Món nợ chúng ta phải trả cho thế hệ cha anh

Hạnh phúc của chúng ta hôm nay đã phải trả bằng bao máu xương của các thế hệ đi trước, và đó chính là món nợ chúng ta phải trả để xây dựng cho được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Món nợ chúng ta phải trả cho thế hệ cha anh

Lịch sử tồn tại và phát triển của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc, quốc gia luôn gắn liền với tên tuổi của từng cá nhân hay tổ chức đã tạo dựng, thúc đẩy hay làm tiêu vong những giá trị văn hóa tiêu biểu mang dấu ấn của “nếp đất, tính người”.

Cũng chính trong quá trình hình thành và phát triển ấy, hầu như không có một dòng tộc, quốc gia nào không chú trọng đến việc truyền dạy lại cho thế hệ đi sau những giá trị truyền thống của cha ông họ. Và, một trong những phương pháp giáo dục phổ biến nhất giúp các thế hệ đi sau ý thức rõ hơn vai trò, vị trí cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của họ với tổ tiên, quê hương hay đất nước, chính là giáo dục truyền thống để phục vụ cho hiện tại và tương lai – hay như các cụ ta vẫn dạy là: Ôn cố tri tân.

Theo Từ điển Tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học thực hiện, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học phát hành năm 2004 (in lại lần thứ mười có sửa chữa), chữ ÔN được giải nghĩa là: Học lại hoặc nhắc lại để nhớ điều đã học hoặc đã trải qua; và, ÔN CỐ TRI TÂN nghĩa là: Ôn cái đã học để có được sự hiểu biết và nhận thức mới, rút kinh nghiệm lịch sử để nhận thức hiện tại (trang 755, sách đã dẫn). Thực tế đời sống xã hội hôm nay càng thêm một lần khẳng định về giá trị không gì có thể thay thế điều mà các thế hệ cha ông ta đã đúc kết, đã hành động, cũng như truyền dạy và mong mỏi con cháu cần noi theo cũng như thực hiện tốt hơn.

Có lẽ, trong suốt quá trình lao động, tranh đấu để tạo dựng và phát triển đất nước, lịch sử mỗi dân tộc thường phải chứng kiến những thời kỳ, giai đoạn mà sự mất mát và đổ vỡ của các giá trị đạo đức truyền thống đã tác động không nhỏ đến tiến trình vận động của đời sống xã hội. Sự mất mát và đổ vỡ có thể được coi là cá biệt, diễn ra ở phạm vi nhỏ hẹp, nhưng dấu ấn mà nó khắc ghi vào lịch sử lại chưa bao giờ coi là nhỏ.

Khi luân lý bị đảo lộn, khi nền móng mỗi gia đình bị lung lay và rạn vỡ bởi sự xâm lấn của những virus văn hóa được du nhập một cách ồ ạt và không giới hạn, cũng chính là khi mỗi dân tộc thêm một lần khẳng định được bản lĩnh của mình trong quá trình tìm về những giá trị cao quý đã trường tồn cùng lịch sử của họ. Trong mỗi gia đình, khi con cháu biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng chính là khi ông bà, cha mẹ luôn dạy bảo cho con cháu biết và hiểu về những gì mà các thế hệ đi trước đã hy sinh, phấn đấu để gây dựng, vun đắp cho gia đình, dòng tộc ấy. Quê hương với con đò, bến nước, với câu ca thấm đẫm tình người, sao lại không thể làm ấm hơn lòng con cháu mỗi khi chúng được hạnh phúc tìm về? Sau những ồn ào, bụi bặm của đời sống bươn chải kiếm sống, có lẽ nào cháu con không xúc động trong mát dịu bóng làng cùng lồng lộng triền đê ngập gió. Quê hương dù vẫn còn nghèo, nhưng liệu thiếu quê hương, đời có còn ý nghĩa?

Cơ chế thị trường có thể làm biến dạng đôi ba quan hệ của dòng tộc, nhưng đừng coi chuyện các dòng tộc đang gắng sức quy tụ, mở lối đưa con cháu họ vượt lên mong làm rạng danh tiên tổ, là việc làm mang nặng tính cá nhân. Bởi, nếu dù ai đã sống làm người, khi họ đã không ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình , dòng tộc, liệu họ lại có nổi dù chỉ một chút trách nhiệm với quê hương, đất nước? Dạy cho cháu con biết hiếu, đễ phải chăng cũng chính là hướng cho con cháu phải biết sống và đề cao các giá trị lịch sử tốt đẹp. Khi mà ngay từ mỗi gia đình, cha mẹ không chỉ được cho con cháu cái nền tảng cần có của đạo làm người, thì mong gì chúng ra ngoài đời được thiên hạ coi là một người tử tế?

Gia đình dù là nền tảng đầu tiên của xã hội, nhưng gia đình cũng khó chống đỡ nổi những tác động tiêu cực của đời sống xã hội. Chính ở đây, vai trò của nhà trường và của các tổ chức chính trị xã hội lại vô cùng quan trọng.

