Một cách lý giải về quyền lực kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á

Người Hoa là một cộng đồng có  tiềm lực kinh tế lớn và chi phối nền thương mại trong khu vực, lại có quan hệ với nền văn hóa Trung Quốc. Nên người Hoa là một yếu tố ảnh hưởng đến giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia Đông Nam Á.

Một cách lý giải về quyền lực kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á

Khảo sát các nguồn tư liệu lịch sử và hiện tại, bài viết này đi sâu phân tích một yếu tố quan trọng trong văn hóa thương mại của người Hoa để đưa ra một cách lý giải về quyền lực kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á.

1. Người Hoa ở Đông Nam Á và Việt Nam

Đông Nam Á là một khu vực đặc biệt thuộc thế giới châu Á. Không có sự xuất hiện của các nền văn minh lớn mang tính chất nhân loại hay các tôn giáo lớn thế giới như các khu vực Đông Bắc Á, Nam Á và Tây Á, nhưng bù lại, Đông Nam Á có một sự đa dạng và phức hợp mang tính đặc trưng của nó. Là khu vực nằm giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, Đông Nam Á sớm đã trở thành cầu nối quan trọng trong sự giao lưu văn hóa và kinh tế của cả khu vực.

Người Hoa có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, tuy nhiên, tỷ lệ và vai trò của người Hoa ở các nước này có sự khác nhau. Theo Châu Thị Hải (2007) số người Hoa ở các quốc gia Đông Nam Á như sau:

Quốc gia

Tổng số dân (người)

Người Hoa (người)

Bruney 300.000 60.000
Campuchia 8.440.000 480.000
Indonesia 200.000.000 5.050.000
Lào 3.000.000 50.000
Malaisia 18.330.000 6.160.000
Myanma 45.000.000 700.000
Philippin 62.000.000 760.000
Sigapore 2.760.000 2.360.000
Thái Lan 57.600.000 6.580.000
Việt Nam 77.000.000 900.185

Nguồn:Tổng hợp các tài liệu tiếng Anh và tiếng Trung của Châu Thị Hải trong “Người Hoa Việt Nam và Đông Nam Á: hình ảnh hôm qua và vị thế hôm nay. Nxb KHXH, 2007. trang 67.

Trong lịch sử, người Hoa từng biết đến Đông Nam Á khá sớm. Những thế kỷ đầu công nguyên, với sự hưng thịnh của con đường tơ lụa trên biển, người Hoa đã tiến hành buôn bán, thương mại với các cư dân ở Đông Nam Á. Nhưng quy mô và mức độ thương mại còn hạn chế. Có một bộ phận người Hoa đã tiến về phía Nam và xuống các nước Đông Nam Á nhưng còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các nhóm người Hoa ở Đông Nam Á.

Theo các khảo cứu tài liệu ở Trung Quốc, phải đến đầu thế kỷ 12, khi tình hình Trung Hoa có sự bất ổn, người Mông Cổ ào ạt vào xâm chiếm Trung Nguyên, triều đại Nam Tống yếu kém. Đó là thời điểm người Hoa mới ồ ạt di cư ra nước ngoài, chủ yếu họ tiến về phía Nam xuống các nước Đông Nam Á tránh chiến tranh và phát triển thương mại để mưu sinh và làm giàu. Đến thế kỷ 16, người Hoa đã có một vị thế quan trọng ở Đông Nam Á: “khu vực Đông Nam Á Đến thế kỷ 16, có khoảng hơn 100.000 người Hoa ở khu vực này. Thời “Chiến tranh nha phiến”,  có tới trên 1 triệu người Hoa ở nước ngoài. Trước ngày Trung Quốc giải phóng năm 1949, có hơn 10 triệu người Hoa ở nước ngoài, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Kể từ sau năm 1949 tới nay,  số lượng người Hoa trên thế giới tăng vọt” [1]. Thế kỷ 20 là thời gian người Hoa di cư ra nước ngoài nhiều nhất. Nếu đầu thế kỷ 20 (cụ thể năm 1902) chỉ có 10 triệu người Hoa ở nước ngoài thì cuối thế kỷ 20 đã có 30 triệu người Hoa ở nước ngoài.

