Một cái nhìn về cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam

Hàng ngàn thùng thuốc diệt cỏ đã chất đống tại các cảng ở Hoa Kỳ, tại các căn cứ không quân ở Việt Nam và với số lượng nhỏ hơn tại bãi chứa của trung đội hóa học tại các doanh trại quân đội.

Một cái nhìn về cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam

Tác giả: David Biggie, Giáo sư Lịch sử và Chính sách Công tại Đại học California, Riverside. Ông là tác giả của cuốn “War in the Land: History and the Militarized Landscape in Vietnam”.

Nguồn: David Biggs, “Vietnam: The Chemical War”, The New York Times, 24/11/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.

Rạng sáng ngày 18/11/1967, các thanh viên Trung đội Hóa học số 266 đã choàng tỉnh dậy sau tiếng kèn hiệu và nhanh chóng tập hợp đội hình. Trung đội 266 được phân công hỗ trợ Sư đoàn Bộ binh số 1 và hiện họ đang đóng quân tại căn cứ của Sư đoàn, nằm sâu trong những ngọn đồi đất đỏ ở phía bắc Sài Gòn.

Như thường lệ, những người lính này lại có một ngày bận rộn đang chờ phía trước. Nhiệm vụ của họ bao gồm chuẩn bị 15 thùng Chất độc Da cam để làm rụng lá khu vực xung quanh căn cứ, bắn đạn cối vào khu vực ngay bên ngoài căn cứ để chuẩn bị cho việc thả hóa chất vào buổi tối, đến kho bom để chuẩn bị 24 thùng hơi cay CS, chế tạo 48 chốt phosphor trắng để kích nổ các thùng hơi cay này, sau đó tải các thùng hơi cay lên trực thăng vận tải CH-47, và cuối cùng, chiều hôm đó, thả 24 thùng hơi cay từ hầm sau của máy bay trực thăng xuống mục tiêu. Vào năm 1967, đó chỉ là một ngày bình thường như bao ngày đối với Trung đội 266, cũng như đối với cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam – một cuộc chiến mà trong nhiều khía cạnh, là một cuộc chiến tranh hóa học.

Chuyện đã không bắt đầu theo cách ấy. Nhưng khi xung đột leo thang, ngày càng rõ rằng vũ khí hóa học có thể đóng một vai trò quan trọng. Trong trường hợp của Sư đoàn 1, nhận thức này xuất hiện khi Việt Cộng xâm nhập phía bắc Sài Gòn nhờ một mạng lưới boong ke và đường hầm, những không gian nguy hiểm mà vũ khí thông thường chỉ có tác dụng hạn chế. Mùa thu năm ấy, Trung đội 266 cùng nhiều trung đội hóa học khác đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng CS và các hóa chất khác để hỗ trợ các hoạt động tác chiến.

CS không phải là công cụ duy nhất trong kho vũ khí của trung đội, và tiêu diệt các đường hầm cũng không phải nhiệm vụ duy nhất của họ. Họ xử lý bất cứ thứ gì liên quan đến hóa chất, từ phun thuốc diệt muỗi đến đốt rác. Họ phun các loại thuốc làm rụng lá như Chất độc Da cam và còn chuẩn bị cả napalm. Hóa chất có ở khắp nơi và độ phổ biến của chúng trong nỗ lực chiến tranh của Mỹ đã làm dấy lên mối quan ngại rằng nước này đang vượt quá giới hạn ở Việt Nam, vi phạm Nghị định thư Geneva năm 1925 – nghiêm cấm sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh.