Những bài học đầu tiên về phép ứng xử tưởng như đơn giản của một lời chào, lời cảm ơn đang thưa dần trên miệng nhiều con trẻ. Các cháu không có lỗi, bởi ai dạy con trẻ nếu không phải là từ gia đình và các thầy cô giáo? Khi những bài học đầu tiên về luân lý ấy bị coi quá nhẹ, thì chuyện con em chúng ta sẵn sàng văng ra đủ thứ các loại ngôn từ, xem ra cũng là điều dễ hiểu. Những bài học của môn đạo đức, hay môn giáo dục công dân, đôi khi không được coi trọng đúng mức, khiến các em cũng học đến nhẹ tênh; nên, những tác động của hiện thực đời sống, dễ làm các em bị pha loãng đến độ tan chảy, cũng là điều khó tránh.

Hôm nay, nếu đến bất kỳ một trường học phổ thông nào, không ai không vui mừng khi mà danh sách học sinh giỏi của các trường ấy mỗi năm dường như mỗi dài thêm. Chúng ta đang quá hạnh phúc khi mà con em mình đang ngày một giỏi giang hơn rất nhiều các thế hệ đi trước. Các em bây giờ biết rất nhiều thứ mà ngày xưa cha mẹ có mơ cũng không thấy. Chỉ có điều tại sao số lượng bạn trẻ không mấy quan tâm đến người khác và số lượng bạn trẻ ít biết về những giá trị cao đẹp của truyền thống dân tộc, lại ngày càng tăng lên !

Mỗi một kỳ thi vào cao đẳng, đại học qua đi, lại thêm một lần khiến những ai luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người buồn đến nao lòng. Số lượng con em chúng ta sai sót về chữ nghĩa, thiếu hụt về kiến thức cơ bản và đau hơn là ít biết về truyền thống lịch sử dân tộc, lại ngày mỗi nhiều hơn? Và, những môn học thuộc chuyên ngành khoa học xã hội, đang ngày một ít học sinh đam mê theo đuổi.

Khi những hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục truyền thống được tổ chức, cũng là thêm những lần các chủ nhân tương lai của đất nước có thêm điều kiện biết về những giá trị nhân văn cao đẹp mà cha ông ta đã nâng niu, gìn giữ. Những thành quả thu được ấy thật sự là việc làm đáng trân trọng; chỉ có điều, những hoạt động ấy nếu bớt đi tính quảng bá, phô trương, chắc chắn phương pháp giáo dục truyền thống ấy sẽ còn đạt hiệu quả cao hơn.

Như đã nói, lịch sử thăng trầm của mỗi vùng đất, dòng tộc, quốc gia luôn gắn liền với tên tuổi của từng cá nhân hay tổ chức đã tạo lập và đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của nó. Chính vì thế, những lễ kỷ niệm ngày mở đất, ngày chiến thắng kẻ thù xâm lược, đặc biệt là kỷ niệm ngày Quốc khánh của mỗi quốc gia, dân tộc, luôn được người dân của đất nước ấy đón chờ trong niềm vui mừng và tự hào. Ở tất cả các lễ kỷ niệm ấy, người dân không chỉ vui sướng khi được sống trong không khí của những ngày lễ hội lớn, cho họ có thêm một lần được nói với con cháu về những gì mình đã từng trải nghiệm; mà chính trong dịp kỷ niệm quan trọng này, những bài học sâu sắc đem đến thắng lợi cho cuộc cách mạng, đã trở thành ý chí và quyết tâm thay đổi chính cuộc sống hiện tại.

Kỷ niệm ngày Quốc khánh luôn có tác dụng khơi dậy niềm tự hào của người dân về chiến công hiển hách của cha ông, ôn lại những bài học sâu sắc rút ra từ thành công của cuộc tranh đấu vĩ đại ấy, do đó luôn tạo thành động lực để mọi người phấn đấu sống cho xứng đáng với cha anh ngày trước.

Đối với mỗi người dân Việt Nam hôm nay, bài học của cuộc Cách mạng Tháng Tám mà thành quả là một Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc ra đời, sẽ luôn là ngày kỷ niệm đáng nhớ của mỗi người. Đây không chỉ là dịp để chúng ta thêm một lần được ôn lại những kỷ niệm hào hùng và tự hào, mà còn chính là cơ hội để chúng ta cũng thêm một lần biết mình phải làm gì hôm nay để không hổ thẹn với máu xương mà các thế hệ cha anh đã đổ cho tên gọi Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hôm qua (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Vì thế, kỷ niệm ngày Quốc khánh cũng chính là dịp chúng ta thêm một lần ôn cố tri tân.

Khi ngày Tết Độc lập hôm nay đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lịch sử không thể thiếu của mỗi người dân Việt, của cả những bạn bè khắp nơi trên thế giới đã từng yêu mến đất nước này; cũng chính là khi chúng ta hiểu rằng: Hạnh phúc của chúng ta hôm nay đã phải trả bằng bao máu xương của các thế hệ đi trước, và đó chính là món nợ chúng ta phải trả để xây dựng cho được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo HÀ NỘI MỚI

Tags: , , ,