Một xã hội coi nhẹ giáo dục nghệ thuật là một xã hội tương lai mù mịt

Khát vọng vươn tới cái đẹp là nhu cầu quan trọng của con người. Nhìn thấy cái đẹp, tạo ra cái đẹp và thưởng thức cái đẹp là một đặc điểm chỉ có ở con người.

Một xã hội coi nhẹ giáo dục nghệ thuật là một xã hội không có tương lai

Tác giả: Ths Đinh Thị Hà, Khoa Giáo dục đại cương, ĐHSP Nghệ thuật TW.

Nguồn: Tham luận tại Hội thảo Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống, 2010.

Cái đẹp tồn tại trong tự nhiên, trong xã hội và thể hiện tập trung nhất, cô đọng nhất trong nghệ thuật. Nghệ thuật là cái hay cái đẹp để người ta chiêm ngưỡng, làm người ta rung động, cảm xúc. Muốn cho con người, trong đó có trẻ em, tiếp nhận và cảm thụ được đầy đủ cái đẹp, nhất là cái đẹp trong nghệ thuật rất cần có sự hỗ trợ của người lớn, của nhà trường, của các thiết chế văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt là của các nhà giáo dục.

Giáo dục nghệ thuật có chức năng định hướng giá trị nghệ thuật cho thế hệ trẻ và phát triển tiềm năng sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ. Định hướng giá trị nghệ thuật tức là giúp cho thế hệ trẻ phân biệt được cái nghệ thuật và cái phi nghệ thuật, có xúc cảm trước các tác phẩm nghệ thuật, biết thưởng thức và đánh giá.

Hiện nay chức năng định hướng này rất quan trọng. Có nhiều hiện tượng trong đời sống xã hội khiến ta phải nhíu mày tự hỏi “sao lại thế”. Hiện nay ca khúc mới ngày càng nhiều, ra đời rất nhanh nhưng lại hạn chế về chất lượng; Một bộ phim rất Việt Nam, đậm tính nhân văn, đưa nhiều thông điệp vào lòng người như phim “Đừng đốt” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, đã đoạt giải Bông sen vàng liên hoan phim lần thứ XVI nhưng tại các rạp chiếu phim lại vắng khách. Bộ phim chính là lời tri ân với quá khứ, là hạnh phúc của thực tại, là niềm hy vọng ở tương lai, phải chăng là vấn đề thị hiếu, là tư tưởng, tình cảm cần sự điều chỉnh, tác động…

Việc việc lưạ chọn các tác phẩm âm nhạc; việc trôi nổi loại nhạc sến, nhạc mì ăn liền, nhạc ngoại lai trộm cắp… việc người xem đến với sân khấu ca nhạc nhiều hơn, đông hơn mặc dù giá vé không rẻ, nhưng lại ít đến với các Galery, các triển lãm mỹ thuật không mất vé… Tất cả đều rất cần một sự định hướng.

Vậy vấn đề định hướng nghệ thuật ra sao để giới trẻ nhận thức đúng được giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm nghệ thuật và có thị hiếu đúng đắn, lành mạnh. Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật, những người thưởng thức điện ảnh cũng không thể tùy tiện, họ phải có kiến thức, họ phải được giáo dục về thị hiếu, về nhu cầu… Để có được một bộ phim là cả một quá trình lao động vất vả của cả đoàn làm phim, từ biên kịch, đạo diến, diễn viên, quay phim, đạo cụ… Người xem cần phải học để biết trân trọng và đón nhận nó.

Không chỉ định hướng cho giới trẻ thưởng thức nghệ thuật mà giáo dục nghệ thuật còn phát triển tiềm năng sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ. Khi thưởng thức nghệ thuật, để hiểu được giá trị của tác phẩm, để hiểu được ý tưởng của tác phẩm, người thưởng thức đã đồng sáng tạo, đã nhận xét, đánh giá và đó sẽ là cơ sở để họ có sáng tạo trong nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật là công việc của mọi cấp, mọi ngành, từ gia đình đến nhà trường và xã hội.

Ngay từ trong gia đình, người lớn hướng dẫn con trẻ từ việc nhỏ như lựa chọn chương trình ti vi, cùng trao đổi với chúng nội dung vừa xem, vừa nghe; đưa con đến các trung tâm văn hóa – nghệ thuật trong lúc rảnh rỗi; cho con tham gia các lớp học nghệ thuật ở cung văn hóa không chỉ nhằm định hướng nghề nghiệp mà cái quan trọng hơn là xóa mù nhạc, xóa mù họa nâng cao chỉ số người cho con; cùng con thưởng thức các lễ hội văn hóa truyền thống của từng vùng miền, như Lễ hội hoa của người Hà Nội, lễ hội Đền Hùng; lễ hội đua thuyền… con trẻ sẽ được tắm mình trong không gian văn hóa- nghệ thuật, con trẻ được định hướng để có thị hiếu, tình cảm lành mạnh biết cảm thụ, quý trọng, lưu giữ và sáng tạo các giá trị thẩm mỹ.

