Một cái nhìn về vấn đề bản tính con người trong triết học Trung Hoa cổ đại

Những yêu cầu bức xúc của xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc và thuyết tiên nghiệm là hai lý do chính tạo ra sự quan tâm của các triết gia, trường phái tư tưởng ở Trung Quốc thời kỳ cổ đại về vấn đề bản tính con người.  

Bài viết của tác giả Doãn Chính (Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Phạm Đình Đạt (Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực I. 

Là một trong những chiếc nôi của nền triết học nhân loại, ngay vào thời cổ đại, triết học Trung Quốc đã quan tâm nghiên cứu nhiều vấn đề có tính chất căn bản và sâu sắc của triết học, như vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, vấn đề biến dịch của vũ trụ vạn vật, vấn đề chính trị – đạo đức và đặc biệt là vấn đề bản tính con người. Có thể nói, vấn đề bản tính con người là một trong những vấn đề cơ bản, xuyên suốt lịch sử triết học Trung Quốc. Xung quanh vấn đề này, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau được nảy sinh, phát triển và đương thời, đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận khá sôi nổi. Theo học giả Phùng Hữu Lan: “Vấn đề tìm hiểu bản tính con người là thiện hay ác – nghĩa là vấn đề về bản tính của con người là một trong những vấn đề được bàn cãi nhiều nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc”(1).

Vậy tại sao vấn đề bản tính con người lại được các triết gia, trường phái triết học Trung Quốc thời cổ đại đặc biệt quan tâm, nghiên cứu? Điều đó chắc chắn không phải là ngẫu nhiên và càng không phải do ý muốn chủ quan của các triết gia hay vua chúa đương thời, mà là một tất yếu lịch sử khách quan. Trước hết , do thực trạng xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc tác động, yêu cầu, đòi hỏi. Đây là thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Thời kỳ xã hội trải qua những biến đổi to lớn, sâu sắc và toàn diện; về kinh tế đang diễn ra sự chuyển mình từ hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ suy tàn sang hình thái kinh tế – xã hội phong kiến tập quyền; về chính trị thì rất rối ren, các cuộc chiến tranh tranh giành quyền lực, đất đai giữa các chư hầu diễn ra liên miên và ngày càng khốc liệt; đạo đức xã hội suy đồi, nhân luân băng hoại, trật tự kỷ cương xã hội đảo lộn… Thực tiễn xã hội đã đặt ra cho các triết gia, các bậc tài sĩ  đương thời nhiều trọng trách hết sức to lớn và cấp thiết là phải làm thế nào để cho xã hội ổn định, triều chính vững vàng; sinh mệnh con người được bảo đảm; kinh tế không ngừng phát triển; kỷ cương lễ nghĩa tôn nghiêm… Nhằm đáp ứng những yêu cầu đó, không một triết gia, trường phái triết học nào không quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu bản tính con người để đề ra những biện pháp, cách thức, đối sách giáo hoá con người, cải biến xã hội. Do vậy, cùng với các vấn đề khác của triết học, vấn đề bản tính con người tất yếu trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của triết học Trung Quốc cổ đại.

Thứ hai, vấn đề bản tính con người trong triết học Trung Quốc còn kế thừa từ những quan điểm về nguồn gốc, bản tính con người trong các kinh sách cổ, trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Trung Hoa. Ngay vào thời cổ đại, dù còn tính chất phác ngây thơ và mang đậm dấu ấn tín ngưỡng và tôn giáo nhưng các nhà tư tưởng Trung Quốc luôn trăn trở, tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Con người và vạn vật sinh ra từ đâu? Bản tính con người là gì? Cái gì chi phối, quyết định bản tính con người? Trả lời cho những câu hỏi này, trong triết học Trung Quốc cổ đại, đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau và một trong những học thuyết nổi bật, chi phối đời sống tinh thần xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ là thuyết “Thiên mệnh”. Theo thuyết “Thiên mệnh”, mọi sự biến hóa của vạn vật trong tự nhiên và đời sống xã hội cùng số phận và bản tính con người đều do ý chí của Trời hay Thượng đế chi phối, định đoạt. Từ “Thiên mệnh luận”, trong tư tưởng triết học Trung Quốc cổ đại đã hình thành nên “học thuyết tiên nghiệm” về bản tính con người; cho rằng bản tính con người do Trời hay Thượng đế phú cho, là cái mà con người sinh ra đã có. Kinh Thư viết: “Nhân dân do trời sinh ra đã có vật dục, không người chủ trương thì loạn. Trời sinh ra người thông minh để dẹp loạn”(2). Tuy bản tính con người là cái vốn có do trời sinh, nhưng nó không nhất thành bất biến, có thể bị thay đổi. Ngay cả bản tính tốt của con người như lương thiện, trung hậu cũng bị lu mờ, tà vạy bởi lòng ham muốn, dục vọng của con người. Kinh thư viết: “Dân sinh ra, tính vẫn trung hậu, nhân vì vật dục có khi thay đổi”(3).