Người Hoa là một thế lực kinh tế mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á. Theo tạp chí “The Economist”, tiềm lực kinh tế người Hoa ở nước ngoài rất hùng hậu. Tài sản của người Hoa sống ngoài Trung Quốc đại lục (kể cả Hong Kong và Đài Loan) ước tính vào khoảng 1.500 – 2000 tỉ USD. Nếu trừ Hong Kong và Đài Loan, tài sản của người Hoa vẫn tới 920 tỉ USD. Dự trữ ngoại tệ của người Hoa ở nước ngoài năm 1992 tới trên 300 tỉ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ cùng thời điểm của Trung Quốc lục địa cộng với Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao cũng chỉ có hơn 400 tỉ USD. [2].

Ở Việt nam, người Hoa là “những người gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hoá di cư sang Việt Nam và con cháu của họ đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng họ còn giữ những đặc trưng văn hoá, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa[3].(Phân biệt với Hoa kiều là những người Hoa nhưng không có quốc tịch Việt Nam).

Trong các bộ sử lớn của dân tộc như: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn; Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức… đã có những ghi chép về người Hoa, nhưng còn tổng quát, không cụ thể, nhiều vấn đề không rõ ràng. Trong mấy thập niên cuối thế kỷ 20, người Hoa ở Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Trong nước phải kể đến các tác giả: Mạc Đường, Trần Hồi Sinh, Trần Kính Hoà, Phan An, Phan Xuân Biên, Thành Thế Vỹ, Đặng Phong, Phan Khoang, Tạ Thị Hoàng Vân…[4]. Bên cạnh đó là các học giả nước ngoài như: Tsai Maw Kuey, Litana, Cristoporo Borri… [5]. Các công trình nghiên cứu của các học giả này đã khẳng định rõ vai trò về mặt kinh tế của người Hoa ở Xứ Đàng Trong xưa và vùng Nam Bộ bây giờ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu sâu sắc về các đặc tính của người Hoa ở Việt Nam. Nghiên cứu về những yếu tố tạo nên vị trí thương mại của người Hoa lại còn hạn chế.

2. Truyền thống hướng thị của người Hoa ở Đông Nam Á

Hướng thị được hiểu là khát vọng vươn ra thị trường để buôn bán, có thể gọi cách khác là tính vọng thương – vọng thị. Hướng thị là truyền thống văn hóa rất đặc trưng ở người Hoa. Truyền thống này được thể hiện trên ba phương diện: Hướng thị thứ nhất, thị với nghĩa là chợ, tức là hướng tới sự trao đổi, buôn bán hàng hoá. Hướng thị thứ hai, thị với nghĩa là thị thành, là đô thị, tức là hướng tới các trung tâm kinh tế-xã hội lớn. Hướng thị thứ ba, thị với nghĩa là thị trường, tức là hướng tới sự trao đổi, buôn bán hàng hoá sâu rộng trong nền kinh tế hàng hoá phát triển cao của thời hiện đại.

Truyền thống hướng thị thứ nhất: Thị với nghĩa là chợ. Người Hoa vươn tới sự trao đổi, buôn bán hàng hoá.

Trên phương diện này, chúng ta có thể thấy rõ rằng khu vực nào có người Hoa sinh sống thì nhất định có chợ để trao đổi. Và ngược lại, trong khu vực mà người Hoa mới di cư đến họ sẽ tham gia nhanh chóng vào hoạt động của cái chợ ở đó. Với sự tham gia và tài buôn bán của người Hoa thì cái chợ nhanh chóng chuyển sang mang tính chất buôn bán, và người Hoa thường là người thực hiện việc thu gom hàng hoá và buôn bán trong chợ, tức là họ lấy nghề buôn bán để sinh sống chứ không phải là sự trao đổi đơn thuần theo kiểu thiếu-thừa sản phẩm do mình sản xuất. Cả hai xu hướng này đều diễn ra mãnh liệt: Một mặt, đi đến đâu người Hoa cũng lập chợ để trao đổi, buôn bán với các nhóm khác, cộng đồng khác. Mặt khác, họ luôn có khát vọng vươn tới các chợ lớn, các trung tâm để trổ tài buôn bán của mình.

Trong truyền thống hướng thị thứ nhất này, nếu hiểu thị với một nghĩa khác là sự trao đổi hàng hoá thì nó lại biểu hiện một cách sôi động: Các gánh hàng, các xe hàng, các thuyền hàng đi bán rong của người Hoa có thể len lỏi vào tận các hang cùng ngõ hẻm để thực hiện trao đổi các hàng hoá. Đây cũng là một cách thu gom hàng hoá hiệu quả của ngưòi Hoa. Với đức tính khéo léo, mềm dẻo và tính vọng thương mãnh liệt, người Hoa nhanh chóng giành được vai trò và vị trí quan trọng trong các chợ mà các cộng đồng xung quanh khó cạnh tranh được nên phải nhường thị phần cho họ.

