Một số kiến thức đơn giản về nhạc cổ điển

Châu Âu hiện đại đã có đóng góp vô cùng lớn lao cho thế giới nghệ thuật âm nhạc qua việc sáng tạo ra các hình thức âm nhạc tuyệt vời cho nhạc cụ. Các nền văn minh khác có thể đã có những đóng góp về thi ca, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc và kiến trúc, song duy chỉ châu Âu mới là nơi đóng góp cho thế giới các thể loại như Sonata, Concerto, Giao hưởng, và các hình thức âm nhạc tuyệt vời cho nhạc cụ khác.

Một số kiến thức đơn giản về nhạc cổ điển

Nguồn: The invitation to music, by Elie Siegmeister, HARVEY HOUSE, INC., publishers, Irvington-on-Hudson, New York, 1966.

1. Suite ( Tổ khúc):

Suite là một trong những hình thức âm nhạc vĩ đại dành cho nhạc cụ có từ lâu đời nhất. Thời điểm ra đời của nó phải trở ngược lại tới thời điểm của dạng vũ nhạc (dance music) dân gian châu Âu cách đây hơn 300 năm. Các vũ khúc dân gian như minuet, gavotte, jig và hornpipe đã được những người nông dân sáng tạo nên và chơi rất lâu trước khi những con người ở thành thị được nghe chúng

Thế rồi, các vũ khúc này được đưa tới Vienna, Paris và các đô thị lớn khác – theo cách mà Rhumba, Mambo, và Cha Cha Cha đã được du nhập vào Hợp chúng quốc từ Mỹ la tin vậy. Dần dà, việc dàn nhạc kết hợp các giai điệu trong những vũ khúc thành một nhóm để chơi trở nên một thói quen. Nhóm giai điệu này, hay “suite” của các vũ khúc, sau này đã trở nên một hình thức âm nhạc giải trí phổ thông vào thế kỉ 16.

Sau này, các nhà soạn nhạc tài năng như Couperin, Purcell, Bach và Handel cùng một số người khác đã bị thu hút vào hình thức âm nhạc này, và tiếp nhận nó vào âm nhạc của mình. Họ đã phát triển hình thức ấy cho tới mức nó đạt tới độ phong nhiêu và sâu sắc như ngày nay. Bach và Handel còn viết các suites cho từng nhạc cụ riêng lẻ khác nhau, như cho Piano hay Cello, cũng như viết cho dàn nhạc. Mỗi khúc (movement) trong suites của Bach đều sở hữu vũ điệu khác nhau như bourrée, gavotte, polonais, v.v., Nhìn chung, mỗi suites cổ điển thường có từ 4-8 khúc.

Ngày nay, trong một suite không nhất thiết phải có vũ nhạc. Một suite hiện đại là một tập hợp các khúc nhạc đối lập nhau về tâm trạng, để nhờ đó, tạo ra sự kết nối bằng âm nhạc cho toàn bộ suite. Các suites thuộc thế kỷ 19 và 20 luôn kể một câu chuyện hay là sự tư duy về một đề tài nào đó, như tác phẩm Scheherazade của Rimsky-Korsakoff, Iberia của Debusy, và Sunday in Brooklyn của Elie Siegmeister. Một suite cũng có thể là một sự tái hòa âm phối khí để đem trình diễn trong một buổi hòa nhạc cho một bản nhạc từng được viết cho một vở Ballet, một vở kịch hay một bộ phim. Suite Nutcracker của Tchaikovsky, suite Peer Gynt của Grieg, hay suiteLieutenant Kijé của Prokofiev là các ví dụ cho trường hợp này.

Bach – Cello Suite No.2 i-Prelude:

http://www.youtube.com/watch?v=bWyrxAZCOhA

Claude Debussy – Iberia – I. Par les rues et par les chemins:

http://www.youtube.com/watch?v=LUwUCPb35SY

Grieg ‘Peer Gynt’ Suite No. 1, Op. 46 – ‘Morning’:

http://www.youtube.com/watch?v=qAMLCDnCLzs

2. Rondo

“Rondo” nguyên gốc là một điệu nhảy, mà ở đó mọi người nhảy vòng quanh theo một vòng tròn. Sau này nó trở thành một đoạn vũ nhạc ngắn được sử dụng trong hình thức suite. Cuối cùng nó được phát triển thành một trong những hình thức âm nhạc quan trọng nhất được các nhạc sĩ vĩ đại như Haydn, Beethoven, và một số người khác sử dụng. Hình thức của rondo cho phép nhạc sĩ lặp đi lặp lại một giai điệu vài lần mà không bị rơi vào sự đơn điệu

Trong hình thức rondo, mỗi khi chủ đề chính xuất hiện đều được kèm theo với một chủ đề tương phản. Và cứ thế, cứ thế, mỗi lần chủ đề chính ấy quay trở lại, thì một chủ đề tương phản mới lại xuất hiện theo.