Không chỉ có bản tính, tư chất con người như lương thiện, trung hậu, thông minh, sáng suốt bị tà vạy do lòng ham muốn “vật dục”, không biết giữ gìn nuôi dưỡng, mà cả tính an tĩnh trời phú cho con người cũng bị biến đổi do hoàn cảnh. Kinh Lễ viết: “Người ta sinh ra thích an tĩnh, đó là tính trời vậy. Nhưng rồi cảm ứng với vật mà động, đó là ham muốn của tính vậy”(4). Tiếp tục quan điểm tiên nghiệm luận về bản tính con người, sách Trung Dung viết: “Cái đạo ngũ luân ấy có người sinh ra đã biết, có người học tập rồi mới biết, có người khổ công học mới biết”.

Như vậy, cùng với những yêu cầu bức xúc của thời Xuân thu – Chiến quốc, thuyết tiên nghiệm là một trong những lý do, tiền đề lý luận giải thích tại sao thời kỳ Trung Quốc cổ đại vấn đề bản tính con người lại được các triết gia, các trường phái tư tưởng tập trung tìm hiểu.

Không khí tranh luận sôi nổi giữa các triết gia, trường phái tư tưởng về bản tính con người đã hình thành và phát triển nhiều quan điểm với những nội dung khá phong phú và đặc sắc, vừa có điểm tương đồng, vừa có điểm khác biệt. Để tìm hiểu vấn đề này, trước hết, chúng ta cần phải làm rõ một số phạm trù cơ bản, nền tảng trong học thuyết nhân tính  của triết học Trung Hoa, như tính, tâm, tình.

Trong hệ thống phạm trù triết học Trung Quốc cổ đại, tính có một quá trình nảy sinh, hình thành, phát triển rất phong phú và sinh động; song tựu trung lại, có thể nói, tính được coi là phẩm chất vốn có của con người sinh ra đã có. Theo cách hiểu hiện đại ngày nay, tính là phẩm chất đạo đức, ý thức tư tưởng của con người. Đặc biệt, phạm trù tính còn có liên quan mật thiết với phạm trù tâm và phạm trù tình. Vậy tâm là gì? Trong triết học Trung Quốc cổ đại, tâm bao hàm hai nghĩa chính. Thứ nhất, tâm là chủ thể của nhân tính; thứ hai, tâm là bản thể của vũ trụ. Cuốn Mạnh Tử, Tận tâm thượng, tiết 1, viết: “Tận kỳ tâm giả, chi kỳ tính dã. Tri kỳ tính, tắc tri thiên  hỹ”. Tâm là trái tim, tấm lòng, là khí quan của tư duy, biểu hiện của trạng thái tâm lý, hoạt động tâm lý của con người như tư tưởng, tình cảm, ý chí, dục vọng… Ngoài phạm trù tínhtâm, tình cũng là phạm trù có quan hệ mật thiết với vấn đề bản tính con người. Theo đó, tình được hiểu là thái độ, cảm xúc của con người biểu hiện ra khi đem tâm tính tiếp xúc, ứng xử với người và vật. Trong triết học Trung Quốc, tình gồm có bảy loại: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (vui mừng, giận dữ, bi ai, lo lắng, yêu thương, thù ghét, mong muốn).