Truyền thống hướng thị thứ hai: Thị với nghĩa là thị thành, đô thị, là các trung tâm buôn bán lớn.

Trong quá trình di cư vào các nước Đông Nam Á, người Hoa đã luôn khao khát tiến vào các khu vực đô thị để phát triển kinh tế dựa trên năng lực thương mại của họ. Ở Thái Lan, người Hoa tập trung ở các trung tâm thương mại lớn như Băng Kok, Chieng Mai, các thành phố lớn ở Singapore, Myanma, Malaisia, Philippin, Lào và Việt Nam đều có đông đảo cộng động người Hoa sinh sống và buôn bán. Hệ thống buôn bán của người Hoa trải dài và rộng khắp các nước Đông Nam Á. Nên thật khó để tìm hiểu sâu về cả một khu vực. Một nghiên cứu về sự hình thành và phát triển ra các đô thị của người Hoa ở vùng Nam Bộ Việt Nam để chứng minh cho truyền thống hướng ra các đô thị của người Hoa ở các quốc gia Đông Nam Á có thể phần nào làm sáng tỏ thêm về vấn đề này:

Trong lịch sử, người Hoa đã sinh sống và làm ăn rất phát đạt ở các thành thị lớn trên vùng đất Nam Bộ. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng có một số vấn đề mà ta phải xem xét

Thứ nhất, khi đặt chân vào đất nước ta, cụ thể là xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, người Hoa đã được cư trú ngay tại các đô thị lớn hay không? Như trình bày ở trên, ngườii Hoa di cư vào Việt Nam có hai bộ phận chính là thương nhân và quan quân thất bại trong phong trào “phản Thanh phục Minh”. Đây là hai bộ phận có tính chất khác nhau nên chúa Nguyễn cũng đã có những chính sách khác nhau đối với họ: Đối với thương nhân, hướng đến chủ yếu của họ là các đô thị lớn, các hải cảng sầm uất. Lý do họ di cư là để tìm nơi thuận lợi buôn bán-là cái kế sinh nhai của họ. Chúa Nguyễn cho phép thương nhân ở lại các đô thị để buôn bán vì số lượng của họ không lớn và không được tranh bị quân sự. Nhưng nhóm này, một khi đã có cơ sở vững chắc ở các đô thị lại kêu gọi, bảo lãnh cho một bộ phận quan quân ở lại đô thị lập nghiệp. Đối với quan quân của nhà Minh chạy vào Đàng Trong, là một lực lượng quân đội khá lớn, có tranh bị quân sự nên Chúa Nguyễn đã dùng họ đi khai phá các vùng đất mới. Bộ phận này, sau khi có chỗ định cư ổn định thì thành lập các trung tâm và kêu gọi các thương nhân đến lập chợ buôn bán và dần hình thành các đô thị mới. Trong Đại Nam nhất thống chí còn ghi lại là cuối thế kỷ 17, đoàn 3000 người do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch lãnh đạo, sau khi khai phá vùng đất ở Nam Bộ đã “lập phố chợ Lớn ở Sài Gòn và kêu gọi thương khách[6]. Như vậy chứng tỏ mối liên hệ giữa hai nhóm này là rất mật thiết.

Thứ hai, sự phồn vinh của các đô thị lớn đã thu hút người Hoa tới các đô thị hay chính người Hoa đã tạo nên sự phồn vinh hơn nữa cho các đô thị? Ta phải công nhận rằng sự phồn vinh của các đô thị lớn đã hấp dẫn và lôi kéo người Hoa. Người Hoa vốn căn tính giỏi buôn bán và tính vọng thương rất mãnh liệt. Họ khao khát hướng tới các đô thị vì đô thị là nơi tập trung các đầu mối buôn bán lớn, là những trung tâm thương lại của cả vùng, cũng là nơi có nguồn hàng phong phú hơn cả. Mặt khác, dựa vào tài năng thương mại của mình mà người Hoa đã làm cho các đô thị thêm phần phồn vinh. Khi đã có cơ sở buôn bán trong các đô thị, người Hoa không ngừng mở rộng thị trường và giành thị phần của các nhóm khác cho tới khi có được vị trí cao trong hoạt động kinh tế của đô thị, nhất là thương mại. Và khi đó, họ là bộ phận quan trọng chi phối các quan hệ kinh tế trong đô thị và là những người kiến tạo nên sự phồn vinh của đô thị. Do vậy mà có một số học giả đã lập luận rằng: “Do có ưu thế trong hoạt động thương mại mà đa phần những người Hoa di cư ra hải ngoại đều tập ở những cảng thị lớn, các trung tâm thương mại của vùng, khu vực và thế giới, từ đó, hình thành nên những khu phố thương mại sầm uất do người Hoa chi phối” [7].

