Một số vấn đề về quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

Tây Nguyên hiện là khu vực đa dạng nhất về thành phần tộc người của nước ta, với sự có mặt đầy đủ 54 dân tộc và mức độ cư trú xen kẽ giữa các dân tộc trong một địa bàn ngày càng cao.

Một số vấn đề về quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

Nguồn: Tạp chí Dân tộc học, số 2, năm 2019.

Đặt vấn đề

 Những năm gần đây, dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, mối quan hệ đồng tộc, thân tộc trong nội bộ từng tộc người, liên tộc người, liên vùng và xuyên quốc gia ngày càng mở rộng, gia tăng ở trong nước và quốc tế. Tây Nguyên là địa bàn có số tôn giáo chính thức và các hiện tượng tôn giáo mới khá đa dạng, trong đó có một số tổ chức lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để hoạt động chống phá nước ta rất phức tạp, lôi kéo được một số lượng khá lớn người tin theo gồm nhiều dân tộc và thành phần xã hội.

Trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các tộc người và địa phương không đồng đều, nhất là bộ phận người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn so với bộ phận dân cư ở các đô thị, vùng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội ngày càng nhanh và những thành tựu to lớn đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho tất cả người dân, nhưng khoảng cách giàu nghèo và mức độ thụ hưởng văn hóa giữa các địa phương, các tộc người, các bộ phận dân cư ngày càng dãn cách, nhất là một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số tại chỗ và một bộ phận người dân các tộc người thiểu số mới di cư đến so với nhiều người Kinh ở trong vùng; những động thái dân số diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp như việc di cư tự do của người dân từ các vùng ở trong nước, của người nước ngoài và Việt kiều vào Tây Nguyên cũng như của người Tây Nguyên ra nước ngoài; các thiết chế văn hóa, xã hội truyền thống của các tộc người biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng vừa bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp nhưng cũng tiếp thu nhanh chóng một số yếu tố mới của bên ngoài, cả trong nước và thế giới…; đang làm thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế – xã hội Tây Nguyên.

Cùng với đó là quá trình thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nhất là chính sách đất đai và chính sách dân cư của Nhà nước ta từ 1975 đến nay đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân ở Tây Nguyên trên nhiều phương diện, cả tích cực và tiêu cực. Do điều kiện lịch sử của đất nước và của các tộc người, nhiều dân tộc tại chỗ và mới đến Tây Nguyên đều có đồng tộc tại nhiều vùng trong nước và ở một số nước trên thế giới, những dân tộc này trở thành tộc người liên biên giới và xuyên quốc gia.

Trong số đó, một số dân tộc là thiểu số ở nước ta nhưng lại là đa số ở các quốc gia láng giềng, dẫn đến các mối quan hệ liên vùng, liên biên giới và xuyên quốc gia có xu hướng gia tăng không chỉ ở dọc vùng biên mà cả sâu trong nội địa, không chỉ với các quốc gia láng giềng mà còn với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, vấn đề dân tộc xuất hiện ở nơi/nước này sẽ tác động đến đồng tộc ở những nơi/quốc gia có người cùng dân tộc cư trú, khiến vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên có tính khu vực và quốc tế rất cao,… Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế và khu vực; các vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở các quốc gia láng giềng; sự lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Tây Nguyên trước kia và hiện nay để chống phá nước ta của các thế lực thù địch…, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trước đây và hiện nay.