Nội dung của ba phạm trù tínhtâmtình đã phản ánh rõ mối liên hệ lôgíc nội tại giữa chúng và từ đó, biểu hiện rõ bản tính con người. Trong đó, nếu tâm là chủ tể của tính, là cái bên trong, sâu sắc thì tính là cái biểu hiện, cái bên ngoài của tâmTâm là thể (bản chất), tính là dụng (hiện tượng). Do đó, trong tiếng Hán, chữ tính được viết bao gồm có bộ “tâm đứng” và chữ sinh; nghĩa là tính là cái sinh ra đã có ở tâm. Vì vậy, tâm nào thì tính đó; tính nào biểu hiện tâm đó. Khi tâm, tính của con người tiếp xúc, ứng xử với người và vật và được biểu lộ thông qua những thái độ, tình cảm thì được gọi là tình. Như vậy, tâm bao gồm cả tínhtình. Đúng như Chu Hy, đời Tống, trong Ngữ loại, quyển 5 đã nói: “Tâm thống tính tình”, nên đối với tínhtình thì tâm là chủ thể: “Tâm là chủ thể của tính và tình” (Tâm giả, tính tình chi chủ). Điều đó nói lên rằng, tínhtâmtình là những phạm trù thuộc về lĩnh vực tinh thần, tình cảm, đạo đức của con người.

Tìm hiểu bản tính con người trong triết học Trung Quốc cổ đại, chúng ta thấy có rất nhiều quan điểm, tư tưởng phong phú, đa dạng và sâu sắc, giữa chúng vừa có sự đồng nhất, vừa có sự khác biệt.

Về sự đồng nhấtthứ nhất, có thể thấy, tất cả các nhà tư tưởng, các trường phái triết học Trung Quốc thời cổ đại đều cho rằng bản tính con người là do trời phú, sinh ra đã có ở mỗi con người. Cuốn Trung Dung, một trong những tác phẩm mang tính chất kinh điển của triết học Trung Quốc cổ đại đã viết: “Mệnh trời gọi là tính. Noi theo tính gọi là đạo. Tu theo đạo gọi là giáo” (Thiên mệnh chi vị tính. Suất tính chi vi đạo. Tu đạo chi vị giáo)(6). Điều đó cho thấy, tính được coi là có nguồn gốc từ trời, do trời phú cho con người. Tính được hiểu là cái bẩm sinh, cái nguyên sơ mà con người có được từ trời. Theo Cáo Tử: “Cái sinh ra vốn thế gọi là tính” (Sinh chi vị tính)(7). Cùng chung quan điểm của Cáo Tử, Tuân Tử luận giải tiếp về tính: “Sinh ra vốn thế gọi là tính”(8) và “Tính là cái tự nhiên trời sinh ra”(9). Còn Trang Tử cũng khẳng định: “Tính là chất của sinh” (Tính giả, sinh chi chất dã)(10). Đây chính là quan điểm coi tính là bản chất tự nhiên nội tại của con người sinh ra đã có. Không chỉ riêng Cáo Tử, Tuân Tử hay Trang Tử quan niệm bản tính con người là do trời sinh, mà đến Hàn Phi cũng vậy. Ông cho rằng tính là “Thiên tính” của con người. Nó là bản tính vốn có trời phú cho con người. Đặc trưng của “Thiên tính” là không học mà có khả năng, không dạy mà biết, là bản tính tự nhiên. Hàn Phi Tử nói: “Khôn ngoan là bản tính tự nhiên mà sống lâu là số mệnh. Bản tính tự nhiên và số mệnh không phải là những cái có thể học được ở người khác”(11).

Thứ hai, tuy khẳng định bản tính con người là do trời sinh (Thiên tính), nhưng các triết gia Trung Quốc không tuyệt đối hóa, không xem nó là cái bất biến. Họ đều thừa nhận bản tính con người là cái có thể biến đổi, cải hóa được để con người đạt đến sự hoàn thiện nhất, cao nhất của các bậc “thượng trí”, “chân nhân”, “thánh nhân”, “hiền nhân”. Chính Khổng Tử, người đặt nền móng cho học thuyết Nho gia, đã viết: “Tính con người ta thì gần nhau, nhưng do tập nhiễm xã hội mà xa nhau” (tính tương cận, tập tương viễn)(12).

Tiếp tục tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử cũng cho rằng bản tính con người sinh ra ai cũng thiện như ai, vì ai cũng được bẩm thụ một lý, một khí, một tâm trời phú cho như nhau. Nhưng tại sao trong xã hội lại có người thiện, kẻ ác, người thông minh, kẻ ngu dốt? Theo Mạnh Tử, đó là do việc giữ gìn tâm tính ở mỗi người không giống nhau và bị hoàn cảnh tác động làm biến đổi đi mà thôi, nếu ai cũng tu dưỡng lương tâm, hành động theo đạo lý thì không ai hơn ai cả. Mạnh Tử nói: “Người quân tử sở dĩ khác với mọi người là biết giữ lòng mình. Người quân tử dùng nhân và lễ mà giữ lòng mình”(13). Như vậy, bản tính con người tuy do trời phú, nhưng có thể thay đổi. Sự đổi thay đó không chỉ do con người mà còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sống chi phối, tác động. Ông viết: “Trong những năm dư giả, hạng con em nhờ no đủ mà nhiều người trở nên tử tế; trong những năm túng ngặt, hạng con em bị đói khó mà nhiều kẻ trở nên hung bạo. Chẳng phải tại Trời phó cho họ tài chất, tình ý khác nhau. Mà vì hoàn cảnh nguy khó nhận chìm cái lương tâm thiện của họ, cho nên mới như thế”(14).