Sự có mặt của các thương nhân người Hoa còn góp phần làm thay đổi tính chất đô thị. Trong lịch sử phong kiến nước ta, các đô thị lớn chủ yếu là các trung tâm chính trị. Nhưng với sự tham gia của người Hoa thì tính chất đô thị cũng có sự biến đổi theo hướng hình thành trung tâm kinh tế. Đây có thể coi là một nguyên nhân làm cho đô thị ở Đàng Trong – nơi có sự tham gia đông đảo của Hoa thương, khác với đô thị Đàng Ngoài – nơi hầu như không có vai trò của Hoa thương.

Chính vì người Hoa luôn vọng thương vọng thị, và họ cũng đã thể hiện được ưu thế trong các hoạt động kinh tế ở đô thị, làm cho đô thị thêm phần hứng khởi. Vậy nên trong lịch sử nước ta có một số thành thị lớn có quá trình hình thành, phồn thịnh và lụi tàn in đậm vai trò của người Hoa. Điển hình là hai trường hợp Hội An thế kỷ 17 đến 19 và Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 20 đến nay. Đây là hai đô thị phát triển sầm uất, là hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của nước ta trước đây (Hội An) và bây giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), trong các yếu tố làm nên sự hưng thịnh của hai đô thị này không thể không kể đến vai trò to lớn của người Hoa-những người có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế thương mại của hai trung tâm này.

Hội An là đô thị hưng khởi nhất ở Đàng Trong trong gần 3 thế kỷ 17, 18 và 19. Là một hải cảng phồn vinh, là đầu mối thương mại quan trọng bậc nhất thời đó. Người Hoa ở Hội An là bộ phận quan trọng nhất tạo nên sự phồn vinh của Hội An. Trong một chuyến vào Đàng Trong năm 1621, Crisophoro Borri đã ghi rằng: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Trung Quốc chọn một địa điểm và nơi thuận lợi để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), là một thành phố lớn đến độ người ta nói được là hai thành phố, một phố người Trung Quốc và phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng và sống theo tập tục riêng. người Trung Quốc có luật lệ và phong tục riêng của họ và người Nhật cũng vậy” [8]. Người Hoa ở Hội An cũng được “Đại Nam nhất thống chí”  ghi lại: “Phố Hội An ở hai bê bờ sông lớn phía nam xã Hội An và Minh Hương, nhà ngói liên tiếp độ hai dặm, người Tàu cư trú có 5 bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Gia Ứng, đều buôn bán hàng Tàu, trong có đình chợ, hội quán, khách buôn tụ tập” [9]. Hội An phồn vinh nhất là thương mại, mà người Hoa là lực lượng nồng cốt trong hoạt động thương mại ở đây. Họ dần chiếm thị phần của các nhóm khác, kể cả người Nhật về sau cũng không cạnh tranh được với người Hoa về thương mại ở Hội An. Người Hoa đứng ra thực hiện việc giao thương với các tàu buôn phương Tây và các nước trong khu vực, cả với Nhật Bản. Cũng tại đây, họ đã lập nên những cộng đồng người Hoa theo cấp làng xã, đó là Minh Hương xã và những người thành lập ra nó đều là thương nhân lớn, bao gồm từ Thập Lão đến Lục Tính rồi đến Tam Gia [10]. Dựa vào các Minh Hương xã mà các bang hội hưng thịnh hơn, các nét văn hoá của họ được giữ gìn cẩn thận hơn. Có thể nói “các thương nhân Trung Quốc không chỉ mang đến Hội An những tàu thuyền tấp nập, nguồn hàng hoá phong phú và những cuộc di cư lớn. Họ đã xây dựng ở đây nề nếp tập quán sinh hoạt mà ảnh hưởng của nó còn khá mạnh mẽ cho đến tận ngày nay [11]. Như vậy, ở Hội An người Hoa không những có vai trò rất lớn về kinh tế mà phần nào đó thì những yếu tố văn hoá của họ cũng đã lan ra và có ảnh hưởng đến các cộng đồng xung quanh. đến cuối thế kỷ 19, Hội An dần mất vai trò do nhiều thay đổi trong đó có phần do sự di cư của người Hoa vào Sài Gòn-Chợ Lớn buôn bán.

