Nếu không có ngày Tết Nguyên đán, người Việt sẽ còn lại cái gì?

Đừng san phẳng tất cả vì phát triển kinh tế, để rồi một ngày ngồi trên đống tiền mà thấy có lỗi với tổ tiên!

Nếu không có tết, chúng ta còn lại gì?

Giáo sư Võ Tòng Xuân từng cho rằng: Tết cổ truyền dài lê thê, ăn nhậu bê tha, cờ bạc, tệ nạn và nên gộp tết âm và tết dương cho gọn, ăn Tết cùng thời điểm với các nước trên thế giới cho đúng tinh thần hội nhập, hòa cùng dòng chủ lưu của thế giới.

Tết tốn kém thời gian và tiền bạc, trong khi ta còn nghèo, cần tập trung làm kinh tế thay vì vui chơi… Giáo sư đã đề xuất bỏ Tết cách đây 11 năm và đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm.

Người Việt sẽ ra sao, nếu không có Tết?

Trong dòng chảy mưu sinh cơm áo, người Việt tỏa đi khắp nơi. Đôi khi trong cuộc sống bon chen mệt mỏi, tuyệt vọng, những cánh chim phiêu bạt chẳng biết nương mình vào đâu.

Ở những quốc gia chọn một tôn giáo làm quốc đạo thì họ nương náu tâm hồn ở Phật, ở Chúa… Tôn giáo giúp họ được nương tựa, có giáo lý để lý giải khổ đau. Một người chịu quá nhiều thiệt thòi, cay đắng trong cuộc đời, họ có thể nương nhờ cửa Phật, được giải thích là do nghiệp để mà chấp nhận sống tiếp, sống hướng thiện để hóa giải nghiệp khổ. Các tôn giáo khác cũng như vậy.

Còn chúng ta có gì? Nương náu vào đâu? Tết cổ truyền có sức nặng tâm linh thật sự. Chúng ta bươn bả một năm, đợi Tết để quây quần, đoàn tụ, để được nghĩ về cha mẹ, về gia đình, về tổ tiên, thần linh…

Đêm Giao thừa cả đất nước ta, hàng triệu con tim chung một nhịp, chung một thời khắc, dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu cho nhau một năm sức khỏe, may mắn.

Đó là thời khắc lòng người lắng động, trời đất giao hòa trong một niềm hy vọng chung. Ở khía cạnh tinh thần, sự đồng nhất ý nguyện của cả dân tộc vào một thời khắc là sức mạnh tổng hợp vô biên cho sự mong cầu quốc thái dân an.
Vì thế Giao thừa là thời khắc thiêng liêng!

Nếu không có Tết chúng ta sẽ thiên thu bất tận trong cuộc mưu sinh. Các dịp đoàn tụ gia đình, dòng họ sẽ là lúc nào tiện thì thực hiện. Cuộc hẹn gặp không cố định ấy sẽ khiến các mẹ đợi con về trong mong ngóng vô định. Chúng ta, trong các mối quan hệ khác, cũng sẽ mỗi người nghĩ một hướng…

Bỏ Tết chúng ta còn gì nữa? Không đoàn tụ, chẳng tổ tiên, các giá trị truyền thống sẽ bay theo, người Việt sẽ nửa tây nửa ta, quen mà lạ. Những đứa con làm ăn xa sẽ chẳng khác nào những kẻ lang thang lưu lạc, đôi khi sai đường, lạc lối về.

Kinh tế là ưu tiên. Hội nhập là tốt. Nhưng sẽ chẳng thể đi xa nếu gốc không vững, các giá trị truyền thống bị mai một. Cái gì cũng muốn giống Tây là tư duy hướng ngoại, nhược tiểu, nhìn nhà mình cái gì cũng tệ hơn người ta, ao ước giống người ta, lệ thuộc người ta. Rồi một lúc nhìn lại từ đầu xuống chân sẽ chẳng còn gì là ta nữa, nhìn cứ nhang nhác giống ai đó.

Tết bây giờ cũng nhiều mệt mỏi: Rượu bia, bài bạc, tệ nạn, tai nạn giao thông, phụ nữ vất vả hơn, kinh tế gia đình cũng tốn kém hơn… Tuy nhiên, do con người cả, vẫn có cách khắc phục, cũng là việc của mỗi người, của chúng ta. Đừng thấy phiền, thấy khó mà nói bỏ! Bỏ đi sẽ không ai nhận ra ta trong thế giới phẳng nữa đâu.

Đừng san phẳng tất cả vì phát triển kinh tế, để rồi một ngày ngồi trên đống tiền mà thấy có lỗi với tổ tiên!

Có ai muốn bỏ tết không?

Theo LÊ ANH ĐẠT / LAO ĐỘNG ONLINE (2019)

Tags: , ,