Đến Tuân Tử, nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Hoa vào cuối thời Chiến quốc, khi luận bàn về tính, cũng viết: “Tính là cái ta không thể làm ra, nhưng mà có thể cải hóa”(15). Từ đó, Tuân Tử kêu gọi mọi người nỗ lực học tập rèn luyện nhằm gạt bỏ cái ác chung của con người để hướng đến cái thiện. Theo ông, con người phải tự tu dưỡng, học tập đến khi “Mắt không muốn nhìn những gì không hợp chính đạo, tai không muốn nghe những gì không hợp chính đạo, miệng không muốn nói những gì không hợp chính đạo, tâm không muốn nghĩ những gì không hợp chính đạo. Đến cả những cái người đời ưa thích: mắt ưa thích ngũ sắc, tai ưa thích ngũ thanh, miệng ưa thích ngũ vị, tâm ưa thích cả thiên hạ, cũng chẳng làm cho mình động lòng”(16).

Thứ ba, quan điểm về bản tính con người của các triết gia, trường phái tư tưởng Trung Quốc thời cổ đại luôn gắn liền với vấn đề chính trị – xã hội.

Có thể nói, vấn đề ổn định chính trị – xã hội vừa là động lực mạnh nhất, vừa là mục đích tối cao của việc nghiên cứu bản tính người của các triết gia. Đó cũng là mẫu số chung, tiếng nói chung, điểm tương đồng trong tính đa dạng muôn vẻ của quan điểm về bản tính con người giữa họ. Vì vậy, khi nghiên cứu bản tính con người, đối với với Nho gia là nhằm giáo hóa, giáo dưỡng đạo đức, tài năng con người bằng nhânnghĩalễtrítrung dung, trung thứ để thực hiện chủ trương chính trị là “nhân trị”, “đức trị”; thì Mặc gia lại muốn ổn định đời sống chính trị bằng chủ trương “kiêm ái”, “thượng đồng”. Nếu Đạo gia coi chính trị, pháp luật, đạo đức nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… là trái với lẽ tự nhiên, xa rời yêu cầu của Đạo, làm tổn hại đến bản tính tự nhiên thuần phác của con người, nên chủ trương “vô vi” (vô vi nhi trị) là cách ổn định chính trị – xã hội tốt nhất; thì Pháp gia lại dùng pháp luật, thưởng phạt nghiêm minh là phép trị nước, khắc chế những rối ren phức tạp của đời sống chính trị – xã hội đương thời. Thực chất của việc nghiên cứu bản tính con người của các triết gia, trường phái là nhằm hoàn thiện, xây dựng mẫu người có đủ khả năng đưa đời sống chính trị – xã hội vào trật tự kỷ cương, nền nếp theo ý đồ của giai cấp mình. Đề cập đến vấn đề này, tác giả Nguyễn Tài Thư đã viết: “Vấn đề con người trong các học thuyết cổ đại Trung Quốc thực chất là vấn đề khả năng hoạt động chính trị xã hội và phẩm chất chính trị xã hội của con người thống trị. Lý luận về vấn đề đó là những quan niệm làm sao cho kẻ thống trị giành được chính quyền và giữ được chính quyền, sao cho xã hội được yên ổn và mọi người trong đó được sống thư thả theo khuôn khổ của họ”(17).

Trong các quan điểm về bản tính con người của các nhà triết học, các trường phái tư tưởng Trung Quốc thời cổ đại, bên cạnh những điểm tương đồng còn bao hàm những điểm khác biệt. Điều đó phản ánh  tính muôn vẻ, đa dạng, phong phú của triết học Trung Quốc cổ đại trong việc tìm hiểu, luận giải bản tính con người. Đồng thời cũng nói lên tính phức tạp và sống động của xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc.

Những sự khác biệt đó là, thứ nhất, mỗi triết gia, trường phái tư tưởng có những  quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau về bản tính con người.