Xuất phát từ bối cảnh những vấn đề trên, các mối quan hệ dân tộc cơ bản ở Tây Nguyên hiện nay gồm: (1) Quan hệ giữa các tộc người với quốc gia đa dân tộc; (2) Quan hệ giữa tộc người Kinh đa số với các tộc người thiểu số; (3) Quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau, nhất là giữa hai bộ phận tại chỗ và mới đến; (4) Quan hệ trong nội bộ tộc người; (5) Quan hệ tộc người liên biên giới và xuyên quốc gia (với đồng tộc và tộc người khác). Trong từng mối quan hệ này đều đồng thời diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng tôn giáo, địa bàn cư trú, quản lý và sử dụng tài nguyên, an ninh, chính trị,…

Do đó, sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước nói chung, của vùng Tây Nguyên và từng tộc người ở đây nói riêng luôn chịu sự tác động ngày càng tăng của các mối quan hệ dân tộc. Do sự đa dạng các mối quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay, cho nên phạm vi quan tâm của bài viết này là một số vấn đề thuộc hai mối quan hệ chính: (1) Quan hệ giữa các tộc người thiểu số tại chỗ với người Kinh đa số và các tộc người thiểu số mới di cư đến; (2) Quan hệ giữa các tộc người với hệ thống chính trị và tổ chức kinh tế Nhà nước tại địa phương.

Thực trạng quan hệ dân tộc

1.1. Quan hệ giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với người Kinh và các dân tộc thiếu số mới di cư đến

Đây được coi là mối quan hệ quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên từ trước đến nay, quan hệ này luôn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo… ở trong nước, của khu vực và quốc tế. Thực tế cho thấy, các dân tộc ở nước ta luôn có tinh thần đoàn kết cao, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và xác định rõ dù là ai cũng đều là người Việt Nam nên luôn có ý thức xây dựng quan hệ chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực, như: cư trú xen kẽ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm ăn, trao đổi hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, kết hôn hỗn hợp dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa tộc người,… Do đó, về cơ bản, quan hệ giữa các tộc người thiểu số tại chỗ với người Kinh đa số và các dân tộc thiểu số mới di cư đến diễn ra tốt đẹp, hòa đồng, đoàn kết, tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển theo xu hướng ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực.

Các yếu tố tích cực được thể hiện rõ qua cư trú xen cư góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế ở các tộc người thông qua việc học hỏi tri thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm – hàng hóa của nhau,… Các tộc người thiểu số tại chỗ có cơ hội tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, phát triển kinh tế hàng hóa, chi tiêu tiết kiệm và có kế hoạch hơn, nhất là mở rộng mạng lưới xã hội, hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ, tăng cường hỗ trợ trong cuộc sống…, từ đó từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình. Còn người Kinh và các dân tộc thiểu số mới đến thì kế thừa tri thức ửng xử với môi trường tự nhiên và tư liệu sản xuất ở địa bàn cư trú mới để ổn định đời sống, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa và lối sống giữa các dân tộc, cũng là điều kiện thuận lợi để các tộc người tiếp thu cách bố trí phù hợp về nơi ở của gia đình và cộng đồng; giữ gìn vệ sinh môi trường chung nơi cư trú; từng bước thay đổi những tập quán, lễ nghi không còn phù hợp; hôn nhân hỗn hợp giữa các tộc người thiểu số tại chỗ với người Kinh và các dân tộc thiểu số mới đến được gia tăng…, Đây là điều kiện tốt để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc phát triển các mối quan hệ hôn nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng liên tộc người, liên văn hóa.

Tuy nhiên, cùng với các mối quan hệ tốt đẹp là chủ yếu, do tỷ lệ người Kinh và các dân tộc thiểu số mới đến ngày càng vượt trội và thành phần đến Tây Nguyên khá phức tạp, trong đó phần lớn chưa có nhận thức cần và đủ về con người, văn hóa của các dân tộc tại chỗ nên đã nảy sinh một số yếu tố gây ảnh hưởng không mong muốn đến mối quan hệ dân tộc quan trọng này và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên, như: (1) Gây ra mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (2) Khoảng cách giàu nghèo giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số mới di cư đến với người dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng gia tăng do những nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là việc xuất hiện một số người Kinh cho vay nặng lãi, mua rẻ bán đắt, thiếu trung thực trong quan hệ làm ăn với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…, vì vậy đã dẫn tới sự không hài lòng của một bộ phận người dân tại chỗ đối với người Kinh; (3) Sự khác biệt về văn hóa và lối sống của các tộc người thiểu số tại chỗ với người Kinh và các dân tộc thiểu số mới đến dẫn đến sự nhìn nhận các giá trị văn hóa của nhau còn nhiều trở ngại;…