Từ đầu thế kỷ 20, Sài Gòn-Chợ Lớn nổi lên là một trung tâm kinh tế văn hoá của cả miền Nam . Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh nổi lên là trung tâm kinh tế lơn nhất nước. Trước năm 1975, người Hoa đã nắm giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Sài Gòn. Tư sản người Hoa nắm trong tay các hãng sản xuất và kinh doanh lớn đủ sức lũng đoạn kinh tế miền Nam và họ cũng là đối thủ cạnh tranh chủ yếu với tư sản phương Tây. Sau 1975, người Hoa với tài năng thương mại của mình đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Người Hoa tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh tế quan trọng của thành phố, nhưng chủ yếu là các hoạt động thương mại, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và các dịch vụ khác. Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh tập trung đông nhất là các quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11. Các phố người Hoa luôn tấp nập buôn bán, từ kiến trúc nhà cửa đến lối sống hàng ngày đều mang đậm nét văn hoá người Hoa.

Ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng có tình trạng tương tự. Người Hoa di cư đến các nước trong khu vực là một quá trình với nhiều làn sóng khác nhau. Lúc đầu họ sống dựa vào các cư dân bản địa để chia sẻ lợi ích, sau đó, với năng lực buôn bán, họ tiến ra thành thị và tổ chức hoạt động thương mại. Có những thời điểm việc buôn bán của người Hoa phát triển mạnh mẽ và chi phối đời sống thương mại ở nhiều đô thị lớn trong khu vực.

Truyền thống hướng thị thứ ba: Thị với nghĩa là thị trường trong nền kinh tế hàng hoá phát triển cao của thời hiện đại.

Hiện nay, người Hoa đang giữ một vao trò quan trọng trong nền kinh tế thương mại ở Đông Nam Á. Như Châu Thị Hải nhận xét: “Thông qua các mối quan hệ họ hàng, thân tộc, họ đã hình thành một hệ thống kinh doanh mạng và trở thành cầu nối có hiệu quả trong hệ thống buôn bán giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á và ngược lại. Vai trò đó đã diễn ra từ lâu trong lịch sử thương mại Trung Quốc và Đông Nam Á nhưng càng ngày càng thể hiện rõ nét hơn, đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc thực hiện  chính sách Cải cách mở cửa và bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực” [12].

Khát vọng vươn lên thị trường hiện đại đưa người Hoa từ chỗ dân di cử trở thành một thế lực chi phối khá lớn đến nền kinh tế của cả khu vực Đông Nam Á. “Cộng đồng người Hoa Đông Nam Á chỉ chiếm 5% số dân của khu vực, nhưng họ đã chiếm một số lượng khá lớn trong số các nhà tỷ phú của khu vực. Họ làm chủ nhiều lĩnh vực kinh doanh và nắm một lượng lớn nguồn tư bản kinh doanh. Ví dụ, ở Singapore, họ chiếm tới 33% trong tổng số nguồn tư bản; Malaixia 35%, Thái Lan 44%, Philippine 30%…Với một lực lượng kinh tế đầy tiềm năng lại được kết nối với nhau bằng một hệ thống kinh doanh mạng, cộng đồng người Hoa đã đóng một vai trò cầu nối quan trọng trong vành đai hoạt động kinh tế ASEAN -Trung Quốc và Trung Quốc – ASEAN. Thông qua hệ thống mạng lưới kinh doanh này, hàng hóa từ Trung Quốc đã tràn vào thị trường Đông Nam Á, ngược lại cũng thông qua sự liên kết của hệ thống kinh doanh mạng, nguồn tư bản từ các nuớc khác nhau trong khu vực Đông Nam Á quay trở về  hoạt động đầu tư  ở Trung Quốc” [13].

Đối với các nước cụ thể, sự chi phối nền kinh tế thương mại của người Hoa thể hiện rõ nét hơn cả. Theo tổng kết của Kiều Tỉnh [14] thì:

Tại Indonesia, người Hoa chiếm 2,5% trong số 200 triệu dân, nhưng lại kiểm soát tới trên 70% kinh tế nước này – trong đó kiểm soát trên 75% ngành sản xuất bánh mì, miến, kiểm soát 80% ngành may mặc, 65% ngành nhuộm và 80% ngành lâm sản. Cuối năm 1993, 68% doanh nghiệp quy mô lớn của Indonesia do người Hoa kiểm soát.