Trước hết là Khổng Tử, ông đã từng nói: “Con  người ta sinh ra, bản  tính vốn ngay thật. Nếu họ tà khúc mà sống được, là nhờ may mắn đó thôi” (Nhân chi sinh dã trực. Võng chi sinh dã, hạnh nhi miễn)(18). Theo Khổng Tử, bản tính con người là ngay thẳng, không thiên lệch, là trung dung, trung thứ, là thành thực với mình và đem lòng thành thực ứng xử với người, là điều hòa không thái quá… Đó chính là “đạo”, là “thiên lý”, “nhân”, là chí thiện, chí mỹ vậy. Do đó, tuy Khổng Tử không trực tiếp nói rõ bản tính con người là thiện như Mạnh Tử; song đằng sau triết lý sâu xa của ông, có thể thấy, ông đề cao bản tính tốt đẹp, thiện của con người. Ông xây dựng một mẫu người lý tưởng cho xã hội – đó là các bậc thánh nhân quân tử có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, hiếu, kính đễ… vui với đạo, nghe theo đạo, đạt đạo. Ông phê phán những kẻ bất nhân, bất trung, bất hiếu, không giảng dạy dũng, lực, loạn, thần. Đó cũng là lý do giải thích tại sao học thuyết của ông đã được đưa lên hàng quốc giáo và ngự trị hầu như hàng đầu suốt hai ngàn năm lịch sử phong kiến của một đất nước có nền văn minh vào bậc nhất thế giới như Trung Quốc. Hơn một thế kỷ sau khi ông qua đời, Mạnh Tử đã kế thừa, phát triển, đưa ra quan điểm bản tính con người là thiện. Theo Mạnh Tử, tính thiện là cái tiên thiên, do trời phú chứ không phải do con người lựa chọn. Đã là con người thì ai cũng có tính thiện, tính thiện tự nhiên nằm sẵn trong con người. Ông viết: “Cái bản tính của người ta vốn thiện, cũng như cái bản tính của nước là chảy xuống vậy. Không một người nào sinh ra tự nhiên bất thiện, cũng như thế, không một thứ nước nào mà không chảy xuống thấp (Nhân tính chi thiện dã, du thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất hạ)(19).

Tuy quan niệm tính thiện của Mạnh Tử là duy tâm, nhưng có thể nói, ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa khẳng định bản tính con người là tốt. Bản tính tốt tự nhiên của con người, theo ông, được biểu hiện cụ thể  trong  xã  hội  là những đức tính nhân, lễ, nghĩa, trí. Thực chất của những tính này là đạo đức của giai cấp phong kiến. Như vậy, chính ông là người đã góp phần thuyết minh đắc lực cho trật tự phong kiến.

Đối lập với Mạnh Tử, Tuân Tử khẳng định bản tính con người là ác. Theo Tuân Tử, cái tham lam, ích kỷ; cái gian ác, đố kỵ; cái dâm loạn là thuộc về bản năng vốn có của con người. Trong thiên Tính ác luận, ông viết: “Tính của người ta vốn ác, nó mà hóa thiện được là do công của người ta. Tính con người sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà từ nhượng không có, sinh ra đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc mà lòng trung tín không có, sinh ra là có lòng ham muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa văn lý không có”(20). Nhận xét về quan điểm này của Tuân Tử, trong Khổng học đăng, Phan Bội Châu đã tỏ ra khâm phục Tuân Tử ở ba điểm: đó là thuyết “tính ác”, phê phán thuyết thiên mệnh và phê phán, nhận định lại tất cả các học giả trước ông(21).

Cùng quan điểm với Tuân Tử, Hàn Phi viết: “Nói chung, thích điều lợi và tìm nó, ghét cái hại và tránh nó, đó là tình cảm của con người”(22)  – bản tính tự nhiên của con người. Bản tính tự nhiên ấy là độc ác, là tham lam, ích kỷ,… Nó đã chi phối, thẩm thấu vào trong tất cả các quan hệ xã hội, từ cha con, chủ tớ đến vua tôi. Trong các quan hệ đó, cái lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân là độc tôn lên ngôi và là mục đích; cái tình cảm, đạo đức… chỉ là thứ yếu, là phương tiện, hào nhoáng giả tạo phủ lên các quan hệ xã hội để người đời có cái bám víu vào, để tự hào rằng mình vẫn là con người, chứ không phải như bao động vật khác. Luận chứng về bản chất của các mối quan  hệ này, Hàn Phi viết: “Con người khi còn nhỏ nếu cha mẹ nuôi nấng qua loa, thì khi lớn lên sẽ oán cha mẹ. Đứa con lớn lên phụng dưỡng cha mẹ kém thì cha mẹ giận và mắng nhiếc con. Cha với con là chỗ thân thiết nhất mà còn oán trách nhau, đó là vì họ lo cho nhau không chú đáo như lo cho chính mình”.