Các vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng không thuận đến phát triển quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa các dân tộc được hình thành và hun đúc trong suốt thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống Pháp, Mỹ bảo vệ tổ quốc. Đáng chú ý là trong quan hệ này đã xuất hiện những “định kiến tộc người” như là biểu hiện và tàn dư của tư tưởng dân tộc trung tâm, dân tộc có dân số đông hơn xuất phát từ việc thiếu hiểu biết thực chất về văn hóa của nhau, từ đó dẫn đến những nhận thức còn chưa đúng gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa các tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.

Cùng với đó, tình trạng di cư tự do của người Kinh và các dân tộc thiểu số từ nơi khác đến, nhất là từ miền núi phía Bắc và miền Trung diễn ra mạnh mẽ trong thời gian dài mấy thập kỷ qua đã góp phần dẫn tới sự gia tăng dân số đột biến. Do đó, người Kinh và các tộc người thiểu số mới di cư đến Tây Nguyên thời gian qua, cũng đã gây ra những xáo trộn và hệ lụy to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…, ảnh hưởng không thuận đến quan hệ dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên. Thứ nhất, góp phần phá vỡ cơ cấu dân số của địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý dân cư và trật tự xã hội. Thứ hai, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, nhất là tài nguyên đất và rừng bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt; quá tải về cơ sở hạ tầng và phúc lợi công cộng của địa phương. Thứ ba, một bộ phận người di cư đến sau do không có đất sản xuất nên dẫn đến mua bán, chuyển nhượng, lấn chiếm, tranh chấp đất đai trái phép, phá rừng làm nương rẫy…, để lại hậu quả nghiêm trọng tới môi trường sống và ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư tình cảm của người dân tại chỗ. Thứ tư, sự khác biệt về tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, thiết chế quản lý xã hội, tập quán sử dụng tài nguyên, lối sống…, dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn cục bộ giữa một bộ phận người dân các dân tộc tại chỗ và mới đến. Thứ năm, một số ít người dân mới di cư đến liên quan đến các tệ nạn xã hội, tội phạm đã góp phần gia tăng những yếu tố không mong muốn này ở Tây Nguyên.

1.2. Quan hệ giữa các tộc người với hệ thống chính trị và tổ chức kinh tế nhà nước

Ðến nay, sợi dây xuyên suốt mối quan hệ giữa các tộc người với hệ thống chính trị và tổ chức kinh tế nhà nước ở Tây Nguyên vẫn là mối quan hệ tin cậy, gắn bó chặt chẽ và được xây dựng, thử thách qua quá trình Cách mạng Việt Nam, nhất là trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước từ khi có Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ðây là quan hệ chiến lược, có ý nghĩa quyết định sống còn đến sự ổn định, phát triển của quốc gia Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng.

Trong đó, hệ thống chính trị các cấp ở địa phương từ năm 1975 đến nay đã phát triển và hoàn thiện về tổ chức, đội ngũ cán bộ; có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, từng bước đáp ứng được những nhiệm vụ đặt ra; các chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Ðảng và Nhà nước đã tạo động lực quan trọng cho Tây Nguyên phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Đặc biệt, thông qua quá trình thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng và các tộc người ở Tây Nguyên, mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện, nhất là dành nhiều ưu tiên hỗ trợ phát triển cho các dân tộc thiểu số cả tại chỗ và mới đến, đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo của Tây Nguyên và đời sống của các tộc người thiểu số, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, giáo dục, y tế, phân bố dân cư,… Qua đó xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng dân cư là người tại chỗ và mới đến ngày càng được tăng cường, củng cố.

Ðồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước của Trung ương và của địa phương cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên sau chiến tranh, góp phần ổn định chính trị và cải thiện đời sống cho người dân. Ðây là những tiền đề quan trọng để Tây Nguyên và các tộc người nơi đây phát triển về mọi mặt, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam trong thời gian qua và những năm tới. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện sự suy giảm niềm tin ở một bộ phận người dân, nhất là các tộc người thiểu số tại chỗ đối với một số cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị địa phương.

Cơ sở sâu xa của hiện tượng này là tình trạng phân tầng xã hội giữa các bộ phận dân cư, nhất là giữa cán bộ lãnh đạo và người dân lao động; phân hóa trong quan hệ đất đai; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp và không ổn định dẫn đến tỷ lệ đói nghèo, thất học, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, cũng như thiếu cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công và cơ hội phát triển… còn cao ở một bộ phận người dân, mà rõ ràng và sâu sắc nhất là trong các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh đó còn do những hạn chế, thiếu sót của một số cán bộ ở địa phương trong trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, đạo đức lối sống và thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình công tác.

Mối quan hệ chiến lược này còn được thể hiện thông qua lợi ích giữa người dân với những tổ chức kinh tế nhà nước như các nông trường, lâm trường (nay phần lớn đã chuyển thành những công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, ban quản lý) và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn. Cùng với những đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ trong những năm qua, hiện tại các tổ chức kinh tế nhà nước này đang quản lý một diện tích đất, rừng rất lớn nhưng sử dụng thiếu hiệu quả (trong đó có một diện tích không nhỏ là do người dân tộc thiểu số tại chỗ đóng góp khi được vận động vào các nông – lâm trường nhà nước trước đây).

Do đó, một số tổ chức này hiện không tiến hành sản xuất mà “cho thuê đất để lấy lợi tức – một hình thức phát canh thu tô”, trong khi một bộ phận người dân bị mất đất khi ra khỏi các nông – lâm trường (do các tổ chức này làm ăn thiếu hiệu quả), bị thu hồi đất rừng để giao cho các nông – lâm trường, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sử dụng…, dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân thiếu đất ở, thiếu hoặc không có đất sản xuất, không có hay thiếu việc làm, nên phải đi xâm canh, xâm cư, khai thác đất đai, rừng núi trái phép (mà có thể là chính trên diện tích đất đai của mình trước kia) để sinh tồn,…

Vấn đề này không chỉ gây ra mâu thuẫn về quan hệ đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, mà còn giữa chính quyền địa phương nơi người dân bị mất đất, đang thiếu đất ở và đất sản xuất với các tổ chức kinh tế này trong việc giao lại phần diện tích đất, rừng sử dụng không hết hay thiếu hiệu quả cho địa phương quản lý, giao cho người dân sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

2. Đánh giá một số tác động tích cực và những vấn đề đang đặt ra

Thực tế cho thấy, xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa các tộc người với nhau và giữa các tộc người với quốc gia ở Tây Nguyên từ trước đến nay về cơ bản là đoàn kết và hòa hợp, tiếp thu các yếu tố phù hợp của nhau trong hoạt động kinh tế, quản lý xã hội, sinh hoạt văn hóa…, trên cơ sở bảo tồn những giá trị truyền thống và ngày càng phát triển yếu tố quốc gia, hiện đại. Các mối quan hệ tốt đẹp đó đã góp phần không nhỏ vào quá trình liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển ngày càng được tăng cường trong từng tộc người, giữa các tộc người tại chỗ và mới đến, là cơ sở thuận lợi để thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên, nhất là trên một số nội dung sau:

– Thứ nhất, mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh ở Tây Nguyên thời gian qua đã luôn tạo ra sự ổn định, hợp tác, bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện để các dân tộc ở Tây Nguyên hội nhập, đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng quốc gia thống nhất, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị – xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

– Thứ hai, mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố trong thời gian qua đã luôn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện theo hướng bền vững, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy những giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

– Thứ ba, mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh trong thời gian qua là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự ổn định và phát triển của hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở ở Tây Nguyên. Từ đó góp phần tăng cường vai trò, vị thế của Ðảng và Nhà nước ta cũng như chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng, nhất là địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