Định hướng nghệ thuật cũng là công việc của các nhà lý luận, phê bình, các nhà tài trợ, các nhà sản xuất các chương trình văn hóa – nghệ thuật… Ví như chương trình “Bài hát Việt”, “Trò chơi âm nhạc”, Giáo dục môi trường bằng nghệ thuật tạo hình… hiện nay đang là sân chơi thú vị thu hút mọi người tham gia và cũng là nơi để thẩm định các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật và định hướng cho giới trẻ.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường được xem là con đường cơ bản, có giá trị lâu dài có tác dụng định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho thế hệ trẻ, phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà là một quá trình hoạt động chung của nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm giúp người được giáo dục có rung cảm trước cái đẹp trong nghệ thuật, có kiến thức, quan điểm nhìn nhận cái đẹp trong nghệ thuật, biết lựa chọn và chiêm ngưỡng nghệ thuật, có khả năng đồng sáng tạo và sáng tạo nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường không phải chỉ dành cho những học sinh có năng khiếu nghệ thuật mà giáo dục nghệ thuật cho mọi người, tạo dựng cho mọi người nền tảng văn hóa thẩm mỹ.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường có nhiệm vụ hình thành và phát triển ở học sinh các hứng thú và nhu cầu cao đối với các giá trị nghệ thuật, làm cho học sinh làm quen với quá trình sáng tạo nghệ thuật, thức tỉnh và bồi dưỡng người nghệ sĩ trong mỗi con người học sinh.

Giáo dục nghệ thuật góp phần phát triển toàn diện và hài hòa nhân cách của con người.

Các tác phẩm nghệ thuật hiện thực XHCN phản ánh nhiều mặt của cuộc sống góp phần to lớn trong việc xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cho học sinh. Các nhân vật trong tác phẩm, tình tiết, diễn biến tâm lý, kết cục câu chuyện…đều là những tác nhân trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Các giá trị nghệ thuật chân chính, được tạo ra bởi nền văn hóa tiên tiến, có tác dụng hết sức to lớn trong việc giáo dục những tư tưởng tiến bộ, những tình cảm đạo đức cao cả, những tâm hồn trong sáng và phong phú.

Giáo dục nghệ thuật không những làm phát triển tư duy hình tượng mà còn có tác dụng nâng cao hiệu quả của hoạt động trí tuệ, thúc đẩy lao động trí óc, nâng cao hiểu biết cái đẹp của lao động đồng thời kích thích mạnh mẽ hoạt động lao động. Trong các tác phẩm nghệ thuật hiện thực XHCN, tinh thần anh dũng và vẻ đẹp của người lao động chiếm một vị trí quan trọng. Sự phát triển của các chủ đề đó giúp học sinh thể nghiệm những thành công và thất bại trong lao động sản xuất cùng với các nhân vật trong tác phẩm.

Giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất hòa quyện với nhau trong nội dung cũng như trong hình thức hoạt động, đặc biệt là trong các loại hình thể dục thể thao như thể dục nghệ thuật, thể dục nhịp điệu, điền kinh nhẹ… Hoạt động thể dục và thể thao tạo nên những cảm giác thán phục về sự nhanh nhẹn, khéo léo, trang nhã, duyên dáng, dũng cảm, tự tin, vẻ đẹp của thân thể, vóc dáng của con người, tinh thần lạc quan, yêu đời …

Nhà bác học nổi tiếng C. Darwin đã nói lên vai trò của nghệ thuật trong phát triển nhân cách con người như sau: “Nếu tôi phải trải qua lần thứ hai cuộc sống của mình, thi tôi sẽ tự đặt cho mình quy tắc là đọc các tác phẩm thi ca và nghe âm nhạc, dù cho chỉ là một lần trong tuần lễ. Mất mát những thị hiếu đó là sự mất mát một phần hạnh phúc của đời người và có thể là ảnh hưởng tai hại khụng chỉ đến những năng lực trí tuệ và mà còn có thể đến tính cách đạo đức nữa, vì rằng sự mất mát đó đã làm yếu đi mặt xúc cảm của bản chất người trong chúng ta”.

Như vậy, giáo dục nghệ thuật chủ yếu hướng vào việc phát triển tình cảm của con người, tạo nên sự lớn mạnh và phong phú về tâm hồn của con người, tổ chức và điều chỉnh hành vi ứng xử của con người.

Trong nhà trường, việc giáo dục nghệ thuật cho học sinh thông qua việc giảng dạy các môn học, đặc biệt các môn học nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật. Trong từng giờ âm nhạc, mỹ thuật giáo viên cho học sinh tiếp xúc với các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, đó chính là con đường hình thành cho học sinh xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ chân chính với từng tác phẩm, với nghệ thuật; hình thành năng lực quan sát, năng lực nhận xét, đánh giá và khêu gợi lòng ham muốn sáng tạo cái đẹp. Trong từng giờ học, giáo viên cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản của âm nhạc, mỹ thuật, như nhạc lý, tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức; như đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, như cách vẽ một bài trang trí, bài vẽ theo mãu, bài vẽ tranh theo đề tài, kiến thức về lịch sử mỹ thuật…Đây chính là cơ sở, là nền tảng để học sinh biết cảm thụ tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, biết nhận xét, đánh giá và sáng tác. Ngoài giờ học, trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, học sinh được tổ chức tham gia các hoạt động âm nhạc và mỹ thuật như các chương trình văn nghệ, vẽ tranh chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; chào đón các sự kiện chính trị nổi bật… đó chính là con đường hình thành năng lực sáng tạo cho học sinh.

Có thể thấy, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường sẽ là biện pháp hữu hiệu, lâu dài để định hướng thẩm mỹ và phát triển năng lực sáng tạo thẩm mỹ trong nghệ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

Theo SPNTTW.EDU.VN

Tags: ,