Còn trong quan hệ vua tôi, theo ông: “Nói chung bọn gian thần đều làm theo bụng nhà vua để được nhà vua thân và yêu quý. Do đó nhà vua thích điều gì bọn bầy tôi cứ theo đó mà khen, nhà vua ghét điều gì thì bọn này cứ theo đó mà chê”(24) .

Những luận giải trên về bản tính ác của con người của Hàn Phi là cơ sở, tiền đề lý luận quan trọng của Pháp gia. Điều đó cũng phần nào giải thích tại sao Hàn Phi lại nhiệt tình, hăng hái dâng sớ lên An Vương nước Hàn để đề nghị ba điều: một là loại bỏ những kẻ vô dụng; hai là tiến hành cải  cách (biến pháp); ba là chú trọng hình phạt.

Trong các quan điểm khác biệt về bản tính con người của triết học Trung Quốc thời cổ đại, nếu Khổng Tử cho rằng bản tính con người là ngay thẳng, Mạnh Tử cho rằng bản tính con người thiện, Tuân Tử và Hàn Phi khẳng định bản tính con người là ác; thì còn có nhà triết học có quan điểm đối lập với Mạnh Tử, Tuân Tử và Hàn Phi – đó là Cáo Tử. Theo Cáo Tử: “Cái tính tự nhiên của con người chẳng phải thiện, cũng chẳng  phải bất thiện” (Tính vô thiện, vô bất thiện giã”(25). Đây chính là điểm độc đáo trong quan niệm về bản tính con người của Cáo Tử. Theo ông, tính ban đầu nguyên thủy của con người là một cái gì đó thuần phác, mộc mạc. Nó không phân biệt thiện với bất thiện.

Trong không khí tranh luận sôi nổi về bản tính con người của Nho gia và Pháp gia, không thể không đề cập đến tư tưởng của trường phái Đạo gia. Đạo gia cho rằng, bản tính con người là siêu thiện ác. Xuất phát từ quan niệm cốt lõi của Đạo (Đạo pháp tự nhiên), theo Lão Tử, tính của vạn vật sinh ra đã có, là tính của tự nhiên. Con người là vật hữu tri, khác với muôn vật, nhưng bản tính con người sinh ra cũng đã có, cũng là tự nhiên như nhau. Tính đó vốn giản dị, mộc mạc, thuần phác, không bị nhào nặn, gọt giũa bởi con người và nó hoàn toàn độc lập với ý muốn chủ quan của con người. Nếu tính đó bị nhiễm một cái gì đó thì không còn là tính nữa. Ông viết: “Mất đạo rồi mới có đức, mất đức rồi mới có nhân, mất nhân rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín, mà cũng là đầu mối của sự loạn”(26). Như vậy, theo Lão Tử, cái cốt lõi của bản tính, trí tuệ con người và trật tự xã hội là phải giữ cái gốc là đạo tự nhiên, thuần phác. Lão Tử cho rằng, con người có cuộc sống giữ được bản tính thuần phác tự nhiên thì ở ngoài vòng phân biệt thiện ác.

Tiếp tục và có phần đi xa hơn quan điểm tôn trọng bản tính tự nhiên của con người – không thiện ác, Trang Tử còn chủ trương bản tính tốt đẹp nhất của con người là “đạt đạo”, “tề vật”, “tiêu dao du” với vạn vật để trở thành “chân nhân”, hòa cùng âm dương, cưỡi trên “lục khí”, rong chơi trong cõi vô cùng và ước mơ xã hội loài người trở về với thời tiền sử “cùng chung sống với cầm thú” (Đồng ư cầm thú cư), là “thời đại tốt đẹp nhất” (chí đức chi thế)(27). Đó là con  đường duy nhất, hữu hiệu nhất không làm tổn thương đến bản tính tự nhiên – siêu thiện ác của con người.