Tại Thái Lan, người Hoa chiếm 10% dân số, nhưng chiếm trên 90% vốn của các doanh nghiệp và trên 50% vốn của ngành ngân hàng. Những ngân hàng quy mô lớn của người Hoa ở Thái Lan như Ngân hàng Thái Kinh có vốn tới 6,9 tỉ USD, Ngân hàng Nông dân Thái Hoa trên 6,7 tỉ USD, Ngân hàng điện tín Châu Á khoảng 5 tỉ USD, Ngân hàng Băng Cốc 6,2 tỉ USD, Ngân hàng Hoa Thái 6,7 tỉ USD, Ngân hàng thương mại Viễn La 4,6 tỉ USD. Ngân hàng và công ty tài chính của người Hoa ở Thái Lan có tài sản tới trên 22,2 tỉ USD lớn hơn tài sản 21,8 tỉ USD của Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan cộng lại. Chính vì vậy mà địa vị người Hoa ở Thái rất cao, nhiều người gốc Hoa từng làm thủ tướng Thái Lan như  Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Người gốc Hoa cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong Chính phủ Thái Lan.

Tại Philippin người Hoa chiếm chưa đầy 2% dân số, nhưng chiếm trên 35% kim ngạch thương mại của nước này. Thời gian qua, cũng  có người gốc Hoa làm Tổng thống Philippin như bà Tổng thống Acquino.

Tại Malaysia, người Hoa kiểm soát gần hết những huyết mạch kinh tế của nước này. Vì vậy, địa vị và quyền lợi của người Hoa rất lớn trên chính trường cũng như trong kinh doanh, giáo dục.

Tại Singapore, do người Hoa chiếm tới 80% dân số, nên họ kiểm soát tất cả các mặt của đất nước từ chính quyền nhà nước tới các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, trong điều kiện kinh tế hàng hoá chậm phát triển thì việc phát triển buôn bán là rất khó khăn. Nhưng người Hoa không chỉ đã làm được mà còn hơn thế nữa là đã làm rất tốt. Ngày nay, người Hoa tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng tập trung chủ yếu vào các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và thươg mại dịch vụ. Nhiều hãng sản xuất và kinh doanh của người Hoa đã nổi tiếng và uy tín không chỉ trong nước mà còn cả thị trường quốc tế như bánh kẹo Kinh Đô, giày dép Bitis, dầu gió Trường Sơn, bút bi Thiên Long, nhựa Đại Đồng Tiến… Người Hoa còn gần như độc quyền trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như thuộc da, thuỷ tinh, bốc thuốc bắc và đôg nam dược, các cơ khí nhỏ và công nghiệp chế biến. Từ rất sớm, những sản xuất của người Hoa đã hướng tới thị trường hàng hoá.

Người Hoa, trong lịch sử hay hiện tại đều chiếm giữ một thị phần quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà chủ yếu là các lĩnh vực như thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tín dụng, giao thông vận tải. Trong thương mại và kinh doanh khách sạn, nhà ăn thì người Hoa giữ vị trí hàng đầu. Họ luôn khát khao vươn tới thị trướng lớn và rất nhạy bén về sự thay đổi của thị trường, chính vì vậy mà họ cũng là những người đi đầu trong việc chuyển giao công nghệ, đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại vào sản xuất.

3. Những luận giải ban đầu về truyền thống hướng thị của người Hoa

Tại sao người Hoa  lại có truyền thống hướng thị mãnh liệt như vậy? Đây là một vấn đề thú vị nhưng cũng quá khó để lý giải. Để luận giải được một cách hợp lý, ta có thể đi tìm hiểu sâu về quá khứ lịch sử và căn tính của người Hoa. Quan trọng nhất trong các yếu tố tạo nên tính hướng thị mãnh liệt của người Hoa là xuất phát từ chính bản tính của họ.