Vũ khí hóa học không đột nhiên xuất hiện trong kho vũ khí của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1918, trước các đợt tấn công bằng khí gas của Đức trong Thế chiến I, quân đội Mỹ đã thành lập Đơn vị Chiến tranh Hóa học (Chemical Warfare Service, sau đổi tên thành Quân đoàn Hóa học / Chemical Corps vào năm 1947) để phát triển các loại khí gas và vũ khí sinh học nhằm đáp trả kẻ thù. Đồng thời, họ cũng phát triển nhiều biện pháp phòng thủ để bảo vệ binh sĩ khỏi vũ khí hóa học, sinh học hoặc phóng xạ nhờ vào các hoạt chất khử ô nhiễm. Quân đội cũng nghiên cứu các ứng dụng phi quân sự của những hóa chất không gây chết người. Họ đã cung cấp hơi cay (xylyl bromide) cho lực lượng cảnh sát trong những năm 1920 và 1930 để giải tán các đám đông biểu tình giận dữ. (Trong thập niên 1950, các nhà khoa học quân sự của Anh đã phát triển CS như bản thay thế mạnh hơn cho xylyl bromide.)

Trong Thế chiến II, quân đội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tiên phong khai thác các hóa chất mới, vừa có sức tàn phá khủng khiếp vừa là phương tiện cứu cánh cho họ. Sau khi thử nghiệm thành công xăng dạng gel (gelled gasoline) trên sân bóng đá Harvard, quân đội đã giúp điều phối sản xuất napalm trong lựu đạn gây cháy, súng phun lửa và bom thả xuống các thành phố như Tokyo và Dresden, Đức. Các đơn vị hóa học cũng đã sử dụng rộng rãi một loại thuốc diệt côn trùng mới, DDT, trên khắp các thị trấn của Ý và trong những túi ngủ của lính chiến để ngăn muỗi và ve mang mầm bệnh sốt rét và sốt phát ban. Năm 1943, quân đội đã mở một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học tại Fort Detrick, Maryland để tập trung hóa công tác nghiên cứu.

Chính tại đây, các nhà khoa học thuộc Bộ phận Cây trồng (Crops Division) đã thử nghiệm sự kết hợp của thuốc diệt cỏ bao gồm tiền chất của Chất độc Da cam, pha trộn với thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T. Các nhà khoa học của thập niên 1930 đã phát hiện ra rằng những hóa chất đó có tác động tương tự như hormone tăng trưởng thực vật, nhưng họ đã không thành công trong việc khai thác sức mạnh kích thích tăng trưởng của nó. Sau đó vào năm 1943, một nhà thực vật học đã thông báo cho quân đội rằng việc tăng liều lượng sẽ giúp hóa chất có khả năng tiêu diệt thực vật và thuốc diệt cỏ tổng hợp hữu cơ đã ra đời. Các nhà khoa học tại Fort Detrick đã cho thử nghiệm thuốc diệt cỏ này nhằm mục đích sử dụng trên thảm thực vật nhiệt đới bao phủ các hòn đảo do Nhật Bản chiếm đóng ở Thái Bình Dương, nhưng chiến tranh thế giới đã kết thúc trước khi thuốc kịp đưa vào sản xuất.

Trong khi Quân đoàn Hóa học vẫn tiếp tục thử nghiệm hóa chất cho mục đích quân sự trong những năm 1950, thì giữa bối cảnh bùng nổ kinh tế sau chiến tranh, nhiều sản phẩm với tính năng tương tự đã được thương mại hóa trên thị trường. Nông dân, người làm vườn và người canh đất đã sử dụng các hóa chất mới trong các “cuộc chiến” chống lại sâu bệnh.