Thứ hai, ngoài sự khác nhau trên, trong các quan điểm về bản tính con người của triết học Trung Quốc cổ đại còn có sự khác nhau, thậm chí đối lập nhau về việc giáo hóa bản tính con người.

Nho gia rất xem trọng vai trò của giáo dục, xác định đó là phương thức duy nhất, hữu hiệu nhất để giáo hóa bản tính con người. Nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng vừa là mục tiêu, vừa là nội dung giáo dục của Nho gia. Mẫu người lý tưởng của Nho gia phải hội tụ đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng. Trong khi đó, Đạo gia chủ trương đẩy lùi nhân, nghĩa; phế truất danh lợi, hiếu ác, hiếu ố nhằm bảo tồn, giữ gìn bản tính tự nhiên, chất phác, giản dị của con người. Theo Đạo gia, con người  cứ làm theo tự nhiên là được, không cần khổ công học tập, lập nên công trạng hoặc để lại tiếng tăm danh giá làm gì. Sự giáo hóa của Nho gia chỉ làm cho con người xa cách tự nhiên, lìa bỏ Đạo, là phi giáo dục, phản giáo dục. Cách giáo dục tốt nhất là làm cho bản tính tự nhiên của con người được nguyên vẹn như cái đức của trẻ sơ sinh: ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và vô dục. Đó là lý tưởng của Đạo gia. Còn Pháp gia, tiêu biểu là Hàn Phi, không xem trọng vai trò của giáo dục, lễ nghĩa trong việc cải hóa bản tính con người, trị nước, trị dân như Nho gia, mà đề cao vai trò của pháp luật. Mục đích thực thi pháp luật của Hàn Phi là bảo đảm công bằng, lợi ích, hạnh phúc cho con người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, địa vị xã hội; đồng thời đẩy lùi, triệt tiêu những toan tính ích kỷ, cá nhân, hẹp hòi của các quan hệ xã hội vốn có trong con người(28). Có thể nói, trên cơ sở lý luận về bản tính con người và xuất phát từ đặc điểm điều kiện lịch sử xã hội, nếu Khổng – Mạnh đề cao nhân trị, thì Tuân Tử đã bổ sung chỗã thiếu sót của nhân trị bằng việc đề cao lễ trị, và đến Hàn Phi, ông đã đẩy lễ trị lên điểm tột cùng của nó để tạo ra sự biến đổi về chất trong trị nước, giáo hóa con người là pháp trị.

Như vậy, có thể nói, trong triết học Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về bản tính con người và phương pháp giáo dưỡng, giáo hóa bản tính con người. Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao có sự khác nhau đó. Trước hết là do việc tìm hiểu, khai thác các mặt khác nhau trong triết lý về bản tính con người. Nếu Mạnh Tử chỉ tìm hiểu, khai thác ở điều con người cần phải bảo dưỡng là tính thiện thì cho bản tính con người là thiện. Còn Tuân Tử, Hàn Phi chỉ tìm hiểu, khai thác ở điều con người cần phải loại bỏ, triệt tiêu thì cho tính con người là ác, là xấu. Cùng cách tìm hiểu, khai thác một khía cạnh nào đó của bản tính con người như vậy, Đạo gia chỉ thấy cái mộc mạc, thuần khiết, thánh thiện của con người, nên cho rằng bản tính con người là siêu thiện ác…

Thứ hai, do sự khác nhau về địa vị đẳng cấp, lợi ích của các triết gia – nhân tố tác động, chi phối thường xuyên, mạnh nhất đến việc hình thành, phát triển các quan điểm triết học nói chung và các quan điểm về bản tính con người nói riêng. Trước những biến động trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế của xã hội thời Xuân thu – Chiến quốc, đã nảy sinh nhiều giai cấp, tầng lớp đan xen, phức tạp. Do vậy, nhiều quan điểm khác nhau về bản tính con người được ra đời, cọ sát, đấu tranh với nhau. Đó  là  một  lôgíc  tất yếu. Vậy, nên Nho gia – đại diện cho tiếng nói của giai cấp quý tộc chủ nô đang suy tàn thì tư tưởng của họ nhìn chung mang tính bảo thủ và nệ cổ. Những đại biểu của Nho gia như Khổng Tử và Mạnh Tử đã không tiếc công sức, lao tâm khổ trí đến mức “mòn gót, lỏng trán” nhằm kêu gọi thiên hạ trở về nhân, lễ, nghĩa, trí. Họ luôn viện dẫn ca ngợi những lời nói, đạo đức, việc làm của các thánh vương xưa như vua Nghiêu, vua Thuấn… làm khuôn mẫu cho việc giáo dưỡng, giáo hóa bản tính thiện con người, với mục đích cứu vớt, khôi phục lại trật tự, kỷ cương lễ nghĩa, chế độ tông pháp nhà Chu đang chìm nổi trước những biến động của đời sống xã hội. Còn Đạo gia lại nhìn cuộc đời và con người với tâm trạng đầy bi quan, thụ động; bởi nó là tiếng nói của giai cấp quý tộc đang sa sút, đang mất dần vai trò lịch sử. Họ hoang mang, dao động, sợ sệt trước mọi đổi thay của thời cuộc nên Đạo gia chủ trương “vô vi, vô sự”, phủ nhận tất cả những gì do chủ quan của con người mang lại, mong muốn đưa con người và xã hội loài người quay trở về với thời tiền sử – thời kỳ hoàng kim của nhân loại. Vì vậy, Đạo gia quan niệm bản tính con người là siêu thiện ác. Trong khi đó, Pháp gia, đại diện cho tầng lớp quý tộc mới, không “pháp tiên vương” mà “pháp hậu vương”; không đề cao nhân nghĩa, mà đề cao lợi ích con người. Vì vậy, Pháp gia khẳng định bản tính con người là ác, là ích kỷ, vị lợi… Đó chính là biện chứng giữa tính thống nhất và tính đa dạng trong quan điểm về bản tính con người  của triết học Trung Quốc cổ đại, khiến người ta phải gọi thời kỳ này là thời kỳ “Bách gia chư tử” là vì vậy.

———————————

Chú thích:

(1) Phùng Hữu Lan. Đại cương triết học sử Trung Quốc (Nguyễn Văn Dương dịch). Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999, tr. 83.
(2) Khổng Tử. Kinh Thư (Thẩm Quỳnh dịch). Trung tâm học liệu – Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1972,  tr.122.
(3) Khổng Tử. Kinh Thư.  Sđd., tr.388, 389.
(4) Kinh Lễ  (Nguyễn Tôn Nhan dịch). Nxb Văn học, Hà Nội. 1999, tr.171.
(5) Đại học – Trung dung, tiết 20. Trung Châu cổ tịch xuất bản xã, 1993 (Bản Trung văn).
(6) Đại học – Trung dung. Sđd.
(7) Mạnh Tử, Cáo Tử hạ. Trung Châu cổ tịch xuất bản xã, 1993.
(8) Tuân Tử (Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê dịch). Nxb Văn hóa, 1994, tr.338.
(9) Tuân Tử. Sđd,, tr.349.
(10) Dẫn theo: Trương Lập Văn (chủ biên). Tính. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.107.
(11)  Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch). Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 569.
(12) Luaän ngöõ, thieân Döông hoùa. Trung Chaâu coå tòch xuaát baûn xaõ, 1993 (Dòch theo Nguyeãn Taøi Thö).
(13)  Mạnh Tử, quyển hạ, thieân Ly Laâu haï. Sñd.
(14) Mạnh Tử, quyển hạ, Caùo Töû thöôïng. Sñd.
(15)  Tuân Tử. Sđd., tr.53.
(16) Tuân Tử. Sđd., tr.217.
(17) Nguyễn Tài Thư. Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ. Nxb Khoa học xã hội, 2005, Hà Nôi,  tr. 40.
(18)  Luận ngữ, Veä Linh Coâng. Sñd.
(19). Mạnh Tử, quyển hạ, Caùo Töû thöôïng. Sđd.
(20) Tuân Tử.  Sđd., tr. 354.
(21) Xem: Hà Thúc Minh. Lịch sử triết học Trung Quốc, t.1. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 75.
(22) Hàn Phi Tử. Sđd., tr. 124.
(23)  Hàn Phi Tử. Sđd., tr.328
(24)  Hàn Phi Tử. Sđd., tr.123.
(25) Mạnh Tử, quyển hạ, thiên Cáo Tử thượngSđd.
(26) Lão Tử. Đạo Đức Kinh, chương 38 (Bản dịch của Nghiêm Toản). Trung tâm học liệu – Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1959.
(27) Dẫn theo: Hà Thúc Minh. Lịch sử triết học Trung Quốc, t.1. Sđd.,  tr.59.
(28) Xem: Hàn Phi Tử.  Sđd., tr.130.

Theo VIỆN TRIẾT HỌC

Tags: , ,