Như vậy, nếu A được coi là đại diện cho chủ đề chính, và B,C,D là các chủ đề tương phản, đồ thức của hình thức rondo sẽ là A B, A C, A D, A. Hãy thử nghe bản rondo nổi tiếng Alla Turca của Mozart để thấy sự xuất hiện của các chủ đề chính và chủ đề tương phản tuân theo đồ thức trên ra sao.

Classical Mozart Sonate, Op. KV 331 Rondo Alla Turca (Mozart):

http://www.youtube.com/watch?v=tLK0ocDDp9A

3. Sonata

Nếu học đàn piano, violin, cello hay flute, kiểu gì cũng có lúc bạn sẽ được cho tập một dạng bố cục âm nhạc ấn tượng, và rất dài, gọi là “ sonata”. Đầu tiên, nghĩa đen của chữ sonata chỉ đơn giản là “âm thanh” (tiếng latin là sonara) song sau này sonata trở nên, như suite vậy, một bố cục âm nhạc cho một hay hai nhạc cụ kéo dài vài chương, thường là 3 hay 4 chương.

Chương đầu và là chương quan trọng nhất của bản sonate được gọi là “sonata form” . Đừng nhầm lẫn toàn bộ bản sonata với “sonata form”, chỉ là mẫu phác thảo (pattern) cho một hay nhiều chương của nó.

Một giai điệu, hay “chủ đề”, luôn mãnh liệt và mạnh mẽ sẽ được giới thiệu trong chương đầu tiên của bản sonata. Chủ đề tương phản thứ hai, luôn như một khúc ca ngọt ngào sẽ được xuất hiện tiếp sau. Có thể có nhiều hơn hai chủ đề trong một Sonata, và thường là sẽ có đến 4 hay 5 chủ đề, mỗi chủ đề hàm chứa một cá tính mạnh mẽ rất dễ thấy. Khi toàn bộ các chủ đề đều đã được xuất hiện , phần trình đề (exposition), như thường được gọi thế, sẽ kết thúc. Tiếp đến là phần phát triển, tức một phần phức tạp và thú vị. Trong phần phát triển này, các mảnh chủ đề được giới thiệu trước đó sẽ được đem trở lại, song nhìn chung luôn theo một hình thức được ngụy trang.Chính tại đây, nhà soạn nhạc sẽ cho thấy sức tưởng tượng và kĩ năng ứng xử với các chất liệu. Đôi khi, sự phát triển này có thể có kịch tính cao. Các chủ đề sẽ được tháo dỡ thành các mảnh lẻ; Chúng sẽ cắt ngang nhau, và do đó ở đây sẽ xuất hiện rất nhiều sự xung đột và sự bất ngờ. Vào cuối của phần phát triển này, đỉnh điểm kịch tính sẽ xuất hiện. Phần ba của chương sonata form này được gọi là phần kết đề (recapitulation). Một lần nữa, các chủ đề từng được giới thiệu ở trình đề sẽ lại xuất hiện, song có lẽ, trong nhiều dáng vẻ mờ ảo hơn. Kết đề cũng chính là phần kết cho chương đầu- sonata form-của một bản sonata.

Chương hai của một bản sonata luôn chậm rãi, như thể một khúc ca và có tính thổ lộ. Chương này có thể được xây dựng theo hình thức ba phần, hay hình thức rondo, và luôn được cấu trúc một cách ít phức tạp hơn chương đầu. Nếu bản sonata có 4 chương, chương 3 nhìn chung sẽ luôn là một điệu minuet hay scherzo đầy nhịp điệu và sống động, tức một chương kiểu vũ nhạc nhanh, có tính hài hước hay có sự thay đổi bất ngờ về tâm trạng

Chương cuối của bản sonata luôn luôn nhanh và phấn chấn. Nó có thể được xây dựng theo hình thức rondo hay sonata form.