– Thứ tư, mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường trong thời gian qua luôn ảnh hưởng tích cực đến việc mở rộng quá trình giao lưu, hợp tác, tạo ra sự đoàn kết giữa các cộng đồng cùng hoặc khác tộc người ở Tây Nguyên với các tộc người trong nước và những quốc gia láng giềng cũng như trên thế giới. Đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại và đang nảy sinh liên quan đến quan hệ giữa các tộc người với nhau và giữa các tộc người với quốc gia (thông qua hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế nhà nước) ở Tây Nguyên nêu trên cũng đã gây ra những ảnh hưởng không thuận đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự xã hội của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là các vấn đề sau:

– Một là, những yếu tố hạn chế của thực trạng quan hệ dân tộc nêu trên là nguy cơ có thể làm tái bùng phát mâu thuẫn, bất đồng lợi ích cục bộ giữa các bộ phận dân cư, giữa các tộc người với quốc gia nếu chính sách dân tộc, nhất là chính sách đối với các dân tộc thiểu số tại chỗ ở những vùng còn nhiều khó khăn chậm được điều chỉnh, dẫn đến thiếu hiệu quả cũng như sự phân hóa trong nội bộ từng dân tộc và giữa các tộc người không được giải quyết tốt. Đặc biệt, các nguy cơ này càng rõ hơn khi tình hình khu vực và thế giới thay đổi theo chiều hướng bất lợi, bởi vì mối quan hệ giữa các cộng đồng cùng tộc người hay khác tộc người với quốc gia ở Tây Nguyên nói riêng và nước ta nói chung ngày càng chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa, tất nhiên ở những mức độ khác nhau.

– Hai là, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn trong nội bộ từng tộc người, giữa các tộc người, giữa các vùng miền, giữa các bộ phận dân cư tiếp tục sâu sắc hơn và làm nảy sinh thêm mâu thuẫn giữa các cộng đồng khác dân tộc hay trong nội bộ từng dân tộc nhưng chưa được hưởng lợi một cách công bằng từ những chính sách của Nhà nước. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện mức sống giữa các vùng miền, giữa các tộc người, giữa các nhóm dân cư là một trong những thách thức của quá trình phát triển ở Tây Nguyên hiện nay.

– Ba là, xu hướng ngày càng phát triển và gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia ở Tây Nguyên theo những chiều hướng đa dạng và phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bị lôi kéo vào mục tiêu chính trị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong đó, ý thức quốc gia và ý thức tộc người của một bộ phận người dân các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đang chịu tác động nhiều chiều trong bối cảnh gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến hiện tượng phân ly cục bộ trong một bộ phận người dân tại một số địa phương.

Đặc biệt, do những bất đồng cục bộ nảy sinh trong đời sống hàng ngày giữa các tộc người trong quá trình sinh sống xen cư, lại bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động dẫn đến một bộ phận người dân các tộc người thiểu số tại chỗ có những nhận thức chưa đúng về quan hệ giữa các tộc người với nhau và giữa các tộc người với quốc gia đa dân tộc.

– Bốn là, các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên có xu hướng gia tăng quan hệ với những tộc người mới di cư đến không chỉ ở khía cạnh hôn nhân hỗn hợp mà cả về phân bố cư trú xen kẽ hoặc sinh sống gần nhau. Cùng với những mặt tích cực như đã nêu ở trên, cũng tiềm ẩn mâu thuẫn phát sinh bởi sự phát triển không đồng đều và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa hai nhóm tộc người này, nhất là với người Kinh. Đặc biệt, yêu cầu cạnh tranh để phát triển có thể gây ra mâu thuẫn cục bộ giữa một bộ phận người dân các tộc người thiểu số tại chỗ với người dân các tộc người mới đến trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, nhất là trong các mối quan hệ về đất đai, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi hàng hóa, việc làm, thu nhập, khoảng cách giàu nghèo, giáo dục, mức độ tham gia vào hệ thống chính trị,…