Người Hoa có đức tính khéo léo, mềm dẻo, đoàn kết và nhất là giỏi buôn bán. Tổ tiên của người Hoa ở Đông Nam Á chủ yếu là những thương nhân, khi triều đình Trung Hoa thực hiện chính sách ức thương làm cho buôn bán hải ngoại bị ngưng trệ thì những thương nhân này đã di cư về phía Nam. Ví dụ nhóm người Hoa ở Viêt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư sang vào thời nhà Minh và nhà Thanh, bao gồm hai bộ phận chủ yếu là thương nhân và quan quân. Vào cuối thế kỷ 14, nhà Minh thực hiện chính sách “Hải cấm” (Haijin) không cho tàu bè xuất ngoại buôn bán, đã gây khó khăn cho cư dân sống bằng nghề buôn bán ở vùng duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến, nên họ đã di cư xuống vùng Đông Nam á để tìm nơi có thể buôn bán, trong đó có một bộ phận lớn đã vào Đàng Trong (Việt Nam). Gần một thế kỷ sau, Minh Mục Tông xoá lệnh “Hải cấm”, nhưng tàu bè muốn xuất ngoại phải có giấy phép của triều đình nên thực tế thì luồng di cư trên vẫn không ngừng tăng lên. Mặt khác, khi nhà Thanh lên thay nhà Minh trị vì Trung Quốc, một số trung thần của nhà Minh không muốn phục tùng nhà Thanh đã đứng lên chống đối, khi thất thủ đã bỏ chạy sang Đàng Trong và được chúa Nguyễn cho cư trú lại, tiêu biểu là đoàn 3000 binh lính và 50 chiến thuyền của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Một bộ phận do không chịu quy phục về mặt văn hoá của người Mãn mà chạy sang nước ta như Mạc Cửu, Trịnh Hội (ông nội của Trịnh Hoài Đức-một nhân vật tiếng tăm thời Nguyễn, tác giả cuốn Gia Định thành thông chí). Số quan quân này rất giỏi buôn bán, lại gan dạ trong việc đi khai khẩn các vùng đất mới. Hai bộ phận này làm hạt nhân cơ sở, sau này khi các thương nhân Trung Hoa sang nước ta thấy đây là vùng đất thuận lợi buôn bán, dễ hái ra tiền nên đã tìm cách định cư lại đây. Điều đó chứng tỏ người Hoa ở Việt Nam là hậu duệ của một lớp thương nhân tài ba của người Hoa từ Trung Quốc di cư sang.

Qua các thế hệ, vừa tích luỹ vừa trải nghiệm mà truyền thống thương mại của họ không ngừng phong phú thêm. Mặt khác, khi di cư vào vùng đất mới như ở nước ta đã làm cho người Hoa có điều kiện phát huy tài năng thương mại của mình vì: xứ Đàng Trong là một vùng giàu sản vật, dân cư bản địa lại không giỏi về việc buôn bán. Nguồn tài nguyên và nguồn lao động có đủ tạo nên nguồn hàng phong phú. Với nhạy cảm thương mại của người Hoa thì khi đặt chân đến đây đã nhận rõ được điều đó nên họ quyết định ở lại đây buôn bán. Cuộc sống tha hương cũng làm cho họ hiểu được chỉ có buôn bán với tính năng động của nghề nghiệp mới có thể tồn tại được. Nông nghiệp thì phải gắn bó với đất đai, còn thương nghiệp thì chỉ gắn bó với vốn, mà vốn thì luân chuyển và di chuyển đều dễ dàng nên thương nghiệp là nghề mà họ hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi.  Tóm lại, ta có thể luận giải truyền thống hướng thị của người Hoa dựa trên các cơ sở sau: Trước hết, đó là nguồn gốc xuất thân của họ là thương nhân. Họ đựoc thừa hưởng các phẩm chất của người thương nhân từ tổ tiên của họ, được các thế hệ đi trước truyền dạy, được tiếp xúc với thương mại từ bé. Cùng với bản tính khéo léo, mềm dẻo, có tài buôn bán, sinh ra và lớn lên trong môi trường thương mại nên họ trở thành các doanh nhân thành đạt với khao khát hướng thị là một tất yếu. Cuối cùng là cuộc sống tha hương làm cho họ muốn đoàn kết đẻ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình thì phải sinh sống tập trung mà đô thị là nơi dễ tập trung cao nhất.

Các xu hướng hướng thị của người Hoa trong lịch sử:Họ vừa khát khao hướng tới buôn bán, trao đổi hàng hoá lại vừa muốn vươn tới các đô thị. Hai hướng này tồn tại cùng nhau trong lịch sử của người Hoa. Vậy, từ trao đổi, buôn bán mà họ hướng tới thành thị hay là do hướng tới đô thị mà họ vươn vào cái chợ? Và từ hướng tới thị trường mà họ vào đô thị hay từ ở trong đô thị mà họ vươn ra thị trường? Xem xét lịch sử hình thành và hoạt động kinh tế của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, ta có thể thấy tất cả các giả thiết trên đều đúng, tức là các hướng đó đều tồn tại trong truyền thống hướng thị của người Hoa. Vấn đề cần tìm hiểu là xu hướng nào là phổ biến, tiêu biểu?