Sonata là một hình thức âm nhạc dành cho nhạc cụ sở hữu những tác phẩm vĩ đại nhất từng viết cho các nhạc cụ độc lập. nếu chưa bao giờ nghe sonata, bạn nên gấp rút tìm nghe bản Piano Sonata in C Major ( K. 545) của Mozart, hay bản Sonata in A Major (K.331). Sonata Moonlight của Beethoven rất nổi tiếng, song có lẽ không sánh được với bản sonata Pathetique, opus 13 đầy bão tố của ông. Cũng như bản sonat Appasionata, opus 57, vĩ đại của ông. Sau khi đã nghe các sonatas tuyệt đẹp dành cho clarinet của Brahms, bạn cũng nên bắt đầu nghe một số sonats hiện đại viết cho violin hay flute của Milhaud, Hindenmith, Prokofiev hay Ives.

Hình thức sonata không bị hạn chế chỉ trong một hay hai nhạc cụ. Khi một bản sonata được viết cho 3 hay 4 người chơi, nó sẽ được gọi là một trio (tam tấu), quartet ( tứ tấu), quintet ( ngũ tấu) hay sextet ( lục tấu), và tên gọi của nó phụ thuộc vào số lượng nhạc cụ được sử dụng. Khi một bản sonata được viết cho cả một dàn nhạc lớn, nó sẽ được gọi là một bản giao hưởng (a symphony)

Piano Sonata in C Major ( K. 545), Mozart:

Brahms Clarinet Sonata No. 2:

Lưu ý: Các phần minh họa trên đều chỉ là chương 1 ( sonata form), các bạn tự tìm nghe các chương sau trên Youtube.

4. Các hình thức âm nhạc thính phòng

Trong các lâu đài của giới quý tộc Áo và Đức, vào khoảng hai trăm năm mươi năm trước đây, có một tập quán trong đó những người phục vụ cũng là những người biểu diễn nhạc cụ. Những đầu bếp, người làm vườn, và đánh xe ngựa, cùng với việc chơi độc tấu hay song tấu để phục vụ ông chủ, đôi khi cũng biểu diễn các tác phẩm tam tấu, tứ tấu, và ngũ tấu. Sự kết hợp phổ biến nhất là bao gồm hai vilolins, một viola, và một cello –tức điều mà chúng ta sẽ gọi là tứ tấu.

Dạng âm nhạc được chơi trong gia đình của giới quý tộc, hay các phòng nghe nhạc nhỏ được gọi là “âm nhạc thính phòng” (chamber music). Các bản tứ tấu đầu tiên, được viết nhằm mục đích giải trí nhẹ nhàng, đều rất thanh nhã và đẹp đẽ. Được nghe trong một khan phòng nhỏ, thế nên âm nhạc cần phải tinh tế và có tính xinh khéo. Sau này các bậc thầy của âm nhạc thính phòng như Mozart, Haydn, và Beethoven đã biến tứ tấu thành một hình thức âm nhạc đầy tính biểu lộ, phức tạp và nghiêm túc. 17 bản tứ tấu của Beethoven đã thể hiện một số trong những khía cạnh âm nhạc riêng tư và gây xúc động sâu xa nhất của ông. Shubert, Brahms, Bartók, và Shostakovich cũng từng viết những tác phẩm hoàn hảo nhất của họ trong hình thức tứ tấu.

Âm nhạc thính phòng là một dạng nghệ thuật có tính tâm tình (intimate) và tinh tế. Khác với âm nhạc giao hưởng, tức dạng âm nhạc luôn tạo ra hiệu ứng nhờ vào các sự tương phản lớn lao, âm nhạc thính phòng quyến rũ chúng ta nhờ vào các cách xử lí khéo léo tinh tế. Chính bởi tính tinh khéo đó, dạng âm nhạc này đòi hỏi phải được nghe đi nghe lại nhiều lần. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu cảm được nó, âm nhạc thính phòng chắc chắn sẽ trở nên dạng âm nhạc yêu thích nhất của bạn

String Quartet Op. 18 No.1 1st mvt, Beethoven:

String Quartet No. 4 – Mov. 5/5, Bartók:

5. Giao hưởng

Giao hưởng là hình thức âm nhạc hiện đại nhất. Chính ở hình thức giao hưởng, rất nhiều nhà soạn nhạc lớn trong hơn hai thế kỉ vừa qua đã biểu lộ các tư tưởng và cảm xúc sâu sắc nhất của họ. Một bản giao hưởng cũng giống như một vở kịch lớn vậy- nó có độ rộng dài và sự tiếp nối giữa các chương. Hơn là một dạng âm nhạc chỉ làm thỏa mãn đôi tai người nghe, hình thức nhạc giao hưởng còn mang chở các suy tư, bình luận của nhà soạn nhạc về toàn bộ đời sống, trình bày ra viễn kiến của anh ta về thế giới