– Năm là, hình thành ngày càng rõ ràng và sâu sắc hơn một số cộng đồng cố kết theo tôn giáo có thể theo tộc người hay liên tộc người ở trong vùng, hoặc liên vùng và xuyên quốc gia, nhất là những cộng đồng theo Tin lành, Công giáo và một số hiện tượng tôn giáo mới. Từ đó dẫn đến hiện tượng phân ly cục bộ giữa những cộng đồng theo các tôn giáo khác nhau, giữa bộ phận dân cư có tôn giáo và không theo tôn giáo.

– Sáu là, do điều kiện thực tế mà việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ ở địa phương có các dân tộc cư trú xen kẽ còn chưa cân đối, có biểu hiện thiên lệch về một hoặc một số tộc người trong vùng đa dân tộc; sự vận hành và hiệu lực của hệ thống chính trị, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ còn một số hạn chế cần cương quyết sớm khắc phục một cách đồng bộ. Thực tế này đã góp phần gây tâm lý bức xúc giữa một bộ phận người dân của các tộc người với một số ít cán bộ tại một số địa phương, nhất là về công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội, quyền tham gia và hưởng lợi, quản lý và sử dụng đất đai, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng,… Đây là yếu tố làm suy giảm niềm tin của một bộ phận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến khối đoàn kết dân tộc tốt đẹp do Đảng ta dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

– Bảy là, những vấn đề trên lại bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chia rẽ nhằm làm cho người dân hoài nghi, thậm chí có hành vi gây rối trật tự xã hội, chống đối chính quyền địa phương, hình thành các tổ chức chính trị phản động và tiến hành các hoạt động ly khai của một bộ phận nhỏ người dân thuộc một số ít tộc người thiểu số tại chỗ. Đáng chú ý là các thế lực thù địch luôn bằng mọi cách lợi dụng những đặc điểm về nguồn gốc lịch sử, ý thức về cộng đồng và địa bàn cư trú của tộc người, quan hệ theo cộng đồng tôn giáo trong nội bộ từng tộc người và giữa các tộc người ở trong vùng hay liên/xuyên biên giới, những động thái dân số mới và sự phân hóa xã hội…, nhằm gây ra những mâu thuẫn trong quan hệ giữa các tộc người với nhau và với quốc gia.

3. Một số khuyến nghị định hướng chính sách dân tộc và nghiên cứu tư vấn chính sách góp phần thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

3.1. Khuyến nghị về chính sách

Chính sách dân tộc ở Tây Nguyên cần tiếp tục chú ý bảo tồn, phát huy các giá trị riêng của từng dân tộc, nhưng không nên nhấn mạnh đến sự khác biệt về nguồn gốc lịch sử, đặc trưng riêng của từng tộc người cũng như quá trình phát triển và hội nhập vào quốc gia Việt Nam của các dân tộc, bởi vì vấn đề này luôn gắn với tâm lý – ý thức tộc người và tâm lý – ý thức quốc gia. Đặc biệt, chính sách dân tộc cần tập trung sâu sắc hơn vào việc củng cố, tăng cường và nâng cao ý thức quốc gia, ý thức công dân Việt Nam; phát triển những nhân tố gắn bó các dân tộc với tổ quốc và lòng tự hào dân tộc cho người dân. Chính sách cần chú ý đến những mối quan hệ, lợi ích thiết thực của người dân các dân tộc có quan hệ liên/xuyên biên giới, những chính sách dân tộc và chính sách vùng biên cương của các quốc gia liên quan cũng như đánh giá và dự báo chính xác sự tác động của các chính sách này đến những vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên.