Cả hai xu hướng từ buôn bán vươn tới đô thị và từ đô thị vươn ra buôn bán có thể song hành với nhau. Tài năng buôn bán là cái vốn có của người Hoa. Từ cái vốn đó chắc chắn họ sẽ vươn tới buôn bán. Nhưng ở nông thôn thì kinh tế hàng hoá chem. Phát triển nên buôn bán không thể nuôi sống được họ. Chỉ có đô thị là nơi có đủ các điều kiện để họ hành nghề buôn bán và thể hiện tài năng sở trường của mình. Như vậy, từ buôn bán tới đô thị và từ đô thị ra buôn bán là hai hướng song hành. Cũng có trường hợp người buôn bán nhưng không cư trú ở đô thị và người ở đô thị nhưng không hoạt động buôn bán. Tuy nhiên cái này không điển hình. Người Hoa ở đô thị có hoạt động sản xuất nhưng họ sản xuất vừa thực hiện buôn bán, trao đổi hàng hoá.

Để sinh sống lập nghiệp ở đô thị thì người Hoa hiểu rõ phải hướng tới kinh tế thị trường (trong nền kinh tế hàng hoá phát triển mạnh) và vươn tới đô thị. Muốn vậy thì phải đầu tư kỹ thuật – công nghệ và sản xuất theo dây chuyền. Hiện nay, khi thị trường đang mở rộng, người Hoa đã có tầm nhìn xa ra thị trường quốc tế. Họ không ngừng đầu tư công nghệ sản xuất  theo chiều sau để hướng ra thị trường khu vực và trên thế giới [15].

Như vậy, khi ta xem xét ba xu hướng trong truyền thống hướng thị của người Hoa thì ba xu hướng này đều thống nhất với nhau. Người Hoa khi di cư thường chọn nơi nào có thể thực hiện đồng thời cả ba hướng bởi như vậy mới có thể vươn tới nền thương mại, vươn tới cái đích mà họ tìm kiếm. Điều này cũng lý giải tại sao người Hoa lại có thể sinh sống khắp nơi trên thế giới mà về kinh tế thì họ luôn giữ một vai trò quan trọng trên địa bàn họ cư trú, còn về văn hoá thì họ không bị đồng hóa mà còn làm phong phú thêm vốn văn hoá của dân tộc.

*****

Người Hoa ở Đông Nam Á là một cộng đồng cố kết và mang tính vọng thương vọng thị cao. Họ giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực và chi phối một phần lớn nền thương mại của các quốc gia và các khu vực.

Người Hoa có một truyền thống hướng thị, là một đặc tính tạo nên khát vọng vươn lên bằng con đường buôn bán, thương mại. Người Hoa xuất hiện ở Đông Nam Á không sớm nhưng họ lại sớm chiếm lĩnh và chi phối nền thương mại của khu vực một cách nhanh chóng. Cũng vì sự chi phối nền thương mại nên nhiều khi người Hoa bị các thế lực khác bài trừ ra khỏi lãnh thổ hoặc thuộc địa của họ. Trong lịch sử, ở một số quốc gia, khi ứng xử với truyền thống hướng thị và tài năng buôn bán của người Hoa, họ đã thực hiện chính sách bài trừ người Hoa: Trong thế kỷ 17, người Tây Ban Nha đã thực hiện ba cuộc tàn sát đẫm máu người Hoa ở Manila nhằm hạn chế vai trò của họ ở đây nhưng không được.[16] Ở nước ta, đầu thế kỷ 20 cũng có nhiều xung đột với Hoa thương [17] mà kết quả cũng không đem lại lợi ích gì. Đầu những năm 1980, việc bài trừ người Hoa, đuổi người Hoa về nước mà lịch sử gọi là “nạn kiều” đã gây nên nhiều xáo trộn và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách trầm trọng, đặc biệt là nền thương mại ở các đô thị lớn. Gần đây, khi quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trở nên căng thẳng, vấn đề người Hoa ở Đông Nam Á càng giữ vai trò quan trọng trong chính sách phát triển của các quốc gia. Nhiều quan điểm cho rằng họ là “con ngựa gỗ thành Troy” của Trung Quốc và tìm cách bài trừ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy đó không phải là một quan điểm đúng đắn.

>> Tài liệu tham khảo & Chú thích

Theo BÙI MINH HÀO / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: , , , ,