Vào giai đoạn khởi đầu của hình thức này, khoảng 1750, giao hưởng chỉ là một tác phẩm ngắn, được viết cho một nhóm nhạc công nhỏ trình diễn trong một khán phòng nơi lâu đài của nhà quý tộc. Vào thời đó, trong một khán phòng nhỏ, chỉ một nhóm với khoảng 18 đến 20 đã được coi là một dàn nhạc thính phòng rất lớn rồi.

Rất nhiều bản giao hưởng đẹp đẽ của Haydn hay Mozart đã đều được viết cho một dàn nhạc với kích cỡ nhỏ như vậy. Chúng phản ánh sự thanh nhã và vẻ yêu kiều phù hợp với các khán phòng nhỏ.

Tuy nhiên, đến thời của Beethoven, khi âm nhạc đã bắt đầu luôn được đưa ra trình diễn tại các buổi hòa nhạc lớn, dàn nhạc cũng bắt đầu tăng cả về số lượng người chơi lẫn sự đa dạng về nhạc cụ. Các nhạc cụ mới đã được đưa vào, và thế rồi, hình thức âm nhạc giao hưởng bắt đầu đạt tới quyền lực tối cao của nó.

Dĩ nhiên là không phải bản giao hưởng nào cũng kịch tính và mạnh mẽ. Có rất nhiều dạng giao hưởng khác nhau. Một số thì nhẹ nhàng và du dương, như bản giao hưởng Haffner của Mozart và bản giao hưởng Surprise của Haydn. Một số thì có chất hài hước, như bản giao hưởng cổ điển (Classical Symphony) của Prokofiev. Bản giao hưởng Pastorale của Beethoven lại rất nhẹ nhõm, tỏa ra không khí thi vị đồng quê. Thậm chí còn có những bản giao hưởng sử dụng các motives của nhạc Jazz, như bản giao hưởng Dance của Aaron Copland.

Tuy nhiên, những bản giao hưởng ấn tượng nhất chính là những bản giao hưởng mà ở đó biểu lộ được thân phận của con người, tức biểu lộ được nỗ lực lớn lao của họ trong cuộc đấu chống lại định mệnh. Ví dụ của các bản giao hưởng này bao gồm bản giao hưởng chưa hoàn tất (unfinished symphony) của Schubert, giao hưởng số 6 của Tchaikovsky, giao hưởng số 1 của Brhams, giao hưởng số 5 của Prokofiev, hay giao hưởng số 10 của Shostakovich.

Song, phải nói rằng, nhạc sĩ duy nhất, và có lẽ vẫn là vĩ đại nhất đã đưa được vào hình thức âm nhạc giao hưởng các vấn đề triết học và thân phận con người chính là Beethoven. Bản giao hưởng số 5 của ông, cho tới nay, vẫn là một trong những minh họa vĩ đại nhất bằng âm nhạc về cuộc đấu tranh của con người chống lại định mệnh.

Bản giao hưởng số 3 của ông, Eroica (anh hùng), lại trình bày ra niềm vinh quang và bi kịch luôn ẩn chứa trong số phận của những con người vĩ đại. Tuy nhiên, có lẽ bản giao hưởng kịch tính nhất trong 9 bản giao hưởng của ông phải là bản giao hưởng số 9

Trong toàn bộ ba chương đầu của tác phẩm tuyệt vời này, Beethoven đã dựng nên cả một không gian cảm xúc đầy bi kịch song cao quý. Để giúp bản giao hưởng đạt tới đỉnh điểm cao trào, Beethoven đã không chỉ sử dụng các nhạc cụ, mà còn đưa vào đó một giàn hợp xướng cỡ lớn (và đây chính là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu của ông) hát vang lên lời thơ của bản “Ode of Joy” (tụng ca niềm vui) của Schiller. Bản giao hưởng số 9 này, tức một tác phẩm mang chứa sức mạnh kịch tính vĩ đại nhất, đã thông dịch toàn bộ các trải nghiệm của con người vào âm nhạc. Vì lý do đó, không phải không có lý khi rất nhiều người đã coi Beethoven chính là một Shakespeare của âm nhạc.

Các nhà soạn nhạc của thế kỷ 19 như Berlioz, Schuber, Mendelssohn, Tchaikovsky hay Dvorak lại là những người làm cho hình thức âm nhạc giao hưởng trở nên nhiều mầu sắc và có tính miêu tả hơn. 4 bản giao hưởng đồ sộ của Bhrams đã kết hợp được sức mạnh của một Beethoven với sự ấm áp và không khí tâm tình của một nhà lãng mạn.

Trong số các nhà soạn nhạc hiện đại, Prokofiev, Shostakovich và Vaughan-William cũng đã sáng tác những bản giao hưởng tuyệt vời.

(nói về giao hưởng hiện đại, các bạn cũng nên thử tìm nghe các bản giao hưởng của Gustav Mahler-ND)

Symphony n.5, Beethoven, mvt 1. Chỉ huy, Artuso Toscanini (bố vợ Horowitz):

Symphony No. 10: Adagio – Part 1 of 3, Gustav Mahler, chỉ huy Leonard Bernstein:

6. Concerto

Concerto là một trong những hình thức lớn của âm nhạc mà ở đó, một nhạc công sẽ độc tấu cùng toàn bộ dàn nhạc. Âm nhạc của một bản concerto luôn sáng chói và kịch tính qua đó tạo cho người trình tấu cơ hội phát lộ vô số các sắc thái biểu cảm mà nhạc cụ độc tấu có thể đạt tới. Một vài concertos chỉ có tính hào nhoáng, và chỉ như thể công cụ giúp nhà độc tấu khoe tài chứ không phải là một bản nhạc có cấu trúc chặt chẽ. Tuy nhiên, rất nhiều tác phẩm concerto- mà nổi tiếng nhất là của Bach, Mozart, Beethoven, Brahms, Prokofiev, và Bartók – đều sở hữu các bố cục xuất sắc ( rất lạ là tại sao tác giả này lại không đưa vào đây các concerto cho piano của Rachmaninoff Tchaikovsky và nhất là Chopin nhỉ? –ND)

Bắt đầu bản concerto, toàn dàn nhạc luôn sẽ báo hiệu chủ đề. Cho tới thời điểm nhạc cụ độc tấu xuất hiện, dàn nhạc sẽ lùi vào nền phông để nâng đỡ cho phần độc tấu đó. Sự luân phiên tiến ra ngoài mặt tiền, khi thì của dàn nhạc, khi thì của nhạc cụ độc tấu sẽ giúp mở ra vô số các phối trí âm nhạc khác nhau, và đây chính là một đặc trưng quan trọng của hình thức concerto

Một bản concerto luôn có ít nhất một “cadenza”, hay một phần mà ở đó toàn bộ dàn nhạc sẽ im lặng để cho nhà độc tấu phô diễn tài năng một mình với nhạc cụ độc tấu. Vào thời trước, đây chính là phần mà ở đó người ta sẽ chờ đợi nhà độc tấu ngẫu hứng tạo nên một đoạn độc tấu độc đáo dựa trên chủ đề của bản concerto. Ngày nay các cadenzas không còn có tính ngẫu hứng nữa bởi chúng đều được viết ngay từ đầu. Tuy thế, các phần cadenzas vẫn luôn tạo cho nhà độc tấu cơ hội phô diễn tài năng âm nhạc và trình độ làm chủ nhạc cụ của mình.

Violin và piano thường là nhạc cụ độc tấu luôn được sử dụng trong các bản concerto. Tuy nhiên ta cũng có thể nghe các concerto cho cello, cho flute, cho clarinet, và thậm chí, đôi khi, cho các nhạc cụ như đàn harp ( hạc cầm) , horn ( kèn co) , kèn trumpet, kèn trombon hay bassoon ( kèn pha-gốt) . Nhà soạn nhạc Pháp, Debussy, từng viết thậm chí cả một bố cục concerto cho dàn nhạc và kèn saxophone. Một nhà soạn nhạc Pháp khác, Darius Milhaud, lại sáng tác một concerto cho bộ gõ, còn nhà soạn nhạc Mỹ Paul Creston, thì sáng tác một concerto cho marimba (mộc cầm)

Chopin Piano Concerto No.1 1st mov (1) by Rubinstein:

Rachmaninoff 3rd Concerto, by Horowitz:

7. Program music: (âm nhạc chương trình)

Âm nhạc chương trình không phải là một hình thức âm nhạc như Sonata hay concerto, mà là một kiểu âm nhạc nhằm kể chuyện. Dạng âm nhạc có tính miêu tả này có lẽ sẽ gợi ra, hay mô phỏng các âm thanh như các trận chiến, tiếng gió bão, tiếng kêu của thú vật, hay tiếng chim hót.