Chính sách dân tộc cần chú trọng phát triển và quản lý hiệu quả hơn các mối quan hệ dân tộc, giảm thiểu mâu thuẫn cục bộ để tăng cường phát triển và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường hiệu quả và thiết thực công tác dân vận, kết nghĩa hỗ trợ giữa các địa phương, giữa những tổ chức và doanh nghiệp nhà nước với các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng dân cư khác dân tộc với nhau. Khuyến khích hôn nhân hỗn hợp dân tộc để hình thành những mối quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng liên dân tộc, liên vùng miền. Thực hiện thường xuyên các chính sách tuyên truyền vận động đoàn kết dân tộc và ý thức về quốc gia dân tộc cho tất cả các nhóm cư dân dân tộc tại chỗ cũng như mới di cư đến.

Chính sách dân tộc cần tập trung hạn chế dần sự bất bình đẳng trong phát triển và phân hóa xã hội, nhất là khoảng cách giàu nghèo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ hội phát triển giữa các dân tộc và bộ phận dân cư ở trong vùng cũng như với đồng tộc của họ hay dân tộc khác ở vùng khác và ở nước ngoài, nhất là bên kia biên giới. Đặc biệt, cần xây dựng được chiến lược/chương trình phát triển tổng thể cho cả vùng và các dân tộc ở Tây Nguyên, đồng thời có những chính sách phát triển cụ thể trong từng lĩnh vực một cách phù hợp, trong đó cả người dân tộc thiểu số và người dân tộc đa số, người tại chỗ và người mới di cư đến, người có đạo và người không theo tôn giáo đều được hưởng lợi và có cơ hội phát triển bình đẳng. Làm như vậy, sẽ không gây ra sự phân hóa xã hội, tâm lý bất mãn, tư tưởng mặc cảm, so bì giữa các dân tộc, các tôn giáo và giữa các bộ phận dân cư.

Cần chú ý thực hiện chính sách đất đai thỏa đáng và hợp lý giữa các đối tượng quản lý và hưởng dụng trên địa bàn, trên cơ sở tôn trọng truyền thống tộc người cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là đất đai mà gia đình và cộng đồng đó đóng góp vào các nông trường, lâm trường trước đây hiện sử dụng không hiệu quả.

Chính sách quản lý và phát triển dân số, dân cư của Nhà nước ta cần đảm bảo không để tại Tây Nguyên, nhất là dọc biên giới hình thành những cộng đồng người nước ngoài cùng gia đình của họ quá tập trung và cư trú lâu dài; không được để các doanh nghiệp nước ngoài thuê diện tích đất rừng rộng lớn trong thời gian quá dài; không để hình thành những cộng đồng người liên kết theo tôn giáo có qui mô rộng lớn. Tiến hành phân bố và củng cố lại các cộng đồng dân cư sinh sống xen kẽ nhau và phát triển thành những cộng đồng vững mạnh về mọi mặt. Tại những vùng dọc biên giới, cần qui hoạch xây dựng những trung tâm lớn mạnh về chính trị – quân sự – kinh tế – xã hội – văn hóa; những khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ, những vùng chuyên canh sản xuất và chế biến nông lâm sản chất lượng cao của Trung ương và địa phương… để làm phên dậu cho đất nước, là lực hút để đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương hướng về trong nước và không bị ly tâm sang bên kia biên giới.

Cần chú ý tiếp tục hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý và phát triển tốt những mối quan hệ tôn giáo giữa các dân tộc ở trong nước và liên/xuyên biên giới, nhất là không để hình thành những cộng đồng liên kết theo tôn giáo quá tập trung và rộng lớn ở dọc biên giới có nhiều đồng tộc và đồng đạo cư trú liền kề. Củng cố niềm tin của các tín đồ và chức sắc tôn giáo đối với chế độ ta thông qua việc tiếp xúc, đối thoại chân thành, hỗ trợ thiết thực và hợp tác hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước khắc phục những vấn đề còn tồn tại; tranh thủ những nhân tố tích cực, thu hút các tổ chức tôn giáo và tín đồ góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước. Tôn trọng, sử dụng đội ngũ trí thức của các tộc người, những người có uy tín của các tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài để họ lãnh đạo, tập hợp tín đồ và người dân ủng hộ, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, đồng thời chống lại những tổ chức và hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo tại địa phương và ở ngoài nước.

