, nhưng nếu không ngăn chặn, dần dà, dịp Tết sẽ trở thành một “phiên chợ ngầm khổng lồ”, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, đổi chác, chi phối mọi hoạt động bề nổi của chúng ta.

Tôi tin, nhiều người cũng như tôi, mong Tết đến để ăn Tết, chơi Tết chứ không mong phải tham gia vào phiên chợ nhộn nhạo và lạnh lùng đó.

Theo TRẦN VĂN PHÚC / VNEXPRESS

Tags: ,