Kể một câu chuyện nhờ vào nhạc cụ không phải là điều gì mới mẻ như có người nghĩ thế. Trên hai ngàn năm trước, vào thời Hy lạp cổ đại, một nhạc sĩ đã viết một tác phẩm tìm cách miêu tả bằng âm nhạc về trận chiến giữa Apollo và Marsyas. Vào thời Shakespeare, William Byrd cũng đã sáng tác một tác phẩm cho đàn spinet (đàn clavico nhỏ- một trong những hình thức cổ xưa của đàn piano ngày nay) miêu tả cuộc đi săn của nhà vua, và trong thế kỷ 18 nhà soạn nhạc Đức Kuhnaus cũng đã viết tác phẩm về trận đấu giữa David và Goliath

Rất gần đây, các nhà soạn nhạc như Berlioz, Liszt, Rimsky-Korsakoff và Richard Strauss đều đã viết nhiều tác phẩm theo hình thức âm nhạc chương trình cho dàn nhạc giao hưởng. các bố cục âm nhạc này đều sở hữu tính miêu tả cao và đầy mầu sắc. Trong số các bản nhạc chương trình phổ biến nhất phải kể tới giao hưởng Fantastic của Berlioz, Sheherazade của Rimsky-Korsakoff, và Till Eulenspiegel’s Merry của Strauss. Bởi người nghe có thể, thong qua sự miêu tả của nhạc cụ, tưởng tượng ra một câu chuyện , rất nhiều người đã thích thú và dễ dàng bị thu hút vào dạng hình thức âm nhạc này.

Trong vài thập kỷ vừa qua, âm nhạc chương trình đã ít được nghe. Nhiều người thấy ý tưởng của việc kể chuyện bằng âm nhạc là quá đơn sơ, và do đó, nhiều nhà soạn nhạc hiện nay đã ngưng sáng tác hình thức âm nhạc này.

The Fight between David und Goliath – Part 1, by Johann Kuhnau:

Vai trò của nhạc trưởng

Đôi khi, các nhạc công trong dàn nhạc đặt ra câu hỏi về vai trò của nhạc trưởng. Thái độ này đôi lúc có thể hiểu được, nhưng hiếm khi được coi là hợp lý. Thật ra, nếu có thể được, dàn nhạc đã sa thải nhạc trưởng từ lâu. Sự thật là buổi trình tấu sẽ lập tức sụp đổ nếu không có một người chỉ huy với một cây gậy chỉ huy nhảy múa trên tay

Các cử động nơi cánh tay của vị nhạc trưởng chỉ là một phần rất nhỏ trong công việc của ông. Việc quan trọng hơn hẳn các cử động ấy lại nằm ở sự hoạt động nơi trí tuệ của ông. Một nhạc trưởng có trách nhiệm hiểu các tổng phổ và tạo ra sự quân bằng chính xác cho các âm thanh của, có lẽ phải hàng trăm nhạc cụ đang chơi cùng một lúc.

Nhưng đây cũng chưa phải là toàn bộ những gì nhạc trưởng phải làm. Ông còn phải hướng dẫn từng nhạc công, chỉ rõ sắc thái của một đoạn nhạc, chất lượng và âm lượng của mỗi nốt nhạc mà từng nhạc cụ ấy phải tạo ra sao cho hòa hợp được với các âm thanh khác. Một nhạc trưởng không đơn thuần chỉ là một nhạc sĩ giỏi, ông còn phải là một người trình diễn, cũng như một nhà tâm lý. Ông phải khêu dụ được các phẩm chất tốt nhất của mỗi nhạc công để cuối cùng đạt tới được sự chính xác và tinh tế tuyệt vời nhất cho công cụ tạo ra nghệ thuật của mình: dàn nhạc giao hưởng

Xem một buổi tập của nhạc trưởng Herbert Von Karajan với dàn nhạc giao hưởng Wiena (bản giao hưởng số 4 của Shumann) (phụ đề Anh ngữ) [đây là phần 1, các bạn tìm các phần còn lại trên youtube]:

Theo NGUYỄN NHƯ HUY

Tags: ,