3.2. Khuyến nghị về nghiên cứu tư vấn chính sách

Nghiên cứu tư vấn các chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hội nhập của các tộc người thiểu số, nhất là các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên vào cộng đồng quốc gia Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, nhất là: (1) Mối quan hệ dân tộc và quan hệ tôn giáo ở trong vùng, trong nước và liên biên giới, xuyên quốc gia; (2) Vai trò của các dân tộc thiểu số và người Kinh đa số đối với sự ổn định, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên; (3) Ảnh hưởng của các động thái dân số, dân cư, đặc điểm cư trú, nhất là của lực lượng lao động người nước ngoài đến quan hệ giữa các dân tộc và sự ổn định, phát triển của Tây Nguyên.

Nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề dân tộc liên vùng và liên quốc gia ở nước ta nói chung và Tây Nguyên nói riêng; chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách vùng biên cương của các quốc gia láng giềng, trong khu vực và một số nước lớn trên thế giới…; qua đó đánh giá, dự báo chính xác những tác động của các vấn đề dân tộc và chính sách đó đối với sự ổn định, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Nghiên cứu tư vấn xây dựng chiến lược và các giải pháp phù hợp phòng chống những định kiến tộc người, tư tưởng tự trị ly khai và các hoạt động lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá nước ta của các thế lực thù địch. Trong đó cần chú ý đến các vấn đề sau:

Một là, tập trung nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống một số khái niệm, lý luận cơ bản của các học giả và tổ chức nước ngoài về vấn đề dân tộc, tôn giáo có thể bị lợi dụng vào mục đích chống phá nước ta, như: “Một quốc gia một dân tộc”, “Quyền tự quyết dân tộc”, “Chủ nghĩa dân tộc (tộc người) xuyên quốc gia”, “Chủ nghĩa giải lãnh thổ”, “Chủ nghĩa ly khai”, “Lãnh thổ tộc người và Biên giới quốc gia”, “Luận thuyết về nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “Quyền của người bản địa”, “Quyền của các tộc người thiểu số”,…

Hai là, nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp tăng cường chất lượng dự báo những vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên, nhất là các nội dung và luận điệu đã, đang và tiềm ẩn sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Trong đó tập trung vào ba nhóm nội dung chính là: (1) Vấn đề lịch sử vùng đất, lịch sử phát triển và quá trình hội nhập vào quốc gia Việt Nam của các tộc người thiểu số tại chỗ; (2) Một số mâu thuẫn, tranh chấp cục bộ đã kéo dài hoặc đang nảy sinh hay tiềm ẩn trong quan hệ giữa các tộc người, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với người Kinh đa số, giữa người dân các dân tộc với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trên địa bàn, giữa người dân với chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo; (3) Những tồn tại, hạn chế trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai, chính sách dân cư, chính sách xóa đói giảm nghèo; (4) Những hạn chế, yếu kém của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương trong công tác điều hành, quản lý.

Ba là, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá chính xác về các tổ chức đối lập của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là những tổ chức liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và những hình thức, nội dung mà các tổ chức này sử dụng để chống phá nước ta. Đồng thời, nghiên cứu nội dung và cách thức ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với những tổ chức và hoạt động của các tổ chức đối lập người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

——————————

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Quang Hoan (2015), Quan hệ tộc người và chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Nhà nước, Mã số TN3/X05, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Minh (2010), Một số vấn đề cơ bản của các dân tộc vùng Tây Nguyên hiện nay, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Minh (2017), “Về một số vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay và định hướng nghiên cứu, chính sách”, trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc gia năm 2016: Những vấn đề dân tộc và tộc người cơ bản, cấp bách ở nước ta hiện nay: Lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 25-65.
4. Nguyễn Văn Minh (2017), Những hiện tượng tôn giáo mới ở một số dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên hiện nay, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.

Theo VASS.GOV.VN

Tags: ,