Hai hoạt chất diệt cỏ trong Chất độc Da cam, 2,4-D và 2,4,5-T, thật ra không phải là bí mật; thay vào đó, chúng là hai trong số những loại thuốc diệt cỏ phổ biến nhất, có sẵn rộng rãi trên thị trường. Việc chính phủ giải mật nghiên cứu về thuốc trừ sâu gần như ngay lập tức vào năm 1945 đã mở ra sự phát triển cho sản phẩm này trên thị trường thương mại. Tháng 05/1945, một nhà hóa học tại Công ty Sơn Hóa học Hoa Kỳ gần Philadelphia đã nhận được bằng sáng chế có cái tên đơn giản “Thuốc Diệt cỏ” (Herbicides), trong đó liệt kê trên một tá các công thức hóa học phổ biến bao gồm hỗn hợp 50-50 của 2,4,5-T và 2,4-D, tương tự như Chất độc Da cam. (Sau đó, ông tuyên bố rằng mình đã phát triển hỗn hợp này để tiêu diệt cây thường xuân, vì con trai ông bị dị ứng nặng.) Năm 1948, Bộ Nông nghiệp đã liệt kê những loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu mới này vào danh mục “chất độc [được dùng trong] kinh tế” (economic poisons) và doanh số bán hàng nhanh chóng nhảy vọt. Chính vì định nghĩa này nên vào những năm 1960, việc sử dụng chúng làm vũ khí tấn công ở Việt Nam đã không vấp phải phản ứng đáng kể nào của công chúng.

Mặc dù hậu quả của việc sử dụng thuốc diệt cỏ như Chất độc Da cam đã ngày càng trở nên rõ ràng, chúng vẫn luôn được coi là vũ khí hóa học không gây chết người. Hậu quả lại càng mơ hồ hơn trong trường hợp khí CS. Dù chỉ chính thức được dùng nhằm buộc kẻ thù phải chui ra khỏi các đường hầm, nhưng những người mắc kẹt bên trong thường chết ngạt, những ai sống sót thì phải chịu tổn thương hô hấp.

Và chắc chắn là hậu quả không hề mơ hồ khi nhắc đến napalm.

Những binh sĩ từ Trung đội 266 thường sẽ thả một tá thùng xăng gel, hoặc hơn, từ một chiếc trực thăng đang ở độ cao một vài ngàn mét so với mục tiêu, boong ke hoặc doanh trại. Khi gần đến được mục tiêu, chốt photpho hoặc đạn bắn từ các máy bay phản lực gần đó sẽ đốt cháy các thùng gas ngay phía trên mặt đất, giải phóng một quả cầu lửa khổng lồ. Bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai trong vòng bán kính vài trăm thước đều sẽ bị thiêu cháy ngay lập tức, trong khi cơn bão lửa đồng thời hút cạn oxy ra khỏi các boong ke và đường hầm bên dưới. Các trung đội hóa học bắt đầu được huấn luyện theo hình thức “hỗ trợ tác chiến” (combat support) mới kể từ năm 1967, nhưng sau trận Mậu Thân 1968, họ bắt đầu đẩy mạnh, đốt cháy hàng ngàn gallon khí mỗi ngày trong các đợt “bão lửa”. Họ đã vượt qua giới hạn.

Việc nhanh chóng tăng cường sử dụng hóa chất trong chiến đấu đã dẫn đến chỉ trích trên trường quốc tế, đầu tiên là từ các nước Cộng sản, nhưng chỉ trích từ các đồng minh của Mỹ cũng ngày một tăng, và cuối cùng là từ chính các quan chức Mỹ. Chỉ trích thật ra đã bị dồn nén suốt nhiều năm: Khi máy bay trực thăng Việt Nam Cộng hòa bắt đầu sử dụng 2,4,5-T để phá hủy mùa màng ở vùng cao vốn do cộng sản kiểm soát vào năm 1963, Đài Phát thanh Giải phóng Bắc Việt đã cáo buộc Mỹ vi phạm Nghị định thư Geneva 1925 và ví hành động “phun khí độc” này với các buồng khí ngạt của Đức Quốc xã. Nhưng các lãnh đạo Mỹ và các đồng minh của họ ở nước ngoài ít chú ý đến các phản đối “chống chất độc” này; các nhà lãnh đạo quân sự tìm cách phản pháo chiến dịch tuyên truyền phát thanh của Bắc Việt bằng các chương trình phát sóng của phía miền Nam, giải thích rằng thuốc diệt cỏ là vô hại đối với con người và được sử dụng thương mại trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, phản ứng của quốc tế ngày càng nghiêm trọng hơn sau khi CS bắt đầu được sử dụng. Năm 1966, một đại biểu của Hungary tại Liên Hiệp Quốc phàn nàn rằng việc sử dụng chiến thuật thuốc diệt cỏ và khí CS ở Việt Nam là vi phạm trắng trợn Nghị định thư Geneva; ông cũng lưu ý rằng Mỹ vẫn chưa chịu tham gia Nghị định thư này. Với sự xuất hiện của napalm vào năm 1968, các cáo buộc về chiến tranh hóa học tiếp tục tăng nhanh khiến Tổng thống mới đắc cử Nixon gặp bối rối. Tháng 11/1969, ông đã thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn cam kết của Mỹ đối với Nghị định thư Geneva và công khai lên án việc sử dụng hóa chất gây chết người (trừ napalm nhắm vào các mục tiêu quân sự).

Trong khi Nixon cố gắng đảm bảo với công chúng Mỹ rằng napalm không được dùng chống lại dân thường và thuốc diệt cỏ trong Chất độc Da cam là an toàn, một báo cáo đã xuất hiện vào năm 1968 cho thấy thuốc diệt cỏ 2,4,5-T là cực kỳ độc hại đối với thai nhi. (Các nghiên cứu sau đó đã xác định độc tính bắt nguồn từ dấu vết của dioxin.) Trong khi các trung đội hóa học tiếp tục đẩy hàng ngàn thùng CS và napalm ra khỏi máy bay trực thăng trên bầu trời Việt Nam, Nixon đã nhanh chóng tìm cách ngăn chặn những gì ông sợ sẽ trở thành một cuộc biểu tình, trong nước và quốc tế, lên án thuốc diệt cỏ độc hại. Nhà Trắng tuyên bố lệnh cấm một phần 2,4,5-T vào ngày 15/04/1970 và Bộ Quốc phòng đã tuân theo, cấm tất cả các nhiệm vụ sử dụng Chất độc Da cam tại Việt Nam.

Hàng ngàn thùng thuốc diệt cỏ đã chất đống tại các cảng ở Hoa Kỳ, tại các căn cứ không quân ở Việt Nam và với số lượng nhỏ hơn tại bãi chứa của trung đội hóa học tại các doanh trại quân đội. Quân đội đã chuyển kho dự trữ Chất độc Da cam ở Việt Nam, hơn 25.000 thùng, đến đảo Johnston ở Thái Bình Dương vào năm 1972, nhưng số phận của CS và các hóa chất khác không được công bố chi tiết. Khi lính Mỹ sơ tán doanh trại và hỏa lực của mình vào giai đoạn cuối chiến tranh, họ lại tiếp tục tuân theo các hướng dẫn xử lý tiêu chuẩn: đốt hoặc chôn các kho hóa chất không sử dụng hoặc bị hỏng, bao gồm CS, chất khử trùng, dung môi và thuốc trừ sâu.

Quân đội Mỹ chưa bao giờ sử dụng hóa chất ở đâu nhiều như ở Việt Nam. Các đơn vị quân đội Mỹ ngày nay không còn đốt hoặc chôn chất thải hóa học. Nhưng di sản vẫn còn đó. Chất độc Da cam đã phá hủy cuộc sống của hàng ngàn người Việt Nam và cả người Mỹ. Phản ứng quốc tế đối với CS và napalm đã đặt ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về bản chất của chiến tranh hóa học kéo dài đến tận hôm nay, với những câu hỏi về giới hạn đỏ, đạn cháy và bom thùng. Các kho vũ khí hóa học vẫn bị chôn vùi khắp Việt Nam và khắp các căn cứ mà Mỹ bỏ lại ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ngày nay Mỹ và Việt Nam có thể đã trở thành đồng minh, nhưng rất ít cá nhân ở hai phía sẵn sàng đối mặt với di sản hóa học của cuộc chiến.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , , ,